21 ngày đêm chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân mắc COVID-19

0
130

 Trải qua 21 ngày đêm chiến đấu với tử thần, bệnh nhân 2983 đã được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM giành lại sự sống. Đến nay, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn và đi được trên chính đôi chân của mình.

Bệnh nhân 2983 rạng rỡ bên cạnh bác sĩ điều trị sau khi được ngưng máy thở và rút canuyn mở khí quản – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chiều 21-6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết vừa cứu sống một bệnh nhân nam mắc COVID-19 rất nặng, với cơn bão “Cytokine” (phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài), tình trạng tương tự bệnh nhân 91 phi công người Anh.

Đó là bệnh nhân mang số hiệu BN2983 (54 tuổi, Thanh Hóa), vốn rất khỏe mạnh, làm thủy thủ trên tàu đánh cá trở về từ Ấn Độ. Khi cập cảng, bệnh nhân cùng 2 người khác trong thủy thủ đoàn có biểu hiện ho sốt, tức ngực, xét nghiệm RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 nên đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 27-5.

Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng dần, được chuyển khoa hồi sức tích cực người lớn, can thiệp thở oxy lưu lượng cao. Tuy nhiên, tình trạng hô hấp của người này ngày càng xấu đi. Sau 1 ngày, các bác sĩ quyết định đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy để bảo vệ phổi.

Sau khi theo dõi sát sao đến từng giờ, đánh giá tỉ mỉ và toàn diện bệnh, tình trạng viêm phổi tiến triển nặng hơn rất nhanh, phổi hai bên đông đặc hơn một nửa, tiên lượng rất xấu. Đây là biểu hiện của cơn bão Cytokine do COVID-19 và gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn với Tiểu ban điều trị COVID-19 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Theo chỉ đạo, bệnh nhân được đặt catheter tĩnh mạch đùi, lọc máu liên tục với máy lọc nhằm hấp phụ Cytokine, tác nhân gây tổn thương phổi.

Đến ngày 2-6, sau 2 lần lọc máu hấp phụ Cytokine, 5 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã có những tiến triển hết sức rõ rệt, chức năng phổi cải thiện… Đây là những tín hiệu vô cùng khả quan, bệnh nhân đã vượt qua thời điểm nguy kịch của sự mong manh giữa sinh – tử.

Đến ngày 14-6, bệnh nhân tỉnh lại, lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng sự sống sau chuỗi ngày giằng co với cái chết.

21 ngày đêm chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân 2983 tại khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 18-6, bệnh nhân có thể tự thở khí trời, ho khạc tốt, được rút canuyn khí quản. Đến chiều 18-6, trong sự hân hoan của đội ngũ điều trị, bệnh nhân đã tự đứng lên tại giường và bắt đầu bước đi bằng chính đôi chân của mình, kết thúc chuỗi 21 ngày nguy kịch.

Đến hôm nay (ngày 21-6), bệnh nhân hoàn toàn ổn định về sức khỏe, thể trạng và tinh thần rất tốt.

TS.BS Nguyễn Văn Hảo – trưởng khoa hồi sức tích cực người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – chia sẻ: “Đây là một trường hợp mà bệnh nhân còn tương đối trẻ tuổi, không có bệnh nền và nền tảng sức khỏe khá tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân nhập viện trong bệnh cảnh cấp tính, nặng nề và điển hình của tình trạng viêm phổi do virus SARS-CoV-2”.

“Tại thời điểm mà dịch bệnh đang diễn tiến ngày càng phức tạp như hiện nay, sự hồi phục của bệnh nhân là nguồn động viên, khích lệ tinh thần quý giá nhất đối với tập thể cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chúng tôi”, bác sĩ Hảo cho biết thêm. 

