Nữ điều dưỡng bệnh viện điều trị Covid-19 nhiễm bệnh: Phong tỏa 30 hộ dân

0
200

Sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 là nữ điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, bệnh viện điều trị Covid-19 của tỉnh Thanh Hóa, chính quyền địa phương đã tạm thời phong tỏa 30 hộ dân xung quanh gia đình bệnh nhân.

Lực lượng y tế Thanh Hóa đang ngày đêm lấy mẫu, sàng lọc vùng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. ẢNH CDC THANH HÓA CUNG CẤP

Sáng 28.8, ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cho biết chính quyền địa phương cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.Hoằng Hóa đã tiến hành khoanh vùng, truy vết nhanh đối với ca nhiễm Covid-19 vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa (CDC Thanh Hóa) thông báo sáng cùng ngày.

Bệnh nhân là nữ (37 tuổi, ngụ thôn 1, xã Hoằng Thái, H.Hoằng Hóa), đang làm điều dưỡng tại Khoa ngoại 1, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa. Bệnh viện Phổi Thanh Hóa hiện là bệnh viện điều trị Covid-19 của tỉnh Thanh Hóa, quy mô 200 giường bệnh và sẵn sàng nâng lên 500 giường bệnh.

Theo kết quả truy vết ban đầu từ khai báo của bệnh nhân, từ ngày 21 – 27.8, bệnh nhân đến Bệnh viện Phổi Thanh Hóa làm việc rồi trở về nhà như bình thường. Trong khoảng thời gian trên, bệnh nhân nhiều lần ra ngoài đi chợ mua hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn các xã Hoằng Thái, Hoằng Đồng (H.Hoằng Hóa) và xã Hoằng Quang (TP.Thanh Hóa).

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. CDC THANH HÓA

Để phòng dịch bệnh lây lan, sáng 28.8, UBND H.Hoằng Hóa đã quyết định phong tỏa tạm thời 30 hộ dân sống xung quanh gia đình nữ bệnh nhân.

Trước đó, chiều 27.8, Sở Y tế Thanh Hóa đã thông báo cho các cơ sở y tế và người dân trên địa bàn tỉnh, bắt đầu từ 16 giờ ngày 27.8, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa dừng tiếp nhận khám và điều trị các bệnh nhân không thuộc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Động thái trên cho thấy ngành chức năng ở Thanh Hóa đang nâng cấp mức phòng, chống dịch bệnh, tránh lây nhiễm chéo và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung điều trị bệnh nhân nhiễm, hoặc nghi Covid-19 ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sáng 28.8, CDC Thanh Hóa đã công bố ghi nhận thêm 14 ca (chưa tính ca nhiễm tại xã Hoằng Thái) nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại H.Nông Cống. Trong đó, 12 ca ngụ tại tiểu khu Nam Tiến (TT.Nông Cống), 1 ca tại xã Hoàng Giang, ca còn lại tại xã Tế Lợi.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/nu-dieu-duong-benh-vien-dieu-tri-covid-19-nhiem-benh-phong-toa-tam-thoi-30-ho-dan-1441122.html

BS Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Những loại thuốc được dùng và tuyệt đối không được dùng sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, loại thuốc được dùng và tuyệt đối không được dùng là gì? Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Đơn vị Tiêm ngừa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tư vấn chi tiết.

Các loại thuốc có thể dùng sau tiêm

Bác sĩ Minh cho biết, sau tiêm vắc xin Covid-19, người được tiêm chủng có thể có những triệu chứng thường gặp như: sốt trên 38,5 độ C, đau đầu, nhức mỏi cơ toàn thân hoặc tại chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ, cánh tay được tiêm vắc xin bị đau nhức thì có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt.

Cụ thể, có thể dùng Acetaminophen 500mg x 3 lần (uống)/ngày. Tên gọi thông thường có thể là một trong các biệt dược sau: Paracetamol, Panadol, Efferalgan, Tylenol, Hapacol…

“Thuốc sử dụng an toàn để giảm các triệu chứng khó chịu thông thường như trên sau tiêm vắc xin Covid-19 với cả phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mang thai. Người có suy chức năng gan và thận nặng cần được tư vấn của bác sĩ khi uống Acetaminophen”, bác sĩ Minh lưu ý.

