Chờ đợi 6 năm mới có thai, vừa được 5 tuần thì mắc Covid-19: Cả nhà 14 người lần lượt dương tính

0
150

Hoang mang khi biết mình mắc Covid-19, nhưng người mẹ ấy vẫn luôn mạnh mẽ, giữ tinh thần lạc quan để cùng con vượt khó.

Đó là câu chuyện của chị N.A. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM). Giống như bao người phụ nữ khác, chị A. khao khát được làm mẹ. Nhưng không may, chị lại là một người phụ nữ hiếm muộn, từng phải trải qua nhiều cảm giác từ mong con, mất con, hy vọng rồi tuyệt vọng. 

Hành trình tìm con của chị A. kéo dài suốt 6 năm, cậy nhờ đủ các biện pháp hỗ trợ sinh sản, từ canh trứng, IUI (thụ tinh nhân tạo) đến IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), trên 2 lần chị đã phải đối diện với sự thất bại, đau đớn. Sức khỏe của chị bị bào mòn, cả tinh thần lẫn thể xác bị vắt kiệt. 

“Lần đầu chuyển phôi, mình thất bại. Sau vài tháng, mình quay lại chuẩn bị chuyển phôi lần 2 nhưng do stress quá nên gặp nhiều vấn đề khác như axit dạ dày, trào ngược thực quản, rối loạn kinh nguyệt… Bác sĩ liên tục nhắc mình cần thả lỏng tinh thần, không được stress thì mới có cơ hội thụ thai” – chị A. kể. 

14 ngày sau khi được chuyển phôi lần 2, vợ chồng chị A. nuôi hy vọng rất lớn. Lần này, chị được chuyển 2 phôi nhưng kết quả vẫn là cái duyên của con chưa tới được với gia đình. Cả nhà đều buồn bã, lần đầu chị A. thấy chồng khóc như một đứa trẻ. 

Sau 6 năm chờ đợi, chị A. cũng có được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy que thử hiện lên 2 vạch.

Không bỏ cuộc, chị A. cùng chồng nghỉ ngơi 1 thời gian. Hai vợ chồng uống thuốc, tẩm bổ, vực lại tinh thần để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo. Và điều kỳ diệu không ngờ đã xảy đến khi chị A. bỗng thấy cơ thể khác thường, hay chóng mặt, choáng váng, đau ngực. Người mẹ mong con vội vàng mua que thử, rồi sững người, không tin vào mắt mình khi thấy chiếc que hiện lên 2 vạch đỏ chót. Chị đã mang thai hoàn toàn tự nhiên, sau 6 năm đằng đẵng chờ đợi. 

Nhưng cuộc đời nhiều trớ trêu, niềm vui đến với chị A. chẳng được bao lâu thì chỉ vài ngày sau đó, gia đình chị phát hiện có người mắc Covid-19. Chuyện gì đến cũng phải đến, 14 thành viên trong gia đình chị lần lượt dương tính, không loại trừ cả bà bầu mới mang thai 5 tuần tuổi. 

Ban đầu chị A. chỉ gặp những triệu chứng sốt, ho, đau nhức thường thấy, sau đó tăng dần lên kèm theo cảm giác khó thở, oxy trong máu tụt giảm. Đã có lúc chị A. ngưng thở trong đêm, dù chỉ là vài giây nhưng cũng khiến mẹ bầu vô cùng lo lắng. 

Nhưng nghĩ đến con, chị không còn cách nào khác là phải cố gắng. Người mẹ trẻ tập cho bản thân suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn mỗi ngày. Chị thấy mình vẫn may mắn khi các triệu chứng đều ở mức trung bình chứ không quá nặng. Sau khi ngồi tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, hiện tượng ngưng thở của chị cũng không còn nữa. 

Lần đầu nhìn thấy hình hài của con hiện lên trên màn hình, chị A. vừa vui, vừa hạnh phúc lại vừa lạ lẫm, hoang mang.

“Bác sĩ nói trường hợp của chị mình là đặc biệt, vì thai còn quá nhỏ nên không thể sử dụng thuốc như người bình thường. Mình chỉ được uống panadol khi sốt, prospan (siro ho cho trẻ em) và súc họng bằng nước muối mà thôi. 

Thuốc mà mọi người trong nhà uống đều có nguy cơ làm mình sảy thai hoặc dị tật thai nhi khi sử dụng lâu dài. Mình chỉ có thể cố gắng tự tập thở cho phổi hồi phục chứ không còn cách nào khác” – chị A. nhớ lại những ngày là bệnh nhân F0. 

Rồi những nỗ lực của mẹ bầu đã được đền đáp khi sau 2 tuần điều trị, chị nhận được kết quả âm tính. Không giống nhiều mẹ bầu khác khi biết mình đậu thai là có thể đi khám ngay. Chị A. phải cách ly tại nhà thêm 3 tuần rồi mới dám đến phòng khám siêu âm. Khi đó, em bé trong bụng chị đã được 10 tuần 6 ngày tuổi. 

