Đà Lạt “vỡ trận”, chủ nhà nghỉ kêu cứu: Đừng lên nữa, hết sức chứa rồi!

0
254

Sáng nay (mùng 5 Tết), tình hình du lịch tại TP Đà Lạt vẫn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Hôm 4/2 (tức mùng 4 Tết Nhâm Dần), Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết trong báo cáo nhanh, thống kê từ ngày 31/1 tới 4/2 (tức ngày 29 tháng Chạp đến sáng mùng 4 Tết Nhâm Dần), tổng lượng khách du lịch đến tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt khoảng hơn 82.000 lượt khách, trong đó có 2.262 lượt khách quốc tế.

Dự kiến trong dịp Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1-10/2), tổng lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú tại Lâm Đồng sẽ trên 120.000 lượt, riêng TP Đà Lạt chiếm khoảng 110.000 lượt khách. “Lượng khách tập trung đông nhất từ 3/2 đến 6/2 (mùng 3 đến mùng 6 âm lịch), các cơ sở lưu trú du lịch đều đạt công suất trên 90%”, báo cáo nêu.

Đà Lạt vỡ trận, chủ nhà nghỉ kêu cứu: Đừng lên nữa, hết sức chứa rồi! - Ảnh 1.

Chợ đêm Đà Lạt mới được phép hoạt động trở lại đã đón lượng khách lớn vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Fanpage Tin nhanh Lâm Đồng.

Về giá cả, dịch vụ du lịch trong dịp Tết tăng từ 30 – 40% so với ngày thường. Báo cáo này cũng cho biết, việc tăng giá đã được các khách sạn đăng ký với cơ quan thuế, niêm yết công khai và thông báo cho các hãng lữ hành, khách du lịch thông qua tờ rơi, website…

Sáng nay (mùng 5 Tết), tình hình du lịch tại TP Đà Lạt vẫn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. “Đừng lên em ơi. Nhà chị hết sức chứa rồi”, chị H., chủ một nhà nghỉ ở phường 4 cho biết. Dự đoán được tình hình nên từ tháng 12 năm ngoái, chị này đã dặn: “Đừng lên Đà Lạt dịp Tết”.

Chị H. nói thêm: “Lượng khách đổ dồn lên một lúc quá đông nên mấy nay nhà chị cũng phải từ chối khách. Dù thấy tội họ phải lang thang ngoài đường vì không có phòng nghỉ nhưng cũng đành chịu chứ biết sao giờ. Em cũng thông cảm, nếu em lên chị cũng không thể sắp xếp phòng được. Hẹn em sau Tết”.

Theo đó, hiện các phòng của nhà chị đã đặt kín đến hết ngày 10/2 (mùng 10 Tết). Chị chưa xác nhận có nhận đặt phòng sau Tết hay không vì hiện tại “đã quá mệt”.

Tương tự., anh Q. – chủ một khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh (cạnh Chợ Đà Lạt) cũng từ chối nhận khách mới.

“Lượng khách đổ lên quá đông. Chúng tôi phải tăng cường cả nhân viên buồng phòng thời vụ. Giá phòng có tăng là điều không tránh khỏi”, anh nói. Song, Đà Lạt thu hút khách trở lại sau giãn cách chống dịch kéo dài cũng làm anh Q. phấn khởi: “Tình hình kinh doanh khả quan như này là điều đáng mừng”.

Tìm kiếm trên các mạng đặt phòng phổ biến như Traveloka, Booking,… tình trạng cũng không khả quan hơn. Các phòng ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt giai đoạn từ nay đến mùng 10 Tết đều hết phòng trống. Chỉ còn một số phòng tại các khu vực khá xa trung tâm. Nếu du khách không vướng bận con nhỏ thì có thể cân nhắc phương án: Ở xa trung tâm.

Đà Lạt vỡ trận, chủ nhà nghỉ kêu cứu: Đừng lên nữa, hết sức chứa rồi! - Ảnh 2.

