Bão Conson đang rất khó lường: Nếu bão đổ bộ vào ‘vùng đỏ’ thì có hủy bỏ lệnh ‘ai ở đâu ở đó’ không?

0
190

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ cần hết sức lưu ý về đợt mưa lớn trên diện rộng đang diễn ra và còn kéo dài tới hết ngày 9/9.

Bão Conson sẽ mạnh lên trước khi vào biển Đông

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, vào khoảng 8h sáng 8/9 bão Conson đang ở vị trí ngay trên khu vực miền Trung Philippines, cường độ mạnh cấp 8-9.

Theo ông Lâm, ngoài khơi Philippines còn có 1 cơn bão khác, tên quốc tế là Chanthu ở khoảng 16,0-132,5E, cường độ cấp 13-14, cách bão Conson khoảng 1100km về phía Đông.

Ông Lâm nhận định: “Tại thời điểm hiện tại, khả năng cao nhất sẽ là bão Conson sau khi suy yếu khi đi qua Philippines, vào Biển Đông sẽ được tổ chức lại, mạnh dần lên và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h. 

Bão Conson có khả năng mạnh nhất khi tới khu vực quần đảo Hoàng Sa, dự báo có thể đạt tới cấp 11, giật cấp 13. Ngoài ra, vẫn còn khả năng bão Conson suy yếu và đi lên phía Trung Quốc và cũng có những dự báo cho bão đi chúc xuống phía nam; có phương án cho bão vào vịnh Bắc Bộ và suy yếu. 

Như vậy, tại thời điểm hiện tại, các dự báo cho bão Conson còn rất phân tán, nguyên nhân chính là do bão đang ở trên vùng đảo và đất liền của Philippines, tương tác với đất liền, các cụm đảo và cả bão Chanthu bên ngoài khiến bão Conson còn rất khó lường”.

Bão Conson đang rất khó lường: Nếu bão đổ bộ vào vùng đỏ thì có hủy bỏ lệnh ai ở đâu ở đó không? - Ảnh 1.

Vị trí và đường đi của cơn bão. Ảnh: KTTV.

“Cường độ bão Conson sẽ đạt mạnh nhất khoảng cấp 11 khi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa và trước khi tiến gần về đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau đó có quá trình suy yếu dần. 

Chính vì thế, những nguy cơ và tác động lớn nhất của bão Conson sẽ là gió rất mạnh trên toàn bộ vùng biển Bắc Biển Đông trong các ngày từ 9-11/9; trong đó khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong khoảng ngày 10/9, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực này cần phải được tránh trú an toàn. 

Đối với khu vực đất liền, hiện chưa chịu ảnh hưởng của bão Conson, nhưng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ cần hết sức lưu ý về đợt mưa lớn trên diện rộng đang diễn ra và còn kéo dài tới hết ngày 9/9; sau đó mưa giảm và có thể tăng trở lại từ ngày Chủ nhật, 12/9”, ông Lâm cho biết thêm.

Các tỉnh ứng phó với bão mạnh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Conson diễn ra sáng 8/9, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng.

Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển; 114.091 dân khu vực ven sông và ngoài đê; 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.

Đại tá Phạm Hải Châu, phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án ứng phó với bão Conson.

Thống kê đối với lực lượng quân đội đã sẵn sàng hơn 500.000 bộ đội, dân quân tự vệ cùng hơn 2.000 trang thiết bị để ứng phó.

Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế cho biết bộ đã ban hành công văn số 7439 về việc chủ động và ứng phó với thiên tai, bão lũ, mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Bộ đề nghị các tỉnh rà soát lại các kế hoạch đã được xây dựng, theo điều kiện thực tế để ứng phó kịp thời, đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn, đảm bảo công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn…

Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đặt câu hỏi: Nếu bão đổ bộ khu vực “vùng đỏ”, “ai ở đâu ở đó” thì lúc đó có hủy bỏ lệnh “ai ở đâu ở đó” để sơ tán dân và sơ tán đảm bảo những điều kiện gì?Đại diện Bộ Y tế thông tin, trong tình huống bão lũ và thiên tai thì công tác bảo đảm an toàn cho người dân phải đặt trên hết, tức những khu vực nào không đảm bảo an toàn thì vẫn phải sơ tán đến nơi bảo đảm an toàn, tại nơi này vẫn phải đảm bảo những điều kiện phòng chống dịch.

“Ngoài công văn 7439 thì Bộ Y tế đang dự kiến tình huống, phương án hướng dẫn cho các địa phương triển khai” – đại diện Bộ Y tế nói.

Ông Trần Quang Hoài lưu ý, bão sắp đổ bộ, phương án cho việc sơ tán dân cần có sớm, không để bị động. Ông đề nghị đại diện Bộ Y tế khi có hướng dẫn thì gửi ngay sang Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để có chỉ đạo kịp thời.

Ông Hoài cũng cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, các địa phương có thể đọc để tham khảo thêm, báo Tuổi trẻ ghi nhận một số nội dung trong cuộc họp.

Tổng hợp

Theo Trí thức trẻ

Quảng Bình làm gì để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ứng phó bão Conson sắp đổ bộ?

