Sản phụ mắc Covid-19 không qua khỏi, bác sĩ kịp thời mổ cứu thai nhi

0
165

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết một sản phụ mắc Covid-19, diễn biến nặng đã tử vong nhưng trước đó các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2 đã mổ cứu sống được thai nhi.

Lực lượng y tế nỗ lực phun khử khuẩn ngăn chặn lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. ẢNH: CTV

Theo đó, bệnh nhân là thai phụ 27 tuổi, trú tại TP.Huế đã đi tàu từ TP.HCM về Huế, được cách ly tập trung tại Trung tâm cách ly tập trung T4. Ngày 8.8, bệnh nhân được xét nghiệm xác định mắc Covid-19 nên được  chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, Thừa Thiên Huế điều trị.

Đến ngày 16.8, bệnh nhân sốt, khó thở nên được chuyển vào Trung tâm cách ly và điều trị Covid-19, Bệnh viện Trung ương Huế – Cơ sở 2 điều trị để điều trị tiếp.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế – Cơ sở 2, bệnh nhân được chẩn đoán: nhiễm Covid-19 mức độ vừa, mang thai con so 31 tuần tuổi, dọa sinh non. Bệnh nhân có tiền sử: Basedow điều trị không thường xuyên.

Công dân thuộc đối tượng dễ tổn thương được tỉnh Thừa Thiên – Huế đón bằng tàu hỏa từ TP.HCM trở về địa phương. ẢNH NGỌC MINH

Trước diễn tiến bệnh nguy hiểm, các y bác sĩ đã thông tin cho bệnh nhân và bệnh nhân đồng ý mổ để cứu con. Kết quả, các y bác sĩ đã mổ thành công bé gái. Cháu bé sau mổ hiện đang được chăm sóc đặc biệt với tình trạng đang tốt lên. 

Đêm 20.8, sau mổ 3 ngày, bệnh nhân diễn biến nặng, hôn mê, với HC ARDS nguy kịch, viêm cơ tim-Shock tim RLNT/Basedow-  cơn bão giáp, rối loạn đông máu. Các y bác sĩ đã cố gắng tối đa, tập trung mọi nguồn lực, thuốc men, đã triển khai nhiều kỹ thuật: ECMO, lọc máu ( CRRT), thở máy, hạ thân nhiệt chỉ huy…  để cứu sản phụ nhưng bệnh nhân không qua khỏi và đã tử vong ngày 20.8.2021.

Lực lượng Công an tăng cường giám sát các khu cách ly tập trung trên địa bàn Thừa Thiên – Huế. ẢNH: CÔNG QUANG

Trong ngày 21.8, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ghi nhận thêm 7 ca mắc Covid-19, trong đó 4 ca trong khu cách ly và 3 ca cộng đồng (1 ca ở xã Lộc Thủy, 1 ca ở xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc và 1 ca ở xã Hương Xuân, H.Nam Đông, đã hoàn thành cách ly về nhà, tiếp tục dõi y tế, được lấy mẫu xét nghiệm  RT.PCR dương tính SARS-CoV-2).

Thông báo 7 ca bệnh ghi nhận ngày 21.8 tại Thừa Thiên – huế

Trước đó, ngày 20.8, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ghi nhận 35 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, trong đó, có 29 ca được phát hiện trong khu cách ly và 6 ca cộng đồng  liên quan đến chùm lây nhiễm tại xã Lộc Thủy, H. Phú Lộc. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã xác nhận 1 ca dương tính SARS-CoV-2, tại xã Thượng Long, H.Nam Đông, Thừa Thên – Huế  (hoàn thành cách ly về theo dõi y tế tại nhà, được lấy mẫu xét nghiệm  RT-PCR dương tính SARS-CoV-2).

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/sau-mo-cuu-thai-nhi-san-phu-mac-covid-19-da-khong-qua-khoi-1433965.html

28 ngày vật lộn với Covid-19 sản phụ trẻ đã vượt qua cửa tử và sinh con đầy ngoạn mục

Chị N mang thai 32 tuần tuổi phát hiện mắc COVID-19 và chuyển biến nặng ngay sau đó. Sau 28 chiến đấu với “tử thần” chị N đã hồi phục để chuẩn bị gặp con.

Mẹ con sản phụ thoát khỏi “tử thần”

Bệnh nhân N.T.N, nữ, 33 tuổi ở Bắc Ninh, có tiền sử: Gù cột sống bẩm sinh, thai lần 2, 32 tuần, cân nặng thai nhi khi vào viện 1.900gam. Bệnh nhân phát hiện dương tính vào ngày 07/6/2021, được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, cho thở oxy kính, thở oxy lưu lượng cao không đáp ứng, bệnh nhân ngày càng khó thở tăng dần.

