Chủ tiệm hủ tiếu mang chỉ vàng đi cầm, lấy 5 triệu làm vốn để bếp lại đỏ lửa

0
122

Để có vốn làm ăn sau bao ngày giãn cách, nhiều người dân đã mang tài sản đi cầm cố, đổi lấy 5-7 triệu đồng để mở lại quán hủ tiếu, bánh canh, tự mình kiếm sống sau 3 tháng ngồi một chỗ phòng dịch.

Nhiều người đổ xô đến các tiệm vàng cầm cố vàng trong ngày 1-10 – Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày đầu tiên tái hoạt động, nhiều tiệm vàng lớn ở TP.HCM ghi nhận nhiều người dân đến xếp hàng vào tiệm… cầm vàng.

Tại một tiệm vàng trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), người dân đến giao dịch quá đông khiến tiệm vàng phải nhờ bảo vệ dân phố hỗ trợ, yêu cầu người dân giãn cách, lần lượt vào tiệm giao dịch.

Lặng lẽ đứng xếp hàng chờ đến lượt vào tiệm vàng trên đường Lê Quang Định, ông Lê Văn Quyền (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho hay hai vợ chồng có tiệm hủ tiếu trên đường Nơ Trang Long, kinh doanh ổn định nhiều năm qua.

Từ năm ngoái đến nay dịch bệnh ảnh hưởng đến việc bán buôn, nhất là đợt dịch lần thứ 4 khiến tiệm phải đóng cửa suốt 3 tháng trời.

Theo ông Quyền, thời gian qua gia đình đã nhận được mấy đợt hỗ trợ của thành phố, đủ cho việc trang trải ăn uống thường ngày. Nhưng để mở cửa quán, ông phải có một số vốn kha khá để mua xương thịt, gas… nên đã đi cầm cố 1 chỉ vàng lấy 5 triệu đồng.

Những ngày tới, hai vợ chồng ông Quyền lại buôn bán để nuôi 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học.

“Dịch khó khăn quá, muốn mở lại hàng quán cũng cần phải mua xương, mua thịt và đổi bình gas mà bây giờ kẹt quá, phải đi cầm vàng để có thêm chút vốn, mai mốt buôn bán được sẽ chuộc lại” – ông Quyền nói.

Lực lượng bảo vệ dân phố đến tiệm vàng hỗ trợ, yêu cầu người dân xếp hàng giãn cách – Ảnh: NGỌC HIỂN

Giống như ông Quyền, nhiều người đến các tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, Gò Vấp vào ngày 1-10 chỉ để cầm 1 chỉ vàng lấy chút vốn làm ăn. Nhiều người cho hay chỉ cần buôn bán được sẽ sớm chuộc lại vàng và trang trải được các chi phí cho gia đình, không cậy nhờ các gói cứu trợ.

Trong khi đó, nhiều người cũng đến xếp hàng ở các tiệm vàng để đóng tiền lãi suất cầm cố vàng mà chưa thể chuộc lại do thời gian qua thất nghiệp.

Anh Thanh Tú (hướng dẫn viên du lịch) cho biết từ đầu tháng 7 đã đi cầm 1 chỉ vàng lấy 4 triệu đồng trang trải cuộc sống, đến nay chưa thể chuộc lại vàng nên đành đi đóng tiền lãi, khi nào đủ tiền mới chuộc về.

Theo anh Tú, do ngành du lịch sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian tới nên bây giờ anh chỉ cố gắng cầm cự, làm mọi việc để kiếm sống trong thời điểm này.

Người dân xếp hàng để lần lượt vào bên trong tiệm vàng – Ảnh: NGỌC HIỂN

Đến tiệm vàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) bán 1 chỉ vàng lấy 5 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Sáng cho hay mới mua chỉ vàng này trước dịch với số tiền 5,2 triệu đồng, nay bán lại lỗ 200.000 đồng.

Anh Sáng kinh doanh tự do, song cuộc sống khó khăn nên chấp nhận bán “của ăn của để” để tạm thời lo miếng ăn.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đã có được vốn liếng để đến chuộc lại vàng, như shipper Lê Thành Chung đã đến chuộc 1 chỉ vàng với số tiền hơn 5 triệu đồng mà ông đã đi cầm trước dịch.

Theo ông Chung, từ đầu tháng 6 khó khăn nên phải đi cầm vàng lo chi phí ăn uống của gia đình. Mấy ngày qua đi giao hàng công nghệ để dành được hơn 5 triệu đồng nên ông chuộc vàng về.

