Bà con hẻm Sài Gòn tưởng niệm người mất vì Covid-19: Rưng rưng tình hàng xóm

0
111

Mạng xã hội đang lan tỏa hình ảnh một con hẻm Sài Gòn cùng tắt đèn, thắp nến tưởng niệm hàng xóm qua đời vì Covid-19. Rưng rưng xúc động, dân mạng cùng cầu nguyện cho người mất yên nghỉ cõi vĩnh hằng.

Theo hình ảnh được chia sẻ, các nhà dân trong một con hẻm Sài Gòn đã tắt đèn, đặt những chiếc ghế nhựa ở giữa lối đi, bên trên có nến thắp sáng và hoa. Người đăng ảnh đầu tiên xúc động chia sẻ: “Nơi tôi ở. Tưởng niệm đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19, trong đó có ba mẹ tôi…”.

Thương lắm tình làng nghĩa xóm

Ông Trần Văn Tài (45 tuổi, người đăng tải hình ảnh) cho biết, buổi lễ tưởng niệm trên diễn ra vào tối 19.11 tại hẻm 307 đường Bàu Cát, tổ dân phố 19, KP.6, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM.

Bà con hẻm Sài Gòn tưởng niệm người mất vì Covid-19: Rưng rưng tình hàng xóm - ảnh 1​​​​​​​

Hình ảnh hẻm Sài Gòn thắp nến tưởng niệm hàng xóm, đồng bào mất vì Covid-19 khiến dân mạng xúc động

NVCC

Khi biết tin tối 19.11 diễn ra lễ tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19, một số phụ nữ trong hẻm 307 thông qua tổ trưởng tổ dân phố, thông báo lên nhóm Zalo để bà con tham gia.

Theo ông Tài, trong mùa dịch, hẻm 307 đường Bàu Cát có 5 gia đình nhiễm Covid-19, 4 người mất, trong đó có ba mẹ của ông. Để chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm được đồng nhất, các chị em đã mua nến, hoa và mượn ghế của một quán ăn gần đó.

Đúng 8 giờ 30 ngày 19.11, các hộ dân cùng tắt đèn trong nhà, đèn đường một số đoạn cũng được tắt, chỉ còn lại những ánh nến tưởng niệm thắp sáng trên đoạn hẻm dài gần 300m. Người dân dành một khoảng thời gian cúi đầu tưởng niệm người mất vì Covid-19.

“Đợt đó mẹ tôi điều trị ở bệnh viện xong âm tính xuất viện về nhà 1 tuần thì mất vào ngày 25.8, hưởng thọ 83 tuổi. Có thể do sức khỏe bà không cho phép sau thời gian chống chọi với Covid-19. Cha tôi mất ngày 8.9.2021 tại Bệnh viện Trưng Vương, hưởng thọ 92 tuổi. Bình thường ông bà vẫn khỏe mạnh, mà Covid-19 diễn biến nhanh, ông bà đi bất ngờ. Đau xót nhất là lúc cha tôi mất ở viện, không được bên con cháu lần cuối, không lời từ biệt, dặn dò, ngày về chúng tôi chỉ nhận được hũ tro cốt nên rất đau xót”, ông Tài bộc bạch.

Thời điểm vừa bùng phát dịch Covid-19, hẻm 307 đường Bàu Cát bị phong tỏa vì có ca nhiễm, sau này, gia đình nào có F0 thì chỉ phong tỏa nhà đó. Suốt thời gian dịch, ông Văn Bá Quốc, tổ trưởng tổ dân phố ngược xuôi hỗ trợ bà con từ gói mì đến bó rau.

Ông trải lòng: “Lúc đó tôi rất xúc động, nhớ về giây phút ba mẹ mất mà không được làm đám, không được bên con cháu, niềm thương nhớ dạt dào trong lòng. Sau đó nữa thì tôi nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, xúc động nhất là có mấy hộ gia đình trong xóm đến trước nhà tôi thắp nhang cầu nguyện cho ba mẹ tôi”.

Trong giây phút đó, ông Tài đã cầu nguyện cho ba mẹ và đồng bào đã mất vì Covid-19 mỉm cười nơi chín suối; dịch bệnh được khống chế cho cuộc sống trở lại bình an, không gia đình nào phải chịu đựng nỗi đau chia ly vì đại dịch.

Quá nhiều nỗi đau, mất mát

Xem những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, tài khoản Nguyễn Kim Bắc tâm sự, nhìn bức ảnh mà thấy lòng thật hoang vắng. “Hoang vắng, buồn tênh, hoang hoải, trống thinh… như con hẻm này.

Bà con hẻm Sài Gòn tưởng niệm người mất vì Covid-19: Rưng rưng tình hàng xóm - ảnh 2

Buổi tưởng niệm với nến và hoa

NVCC

Nickname Ngọc Thùy Tâm cũng bày tỏ: “Covid tang thương để lại quá nhiều nỗi đau và mất mát. Cầu mong người ra đi được về tới cõi ánh sáng an lành, người còn lại đủ sức mạnh để vượt qua và tiếp tục những dự định còn dang dở…”.

