Mẹ ung thư di căn, xót cảnh con thơ chắt nước cơm uống thay sữa

0
218

 

Căn bệnh ung thư sàng hàm di căn sang phổi, tính mạng bị đe doạ nhưng điều chị Hoa lo lắng là tương lai của hai đứa con vẫn còn thơ dại.

Kể từ khi mẹ mắc căn bệnh ung thư sàng hàm, di căn vào phổi, hai anh em Nguyễn Doãn Gia Huy (7 tuổi) và Nguyễn Thị Trâm Anh (18 tháng tuổi), trú thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, phải sống trong cảnh thiếu thốn, cơ cực.

Huy và Trâm Anh là con của vợ chồng anh Nguyễn Doãn Trí (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi). Từ ngày chị Hoa đổ bệnh, hai đứa trẻ sống vất vưởng, nương nhờ hàng xóm, họ hàng. Anh Trí phải vay mượn tiền theo vợ ra Hà Nội, chuẩn bị cho các lần xạ trị tốn kém.

Chị Hoa ôm con trong nỗi lo sợ về sự sống mong manh

“Đưa vợ ra Hà Nội vướng phải dịch Covid-19 nên chúng tôi buộc ở lại dài ngày. Trong nhà có trâu bò, lợn gà, thứ gì đáng giá đều bán để chữa bệnh nhiều năm nay. Mỗi lần ra phải thuê trọ ở nên tốn kém vô cùng. Thấy vợ đau quằn quại, nghĩ về hai đứa con thơ mà tôi lại quặn lòng”, anh Trí tâm sự.

Năm 2017, sau khi sinh bé Gia Huy được 2 tuổi, chị Hoa có triệu chứng tịt hẳn một bên mũi phải, thường xuyên chảy máu mũi. Đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị ung thư sàng hàm. Nhận tin dữ như tiếng sét đánh ngang tai, chị Hoa kiệt quệ tinh thần. Nhưng nghĩ về con, về gia đình, vợ chồng chị lại động viên nhau vay mượn tiền ra Hà Nội chữa trị.

Hai đứa trẻ buồn rầu khi mẹ lâm bệnh nặng

Trải qua lần mổ mũi, xạ trị kết hợp hóa trị, chị Hoa tiều tụy về thể xác, mái tóc rụng dần. Năm 2019, khi đang trong quá trình chữa bệnh thì chị phát hiện mình mang bầu con thứ 2. Dù nhiều người khuyên nên bỏ đứa trẻ, chị vẫn lựa chọn gác lại việc chữa bệnh để bảo vệ con.

“Lúc biết mình có bầu, em thật sự không biết nên làm như thế nào. Nhiều người khuyên em bỏ đứa trẻ, vì giữ lại có thể ảnh hưởng đến con và ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ. Nhưng vì thương con, em biết trước sau gì mình cũng mất nên gác lại việc điều trị, xạ trị để nuôi thai”, chị Hoa cho biết.

Mái tóc chị Hoa rụng dần, căn bệnh ung thư đã di căn sang phổi

Những lúc bố mẹ cùng nhau ra Hà Nội thì hai anh em Gia Huy và Trâm Anh ở nhà gửi lại cho hàng xóm

Năm 2019, chị Hoa sinh đứa con thứ hai, đặt tên là Nguyễn Thị Trâm Anh. Do bị ung thư, sức khỏe yếu, chị Hoa mất sữa nên Trâm Anh từ lúc chào đời phải uống sữa ngoài. Những lúc không có tiền mua sữa, anh Trí lại chắt nước cơm, trộn thêm đường cho con gái ăn để chống đói.

Lá đơn của anh Trí, xin mọi người giúp đỡ để kéo dài sự sống cho vợ

Căn nhà tồi tàn không có thứ gì đáng giá

Mới đây, chị Hoa lại có triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đi khám thì bác sĩ cho biết ung thư sàng hàm đã di căn sang phổi, xuất hiện nhiều u nhỏ li ti ở cả hai lá phổi.

“Mỗi lần trở trời em lại không thở được, nghẹt hết mũi, thở cứ gấp gáp. Hai vợ chồng lại tiếp tục vay mượn tiền đi Hà Nội khám thì mới biết là bệnh đã di căn. Dẫu biết bệnh này khó sống nhưng em lại không nỡ lòng rời xa hai đứa con. Số nợ mà chồng vay cho em đi chữa bệnh đã lên tới 200 triệu đồng, giờ em mà chết là để lại gánh nặng lên ba bố con.

Đợt này dịch bệnh kéo dài, hai vợ chồng phải cách ly phòng đặc biệt, những mũi kích cầu tiền ngoài bảo hiểm trung bình khoảng 20 triệu đồng. Vợ chồng em không biết sẽ cố gắng được đến bao giờ”, chị Hoa tâm sự.

