Gần 30 năm oán than nghĩ bị mẹ bỏ rơi, ngày gặp lại cô gái mới biết sự thật đau lòng

0
135

Ngần ấy năm, chị Ngọc vẫn đinh ninh mẹ đã bỏ rơi mình ở bến phà Gianh, Bố Trạch, Quảng Bình.

Cô gái mang nỗi đau nghĩ mẹ bỏ rơi suốt 32 năm

Đúng ngày 20/11 cách đây 32 năm, bà Dương Thị Hợi đang đạp xe đi dạy đến trước cửa chợ Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình thì trông thấy bé gái khoảng 4 – 5 tuổi vừa khóc thét gọi mẹ, vừa chạy bám theo sau xe của một người buôn bò. Gác lại công việc, người phụ nữ chạy khắp chợ, hỏi tìm người thân cho bé gái nhưng bất thành.

Sau đó, bà Hợi đưa cháu bé về nuôi, nhận làm con gái út trong nhà (đã có 1 trai, 1 gái). Bé gái chỉ nhớ mình tên là Ka, ở đâu, cha mẹ ra sao thì em không biết gì. Chẳng có bất cứ thông tin nhân thân nào, chồng bà đành lấy ngày sinh và tên đệm của mình để đặt cho bé gái là Mai Thị Ngọc. Thương bé con lạc người thân giữa đường, giữa chợ, vợ chồng bà Hợi ưu tiên chăm sóc hơn cả con đẻ của mình.

Bà Hợi và chị Ngọc hồi còn bé

“Khi cháu về cháu cứ giành mẹ nhưng nói giọng địa phương mẹ choa (mẹ tao – PV) chứ không phải mẹ mi (mẹ mày – PV). Chị gái đụng đến vai mẹ là cháu xô luôn. Chị gái chỉ ngồi khóc. Tôi cứ một buổi đi dạy, một buổi đạp xe đạp đến các chợ thông báo ai có mất con đi lạc con thì tôi trao lại”, bà Hợi nhớ lại.

Ngày đó, sau khi cất được căn nhà để có chỗ che mưa che nắng, chồng bà Hợi chẳng may qua đời. Bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên vai người phụ nữ ấy. Thấy gia đình quá khổ, con trai cả của bà Hợi học đến cấp 2 phải xin nghỉ làm nghề may phụ mẹ nuôi hai em gái.

Vào năm đó, tỉnh miền Trung nắng gió ấy nhiều người thiếu ăn. Với đồng lương giáo viên ít ỏi của bà Hợi, nuôi 4 miệng ăn quả thật không đủ. Thế nhưng, bà vẫn quyết tâm vay nợ cho hai con gái được ăn học đàng hoàng. Vì thế, cả Ngọc và chị gái đều theo ngành sư phạm của mẹ.

Chị Mai Thị Ngọc (SN 1985) theo ngành sư phạm của bà Hợi

Cũng kể từ ngày được mẹ nhận về nuôi, bé gái 5 tuổi ấy vẫn luôn trăn trở nỗi băn khoăn trách móc mẹ đẻ đã bỏ rơi mình. Chị Ngọc nhớ hồi đó đi vào Nam với mẹ đến bến phà. Khi ngồi trên xe, mãi không thấy mẹ đâu trong khi đồ đạc vẫn còn đó, chị Ngọc nhảy xuống xe tìm mẹ thì xe phà chạy mất.

Em suy nghĩ mẹ bỏ rơi em. Đi một đoạn rồi nhưng không thấy mẹ. Nếu có thất lạc, hơn 30 năm rồi thì mẹ phải đi tìm em chứ. Sau thất lạc vài năm còn có báo chí, đài tiếng nói Việt Nam về cũng đưa tin nhưng em không có tin tức gì của mẹ đẻ cả. Nhiều lần hồi học cấp 3 đi học về, em luôn nghĩ có khi nào bố mẹ đẻ đã đến nhà tìm gặp. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng”, chị Ngọc tâm sự.

Trong khi đó, miệng lưỡi thế gian nhiều lời đàm tiếu khiến cho cô bé ấy nửa tin nửa ngờ. Người động viên có thể mẹ sơ suất, lạc mất chứ không phải bỏ rơi. Người thì bảo mẹ cố tình bỏ con hoặc chị Ngọc là con riêng của mẹ nên thả ở phà cho người khác nuôi.

Bà Hợi thương con nuôi như con đẻ. Nuôi hơn 30 năm, bà tha thiết viết thư tìm nguồn cội cho con gái nuôi

Thiên hạ vẫn không ngừng những lời bàn tán dị nghị. “Nhiều người còn đặt điều ra câu chuyện mẹ Hợi có mối quan hệ ngoài luồng đẻ ra em rồi nhờ người nuôi hộ, đến 4 – 5 tuổi thì bịa chuyện nhặt được đứa trẻ ngoài chợ để mang em về nuôi. Lý do bởi càng lớn em càng có nét giống mẹ, mà yêu thương em đến vậy”, chị Ngọc kể lại.

Cứ thế suốt hơn 30 năm, chị vẫn không ngừng oán thán mẹ đẻ đã bỏ rơi lại mình. Cũng chính vì thế khi lớn lên chị chẳng có chút niềm tin hay tha thiết nào để tìm về nguồn cội. Phần nữa cha mẹ nuôi yêu thương, chiều chuộng. Chị Ngọc chưa bao giờ cảm giác lạc lõng vì có gia đình thứ hai quá trọn vẹn.