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 23.11, bà Vũ Thị Như Xuân, Chủ tịch UBND P.12, Q.Tân Bình cho biết, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội là buổi lễ tưởng niệm của bà con tổ 19, KP.6. Trong tối 19.11, ngoài tổ 19, một vài tổ dân phố khác cũng tổ chức tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19.

Bà Xuân chia sẻ: “Hẻm 307 có người mất vì Covid-19 trong thời điểm đỉnh dịch, không được tổ chức đám tang, mà chỉ nhận được tro cốt từ quân đội. Không ai tưởng tượng ra được người thân mình ra đi đột ngột như vậy. Trong một hẻm có 4 người mất là mất mát quá lớn nên tổ dân phố cùng nhau tổ chức tưởng niệm để cả hẻm cùng tưởng nhớ, cầu nguyện cho hàng xóm, đồng bào mất vì Covid-19″.

Theo Thanh niên

Ông bố chở bình oxy cứu con bất chấp lệnh giới nghiêm: Tặng máy tạo oxy cho người khó khăn theo tâm nguyện của con trai

Ông bố trong câu chuyện chở bình oxy cứu con vào cuối tháng 7/2021 cho biết, sau khi con trai qua đời, anh muốn tặng lại máy tạo oxy cho người cần có hoàn cảnh khó khăn.

Câu chuyện về ông bố bất chấp lệnh giới nghiêm cấm ra đường sau 18 giờ để đi chở bình oxy về cứu con từng gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, sau thời gian chống chọi với bệnh tật, anh Lê Đình Vân (ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, con trai mình đã bỏ anh mà đi hôm 10/11/2021.

Hình ảnh gây “bão mạng” của anh Vân tối 26/7

Theo thông tin trên tờ Thanh Niên, anh Vân trải lòng: “Trước đó vài hôm, H. có nói con đau quá, chắc con không chịu nổi. Gia đình vẫn cố gắng chạy chữa bằng mọi cách. Tới sáng 10/11 tôi còn đi mua thêm thuốc cho con, nhưng về cho bé uống thì bé ọc ra hết.

Đến tối là con đi. Cả mùa dịch, con đã kiên cường chống chọi với bệnh tật, dùng nhiều thuốc giảm đau. Từ nay, con không còn đau đớn gì nữa rồi”.

Ngày 22/11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Lê Đình Vân (ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết sau khi con trai qua đời, anh muốn tặng lại máy tạo oxy cho người cần có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Vân chia sẻ: “Lúc còn sống, con trai tôi luôn mong mỏi bản thân mau khỏi bệnh để được đến khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm các bệnh nhi. Con có tâm nguyện được làm vài việc thiện nguyện trong khả năng. Thế nhưng, con không còn cơ hội để thực hiện. Vì vậy, gia đình thay con thực hiện cho trọn vẹn”.

Anh Lê Đình Vân đã cùng con “chiến đấu” với căn bệnh quái ác đến hy vọng cuối cùng (Ảnh: NVCC)

Chiếc máy tạo oxy này do mạnh thường quân hỗ trợ cho con trai anh sau khi biết anh Vân phải ra đường trong ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra đường sau 18 giờ.

Cũng theo anh Vân, gia đình không chỉ tặng máy tạo oxy cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mà còn hỗ trợ một ít tiền. Bởi trước đó, khi gia đình gặp khó khăn trong lúc dịch bệnh phức tạp, cộng đồng đã dang tay hỗ trợ. Nghĩa tình đó, gia đình anh không thể quên và muốn lan tỏa một lần nữa.

Hiện tại, chiếc máy tạo oxy từng gắn bó với con trai anh Vân vẫn chưa có chủ nhân mới.

Trước đó, ngày 26/7, TP.HCM bắt đầu áp dụng quy định người dân không ra đường từ ngày 18/6 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày, anh Vân phát hiện lượng oxy trong bình để dành cho con trai thở mỗi khi mệt đã sắp cạn.

Ông gọi cho người cung cấp bình oxy như mọi khi, nhưng lần này họ không thể giao được do có quy định hạn chế tối đa ra đường sau 18 giờ.

Dù biết ra đường vào thời điểm đó có thể bị phạt nhưng anh vẫn đi vì sợ con trai không qua khỏi. Con trai biết cha đi mua oxy cũng đã khuyên: “Ba đi lỡ bị phạt thì sao. Thôi nếu khó quá, con thở hết chỗ oxy này rồi chết cũng được…” nhưng anh vẫn tất tả ra ngoài.

Trên đường đi, khi bị CSGT dừng xe kiểm tra, ông Lê Đình Vân đã trình bày hoàn cảnh gia đình có con trai bị u gan nguyên bào, cần thở oxy gấp.

Ông kể: “Qua các trạm, tôi xin đều được hỗ trợ cho qua, không ai làm khó. Đến trạm ở quận Tân Bình, gặp đoàn công tác, tôi tiếp tục trình bày hoàn cảnh của gia đình. Nghe xong, tổ công tác liền cho đi và còn tặng quà cho tôi”.