Khu trung tâm Đà Lạt kẹt cứng do lượng xe đổ về quá đông. Ảnh: Afamily.

Đáng chú ý, để giải quyết tình trạng này, trên mạng xã hội, người dân Đà Lạt cũng đang cho người không thể kiếm được phòng nghỉ vào ở nhờ tại gia đình mình. Tài khoản Binh Vu đăng tải: “Gia đình bạn nào có cháu nhỏ mà không tìm được phòng nghỉ thì liên hệ. Tôi sẽ mời đến nhà tôi ở. Không tính tiền”.

Không chỉ nhà nghỉ, khách sạn, các hàng quán ăn và dịch vụ giải trí khác của thành phố trong dịp nghỉ Tết Nhâm Dần cũng quá tải. “Chị làm không kịp thở. Khách quá đông. Mình thì muốn đảm bảo chất lượng nên làm ít. Mà ít quá thì khách lại tội nên nhà chị ráng làm thêm”, chủ một của trong những quán kem bơ nổi tiếng nhất Đà Lạt tâm sự.

“Tình hình mọi người đổ lên Đà Lạt còn sẽ đông cho đến khoảng mùng 7 Tết. Khi đó một số nhân viên văn phòng đã đi làm trở lại”, anh Nhật, chủ một dự án quán cà phê trên đường Triệu Việt Vương, nhận định.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Đốt than tổ ong sưởi ấm, 2 bà cháu qua đời, 2 mẹ con nguy kịch

Bốn người gồm mẹ con, bà cháu đốt than tổ ong để sưởi ấm trong phòng ngủ dẫn tới ngạt khí, khi người thân phát hiện sự việc thì 2 bà cháu đã qua đời, 2 mẹ con nhập viện cấp cứu.

Chiều ngày 5/2, tin từ UBND xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra sự việc ngạt khí than tổ ong khiến 4 người thương vong.

Danh tính các nạn nhân gồm: Trần T.C. (SN 1956, ngụ thôn Điền, xã Quảng Nham), Dương T.P. (SN 1982; con gái bà C.), Đặng D.A. (SN 2010), Đặng V.T. (SN 2013; cả 2 đều là con chị P.).

Theo một lãnh đạo xã Quảng Nham, tối ngày 3/2 (tức ngày mùng 3 Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022), gia đình bà C. có đốt than tổ ong để sưởi ấm, chậu than được đặt trong phòng, đóng kín cửa.

Khoảng 9 giờ 20 ngày 4/2, người thân không thấy mẹ con bà C. ra khỏi phòng nên vào kiểm tra tá hỏa phát hiện 4 người nằm bất tỉnh nên đã tri hô hàng xóm tới hỗ trợ.

Lúc này, bà C. và cháu D.A. được xác định đã tử vong. 2 mẹ con chị P. (chị P. và cháu T.) nguy kịch nên đã được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.

Đại diện chính quyền cho biết, sáng nay 5/2, gia đình đã đưa 2 bà cháu đi hỏa táng để mang về quê chôn cất theo phong tục. “Gia đình bà C. có hoàn cảnh khó khăn, còn chị P. lấy chồng sinh sống ở Hà Nội, dịp Tết chị cùng 2 con về quê thăm mẹ, ăn Tết”- một lãnh đạo xã thông tin.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, nguyên nhân 2 người tử vong do ngạt khí C02.

Theo Người lao động

Tai nạn thương tâm ở Bình Thuận, 1 người tử vong, 3 người hoảng loạn

Khi được cứu sống, 3 người bạn đi cùng anh T. hay tin anh thiệt mạng thì vô cùng hoảng loạn.

Ngày 4/2, gia đình tổ chức đưa anh T.H.T (19 tuổi, ngụ Cái Nước, Cà Mau) từ tỉnh Bình Thuận về quê an táng, sau khi nạn nhân bị chết đuối do lật xuồng trong lúc chụp ảnh cùng bạn giữa lòng hồ Sông Móng

Thông tin ban đầu, chiều 3-2, anh T. cùng 3 người bạn dùng xuồng gỗ để bơi ra lòng hồ Sông Móng (xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) để chơi, chụp ảnh. Đang vui chơi, chiếc xuồng bất ngờ nghiêng và lật ngay sau đó, khiến 4 người bị rơi xuống nước.