Đến khi chị Ngọc ăn hỏi với với một thanh niên ở địa phương, bà Hợi mới viết thư đi tìm gia đình ruột thịt cho con gái nuôi. Suốt ngần ấy thời gian, dù rất yêu thương con gái nuôi nhưng người phụ nữ ấy không ích kỷ bà vẫn mong chị Ngọc sẽ tìm được cha mẹ ruột. “Con chim có tổ con người có tông. Muốn cháu có tổ ấm gia đình ruột cật, tôi chẳng qua chỉ là người đỡ đầu nuôi cháu thôi. Giờ cháu lấy chồng ở địa phương (xã Quảng Thanh), dù xa hay gần, dù có đi đâu cháu cũng trở về Quảng Thanh”.

Lạc con trên bến phà, mẹ điên dại đi tìm

Trong khi đó, ngần ấy năm bà Trần Thị Ân (Tân Kỳ, Nghệ An) đau đáu tìm con gái thất lạc tên Hoàng Thị Thanh Ka 5 tuổi bước sang tuổi thứ 6 được 20 ngày. 32 năm về trước, người mẹ đưa con gái thứ ba (trong gia đình 4 người con) vào Nam, vậy mà thành ngày định mệnh mất đi đứa con ruột thịt.

Chồng bà Ân là lính lái xe Trường Sơn, còn bà là cán bộ tập kết xây dựng nông trường ở Nghệ Tĩnh. Ngày đó, bà đánh thức con gái tên Ka dậy lúc 3h sáng đi xe ra Vinh (Nghệ An) để đi thăm ông bà ngoại ở Đồng Nai. Chồng bà Ân cương quyết bảo vợ phải mang con gái theo để khoe với ông bà và cho cậu dì biết mặt cháu.

Bà Ân dằn vặt nỗi đau lạc con, nhiều đêm mắt nhắm lại mà không tài nào ngủ nổi

Kể lại khoảnh khắc ấy, bà Ân vẫn khóc nức nở, nỗi đau tưởng như đã nguôi ngoai nhưng nay nhắc lại vẫn khiến người phụ nữ quặn lòng. Đó là nỗi đau khổ quá lớn của người mẹ để lạc mất con.

Đi quãng đường 200 km từ Tân Kỳ đến Phà Gianh, người lớn phải xuống xe đi bộ. Tôi dặn con ngồi trên xe đợi mẹ. Nhưng khi xuống phà không thấy con gái đâu nữa. Dù phà đang trôi xa, tôi vẫn nhảy xuống bến tìm con”, bà Ân bật khóc kể lại.

Cứ thế bà Ân lên bến đón xe, đón phà sang sông mấy lần. Đi vào Đông Hà quay ra sông Gianh rồi bà lại vào tận TP. HCM tìm con gái trong điên loạn. Lần vào đó, bà còn bị xe tông phải nằm viện. Suốt 2 năm đầu, người mẹ chân không dép, đầu không nón ra Bắc vào Nam tìm con. Nghe người ta nói có bé gái lên xe đi Hải Phòng, bà lại lần tìm nhưng đều bất thành.

Chị Ngọc và bà Ân đã thất lạc hơn 30 năm

Cảm giác nhìn xuống sông chỉ muốn nhảy xuống nhưng phải kiềm chế không dám nhảy vì nghĩ mẹ chết thì còn 3 đứa ở nhà lại mồ côi. Nhưng mỗi lần đi qua phà sông Gianh, tôi cứ tưởng tượng lại thời điểm thất lạc con, lòng đau vô cùng”.

Cũng vì việc lạc mất con, chồng bà Ân chán nản lâm vào cảnh rượu chè. Cứ mỗi lần ông uống say lại đuổi đánh vợ. Còn hai con trai và một con gái nữa nên bà cố quên đi để lo cho các con, ngày ngày tất bật đầu tắt mặt tối mong nguôi ngoai phần nào.

Sống trong dằn vặt suốt hàng chục năm trời, bà Ân vẫn ước nguyện được một ần gặp lại con. Chỉ cần biết con gái vẫn sống khỏe là người mẹ ấy yên phận, cam lòng.

Ngày 23/3/2021, sau những nỗ lực tìm kiếm, điều ước của người mẹ đã thành hiện thực. Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã giúp chị Ngọc (hay là Ka) và bà Ân đã có cuộc đoàn tụ đầy nước mắt sau hơn 3 thập kỷ xa cách. Gặp lại nhau, hai mẹ con mới biết đã có một lần cơ hội đoàn tụ rất gần nhưng đã bỏ phí mất chỉ vì lời đồn đại.

Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của bà Ân và con gái thất lạc

Thời điểm đó, có hai người đàn ông bán bò đến nhà bà Hợi bảo có người mẹ lạc mất con gái đang khóc lóc khắp nơi đi tìm, muốn dẫn chị Ngọc đi. Nhưng vì nhiều tin đồn về nạn buôn bán, bắt cóc trẻ em mà bà Hợi không dám giao. Bà bảo muốn đón phải đến tận nơi. Còn bà Ân cũng tưởng con gái đã bị bắt cóc đưa sang nước ngoài nên không tới…

Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly

Theo Pháp luật & bạn đọc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here