Huy rất ngoan và thương mẹ

7 tuổi nhưng Huy đã biết giúp em gái những việc nhỏ

Mẹ con chị Hoa đang cần sự giúp đỡ của nhà hảo tâm

Bố theo mẹ ra Hà Nội, hai đứa trẻ Gia Huy và Trâm Anh phải gửi nhờ hàng xóm, họ hàng. Bé Gia Huy mặt buồn rười rượi nói: “Con yêu, con thương mẹ. Con cũng sợ mẹ sẽ chết…”.

Lãnh đạo UBND xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà cho biết, gia đình chị Hoa đang lâm vào cảnh khốn cùng.

“Chị Hoa đổ bệnh, bao nhiêu tài sản tiêu tan, bán để có tiền chữa trị. Anh Trí thì không có việc làm ổn định, nay vợ đổ bệnh, lại ung thư di căn, phải theo vợ ra Hà Nội nên không có thời gian chăm lo cho hai đứa trẻ. Kính mong nhà hảo tâm tiếp sức để căn bệnh của chị Hoa có tiến triển, khỏe lại để còn về sum vầy với hai đứa nhỏ”, lãnh đạo xã Thạch Thắng nói.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Hoa, trú thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. SĐT: 0973028429 (Chị Hoa)

Theo Vietnamnet

Bệnh viện Đại học Y dược tạm ngưng nhận bệnh nhân vì có 4 ca COVID-19

Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động trong đợt dịch thứ 4 này bởi phát hiện nhân viên y tế của bệnh viện mắc COVID-19.

Bệnh viện Đại học Y dược tạm ngưng nhận bệnh nhân vì có 4 ca COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – Ảnh: NHẬT THỊNH

Sáng 4-7, theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1), bệnh viện này hiện đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân vì phát hiện có 4 ca mắc COVID-19.

Theo định kỳ hằng tuần, bệnh viện đã xét nghiệm PCR cho tất cả nhân viên y tế và người làm việc tại bệnh viện để tầm soát COVID-19. 

Trước đó, ngày 2-7, bệnh viện phát hiện có 3 nhân viên y tế và 1 nhân viên cung cấp dịch vụ có kết quả dương tính.

Để tránh lây lan và đảm bảo an toàn cho người đến khám và làm việc, bệnh viện đã quyết định tạm ngưng khám chữa bệnh từ ngày 3-7 để khoanh vùng, sàng lọc tìm nguồn lây, phân loại người tiếp xúc với các ca bệnh. 

Cho đến nay, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy chưa có bằng chứng các nhân viên y tế lây chéo khi các nhân viên này không  tiếp xúc với nhau. Các nhân viên y tế của bệnh viện đều đã được chích ngừa vắc xin phòng COVID-19.

Ngoài các trường hợp trên, tất cả các nhân viên còn lại có kết quả xét nghiệm âm tính trong cùng lần xét nghiệm.

Bệnh viện tiếp tục truy vết, khử khuẩn, cách ly tuyệt đối khu vực liên quan, bên cạnh đó vẫn đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh đang nội trú tại bệnh viện.

Do tính chất lây nhanh của chủng Delta, bệnh viện sẽ tiếp tục tổ chức xét nghiệm lại trong hôm nay và ngày mai 5-7 cho toàn bộ nhân viên y tế và người làm việc để đảm bảo không bỏ sót trường hợp nào mắc COVID-19. 

Bệnh viện sẽ thông báo hoạt động trở lại khi đảm bảo an toàn. Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát, nhiều người mắc không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược khuyến cáo khi người bệnh đến khám cần khai báo y tế chính xác, hoặc điện thoại số 1900 7178 trước khi đến bệnh viện để được hướng dẫn.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/benh-vien-dai-hoc-y-duoc-tam-ngung-nhan-benh-nhan-vi-co-4-ca-covid-19-20210704082030524.htm

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ

Tại TP.HCM, 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin. Các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ.

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng túc trực tại chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), nơi đang bị phong tỏa vì có liên quan đến ca dương tính với COVID-19 – Ảnh: NHẬT THỊNH

Tối 3-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố đã có những thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm nhằm nhanh chóng dập dịch COVID-19.

Chiến lược này được triển khai trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Trong những ngày qua, số ca mắc mới liên tục nằm ở mức 3 con số.

Theo đó, về việc khoanh vùng, thành phố sẽ xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu.

Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc…

Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân sống ở khu vực có nhiều ca nhiễm tại quận Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: XUÂN MAI

Về việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng.

Đối với tất cả trường hợp F1 sau khi được lập danh sách sẽ chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận huyện để điều tra dịch tễ. F1 sẽ được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT-PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của HCDC và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.

Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 – 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT-PCR. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.

HCDC cho biết thêm trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 lần này, thành phố sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng.

Theo đó, Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

Việc phân công lực lượng này nhằm đảm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 5.435 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, đứng thứ 2 trong tổng số 51 tỉnh thành trên cả nước có ghi nhận ca mắc COVID-19 (sau Bắc Giang).

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-doi-chien-luoc-chong-dich-100-ca-f0-phai-dieu-tra-trong-1-gio-20210703214851661.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here