Người dân TP.HCM có thể được phát thẻ đi chợ cách 2-3 ngày/lần

0
141

Tính ra, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày.

Đó là hướng dẫn mới nhất mà Sở Công thương TP.HCM vừa triển khai đến các quận, huyện, TP. Thủ Đức trong ngày 24/7.

Theo đó, Sở Công thương yêu cầu các quận, huyện, TP. Thủ Đức khẩn trương nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “thẻ đi chợ”.

“Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày” – ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương, yêu cầu.

Theo Sở Công thương, cách làm này sẽ giúp kiểm soát số lượng phân bổ số người đến theo khung giờ, bảo đảm khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tình trạng tập trung đông người.

Người dân TP.HCM có thể được phát thẻ đi chợ cách 2-3 ngày/lần - Ảnh 1.

Nhân viên chợ Bình Thới (quận 11) quét mã QR để kiểm soát người ra vào chợ. Chợ này vừa đóng cửa sáng 24/7 do có ca nhiễm mới

Riêng các khu vực phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ, siêu thị do chính quyền địa phương cấp.

Cũng tại văn bản này, cơ quan quản lý ngành công thương TP yêu cầu UBND TP. Thủ Đức, quận huyện tổ chức phổ biến, triển khai đến các đơn vị quản lý chợ thực hiện theo Công văn 5858 của Bộ Y tế, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất việc thực hiện các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch đối với các chợ trên địa bàn quản lý.

Trường hợp chợ truyền thống khi đánh giá có nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao thì cần rà soát khắc phục để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chợ truyền thống không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

Tính đến cuối ngày 24/7, trên địa bàn thành phố có 32/237 chợ hoạt động. Trong ngày, có thêm chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) hoạt động trở lại với 5 tiểu thương. Đơn vị quản lý chợ kẻ vạch tại bãi giữ xe và sân chợ để bố trí cho thương nhân. Thêm 1 chợ phải đóng cửa vì có ca nhiễm mới là chợ Bình Thới (quận 11).

Các địa phương TP. Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn.

Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: chợ Phú Thọ , chợ An Đông – khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương, chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức (ngày 19/7/2021), chợ Hưng Long, chợ Hóc Môn…

Một số quận, huyện như Củ Chi, quận 12 đã bố trí điểm mua sắm tạm thời cho người dân.

Sở Công thương TP.HCM cũng đã gửi các quận, huyện, TP. Thủ Đức sơ đồ tham khảo về bố trí các gian hàng kinh doanh tại chợ truyền thống/ điểm bán nhỏ để các địa phương tiện tham khảo, áp dụng.

Sở Công thương đề nghị chợ đầu mối Hóc Môn và chợ đầu mối Thủ Đức nhanh chóng tổ chức các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ, thực hiện theo phương án được phê duyệt.

Theo đó, tuân thủ các nội dung về địa điểm bố trí, tổ chức phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính đối với người ra vào, thời gian triển khai và ưu tiên bố trí nơi ăn, nghỉ ngơi tại chỗ cho người lao động.

Song song với đó, đơn vị quản lý 2 chợ đầu mối nêu trên phải yêu cầu hộ kinh doanh và người lao động/ làm việc, thương nhân, thương lái phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Người lao động

Ngày 24/7 ghi nhận 7.937 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 5.396 ca

Theo bản tin tối ngày 24/7 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 3.977 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca ghi nhận trong nước.

I. TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19:

1. Thông tin các ca mắc mới:

– Tính từ 6h đến 19h ngày 24/7 có 3.977 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (3.326), Bình Dương (262), Đồng Nai (99), Bà Rịa – Vũng Tàu (63), Đồng Tháp (46), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (24), Cần Thơ (23), Bình Định (12), Bến Tre (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Phú Yên (5), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (4), Vĩnh Phúc (3), Quảng Nam (3), Hậu Giang (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1) trong đó có 355 ca trong cộng đồng.

– Trong ngày 24/7 có 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5396), Long An (604), Bình Dương (785), Đồng Nai (221), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Khánh Hoà (104), Đồng Tháp (75), Bà Rịa – Vũng Tàu (71), Bến Tre (61), Đà Nẵng (36), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (27), Vĩnh Long (25), Cần Thơ (23), Vĩnh Phúc (21), Phú Yên (17), Kiên Giang (14), Bình Định (12), Hậu Giang (9), Hà Nội (9), Ninh Thuận (8), An Giang (7), Hưng Yên (4), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1) trong đó có 2.428 ca trong cộng đồng.

Ngày 24/7 ghi nhận kỷ lục 7.937 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 5.396 ca

– Vào sáng ngày 24/7, Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14-22/7/2021 tại các khu cách ly và khu phong toả.

2. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

– Tính đến chiều ngày 24/7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước.

– Số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

– Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

II. TÌNH HÌNH ĐIỀU TRỊ:

– 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 24/7.

– Tổng số ca được điều trị khỏi: 17.583 ca.

– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca.

– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

III. TÌNH HÌNH XÉT NGHIỆM:

– Trong 24 giờ qua đã thực hiện 98.990 xét nghiệm cho 410.862 lượt người.

– Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.

IV. TÌNH HÌNH TIÊM CHỦNG:

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.478.757 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bí thư Hà Nội: Cần thiết sẽ dùng xe quân đội, trực thăng vận chuyển thực phẩm

Áp dụng Chỉ thị 16, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh, tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm…

Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết. ẢNH C.T.V

Trong bài phát biểu sáng nay, 24.7, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg lúc này là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ an toàn tính mạng người dân.

“Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thành phố phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện chỉ thị để khống chế dịch, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Dũng yêu cầu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16 đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

“Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị số 16 trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Không chỉ các cấp chính quyền đã có sự chuẩn bị, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi”, ông Dũng nói.

Ông Dũng kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

“Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.


Lực lượng chức năng nhắc nhở một người trên đường phố Hà Nội sáng nay
ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT

Không để “ngoài chặt, trong lỏng”

Ngay sau khi áp dụng giãn cách xã hội, Hà Nội đã lập các tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, giám sát. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu giám sát việc triển khai kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” bởi đây vẫn là hạn chế, nhất là cấp cơ sở.

Cụ thể hóa trách nhiệm giám sát địa bàn cho từng cá nhân cấp ủy viên, Ủy viên Ban thường vụ các cấp; cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố cũng như khuyến khích các kênh giám sát của nhân dân thông qua mạng xã hội của khu dân cư địa phương.

Về bảo đảm đời sống nhân dân, theo ông Đinh Tiến Dũng, ngành công thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5.

Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tuỳ từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở GTVT đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa.

Các sở, ngành thành phố bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm.“Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm…”, ông Dũng nói.

Bảo đảm số giường bệnh cho 5.000 – 20.000 ca mắc Covid-19Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thành phố chỉ đạo nâng cao mọi mặt năng lực tiếp nhận và điều trị các ca F0, nhất là các trường hợp nặng. Bảo đảm số lượng giường bệnh theo các kịch bản tương ứng là 5.000, 10.000 và 20.000 ca mắc Covid-19. Thành phố cần rà soát ngay để cần thiết trưng dụng các chung cư chưa đưa vào sử dụng làm bệnh viện dã chiến.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/bi-thu-ha-noi-can-thiet-se-dung-xe-quan-doi-truc-thang-van-chuyen-thuc-pham-1419562.html

Thai phụ mắc COVID-19 hồi sinh thần kỳ sau 45 ngày thở máy, 16 ngày ECMO

BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết vừa có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 nặng và cũng là trường hợp nguy kịch thứ 31, 32 trong đợt dịch này đã hồi phục sức khỏe, ra viện.

20 bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn phải hồi sức tích cực tại BV Bệnh Nhiệt đới TW

Trường hợp khỏi bệnh thứ nhất là bệnh nhân Vi Thị Ng. (35 tuổi, ở Con Cuông, Nghệ An) vào viện ngày 2/6/2021 với bệnh lý nền vảy nến và thai 22 tuần trong tình trạng phải duy trì thuốc an thần, vận mạch, thở máy qua ống nội khí quản, duy trì hệ thống ECMO, trên da toàn thân nhiều ban dát tổn thương vảy nến.

Ngay sau khi vào khoa bệnh nhân được chăm sóc tích cực, đảm bảo hô hấp, đảm bảo tuần hoàn, chăm sóc kiểm soát nhiễm trùng. Bác sĩ chỉ định siêu âm đánh giá tình trạng thai nhi và lọc máu hấp thụ độc tố Cytokines lần thứ nhất.

Từ 2/6 đến 13/6, bệnh nhân được lọc máu hấp phụ độc tố Cytokines 6 lần. Bệnh tiến triển chậm, tổn thương phổi chậm hồi phục (chỉ số chức năng phổi P/F dưới 100), rối loạn đông máu nặng nề (chỉ số D-Dimer 31.262). Tình trạng thai nhi được bác sĩ sản khoa theo dõi sát sao hàng ngày đánh giá qua thăm khám và siêu âm, cân nặng tương ứng với tuổi thai. Do tình trạng mẹ quá nặng và thai còn nhỏ tuổi, bác sĩ sản khoa có tiên lượng xấu đối với thai nhi.

