Anh thợ hồ co giật, mê sảng trên đường tránh dịch từ Bình Dương về nhà

0
160

Trên đường tránh dịch từ Bình Dương về nhà, anh thợ hồ tại Đắk Nông bất ngờ ngã gục, lên cơn co giật gần chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 Bình Phước.

Hỗ trợ, cấp cứu kịp thời người đàn ông lên cơn co giật, mê sảng trên đường tránh dịch từ Bình Dương về nhà. ẢNH: HOÀNG GIÁP

Khoảng 12 giờ 50 phút ngày 31.7, trong dòng người hối hả trên đường tránh dịch từ các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh Tây nguyên, khi đến chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bình Phước, anh Hà Văn Em (33 tuổi, Đắk Nông) đến nhận cơm, nước miễn phí để ăn, chờ lực lượng CSGT dẫn đường, hộ tống qua địa phương này.

Lực lượng y tế, công an và đoàn viên đã nhanh chóng hỗ trợ người đàn ông này khi có dấu hiệu mất kiểm soát. ẢNH: HOÀNG GIÁP

Trong khi vừa nhận phần cơm xong, anh Em bất ngờ ngã gục xuống đất lên cơn co giật, mê sảng. Các chiến sĩ công an, đoàn viên và y tế đã nhanh chóng hỗ trợ, sơ cứu ban đầu, sau đó đưa lên một xe cấp cứu đến bệnh viện kịp thời nên đã không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Sau khi được thăm khám, ăn uống đầy đủ, anh Em đã trở lại chốt kiểm soát và được xe của lực lượng hỗ trợ chở về đến tỉnh Đắk Nông vào chiều cùng ngày.

Chiếc xe của người đàn ông sau đó được đưa lên xe cứu hộ. ẢNH: HOÀNG GIÁP

Anh Em cho biết mình đã có gia đình, 3 đứa con. Do cuộc sống khó khăn nên anh lên Bình Dương làm nghề thợ xây. Nhưng mới làm được mấy tháng thì gặp dịch bệnh.

Do làm tư nhân nên cũng chẳng có chế độ gì, không có việc làm, bao nhiêu tiền tích góp cũng dần hết nên buộc phải quay trở về nhà. Còn mấy trăm ngàn cũng đã làm xét nghiệm Covid-19 nên chỉ còn ít tiền đổ xăng. Đi từ sáng, chưa ăn uống gì, có thể do mệt, đói và nắng nóng nên đã khiến mình bị ngã gục.

“Mới cách ly ở dưới kia 1 tháng không có việc làm nên về. Đi đường cũng thiếu thốn tiền bạc, thấy người dân phát miễn phí thì em xin, đi về thì em bị xỉu đi”, anh Em chia sẻ.

Trên đường tránh dịch, anh Em nhận thêm phần quà nhu yếu phẩm, nước uống trước khi được các lực lượng ở Bình Phước hỗ trợ đưa lên xe, người về đến tỉnh Đắk Nông. ẢNH: H.G

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/anh-tho-ho-co-giat-me-sang-tren-duong-tranh-dich-tu-binh-duong-ve-nha-1423315.html

Bộ Y tế: SARS-CoV-2 lây qua đường không khí

Đây là điểm mới trong phiên bản 6 cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành ngày 14/7.

Bổ sung thêm biểu hiện lâm sàng

Theo Bộ Y tế, hiện SARS-CoV-2 đang biến đổi liên tục tạo ra nhiều biến thể khác nhau làm tăng khả năng lây lan và khó kiểm soát hơn.

Thời gian ủ bệnh vẫn 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày với triệu chứng hay gặp nhất là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ.

Tuy nhiên, trong phiên bản lần 6, Bộ Y tế cập nhật thêm một số triệu chứng lâm sàng bao gồm: Đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Theo Bộ Y tế, khoảng hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Thậm chí, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng khoảng 5-8 ngày (phác đồ cũ từ 7-8 ngày).

Các biểu hiện nặng bao gồm: Viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện… Trong đó, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có suy hô hấp, bệnh nhân sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.

Trong phác đồ mới, Bộ Y tế vẫn phân loại bệnh nhân Covid-19 thành 5 mức độ. Ảnh: Duy Hiệu.

Có thể xuất viện sau 10 ngày, không quan tâm tái dương tính

Trong phác đồ mới, Bộ Y tế vẫn phân loại bệnh nhân Covid-19 thành 5 mức độ: Không triệu chứng, mức độ nhẹ với biểu hiện viêm đường hô hấp trên cấp tính; mức độ vừa với biểu hiện viêm phổi; mức độ nặng khi viêm phổi nặng và mức độ nguy kịch.

Tuy nhiên, Bộ Y tế bổ sung chi tiết hơn về nhịp thở và nồng độ oxy trong máu khi phân loại mức độ nhẹ và vừa. Xếp vào mức nhẹ khi có nhịp thở =< 20 lần/phút và có nồng độ oxy trong máu SpO2 >= 96% khi thở khí trời; Trường hợp vừa khi nhịp thở >20 lần/phút kèm ho, khó thở.

Trong nguyên tắc điều trị chung, Bộ Y tế thống nhất tất cả F0 có kết quả dương tính hoặc không có triệu chứng điều trị tại các buồng bệnh thông thường. Ca bệnh nặng, nguy kịch cần điều trị tại buồng hồi sức tích cực.

Bộ Y tế cũng lưu ý phát hiện và xử trí sớm các biểu hiện thần kinh và tâm thần ở bệnh nhân Covid-19.

Điểm đáng lưu ý trong phác đồ mới, Bộ Y tế chia tiêu chuẩn xuất viện thành 3 mức, thời gian điều trị ngắn nhất là 10 ngày.

Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 nếu thoả mãn 2 điều kiện:

Thứ nhất, không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm.

Thứ hai, có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) bằng phương pháp real-time RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30). Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.

Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng sẽ được xuất viện ở ngày thứ 14 hoặc lâu hơn tuỳ theo tình trạng bệnh cho đến khi đáp ứng đủ 2 điều kiện như nhóm 10 ngày.

Bộ Y tế cũng thay đổi cách theo dõi sau khi xuất viện. Theo phác đồ mới, sau khi về nhà, bệnh nhân tự theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu cao hơn 38 độ trong 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào cần báo ngay cho cơ sở y tế để khăm khám và điều trị kịp thời.

Trong phác đồ lần 5 trước đây, Bộ Y tế đưa ra quy chuẩn xuất viện chung với mọi bệnh nhân khi điều trị ít nhất 14 ngày, có 2 lần xét nghiệm âm tính, mỗi lần cách nhau 48-72 giờ. Thời gian lấy mẫu lần cuối cùng cách thời điểm ra viện không quá 24 giờ.

Cũng trong phác đồ lần 5, Bộ Y tế yêu cầu khi về nhà, bệnh nhân tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Riêng bệnh nhân tái dương tính tiếp tục cách ly tại nhà thêm 1 tuần (tổng là 21 ngày) và lấy mẫu xét nghiệm lần 3 tại ngày thứ 21.

Tuy nhiên, trong phác đồ mới, việc lấy mẫu xét nghiệm sau khi về nhà là không cần thiết. Qua theo dõi hơn 400 trường hợp tái dương tính không lây ra cộng đồng nên Bộ Y tế cho rằng không cần cách ly như trước đây.

Theo Zing News

Nguồn: https://zingnews.vn/bo-y-te-sars-cov-2-lay-qua-duong-khong-khi-post1238831.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here