Ngày 11/6/2021, Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp Cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đánh giá tình trạng và quyết định can thiệp đặt nội khí quản, thở máy thông số kĩ thuật cao, để bảo tồn tính mạng cho cả mẹ và con. Sau can thiệp bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực (HSTC) ngày 13/6/2021.

Bệnh nhân được chuyển lên khoa HSTC ngày 13/6/2021, được an thần thở hoàn toàn theo máy, nồng độ oxy tối đa 100%, chế độ với thông số kĩ thuật cao dành cho bệnh nhân ARDS, qua phân tích các chất khí trong máu, cho thấy chỉ số chức năng phổi rất xấu, (chỉ số P/F đạt 100). 

Bệnh nhân có trụy tim mạch và phải hồi sức nâng huyết áp bằng việc bù dịch và duy trì thuốc vận mạch.

Với tình trạng nặng, sốc do độc tố virus, tụt huyết áp, phù ngoại vi và mí mắt. Các bác sĩ ngay lập tức can thiệp đặt catherer động mạch theo dõi huyết động và lọc máu hấp phụ Cytokines, duy trì cân bằng dịch, cân bằng nội môi.

Song song việc hồi sức cấp cứu cho mẹ, tình trạng sức khỏe thai nhi được đánh giá sát sao, theo dõi tim thai, cơn co tử cung 2 lần/ngày, đồng thời các bác sĩ chuyên khoa sản cũng giải thích, tiên lượng, trao đổi hướng xử trí để an toàn nhất có thể cho cháu bé.

Sang ngày thứ 2 tại ICU bệnh nhân xuất hiện nhiều rối loạn, rối loạn điện giải (Magie, canxi), rối loạn đông máu nặng nề, giảm albumin máu (22g/l), các bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu lần thứ 2, kết hợp bù điện giải và albumin, chăm sóc tích cực khác.

28 ngày vật lộn với Covid-19 sản phụ trẻ đã vượt qua cửa tử và sinh con đầy ngoạn mục - Ảnh 1.

Chị N đã hồi phục và được ên khoa Nội Tổng hợp.

Ngày thứ 3 tại ICU, mặc dù không tìm thấy điểm chảy máu, nhưng bệnh nhân có dấu hiệu mất máu nặng: Hồng cầu máu 2,88 triệu/ml (Giá trị bt 4,8-5,2); Huyết sắc tố giảm mạnh Hb <85g/l, các bác sĩ phải chỉ định truyền khối hồng cầu cấp cứu.

Ngày 22/6/2021 sau 12 ngày thở máy và điều trị tích cực, kết hợp sử dụng an thần vận mạch, bù hồng cầu, albumin và điện giải, kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch và lọc máu 3 lần liên tiếp, bệnh nhân đã được đánh giá có tiến triển tốt, nhưng còn tiên lượng thở máy kéo dài, các bác sĩ chỉ định mở khí quản chăm sóc hô hấp tích cực.

Đến ngày 26/6/21 sau 16 ngày nhập viện và thở máy, cộng nuôi dưỡng thai, qua thăm khám, các bác sĩ sản khoa thấy bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, tuổi thai được 35 tuần, cân nặng tương đương tuổi thai. 14h ngày 26/6/21, bác sĩ tổ chức hội chẩn các chuyên khoa, thống nhất chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu.

14h27 phút ngày 26/6/2021, bé gái nặng 2300g chào đời. Sau mổ cả mẹ và con sức khỏe tạm ổn định. Con bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi tiếp, bệnh nhân được chuyển lại khoa Hồi sức tích cực tiếp tục thở máy, điều trị bệnh Covid-19 giai đoạn tiến triển nặng.

Sau khi mổ lấy thai an toàn, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không chảy máu, không phù, không xuất huyết, tình trạng phổi tốt lên, đến 28/6/21 bệnh nhân được bỏ máy thở thành công. Ngày 01/7/21, bệnh nhân được rút canuyn NKQ xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần thứ nhất.

Đến hôm nay 4/7/21, bệnh nhân sức khỏe rất tốt, tự đi lại bình thường tinh thần ổn định, được chuyển lên khoa Nội Tổng hợp tiếp tục theo dõi đến khi đủ điều kiện xuất viện. 