Quá trình điều trị có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh nhân đi vào sốc mất máu và nguy cơ tử vong do chảy máu. Ngay lập tức bác sĩ hồi sức kết hợp bác sĩ ngoại khoa nội soi bàng quang lấy máu cục tại giường và rửa bàng quang liên tục. Thông qua nội soi bác sĩ đã tìm thấy điểm chảy máu tại cổ bàng quang, từ đó điều trị nội khoa cầm máu, truyền khối hồng cầu cấp cứu, và truyền các chế phẩm của máu để bổ sung yếu tố đông máu, kết hợp lọc máu liên tục đảm bảo cân bằng nội môi trong cơ thể.

Ngày 17/6, bệnh nhân được kết thúc ECMO thành công sau 16 ngày điều trị tích cực. Chức năng phổi cải thiện chậm, qua thăm khám đánh giá hàng ngày bác sĩ phát hiện thai 23 tuần tuổi bị chết lưu. Bệnh nhân trong tình trạng sốc mất máu nặng, sốt cao, phù toàn thân, bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu liên tục, thở máy tối ưu trong ARDS, cầm máu bàng quang nội khoa, kết hợp điều trị kháng sinh, kháng nấm.

Cuộc hội chẩn bác sĩ sản khoa về tình trạng thai lưu, các bác sĩ kết luận chưa can thiệp sẩy thai lưu do nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng cho mẹ. Bệnh nhân được theo dõi sát sao từng diễn biến trên lâm sàng và xét nghiệm. Đến ngày 24/6, bệnh nhân chuyển dạ tự nhiên, bác sĩ chuyên khoa sản đã túc trực và theo dõi sát sao, đỡ rau và thai lưu, kiểm soát tử cung. Sau sảy thai lưu, bệnh nhân được đảm bảo về hô hấp, tuần hoàn.

Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới TW còn 20 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có 17 bệnh nhân thở máy và 3 bệnh nhân đang chạy ECMO.

Sau 45 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, đến ngày 16/7, bệnh nhân đã có tiến triển tốt, chức năng phổi hồi phục, cơ lực tốt, có thể vận động nhẹ tại giường, bác sĩ cho bệnh nhân cai máy thở, tự thở tốt. Tình trạng chảy máu bàng quang sau 1 tháng điều trị cầm máu nội khoa đã tạm thời ổn định, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Hôm nay 23/7, sau 51 ngày chăm sóc tích cực, với 10 lần lọc máu, 45 ngày thở máy, 16 ngày ECMO; bệnh nhân đã hồi phục tốt, tự thở khi phòng, tự đi lại được, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp. Bác sĩ cho bệnh nhân chuyển tuyến cơ sở để theo dõi tiếp.

Bệnh nhân thứ 2 là bà Luận Thị C. (64 tuổi ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) vào viện ngày 6/6/2021 với tiền sử ung thư cổ tử cung.

Do bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, được cách ly , và phát hiện dương tính SARS-CoV-2 ngày 31/5/2021. Bệnh nhân được điều trị tại tuyến cơ sở nhưng tình trạng xấu hơn, bệnh nhân sốt cao và khó thở tăng dần, được chuyển viện Cấp cứu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, khó thở nhiều, thở oxy qua mash túi 15 lít/phút không đáp ứng.

Bệnh nhân được can thiệp đặt ống nội khí quản và thở máy, lọc máu hấp phụ độc tố tại khoa Cấp cứu. Sau 2 lần lọc máu và 6 ngày thở máy, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân được vào khoa Hồi sức tích cực.

17h ngày 11/6, bệnh nhân nhập khoa trong tình trạng an thần thở máy qua nội khí quản, phù nhẹ vùng thấp, chỉ số chức năng phổi P/F dưới 150. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu hấp phụ độc tố 2 lần liên tiếp, thở máy thông số tối ưu, chăm sóc hô hấp chuyên sâu, đảm bảo cân bằng điên giải, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn.

Sau 15 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, đến ngày 26/6, bệnh nhân có tiến triển rõ rệt, cơ lực khá, tổn thương phổi hồi phục, bác sĩ chuyển chế độ tập cai máy thở và ngừng thở máy, rút ống thở thành công.

Sau rút ống bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở oxy kính từ 26/6 đến 8/7; bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc về tinh thần, tập phục hồi chức năng tại giường

Hôm nay 23/7, trải qua 47 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục, sức khỏe ổn định, hết bệnh COVID-19, bác sĩ cho bệnh nhân ra viện. Đây là ca bệnh nặng thứ 32 (và là ca bệnh nền thứ 7) hồi phục khỏi bệnh trong đợt dịch thứ 4.

Theo sức khỏe & đời sống

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-mac-covid-19-hoi-sinh-than-ky-sau-45-ngay-tho-may-16-ngay-ecmo-n198090.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here