Nhiều người dân đi xe máy muốn về quê, công an TP.HCM buộc phải nhắc quay về

0
118

Sáng 15.8, nhiều người dân đã đổ xô đi xe máy ra đường Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội định về quê, CSGT phối hợp với các lực lượng khác nhắc quay về. Một số trường hợp không chấp hành bị lập biên bản xử phạt.

Người dân định về quê trong sáng nay nhưng được CSGT nhắc quay đầu /// Ảnh: V.P

Người dân định về quê trong sáng nay nhưng được CSGT nhắc quay đầu

ẢNH: V.P

Trưa 15.8, thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, trong sáng cùng ngày, nhiều người dân đi xe máy ra các tuyến đường cửa ngõ định về quê. 

Ngay từ 6 giờ sáng, một số người đi theo nhóm đã bắt đầu xuất phát, ít phút sau có mặt ở khu vực cửa ngõ, ai nấy đều chất đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe máy, người mang ba lô, người mang cả quạt điện, nồi cơm điện để về quê. 

Theo thượng tá Bình, ngay khi nắm tình hình, PC08 Công an TP.HCM đã tăng cường các tổ tuần tra kiểm soát, chốt chặn ở khu vực cửa ngõ, trung tâm phối hợp cùng các tổ tuần tra lưu động, CSGT TP Thủ Đức, công an phường để tuyên truyền, vận động người dân quay về nơi xuất phát. Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt cũng có mặt trực tiếp tại khu vực Sóng Thần (P.Linh Xuân, TP Thủ Đức) để điều tiết giao thông, khuyên bà con quay đầu về lại nơi xuất phát.

Nhiều người dân đi xe máy muốn về quê, công an TP.HCM buộc phải nhắc quay về - ảnh 1

Người dân tập trung đông trước Bến xe Miền Đông mới

ẢNH: V.P

“Đa số người dân chấp hành quay đầu về, một số không chấp hành thì CSGT lập biên bản ra đường không có lý do chính đáng. Các trường hợp người dân chạy xe máy về quê thường nói do không có nghề nghiệp nên đã trả phòng trọ để về quê và không chịu quay lại. CSGT hướng dẫn quay về địa phương, liên hệ với công an khu vực hoặc UBND để được hỗ trợ về thực phẩm nhưng các trường hợp này cũng không chịu quay lại. Do đó, CSGT phải kiên quyết lập biên bản, không để tụ tập đông người, không đảm bảo phòng chống dịch”, Phó trưởng phòng PC08 thông tin.

Cũng theo thượng tá Bình, nhiều người định đi xe máy về quê giải thích, do tưởng hôm nay là ngày TP.HCM hết giãn cách xã hội, ngày mai sẽ bước vào đợt thực hiện Chỉ thị mới, tâm lý hoang mang nên quyết định chạy xe máy về quê.

Nhiều người dân đi xe máy muốn về quê, công an TP.HCM buộc phải nhắc quay về - ảnh 2

Nhiều lực lượng tuần tra phối hợp khuyên người dân quay lại nơi cư trú

ẢNH: V.P

“Các trường hợp này chúng tôi đều giải thích cho người dân hiểu hôm nay vẫn đang giãn cách xã hội theo 1 thị 16 tăng cường, người dân được yêu cầu ai ở đâu ở yên đấy, không tin các thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội”, ông Bình chia sẻ. 

Đến 10 giờ, trên các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM đã vắng bóng người đi xe máy định về quê, một số khác được lực lượng chức năng hướng dẫn di chuyển vào Bến xe Miền Đông mới để tuyên truyền, vận động quay lại, tránh tập trung gây ùn tắc giao thông. 

Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM cho biết, việc người dân tụ tập đông người, ra đường khi không có lý do chính đáng là vi phạm các quy định về giãn cách xã hội.

Thời gian tới, CSGT TP.HCM tiếp tục được tăng cường, siết chặt kiểm soát ở các chốt, tuần tra liên tục để kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố giao thông xảy ra. “Người dân nên chấp hành theo tinh thần ai ở đâu thì ở yên đấy để phòng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, chung tay cùng TP dập dịch”, thượng tá Bình nhấn mạnh.

Theo Thanh niên

Sự thật sau tấm ảnh CSGT ăn mì gói ngay trong bịch ở chốt kiểm soát dịch Covid-19

Mạng xã hội đang chia sẻ tấm ảnh CSGT ăn mì gói ngay trong bịch đựng mì, không bàn, không tô, chỉ có đôi đũa. CSGT trong clip cho biết đó là bữa ăn vội để nhanh ra trực chốt kiểm soát cho đồng nghiệp vào ăn cơm.

Tấm ảnh chụp trung úy Tiến ăn mì gói gây “bão” mạng xã hội

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Tấm ảnh một người mặc sắc phục CSGT ngồi ăn mì gói ngay trong bịch đựng mì, “không cần tô, chỉ cần đũa” được chia sẻ khắp mạng xã hội trong hôm nay khiến nhiều người xúc động. Trên các hội, nhóm, tấm ảnh này nhận được hàng ngàn lượt yêu thích và chia sẻ.