Người cao tuổi được nhân viên y tế tư vấn trước khi tiêm

Trường hợp người được tiêm chủng không giảm sưng đau tại chỗ tiêm và nhức mỏi người sau 2 – 3 ngày dùng thuốc Acetaminophen hoặc những người từng có tiền sử phản ứng quá mẫn với Acetaminophen hoặc có bệnh lý thiếu hụt men Glucose-6- phosphat dehydrogenase (G6PD), thuốc sử dụng thay thế Acetaminophen là Ibuprofen 400mg x 3 lần (uống)/ ngày.

“Không nên sử dụng Ibuprofen sau tiêm vắc xin Covid-19 ở những người được tiêm chủng là phụ nữ đang mang thai. Bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý tim mạch mạn tính, rối loạn đông cầm máu, loét dạ dày tá tràng, cần được tư vấn của bác sĩ khi uống Ibuprofen”, bác sĩ Minh cho biết.

Một số người có triệu chứng dị ứng ở da như: ngứa, nổi mẩn, phát ban sau tiêm vắc xin Covid-19, sau khi loại trừ các dấu hiệu nghi ngờ phản ứng phản vệ nặng, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc uống nhóm anti-histamin. Người được tiêm chủng cần tiếp tục tự theo dõi sức khỏe để báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất nếu có các triệu chứng trở nặng khác kèm theo.

Ngoài ra, để giảm các triệu chứng mệt mỏi, uể oải, chán ăn sau tiêm vắc xin, bạn có thể uống bổ sung thêm các viên sủi chứa vitamin và điện giải như: Upsa C 1g, Berocca, Re-Energize uống 1 viên mỗi ngày sau ăn sáng hoặc sau ăn trưa.

Các loại thuốc không dùng sau tiêm vắc xin

Bác sĩ Minh khuyến cáo, sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19 có thể gặp phải những phản ứng thông thường sau tiêm như sưng đau tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý tuyệt đối không dùng các loại thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ không rõ loại để bôi đắp lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm.

Nếu người được tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang dùng toa thuốc điều trị các bệnh lý mãn tính: bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc hay thay đổi thuốc vì có thể làm thay đổi tình trạng ổn định của bệnh. Bác sĩ sẽ xem xét toa thuốc để điều chỉnh phù hợp cho từng bệnh nhân.

Với lịch tiêm một số loại vắc xin khác: nên giữ khoảng cách ít nhất 28 ngày giữa vắc xin Covid-19 và các vắc xin cần thiết khác. Vì hiện nay chưa có đầy đủ nghiên cứu về việc phối hợp vắc xin Covid-19 và các vắc xin khác, do vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: nếu không thể thay đổi lịch tiêm thì nên tiêm vắc xin ở một vị trí khác vị trí đã tiêm vắc xin Covid-19 (cánh tay khác hoặc đùi).

Bác sĩ Minh lưu ý thêm: “Không dùng thuốc hóa trị hay xạ trị, thuốc ức chế miễn dịch trong 14 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19 vì có thể làm giảm hiệu lực của vắc xin. Đồng thời, các Uỷ ban về tiêm chủng trên thế giới và WHO cũng đang xem xét về việc khuyến cáo những nhóm người có tình trạng suy giảm miễn dịch có thể tiêm thêm mũi thứ 3 của vắc xin Covid-19 để tăng cường hiệu lực bảo vệ”.

Theo Tổ quốc

Nguồn: http://toquoc.vn/bs-benh-vien-dai-hoc-y-duoc-tp-hcm-nhung-loai-thuoc-duoc-dung-va-tuyet-doi-khong-duoc-dung-sau-khi-tiem-vac-xin-covid-19-82021118122110470.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here