Người dân địa phương đã lao xuống cứu được 3 người, riêng anh T. bị mất tích. Sau khoảng 1 giờ tìm kiếm, thi thể anh T. được tìm thấy gần hiện trường vụ lật xuồng .

Tai nạn thương tâm ở Bình Thuận, 1 người tử vong, 3 người hoảng loạn  - Ảnh 1.

Hiện trường vụ lật xuồng ở hồ Sông Móng khiến một thanh niên tử vong ở Bình Thuận, ảnh: CTV

Anh T.H.T cùng gia đình từ quê Cà Mau đến Bình Thuận làm thuê cho vườn thanh long, hoàn cảnh khó khăn. Để hỗ trợ nạn nhân chi phí về quê mai táng, một nhóm thiện nguyện tại Bình Thuận đã quyên góp kinh phí hơn 15 triệu đồng thuê xe vận chuyển, phí mai táng.

Gần 2 năm trước, cũng tại khu vực hồ Sông Móng này, một nhóm học sinh lớp 10 khi chèo xuồng ra hồ chơi cũng bị lật, khiến 1 em tử vong.

Theo Người lao động

Hà Nội: Mùng 4 Tết, người phụ nữ bế bé gái lao vào đường tàu

Sáng 4/2, người phụ nữ bế bé gái lao vào đường tàu đoạn Giáp Bát – Văn Điển (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Trao đổi với chúng tôi ngày 4/2 (mùng 4 Tết), đại diện đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, sáng cùng ngày, một người phụ nữ bế bé gái bất ngờ lao vào đường sắt.

Theo đó, khoảng 9h sáng, khi tàu chạy đến đoạn Giáp Bát – Văn Điển tuyến đường sắt Bắc – Nam thì đâm phải một người phụ nữ khoảng 40 tuổi và bé gái. Vụ việc khiến người phụ nữ thiệt mạng tại chỗ, bé gái được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Hà Nội: Mùng 4 Tết, người phụ nữ bế bé gái lao vào đường tàu - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc (Ảnh: OFFB)

“Người dân cho biết khi tàu đến gần thì hai người chạy vào. Vụ việc hiện được bàn giao cho Công an quận Hoàng Mai thụ lý để xác định “, vị đại diện thông tin.

Hiện, vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Theo Tổ quốc 

Tết buồn của người vợ mất chồng con do Covid-19: ‘Tiền lo 2 đám ma vẫn còn nợ 55 triệu’

Vừa chăm chút lại bàn thờ hai cha con, bà Lê Kim Mai trải lòng: “Năm nay không có tinh thần đón Tết”.

Các hẻm dọc cầu Calmette (Q.4, TP.HCM) trong cao điểm của đợt bùng dịch thứ 4 vô cùng tang thương vì các hẻm san sát nhau gần như đều bị phong toả kéo dài, hàng loạt người tử vong vì Covid-19, cá biệt có hẻm 19 người mất vì Covid-19.

Đối với người dân nơi đây, họ không gọi là hẻm mà gọi là lô vì các nhà đều có diện tích như nhau, 3x7m san sát nên dịch cũng lây lan nhanh quá sức tưởng tượng.

Bà Quách Tú Anh, Chủ tịch UBND P.9, Q.4 cho Thanh Niên biết trong đợt dịch thứ tư, toàn phường có 122 người mất vì Covid-19, trong đó có 84 người thực tế sống tại địa phương.

Trong số các con hẻm dọc cầu Calmette có nhiều người mất vì Covid-19 phải kể đến hẻm 98 đường Đoàn Văn Bơ (P.9, Q.4). Trong không khí đón Tết Nguyên đán đang tấp nập ở mọi nơi thì không khí trong con hẻm này lại trầm lắng hơn rất nhiều. Vì với họ, được đón Tết cùng gia đình là may mắn.