Khoảnh khắc nhìn thấy hình hài của con hiện lên màn hình sau bao ngày mong ngóng, chị A. vừa vui, vừa hạnh phúc khôn xiết lại có chút lạ lẫm, hoang mang. Chị có thai thật rồi, cuối cùng thì con cũng đến, đó còn là một em bé kiên cường, mạnh mẽ khi cùng mẹ chiến đấu, chiến thắng Covid-19. 

Theo Pháp luật & bạn đọc

Không còn ba mẹ trên đời

Ba mẹ chia tay, rồi mẹ mất vì ung thư máu hơn chục năm trước, nay ba của em Lê Hoàng Hóa (15 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng qua đời đột ngột vì Covid-19. Trước cú sốc vì cảnh mồ côi, Hóa không thể ăn uống, em đã sụt 5 kg trước năm học mới.

Đến giờ, vì kẹt ở Cần Thơ nên Hóa chỉ có thể nhờ em trai cùng cha khác mẹ thắp nhang giúp cho ba /// VŨ PHƯỢNG

Đến giờ, vì kẹt ở Cần Thơ nên Hóa chỉ có thể nhờ em trai cùng cha khác mẹ thắp nhang giúp cho ba

VŨ PHƯỢNG

Biết em Lê Hoàng Hóa (học sinh lớp 9 Trường THCS Cửu Long, Q.Bình Thạnh) là cậu bé sống tình cảm, nên khi ông Lê Hoàng Đơn (41 tuổi, ba em) mất vì Covid-19, cả nhà đều giấu. Cô Tư và mẹ kế của em nuốt nước mắt, chờ tới ngày nhận tro cốt mới báo tin cho Hóa. Thiếu tình yêu thương của mẹ ruột từ nhỏ, nay thêm ba mất, Hóa không chịu nổi cú sốc. Dù đang kẹt ở Cần Thơ với họ hàng sau kỳ nghỉ hè, em cũng bỏ ăn nhiều ngày, sụt 5 kg khiến cả nhà lo lắng.

Ba em lúc sống khổ lắm

Nói chuyện với PV qua điện thoại, em Hóa vẫn nghẹn đắng cổ họng, tiếng được tiếng mất. Ba mất đã hơn 1 tháng, nhưng em vẫn chưa nguôi được nỗi đau trong lòng, lúc nào cũng len lén khóc một mình. Em kể, cuối tháng 5, em và anh trai (17 tuổi) được ba và cô Lê Thị Kim Sa (35 tuổi, cô Tư của Hóa) đưa về Bến Tre ở với ông bà nội tránh dịch Covid-19. Nhưng vì cuộc sống ông bà khó khăn nên chú ruột ở Cần Thơ đón em về chăm sóc, chờ ngày tựu trường thì đưa em lên TP.HCM đi học. Ở TP.HCM, ba của Hóa vẫn miệt mài trên những chuyến xe, ăn ngủ trên cabin chật chội của chiếc container. Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư vừa ập đến, ba Hóa đã không về nhà để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.

Em Hóa (bìa trái) suy sụp khi nghe tin ba mất vì Covid-19

“Em thấy dịch Covid-19 nguy hiểm nên gọi nhắc thôi ba về đi, mà ba không về. Đến ngày ba nhiễm bệnh, em gọi hỏi thăm ba đều nói khỏe, ba không sao. Ba dặn em ở yên trong nhà, ra đường thì phải đeo khẩu trang. Sáng 10.8 em còn nhận được điện thoại ba dặn lo học hành, xong sau đó thì em gọi ba không được nữa”, Hóa tâm sự. Đinh ninh là điện thoại ba hết pin nhưng lòng như lửa đốt, Hóa gọi điện thoại cho cô Tư hỏi sức khỏe ba. Cô Tư một mực kêu không sao, nhà không có chuyện gì hết. Đến ngày 19.8, nhận được tro cốt ba, cô Tư mới gọi báo tin buồn cho em. Ngay chiều hôm ấy, em Hóa suy sụp. Dù có cố gắng kìm chế thế nào, nước mắt vẫn cứ chảy dài.

Giờ em chỉ muốn sớm được quay lại TP.HCM, thắp nhang cho ba và nói với ba là con thương ba lắm. Bao lâu nay em thương nhưng không nói ra, giờ em thấy tiếc nuối lắm.

Em Lê Hoàng Hóa

“Từ năm em 3 tuổi là mẹ mất rồi nên ba cưng chiều em và anh hai lắm. Ba không bao giờ la mắng một câu. Có lần ba cho em đi theo xe, em thấy ba chạy cả ngày đêm, phải uống nước ngọt, sữa để tỉnh táo, bốc vác hàng hóa nặng. Ba em làm cực lắm để lo cho mấy anh em ăn học. Không còn mẹ, giờ em cũng không còn ba nữa…”, Hóa bỏ lửng câu nói, nấc nghẹn ở đầu dây bên kia.