Theo bác sĩ Hảo, căn bệnh COVID-19 nguy hiểm ở chỗ không chỉ diễn tiến nặng ở những người già, yếu, mà có thể gây tử vong nhanh ở cả những bệnh nhân trẻ, khỏe. Công cuộc điều trị những ca này giống như chạy đua với thần chết. Để cứu sống được bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ cần theo dõi diễn tiến bệnh kỹ càng, can thiệp kịp thời, chăm sóc tích cực và hết sức sát sao.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/21-ngay-dem-chay-dua-gianh-giat-su-song-cho-benh-nhan-mac-covid-19-20210621161204681.htm

Đà Nẵng thêm 5 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp làm việc trong khu công nghệ cao

Đà Nẵng vừa ghi nhận thêm 5 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp là công nhân làm việc trong một công ty có trụ sở đóng tại Khu công nghệ cao.

Chiều 21/6, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, thành phố này vừa ghi nhận thêm 5 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này, 1 ca là công nhân làm việc tại công ty có trụ sở đóng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Người này trú tại kiệt 407 Lê Duẩn, quận Thanh Khê – nơi bệnh nhân 12437 sinh sống.

Như vậy, trong đợt dịch bùng phát mới này, Đà Nẵng đã ghi nhận 39 ca dương tính SARS-CoV-2, phát hiện từ chuỗi lây nhiễm của bệnh nhân 12437 (nam bảo vệ công ty Nhựa Duy Tân) vào ngày 18/6. Bệnh nhân này có dịch tễ từng tiếp xúc với 1 ca COVID-19 đến từ TP.HCM.

Đà Nẵng thêm 5 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp làm việc trong khu công nghệ cao - Ảnh 1.

Bộ đội hóa học phun thuốc khử khuẩn trên đường phố Đà Nẵng

Chiều cùng ngày, UBND huyện Hòa Vang cho biết, ngay trong sáng cùng ngày, khi có thông tin về ca bệnh, ngành y tế đã phối hợp các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại công ty, nơi ca bệnh trên làm việc trong Khu công nghệ cao.

Cụ thể, công ty này có hơn 660 cán bộ, công nhân làm việc. Trong đó có 61 người tiếp xúc gần với ca bệnh, đã được đưa đi cách ly theo quy định. Toàn bộ cán bộ, công nhân còn lại đều đang được ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Khu công nghệ cao Đà Nẵng lâu nay thực hiện phòng chống dịch rất nghiêm ngặt, lấy bài học từ việc bùng dịch ở KCN An Đồn trong tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp nằm trong Khu công nghệ cao có trụ sở nằm cách nhau khá xa. Do đó, mặc dù có ca nhiễm, tuy nhiên hoạt động sản xuất tại đây vẫn diễn ra bình thường, các đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K theo quy định.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, hiện Đà Nẵng đã lên kế hoạch xét nghiệm COVID-19 cho nhiều nhóm đối tượng. Dự kiến, trong tháng 6/2021, Đà Nẵng sẽ thực hiện xét nghiệm ít nhất 20% với từng nhóm đối tượng.

Đà Nẵng thêm 5 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp làm việc trong khu công nghệ cao - Ảnh 2.

Một khu vực bị phong tỏa vì có ca mắc COVID-19

Trong đó, nhóm thứ 1 là các đối tượng không có hoặc không khai thác được yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng được đưa vào các cơ sở, đơn vị tập trung dài ngày như trại giam, tạm giam, cơ sở xã hội sẽ được xét nghiệm trong vòng 24 – 72 giờ trước khi đưa vào các cơ sở, đơn vị tập trung.

Nhóm thứ 1 là người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, người tham gia cung cấp dịch vụ cho cơ sở sản xuất… được xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần.

Các nhóm còn lại cơ sở y tế, nhà thuốc; công chức, viên chức, người lao động đi công tác ngoại tỉnh; các đơn vị, địa điểm tập trung nhiều người, thông khí kém…

Theo doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/da-nang-them-5-ca-nhiem-sars-cov-2-trong-do-co-1-truong-hop-lam-viec-trong-khu-cong-nghe-cao-161212106181728196.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here