Quảng Bình đang căng mình chống dịch khi hiện đã có tới 1.015 ca Covid-19 và hơn 7.400 F1, trong khi bão Conson sắp đổ bộ khiến tỉnh phải lên phương án ứng phó cùng lúc.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong 2 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện các đợt mưa lớn, gió mạnh, sấm sét vào buổi chiều tối cho đến rạng sáng.

Quảng Bình làm gì để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ứng phó bão Conson sắp đổ bộ? - Ảnh 1.

Công an TP. Đồng Hới ra đồng giúp dân gặt lúa khi người dân không thể ra ngoài vì giãn cách

Mưa lớn từ sáng sớm nay, 8/9, làm một số khu phố tại TP. Đồng Hới bị ngập, người dân phải mang áo mưa lội nước đến khu vực lấy mẫu xét nghiệm. Thời tiết phức tạp khiến công tác khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, dập dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn.

Quảng Bình làm gì để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ứng phó bão Conson sắp đổ bộ? - Ảnh 2.

Đêm qua, chốt kiểm soát tại cầu Nhật Lệ, chốt ven biển tại TP. Đồng Hới bị gió mạnh cuốn bay lều bạt khiến các lực lượng trắng đêm dầm mưa dựng lại lều, kê đặt lại đồ đạc

Đại úy Nguyễn Thanh Phú, Phòng Tham mưu – Công an tỉnh Quảng Bình, làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát xã biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới cho biết, thời tiết 2 ngày qua rất thất thường, ban ngày nắng nóng đến chiều tối lại mưa và gió mạnh. Lều bạt ở chốt kiểm soát bị gió thổi bay, anh em trực chốt phải dầm mình trong mưa suốt tối qua.

Quảng Bình làm gì để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ứng phó bão Conson sắp đổ bộ? - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng vất vã giữ chốt và trực chốt do mưa lớn

TP. Đồng Hới đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân không được ra đường. Những ngày qua, mưa to kèm gió mạnh đã làm nhiều diện tích lúa bị đổ rạp. Lúa chín vàng ngoài đồng chưa được thu hoạch, bà con đứng ngồi không yên.

Trước tình hình đó, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình và Công an TP. Đồng Hới đã đến cánh đồng xã Đức Ninh giúp bà con gặt lúa “chạy” mưa bão.

Quảng Bình làm gì để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ứng phó bão Conson sắp đổ bộ? - Ảnh 4.

Những nữ CSGT ra đồng gặt lúa giúp dân “chạy” bão

Thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng Công an TP. Đồng Hới cho biết, các lực lượng công an, bộ đội, thanh niên ở nhiều địa phương đã tập trung hỗ trợ người dân thu hoạch và vận chuyển lúa về nơi an toàn trước khi mưa bão ập đến.

Quảng Bình làm gì để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ứng phó bão Conson sắp đổ bộ? - Ảnh 5.

Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được huy động để gặt lúa hỗ trợ người dân đưa về nhà, trước mùa mưa bão

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, để chủ động ứng phó với bão Conson, tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng chống dịch Covid-19.

Quảng Bình làm gì để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ứng phó bão Conson sắp đổ bộ? - Ảnh 6.

Người dân phường Phú Hải, TP. Đồng Hới “đội mưa” đi xét nghiệm Covid-19

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Quảng Bình, hiện CDC tỉnh chỉ đạo ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai. Các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa bão lớn tại những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và các khu cách ly tập trung, bệnh viện, bệnh viện dã chiến đang điều trị bệnh nhân Covid-19.

Quảng Bình đã ghi nhận 1.015 F0

Sáng 8/9, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình cho biết trong 24 giờ qua, sau quá trình triển khai xét nghiệm đại trà cho 14.382 người tại các khu cách ly, phong tỏa đã ghi nhận thêm 53 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, tính từ 6 giờ ngày 7/9 đến 6 giờ sáng 8/9, CDC Quảng Bình tiến hành xét nghiệm 14.382 mẫu, phát hiện 53 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó các khu phong tỏa TP. Đồng Hới: 4 ca, huyện Bố Trạch: 9 ca, huyện Quảng Ninh 3 ca.

Cụ thể, tại các khu phong tỏa ở TP. Đồng Hới đã phát hiện 4 F0 (phường Đồng Sơn 3; phường Phú Hải 1). Huyện Bố Trạch có thêm 9 ca tại các xã (Bắc Trạch 2; Đức Trạch 6; Nhân Trạch 1); huyện Quảng Ninh có thêm 3 ca ở thị trấn Quán Hàu.

Ngoài ra, CDC QB phát hiện thêm 37 F0 tại các khu cách ly tập trung.

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương này ghi nhận 1.015 bệnh nhân Covid-19, có 159 bệnh nhân đã chữa khỏi, xuất viện; 856 ca đang điều trị; chưa có trường hợp tử vong.

Theo Người lao động

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/quang-binh-lam-gi-de-vua-phong-chong-dich-covid-19-vua-ung-pho-bao-conson-sap-do-bo-20210908093202621.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here