Câu chuyện của gia đình anh Vân khiến cộng đồng mạng thổn thức. Nhiều người đã ủng hộ thuốc men, tài chính cho gia đình khiến anh Vân vô cùng cảm tạ.

Theo Pháp luật & bạn đọc

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/ong-bo-cho-binh-oxy-cuu-con-bat-chap-lenh-gioi-nghiem-tang-may-tao-oxy-cho-nguoi-kho-khan-theo-tam-nguyen-cua-con-trai-162212311000428037.htm

Đang lo đám tang mẹ ruột thì nhận tin con trai tử nạn tại Nhật Bản, đôi vợ chồng vay mượn khắp nơi để đưa em về

Đang lo đám tang cho mẹ ruột ở quê nhà Quảng Bình thì vợ chồng anh chị Hồ Bảo Thế, Trần Thị Lượng (cùng 43 tuổi) nhận tin báo con trai tử nạn tại Nhật Bản.

Câu chuyện tang thương về gia đình có con trai tử nạn tại Nhật Bản khiến người chứng kiến ai nấy thắt lòng.

Tang chồng tang

Nhà vợ chồng anh Thế, chị Lượng ở khu phố 2, P.Ba Đồn (TX.Ba Đồn). Những ngày qua, bà con lối xóm tiếp tục đến thăm nom, chia buồn, động viên vợ chồng anh chị vượt qua nổi đau quá lớn. Không khí tang thương bao trùm trong ngôi nhà nhỏ chưa được quét sơn.

Nén nước mắt, anh Thế kể ngày 16.11, cả gia đình đang tập trung lo hậu sự cho mẹ ruột thì anh thấy điện thoại nổi số từ Nhật Bản gọi đến. Anh cứ nghĩ con trai Hồ Anh Dũng (21 tuổi) đang ở bên đó gọi về. Nhưng không phải, một người bạn của Dũng gọi và báo tin động trời: Dũng đã qua đời do ngã từ trên tầng cao của một tòa nhà 10 tầng xuống mặt đất.

Dũng ra đi đột ngột để lại quá nhiều đau thương cho gia đình, họ hàng và lối xóm. T.D

“Tôi nghe máy xong bàng hoàng, rụng rời, nghe mà không tin vào tai mình, không đứng vững nổi. Dũng là niềm hy vọng của cả gia đình. Bao nhiêu niềm tin, sự tự hào gia đình tôi đều đặt vào Dũng. Mất mát này đối với gia đình tôi thực sự quá lớn. Nỗi đau mất đi người mẹ chưa nguôi ngoai thì lại tiếp tục đón nhận tin con mình ra đi mãi mãi”, anh Thế nói.

Chị Lê Thị Kim Loan, Bí thư đoàn P.Ba Đồn, cho hay nhận được tin buồn về trường hợp của Dũng, các cấp chính quyền địa phương đã đến nhà động viên, chia buồn với gia đình. “Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ thêm để gia đình anh Dũng vượt qua nỗi đau quá lớn này”, chị Loan nói.

Vay mượn lo chi phí đưa thi hài con về nước

Sinh ra trong gia đình khó khăn, được ba mẹ thương yêu, lo lắng cho ăn học đến nơi đến chốn, Dũng luôn biết vượt khó vươn lên, chịu khó học hành, rèn luyện. Nhiều lần Dũng gọi về động viên ba mẹ rằng: “Cố gắng chờ con trở về, con sẽ kiếm tiền về chăm lo cho ba mẹ, nuôi em ăn học…”

Chị Lượng nghẹn ngào: “Khi tiễn đi, con còn nguyên hình hài, mà nay không thể nhìn mặt con lần cuối. Dũng là điểm tựa của cả gia đình tôi, nó mơ ước học xong sẽ trở về quê hương làm phiên dịch viên tiếng Nhật. Ngôi nhà này vợ chồng tôi xây vào năm 2014 nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện được, trước khi đi Dũng còn hứa khi về sẽ thay ba mẹ sửa sang nhà cửa khang trang hơn. Nhưng giờ còn gì nữa đâu…”.

Gia đình vợ chồng anh Thế đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. T.D

Dũng sang Nhật Bản học vào năm 2019, gia đình phải vay mượn, thế chấp ngân hàng để có số tiền 470 triệu đồng mang theo. Đến nay số nợ đó vẫn chưa trả được vì chi phí học tập quá lớn. Trong khi vợ chồng anh Thế không có công việc và thu nhập ổn định, nên gia cảnh nay lại càng thêm khốn khó.

Mất con, vợ chồng anh nén nỗi đau đi vay mượn tiền để trả chi phí đưa thi hài con trai về nước. Nhiều người thấy hoàn cảnh thương tâm cũng đã hỗ trợ. Theo dự kiến, thi hài Dũng từ Nhật Bản sẽ về đến Việt Nam vào ngày 22.11.

Theo thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/du-hoc-sinh-viet-tu-nan-tai-nhat-gia-canh-khon-cung-vay-muon-dua-thi-the-em-ve-post1403622.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here