Nhiều người bày tỏ “chúng ta cần đồng lòng chống dịch để họ sớm được về với gia đình”, một số ý kiến cũng thắc mắc vì sao lực lượng trực chốt kiểm soát lại phải ăn mì gói.

Bữa ăn vội

Trả lời Thanh Niên, trung úy Nguyễn Bảo Tiến (Đội CSGT – TT Công an TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) xác nhận anh chính là CSGT trong hình ảnh được chia sẻ. Tấm ảnh được chụp vào khoảng 17 giờ ngày 13.8.2021.

Theo lời anh Tiến, hôm đó anh có ca trực từ 14 giờ đến 21 giờ tại chốt Ngã tư Sở Sao. Khoảng 17 giờ, anh xé gói mì ăn trước để ra thay ca cho đồng nghiệp đang trực kịp ăn cơm tối. Khi anh xé gói mì, nước sôi cũng đã nấu rồi thì mới phát hiện tô nhựa anh mua đã hết.

Sự thật sau tấm ảnh CSGT ăn mì gói ngay trong bịch ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 - ảnh 1

Trung úy Nguyễn Bảo Tiến được cộng đồng mạng ở Bình Dương gọi là “khắc tinh của racing boy Thủ Dầu Một”

ẢNH: X.D

“Tôi có mua 40 tô nhựa để anh em trực chốt kiểm soát chế mì ăn khi đói, nhưng hôm qua tô hết sạch chưa kịp mua, mì đã lỡ xé rồi nên tôi chế thẳng vào bịch ăn luôn. Thông thường chốt kiểm soát có cô Phương Hằng hỗ trợ cơm, mà do tôi là chốt trưởng, tranh thủ ăn sớm để thay cho anh em lát nữa vào giờ cơm nên ăn mì”, trung úy Tiến kể lại.

Anh cũng cho biết, tấm ảnh này do một người em cùng trực chốt chụp lại, gửi sang máy cho anh. Sau đó, anh gửi vào một nhóm chat có những người bạn bè thân thiết thì một người anh vì xúc động đã đăng lên mạng xã hội.

Anh Tiến cũng cho hay, khi bức ảnh được chia sẻ, anh cũng lướt qua và đọc được một vài bình luận không hay nhưng không cần đọc, không cần nhớ vì mạng xã hội nhiều người, nhiều ý kiến.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Xuân Diễm (28 tuổi, vợ trung úy Tiến) bày tỏ: “Nhìn chồng đi trực ngồi ăn mì gói không có bàn, không có tô vậy thấy thương lắm. Nhưng là phụ nữ, nên khi nhìn thấy những bình luận tiêu cực, tôi cũng có chút buồn”.

Sau khi tấm ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người dùng Facebook nhận ra, gọi anh Tiến là “khắc tinh của racing boy Thủ Dầu Một”. PV đặt câu hỏi với trung úy Nguyễn Bảo Tiến về biệt danh này, anh cười kể: “Tôi về công tác tại đây từ tháng 11.2017, thường xuyên làm các chuyên đề phòng chống đua xe và kiên quyết xử phạt thanh thiếu niên tụ tập, đua xe trái phép, có thể vậy nên một số người nhận ra tôi. Riêng với các thanh niên khi vừa tụ tập mà thấy tôi hoặc đồng nghiệp lướt qua là tự động giải tán”.

“Hết dịch chưa ba?”

Trung úy Nguyễn Bảo Tiến cũng là CSGT trong clip đối thoại giữa CSGT và cậu con trai được chia sẻ khắp mạng xã hội mấy ngày qua. Theo đó, trong đoạn clip này, anh Tiến đứng cách xa cậu con trai khoảng 3m. Ở bên trong, cậu bé hỏi: “Hết dịch chưa ba?”, anh đáp: “Chưa hết dịch”. Cậu bé tiếp lời: “Sao bữa ba nói hết dịch?”. “Ba nói hết dịch là ba nói giỡn á”, anh đáp.

Nghe vậy, cậu con trai rút cây bóng chày nhựa dắt sau lưng áo định tiến về phía ba. Anh cũng hài hước “giả bộ” đưa tay sau lưng rồi chĩa ngón tay theo hình chiếc súng bắn “bằng”. Ông ngoại đứng phía sau nhắc: “Đừng lại gần ba” nên cậu bé quay lại phía trong.

Người quay clip này là chị Xuân Diễm. Chị kể, clip được quay vào tuần trước, khi đó, anh Tiến xuống ca trực chạy khoảng 30km tạt qua nhà ở Phú Giáo đưa thuốc cho vợ. Trước đó, suốt 2 tháng trực chiến ở đơn vị, anh không ghé về thăm nhà mà chỉ nói chuyện với gia đình qua các cuộc gọi video.