Chị Lê Thị Kim Sa cho biết ở Cần Thơ, em của chị thấy Hóa suy sụp, không chịu ăn uống nên gọi điện nói chị điện thoại về khuyên răn giúp. Nghe lời cô Tư, Hóa mới chịu ăn cho qua bữa. Tròn 1 tháng ba mất vì Covid-19, Hóa sụt tới 5 kg, khiến cả nhà càng thêm đau lòng. Hóa chia sẻ: “Giờ em chỉ muốn sớm được quay lại TP.HCM, thắp nhang cho ba và nói với ba là con thương ba lắm. Bao lâu nay em thương nhưng không nói ra, giờ em thấy tiếc nuối lắm”.

Em Lê Hoàng Minh (10 tuổi) xúc động khi nhắc về ba

Người trụ cột ra đi

Ông Đơn đi thêm bước nữa với bà Nguyễn Thị Ánh Nguyên (42 tuổi) và có cậu con trai năm nay lên lớp 5. Vợ chồng bà Nguyên thuê nhà trọ ở cùng với mẹ con cô Tư tiết kiệm chi phí. Để bù đắp tình cảm cho các con chồng, bà Nguyên thương yêu, chăm sóc Hóa và anh trai như con ruột. Bà Nguyên cho hay ngày chồng báo tin bị nhiễm Covid-19 và phải thuê nhà trọ ở Q.7 cách ly, bà và em gái đứng ngồi không yên. Bao nhiêu nỗi lo cứ vậy ập đến trong đầu, không biết ai lo cơm nước, vệ sinh trong những ngày chồng nằm một chỗ. “Đầu tháng 8, anh điện về nói anh khó thở, mua cho anh bình ô xy. Tôi lục khắp các trang mạng, tìm mua được bình giao đến tận nơi. Anh cầm cự được mấy ngày, sau đó được cô chủ trọ đưa đi viện ngày 10.8, vừa tới cổng bệnh viện thì anh mất”, em gái ông Đơn thuật lại.

Bà Nguyên giọng run rẩy nói chồng là trụ cột gia đình, một tay chồng bà lo mọi khoản sinh hoạt, chi tiêu trong nhà, nuôi các con ăn học, lo cho ba mẹ già, bà chỉ làm vài việc vặt, lo chăm sóc, đưa rước các con. Giờ chồng ra đi, em thì thất nghiệp vì Covid-19, những ngày tháng tới, hai chị em với những đứa con nít trong nhà không biết phải bám trụ vào đâu.

Bà Nguyên lo lắng khi người trụ cột gia đình đột ngột ra đi

Con hẻm vào nhà em Hóa ở số 66 Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhà san sát nhau, những sợi dây giăng hai màu đỏ, trắng, tấm bảng “Nhà có F0” vẫn dán khắp nơi. Em Lê Hoàng Minh (10 tuổi, con trai út của ông Đơn) ngồi ở tấm nệm đặt trước bàn thờ ba, đôi mắt thất thần nhìn ra ngoài đường. Canh nhang trên bàn thờ vừa cháy gần hết, Minh lại đến đốt thêm một nén nữa “để ba được ấm”, cậu bé giải thích. Nghe con nói, bà Nguyên và cô Tư ngồi sát bên lại đưa tay lên quệt nước mắt. Em Minh bộc bạch: “Ngày trước ba hay đi làm đến chủ nhật về mua đồ ăn, đồ chơi cho em, lúc rảnh ba đưa đi học thêm. Em nhớ ba lắm, giờ qua mấy cái chủ nhật rồi nhưng em không còn ba nữa”. Nói xong, Minh tu tu khóc vì nhớ.

Chị Sa cũng chia sẻ điều chị lo lắng nhất lúc này là tương lai của những đứa trẻ trong nhà khi người trụ cột đã ra đi. Con trai đầu của ông Đơn bị bệnh thần kinh, nhiều lần lên cơn giật chết đi sống lại nên nghỉ học từ sớm; Hóa học rất giỏi, nổi bật trong các hoạt động ở trường và cuối cùng là Minh, cậu bé chỉ vừa bước vào lớp 5, còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất ba.

“Covid-19 thật nghiệt ngã, cuộc sống của gia đình vẫn đang ngày qua ngày nhưng đau đớn lắm. Giờ chị em tôi chỉ mong sớm tìm được việc làm, gồng gánh lo cho mấy đứa nhỏ ăn học tới nơi tới chốn theo nguyện vọng của ảnh”, chị Sa bày tỏ.

Theo Thanh niên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here