Theo các Bác sĩ chuyên khoa Nhi, con bệnh nhân sau ngày được chăm sóc, đã ổn định, sức khỏe tốt. Các bác sĩ sẽ sớm đưa con trở về bên mẹ trong 1, 2 ngày tới. Đây là em bé thứ 5 chào đời tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ người mẹ mắc Covid-19.

2 bệnh nhân nặng khác cũng được công bố khỏi bệnh

Bệnh nhân thứ 2: N.X.H- 59 tuổi ở Thạch Hà- Hà Tĩnh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, có yếu tố dịch tễ và được phát hiện dương tính vào ngày 09/6/21, sau 9 ngày điều trị tuyến dưới bệnh nhân tiến triển nặng, ho, khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp, sau 7 giờ thở oxy lưu lượng cao tình trạng k cải thiện, bệnh nhân được đặt ống NKQ và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân vào khoa HSTC ngày 19/6/2021, ngay sau khi vào khoa bệnh nhân được an thần, thở máy thông số kỹ thuật cho bệnh nhân ARDS, lọc máu hấp phụ Cytokines 3 lần liên tiếp. Rất may mắn cho bệnh nhân đến ngày 26/6/2021, bệnh nhân sau 8 ngày thở máy, chăm sóc tích cực, 3 lần lọc quả Oxiris đã được rút ống thở thành công.

Hôm nay 04/7/2021, bệnh nhân ổn định, sức khỏe tốt, đi lại bình thường, được chuyển ra khỏi ICU.

Bệnh nhân B.V.N, nam, 61 tuổi ở Đà Bắc- Hòa Bình. Bệnh nhân có tiền sử sốt rét, đợt trước vào viện có sốt không rõ nguyên nhân, gầy sút cân nhiều.

Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ và phát hiện dương tính vào ngày 07/5/2021. 

Ngày 14/5/2021, bệnh nhân được chuyển đến khoa HSTC trong tình trạng phải can thiệp đặt ống NKQ và thở máy, thể trạng suy kiệt, chức năng phổi suy giảm nặng nề.

Bệnh nhân được thở máy từ 14/5-29/6, và lọc máu 3 hấp phụ Cytokinse 3 lần, chăm sóc toàn diện, nuôi dưỡng qua ống thông kết hợp với nuôi dưỡng tĩnh mạch.

Cho đến hôm nay 04/7/2021, sau 51 ngày chăm sóc tích cực tại ICU, bệnh nhân ổn định sức khỏe, tự thở khí phòng tốt, tỉnh táo, tiếp xúc được, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 6 lần liên tiếp. Bệnh nhân đã được chuyển tuyến dưới tiếp tục điều trị nâng cao thể trạng.

Tính đến ngày 04/7/2021, Khoa Hồi sức tích cực hiện có 26 bệnh nhân nặng , 09 ca ECMO/22 ca thở máy. Tính đến ngày hôm nay đã có 26 ca bệnh được hồi phục tại ICU, trong đợt dịch thứ 4 này.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn:https://doanhnghieptiepthi.vn/28-ngay-vat-lon-voi-covid-19-san-phu-tre-da-vuot-qua-cua-tu-va-sinh-con-day-ngoan-muc-161210407161938861.htm

Số ca Covid-19 tại TP.HCM chính thức vượt Bắc Giang, là địa phương có nhiều ca mắc nhất cả nước

Với 430 ca nhiễm Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố trong 2 bản tin sáng, trưa ngày 4/7, TP.HCM chính thức vượt Bắc Giang, trở thành địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất cả nước với hơn 5.800 bệnh nhân.

Trưa 4/7, Bộ Y tế công bố thêm 213 ca mắc Covid-19 mới (BN 19335-BN 19547) được ghi nhận tại TP.HCM, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày (tính tới 12h trưa) là 430 ca.

Trong số 430 trường hợp nhiễm mới có 415 ca là các tiếp xúc đã được truy vết, cách ly hoặc ở trong khu vực phong toả, 15 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

VGP News :. | Thần tốc sàng lọc các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại Bắc  Giang, Bắc Ninh | BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng bùng phát dịch Covid-19, TP.HCM đã ghi nhận đến 5.869 ca mắc Covid-19, vượt qua Bắc Giang (hơn 5.700 ca), trở thành địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất nước.

Hiện tại, TP.HCM đang triển khai thực hiện giữa xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong tầm soát cộng đồng để tăng cường khả năng phát hiện sớm người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ điều tra truy vết.