Sự thật sau tấm ảnh CSGT ăn mì gói ngay trong bịch ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 - ảnh 2

Hình ảnh trung úy Tiến và cu Shin gây xúc động mạng xã hội

ẢNH CẮT TỪ CLIP

Cậu bé trong clip tên ở nhà là Shin, bốn tuổi rưỡi. Mỗi ngày nói chuyện với ba, cu Shin đều hỏi: “Hết dịch chưa ba? Hết dịch ba về dẫn con đi Đà Lạt” và một lần trong số đó anh Tiến đã trả lời với con là: “Hết dịch rồi”.

“Shin mừng rỡ khi nghe ba nói vậy, trước khi ngủ, Shin kể với ông ngoại, hết dịch rồi ba về sẽ chở con đi Đà Lạt chơi. Nhưng khi ba về lại nói chưa hết dịch làm cu Shin có chút buồn, sau đó thì quay vào nhà và một lát sau bình thường trở lại, do Shin đã quen với việc ba đi làm không về”, chị Diễm nhớ lại.

Về phía mình, trung úy Tiến bộc bạch: “Hai tháng trực chiến tôi không dám về thăm nhà, vì mỗi ngày tiếp xúc với rất nhiều người, không biết mình có đang nhiễm bệnh hay không. Nhìn thấy con vậy, trong lòng rất buồn, thương con. Mà giờ dịch vầy, cũng đâu dám lại gần con. Tôi chỉ đứng một lúc rồi đi chứ đứng lâu sợ không cầm lòng được với con”.

Theo Thanh niên

Hơn 900 nhân viên y tế ở TP.HCM đã bị phơi nhiễm COVID-19

Thống kê sơ bộ đến nay, ở TP.HCM đã có khoảng 900 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bị phơi nhiễm COVID-19.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 vào sáng 13-8.

Theo ông Nam, thống kê sơ bộ đến nay đã có khoảng 900 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bị phơi nhiễm COVID-19. “TP đã thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình các cán bộ, nhân viên y tế dã bị nhiễm và có những chính sách hỗ trợ cho họ” – ông Nam nói.

Liên quan đến 69 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhiễm COVID-19 giữa tháng 6-2021, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện cho biết nhờ đã tiêm vaccine nên các nhân viên này hồi phục nhanh.

Hiện đã ghi nhận hơn 900 nhân viên y tế trực tiếp tham gia chống dịch phơi nhiễm COVID-19.

Theo ông Châu, 69 nhân viên đã được chích 2 mũi vaccine, 50% hoàn toàn không có triệu chứng, vừa cách ly điều trị vừa làm việc từ xa. 50% còn lại có triệu chứng, đa phần là sốt, ho, mệt mỏi, hoặc mất vị giác, chỉ có 1 trường hợp cần thở oxy và sau một thời gian ngắn cũng đã hồi phục.

Ông Châu cho biết thêm, đây là các trường hợp cụ thể tại bệnh viện, ngoài ra còn rất nhiều tài liệu khác cho thấy những người được tiêm vaccine, có kháng thể trong cơ thể thì diễn tiến bệnh hầu như rất nhẹ và tử vong ít.

Ông Châu cũng cho rằng vaccine rất hiệu quả, sau khi tiêm vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể, kháng thể thường xuất hiện ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau khi tiêm. Tùy theo loại vaccine sẽ đạt được mức độ trung hòa kháng thể khác nhau, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào trong cơ thể giúp con người không bị bệnh.

Lực lượng y tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thành công của chiến chống dịch COVID-19.

Không có vaccine nào bảo đảm được 100% sau tiêm không bị bệnh, các vaccine COVID-19 hiện nay giúp ngăn chặn bệnh một phần. Nếu không may bị nhiễm thì kháng thể trung hòa sẽ ngăn chặn virus xâm nhập vào trong các tế bào, cơ quan trong cơ thể; giúp giảm tổn thương các tế bào, các cơ quan như phổi, tim, thận, gan…

Những người được tiêm vaccine, có kháng thể trung hòa, đa phần khi mắc có xét nghiệm dương tính nhưng không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ và ít biến chứng nặng.

Vì vậy, ông Châu cho rằng bên cạnh việc giãn cách xã hội, cách ly, 5K thì việc bao phủ tỉ lệ tiêm vaccine có hiệu quả, chất lượng sẽ giúp giảm những ca mắc mới, giảm ca bệnh nặng và giảm tử vong.

Việc tiêm vaccine tạo kháng cho bản thân là cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương khi mắc COVID-19 như nhóm người lớn tuổi, người có bệnh nền, mang thai. “Nhiều người nghĩ rằng tiêm 2 mũi vaccine sẽ không mắc COVID-19, điều đó là sai lầm. Thời gian qua rất nhiều trường hợp trên thế giới dù đã tiêm 2 mũi vaccine thì mức độ bảo vệ cũng không phải hoàn toàn, vẫn có khá nhiều trường hợp vẫn mắc bệnh” – ông Châu nói thêm.

Theo Pháp luật TPHCM

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/hon-900-nhan-vien-y-te-o-tphcm-da-bi-phoi-nhiem-covid19-1007951.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here