Người dân giao dịch tại một tiệm vàng ở quận Gò Vấp qua lớp cửa sắt – Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện tiệm vàng trên đường Lê Quang Định cho hay nhiều người cầm cố vàng thời điểm tháng 6, tháng 7 song tiệm vàng đóng cửa trong thời gian giãn cách, nhiều người sợ bị thanh lý tài sản nên đổ dồn đến đóng tiền lãi.

Đồng thời, nhiều người có nhu cầu về vốn liếng để làm ăn nên cũng mang vàng ra cầm cố.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-tiem-hu-tieu-mang-chi-vang-di-cam-lay-5-trieu-lam-von-de-bep-lai-do-lua-20211001162748923.htm

Nghe cuộc điện thoại cuối cùng từ ba, cậu bé lớp 6 khóc nghẹn không thành tiếng

Ở đầu dây bên kia, ba Vũ Anh đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, không ai trả lời. Chỉ còn tiếng máy tút tút liên tục và tiếng người ồn ào, gấp gáp…

Dịch bệnh đi qua, để lại những đau thương không nói thành lời, những mất mát quá lớn với những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt các em khi nhận tin người thân đã lìa xa khiến ai cũng đau xót.

Một đoạn clip ghi lại cảnh cậu bé lớp 6 khóc nghẹn khi nghe cuộc điện thoại cuối cùng từ cha đã khiến nhiều người dùng mạng xã hội phải cay khóe mắt.

Trong đoạn clip, em nhỏ quay mặt đi, không để cho ai nhìn thấy. Gương mặt mếu máo và những giọt nước mắt thi nhau chảy, em khóc không thành tiếng. Phía bên màn hình điện thoại, người cha đã hấp hối, rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Anh cũng không kịp nói thêm lời trăng trối nào với cậu con trai bé bỏng

Cậu bé lớp 6 khóc nghẹn khi nghe cuộc điện thoại cuối từ ba

Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Tính (SN 1998, ngụ tại Tân Biên, Tây Ninh), anh họ của Vũ Anh cho biết, ba của cậu bé mất do gặp tai nạn. Ba mẹ Vũ Anh ly dị đã lâu. Mẹ đi xuất khẩu lao động bên Campuchia, do tình hình dịch bùng phát nên đã 2 năm không thể về.

“Ba Vũ Anh đi coi vườn, coi rẫy thuê ở Bình Phước. Hôm trước chú bị té, ngã lâu chưa ai phát hiện nên không cấp cứu kịp thời. Lúc phát hiện thì đã bị liệt và xuất huyết não. Ba cũng hay gọi điện về lo cho bé.

Trước hôm bị liệt, người ở cùng chú ý bên kia cũng gọi điện về, nhưng lúc đó ba bé cũng không kịp nói lời nào với bé cả. Chú nằm co giật, hôn mê sâu. Ngày 29/9 mới đưa về mai táng ở Tây Ninh”, anh Tính cho hay.

Do ba mẹ ly dị, Vũ Anh ở với bà từ nhỏ.

Ba mẹ mỗi người một nơi nên Vũ Anh từ nhỏ ở với bà ngoại. Bà làm may vá, hàng tháng nhận thêm tiền từ ba mẹ cậu bé gửi về. Trong ký ức của cậu, chỉ có những tháng ngày sống êm đềm cùng người bà tần tảo sớm hôm nuôi em khôn lớn.

Thỉnh thoảng ba Vũ Anh có về thăm, cho em chút tiền rồi dẫn cậu bé đi chơi công viên, sở thú. Những ngày đó là quãng thời gian vui nhất, hạnh phúc đối với cậu bé 13 tuổi.

“Vũ Anh vẫn còn đang khá sốc, tinh thần chưa ổn định vì chú ra đi đột ngột quá. Nhưng nó kìm nén, không thể hiện ra ngoài. Mình hỏi mà nó vẫn cười nhưng nước mắt cứ tuôn mãi. Nó không muốn người khác thấy nó buồn”, anh Tính nói.

Do hai nhà ở sát nhau nên 2 anh em họ khá thân thiết. Thấy cậu bé nhanh nhẹn, ngoan và lễ phép, ba mẹ anh Tính cũng chăm lo cho em như con.

Theo Pháp luật & bạn đọc

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nghe-cuoc-dien-thoai-cuoi-cung-tu-ba-cau-be-lop-6-khoc-nghen-khong-thanh-tieng-162210110194126509.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here