Ngành y tế đề nghị người dân cần chủ động thực hiện giãn cách và đảm bảo biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế khi được địa phương sắp xếp đến lấy mẫu. Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TP, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Tăng cường kiểm soát, siết chặt các giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu vực trọng yếu như bệnh viện, khu vực sản xuất. Trường hợp nằm trong khu vực phong tỏa, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định cách ly y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn:https://doanhnghieptiepthi.vn/so-ca-covid-19-tai-tphcm-chinh-thuc-vuot-bac-giang-la-dia-phuong-co-nhieu-ca-mac-nhat-ca-nuoc-16121040713225702.htm

Bệnh viện Đại học Y dược tạm ngưng nhận bệnh nhân vì có 4 ca COVID-19

 Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động trong đợt dịch thứ 4 này bởi phát hiện nhân viên y tế của bệnh viện mắc COVID-19.

Bệnh viện Đại học Y dược tạm ngưng nhận bệnh nhân vì có 4 ca COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – Ảnh: NHẬT THỊNH

Sáng 4-7, theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1), bệnh viện này hiện đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân vì phát hiện có 4 ca mắc COVID-19.

Theo định kỳ hằng tuần, bệnh viện đã xét nghiệm PCR cho tất cả nhân viên y tế và người làm việc tại bệnh viện để tầm soát COVID-19. 

Trước đó, ngày 2-7, bệnh viện phát hiện có 3 nhân viên y tế và 1 nhân viên cung cấp dịch vụ có kết quả dương tính.

Để tránh lây lan và đảm bảo an toàn cho người đến khám và làm việc, bệnh viện đã quyết định tạm ngưng khám chữa bệnh từ ngày 3-7 để khoanh vùng, sàng lọc tìm nguồn lây, phân loại người tiếp xúc với các ca bệnh. 

Cho đến nay, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy chưa có bằng chứng các nhân viên y tế lây chéo khi các nhân viên này không  tiếp xúc với nhau. Các nhân viên y tế của bệnh viện đều đã được chích ngừa vắc xin phòng COVID-19.

Ngoài các trường hợp trên, tất cả các nhân viên còn lại có kết quả xét nghiệm âm tính trong cùng lần xét nghiệm.

Bệnh viện tiếp tục truy vết, khử khuẩn, cách ly tuyệt đối khu vực liên quan, bên cạnh đó vẫn đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh đang nội trú tại bệnh viện.

Do tính chất lây nhanh của chủng Delta, bệnh viện sẽ tiếp tục tổ chức xét nghiệm lại trong hôm nay và ngày mai 5-7 cho toàn bộ nhân viên y tế và người làm việc để đảm bảo không bỏ sót trường hợp nào mắc COVID-19. 

Bệnh viện sẽ thông báo hoạt động trở lại khi đảm bảo an toàn. Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát, nhiều người mắc không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược khuyến cáo khi người bệnh đến khám cần khai báo y tế chính xác, hoặc điện thoại số 1900 7178 trước khi đến bệnh viện để được hướng dẫn.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/benh-vien-dai-hoc-y-duoc-tam-ngung-nhan-benh-nhan-vi-co-4-ca-covid-19-20210704082030524.htm

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ

Tại TP.HCM, 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin. Các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ.

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng túc trực tại chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), nơi đang bị phong tỏa vì có liên quan đến ca dương tính với COVID-19 – Ảnh: NHẬT THỊNH

Tối 3-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố đã có những thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm nhằm nhanh chóng dập dịch COVID-19.

Chiến lược này được triển khai trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Trong những ngày qua, số ca mắc mới liên tục nằm ở mức 3 con số.

Theo đó, về việc khoanh vùng, thành phố sẽ xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu.

Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc…

Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân sống ở khu vực có nhiều ca nhiễm tại quận Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: XUÂN MAI

Về việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng.

Đối với tất cả trường hợp F1 sau khi được lập danh sách sẽ chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận huyện để điều tra dịch tễ. F1 sẽ được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT-PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của HCDC và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.

Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 – 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT-PCR. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.

HCDC cho biết thêm trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 lần này, thành phố sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng.

Theo đó, Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

Việc phân công lực lượng này nhằm đảm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 5.435 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, đứng thứ 2 trong tổng số 51 tỉnh thành trên cả nước có ghi nhận ca mắc COVID-19 (sau Bắc Giang).

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-doi-chien-luoc-chong-dich-100-ca-f0-phai-dieu-tra-trong-1-gio-20210703214851661.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here