Hoàn cảnh nhất trong số các hộ ở hẻm 98 phải kể đến trường hợp của bà Lê Kim Mai (62 tuổi). Ngày dịch bệnh Covid-19 lây lan trong con hẻm nhỏ, vợ chồng bà Mai cùng đi cách ly nhưng chỉ có bà trở về. Đau đớn hơn, người con trai đang cách ly tại nhà cũng mất 2 ngày sau khi ba mất.

“Lúc ở nhà, ổng nghe tiếng xe cấp cứu hú còi, tiếng rầm rập của nhân viên y tế mặc bảo hộ đến lấy mẫu xét nghiệm mà sợ. Đi cách ly chung được một hôm thì tôi chuyển đi nơi khác, hôm sau chồng mất mà mọi người giấu tôi hết. Con trai cách ly tại nhà nghe tin cha mất thì bỏ ăn, bỏ uống cũng mất 2 ngày sau đó. Tới khi tôi về cả nhà mới cho biết, suy sụp hoàn toàn”, bà Mai đau khổ kể với PV Thanh Niên.

Bà Lê Kim Mai khóc khi nhớ về chồng con. Ảnh: Người lao động

Nhớ lại những ngày tháng dịch bệnh đau khổ đó, bà Mai vẫn không thể kiềm chế được nước mắt. Chỉ khi bà đã khỏi Covid-19 chuẩn bị ra viện thì mới hay tin chồng đã mất từ ngày 25/7/2021. Nỗi đau đớn tột độ càng nhân lên khi đến ngày 27/7/2021, con trai của ông bà cũng mất vì Covid-19 tại nhà.

Tới giờ, quán cơm trong hẻm thường bán cho nhân viên ngân hàng của vợ chồng bà Mai vốn tấp nập khách vẫn chưa mở cửa trở lại. Khách tới hỏi thăm mấy lần, đều ngỡ ngàng khi nghe tin ông chủ quán không còn.

Sau biến cố lớn, giờ đây bà Mai chỉ còn sống cô đơn trên căn gác trong ngôi nhà ba mẹ để lại cho mấy anh chị em trong hẻm 98 vì 2 người con còn lại đã lập gia đình sống riêng. Chăm chút lại bàn thờ chồng và con trai nhân dịp Tết đến, bà Mai rơi nước mắt nói với PV báo Người lao động: “Năm nay không có tinh thần đón Tết”.

Nói thêm với báo trên, bà Mai tâm sự: “Tối đến nhớ chồng, nhớ con mà tôi khóc một mình. Vừa rồi lên phường nhận tiền hỗ trợ hộ khó khăn mà đau khổ. Tiền lo 2 đám tang tôi vẫn còn nợ 55 triệu đồng. Gần đây, tôi phụ con gái bán chè, ngày nào bán lời nhiều thì con cho 100.000 đồng, ít thì được 50.000 đồng. Do sức khỏe còn yếu, vốn cũng chẳng có nên chưa tính được gì. Qua Tết tôi sẽ kiếm việc làm mới”.Nói về lý do Q.4 có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cao và tỷ lệ tử vong cao, ông Lê Văn Chiến (Chủ tịch UBND Q.4) cho báo Thanh Niên hay:

Thứ nhất, quận có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân số cao nhất TP, nhất là hệ thống hạ tầng, giao thông, đường sá tại quận phần lớn là hẻm nhỏ, hẻm sâu.

Thứ hai, phần đông người dân trên địa bàn quận là lao động nghèo, sống trong không gian chật chội, nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế

Tuy nhiên, hiện nay, sau đợt dịch lớn vừa qua, người dân trong các hẻm đã tự giác phòng dịch để bảo vệ mình và người xung quanh.

Tổng hợp

Theo doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/tet-buon-cua-nguoi-vo-mat-chong-con-do-covid-19-tien-lo-2-dam-ma-van-con-no-55-trieu-161220302182835720.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here