Chủ khách sạn, nhà nghỉ không được giữ CCCD của khách

0
278

Trong các giao dịch dân sự như xin việc làm, thuê phòng trọ khách sạn lưu trú qua đêm thì chủ cơ sở không có quyền giữ CCCD mà chỉ được phép yêu cầu công dân xuất trình thẻ CCCD để kiểm tra thông tin.

Nhiều người dân cho biết từ trước đến nay khi đến khách sạn, nhà nghỉ hay phòng trọ thường phải đưa chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD) cho chủ cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, CCCD hiện nay đã tích hợp đầy đủ thông tin thì việc đưa CCCD cho người khác lưu giữ có hợp lý?.

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp của người dân liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin của CCCD được đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an trả lời:

. Cơ quan nào có quyền yêu cầu xuất trình và giữ CCCD của người dân?

Theo quy định của Luật CCCD, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ CCCD để kiểm tra về căn cước và các thông tin của công dân.

Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ CCCD.

Chủ khách sạn, nhà nghỉ không được giữ CCCD của khách ảnh 1

CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: HUỲNH THƠ

. Trong giao dịch dân sự như xin việc làm, thuê phòng trọ khách sạn lưu trú qua đêm thì chủ cơ sở có quyền giữ CCCD giống như giữ CMND trước đây không?

Trong các giao dịch dân sự như xin việc làm, thuê phòng trọ khách sạn lưu trú qua đêm thì chủ cơ sở có không có quyền giữ CCCD mà chỉ được phép yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của công dân. Quy định của pháp luật về giữ CMND trước đây cũng như vậy, chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được phép giữ thẻ CCCD hay CMND của công dân.

. Nếu trong quá trình kiểm tra (như quản lý khách sạn) họ dùng thiết bị công nghệ để quét, sao chép và làm giả CCCD của người dân và đánh cắp thông tin cá nhân thì sao? (Giống như trước đây đã từng xảy ra chuyện sao chép thẻ ATM).

Công nghệ triển khai trên thẻ CCCD tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật của thế giới và của Việt Nam đảm bảo thẻ không thể bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ nếu công dân không tự xuất trình thẻ CCCD để tiếp xúc với đầu đọc thẻ.

Chip trên thẻ CCCD chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các thiết bị đầu đọc chip trong phạm vi 10 cm. Trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chip của thẻ CCCD, mọi thông tin đều được mã hóa nhằm chống lại việc nghe lén, lấy trộm thông tin của công dân.

Dữ liệu bên trong chip khó có thể làm giả và thay đổi được sau khi phát hành thẻ với các thuật toán mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng như tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. Đồng thời, nếu có tác động bất hợp pháp can thiệp, chip sẽ có cơ chế tự bảo vệ dữ liệu .

Công nghệ phần cứng của chip cũng như các công nghệ phần mềm triển khai trên thẻ CCCD đảm bảo chống lại việc làm giả thẻ cũng như làm giả dữ liệu của công dân.

Ảnh được in trên thẻ CCCD là ảnh được lưu trong chip trong quá trình sản xuất, do vậy hoàn toàn có thể phát hiện khi đối sánh sinh trắc, nên việc lấy trộm thẻ CCCD để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp là không thể thực hiện. Với thẻ CCCD gắn chip, khi đi rút tiền tại ngân hàng, công dân phải quét vân tay trực tiếp để so sánh với vân tay lưu trong thẻ CCCD để xác định chủ thẻ, nếu vân tay trùng khớp thì mới rút tiền được.

Trong trường hợp các đối tượng cố tình làm giả CCCD thì cơ quan chức năng sẽ dễ dàng phân biệt, phát hiện khi sử dụng các thiết bị quét chuyên dụng.

Theo Pháp luật TPHCM

https://plo.vn/chu-khach-san-nha-nghi-khong-duoc-giu-cccd-cua-khach-post696561.html?fbclid=IwAR1JpcKTnsV-Em-hzM5BPnSwsrasjfd9UnWt04Zmj9S7q3sCDXnZx20xvdA

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here