Bị ruồng rẫy khi mang bầu, cô gái bị teo nhỏ tay dùng chân chăm con, trở thành giám đốc

0
170

Hai cánh tay bị teo không làm khó Tường Vy. Cô có thể dùng chân làm 90% mọi việc như người bình thường, kinh doanh để nuôi con.

Căn nhà trong hẻm nhỏ đường Đào Duy Từ, thành phố Đà Lạt là nơi Phan Tường Vi (1995) sống cùng gia đình và con trai nhỏ. “Đánh bạn” với đôi tay bị teo nhỏ hơn 20 năm, Tường Vy làm mọi việc bằng chân. Cô khá nổi tiếng trên mạng xã hội với các clip tự trang điểm, massage mặt, bóp đầu cho người khác.

23 tuổi làm single mom, nuôi con không cần trợ cấp

Hơn 2 năm trước, một video clip do Tường Vy đăng lên đã khiến dân mạng chấn động và được chia sẻ khắp nơi. Đó là khi bà ngoại vắng nhà, cô đem bé Suboy còn đỏ hỏn ra tắm. Bằng đôi chân điêu luyện, cô kỳ cọ, rửa mặt, “bế” em bé từ chậu này qua chậu khác.

Nhiều người xem mà thót tim, chỉ sợ em bé bị rơi. Nhưng với Vy, đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi cô hoàn toàn có thể tự chăm con với đôi chân, thay vì dùng tay.

Mẹ đơn thân Đà Lạt tắm con khéo léo bằng chân

Bé Suboy là kết quả của tình yêu cuồng nhiệt năm Vy 22 tuổi. Mãi đến khi bào thai trong bụng 16 tuần và vừa chia tay bạn trai, cô mới phát hiện ra. Nhưng Suboy đã là của riêng Vy, vì bố em bé từ chối đón nhận con. Anh ta cũng không báo cho gia đình mình biết về sự tồn tại của Suboy. Từ khi Vy mang bầu, bố em bé cũng không có chu cấp gì.

Theo một cách nào đó, Vy thấy nhẹ nhõm. Từ lâu, cô đã khao khát được làm mẹ. Nỗi ám ảnh khi bác sĩ nói rằng những ca phẫu thuật trong quá khứ khiến cô khó có thể làm mẹ, phần nào được giải tỏa.

Suboy giờ đã gần 3 tuổi

Vy thưa chuyện với mẹ, mẹ cũng nhẹ nhàng đón nhận mẹ con Vy. Tưởng cứ thế mà nuôi thai rồi sinh nở, nhưng Vy thót tim khi trong 1 lần khám thai, bác sĩ nghi ngờ em bé có nguy cơ dị tật Down.

Vy được gợi ý lên Sài Gòn xét nghiệm lại, hoặc là chọn cách có kết quả đúng 90% và an toàn; hoặc xét nghiệm ra kết quả chính xác cao hơn nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vy có thể đỡ được con bằng tay, nhưng chỉ khi bé còn nhỏ và trong thời gian ngắn

Cô chọn cách thứ hai, chấp nhận tác dụng phụ của xét nghiệm để biết vấn đề mình sắp phải đối mặt. Hơn ai hết, Vy hiểu nỗi đau và sự vất vả của một người tật nguyền. Vy không muốn con mình phải chịu cảnh tương tự.

Nhưng phép màu đã xuất hiện. Em bé của Vy hoàn toàn ổn. Thai nhi phát triển bình thường, khỏe mạnh, sẵn sàng để trở thành một phần tuyệt vời của thế giới.

Vy không may mắn với đôi tay, nhưng có đầy ắp niềm vui khi bé Suboy chào đời

Cô hạnh phúc cho biết, Suboy là đứa trẻ rất tình cảm và yêu mẹ. Cậu bé cũng khá ngoan và “biết điều”, không quấy khóc quá nhiều.

Có con, Vy bận hơn một chút với việc chăm bẵm từng miếng ăn giấc ngủ, tắm táp cho con. Bà ngoại hỗ trợ cũng nhiều, nhưng cô không ỷ lại, không để khuyết tật ngăn trở bản năng làm mẹ của mình.

“Đôi chân thiên thần” kiếm tiền nuôi con, làm giám đốc

Hai bàn tay Tường Vy bị teo nhỏ, gần như không thể sử dụng được từ khi 8 tuổi, sau một lần cô bị sốt. Mẹ thương Vy đã chạy chữa đủ nơi, phẫu thuật, vật lý trị liệu để cứu vãn, nhưng đôi bàn tay ấy vẫn không thể cầm nắm được.

Bà chia sẻ, khi xưa hai tay Vy còn teo rút lại, co quắp không thể duỗi ra, sau khi tập phục hồi chức năng nhiều mới cử động vài ngón tay và thực hiện một vài hành động đơn giản như bây giờ.

Vy gần như làm mọi thứ bằng chân, kể cả những việc khó, cần sự tỉ mỉ và khéo léo như tự trang điểm, massage mặt, bóp đầu cho người khác. Học lỏm từ mẹ khi làm nghề chăm sóc sắc đẹp, Vy có thể tự trưng diện cho mình mà không cần ai hỗ trợ.

Tường Vi có thể tự trang điểm cho mình và trang điểm cho người khác.

Đó không phải là năng lực bẩm sinh, mà là sự khổ luyện của Tường Vy. Cô hiểu giới hạn của cơ thể mình nên bỏ qua đôi tay mà học cách điều khiển các ngón chân linh hoạt để có thể cầm nắm vật dụng.

Từ những việc như viết chữ, vẽ tranh cho đến rửa chén, nấu nướng, rồi đến cạo râu, chải tóc… Vy đều làm thuần thục bằng chân. Sau nhiều năm rèn giũa, Vy có đôi chân cô khéo léo không kém gì tay người thường.

Single mom thích chưng diện, làm đẹp cho mình

Khi tôi còn mở tiệm làm đẹp, khách vô thấy con bé làm được mọi thứ, còn trang điểm, cắt tóc, cạo râu cho người khác được, nhiều người cũng đả kích, gièm pha. Họ nói với khách hàng khác “cái mặt, cái đầu mà để đạp chân vào làm sao được, kỳ cục” để người ta không cho con bé làm.

Họ cũng nói tay teo mà bày đặt vẽ mặt, trang điểm cho ai coi… Tôi cũng nói lại họ, rằng cháu nó muốn sống như bình thường, làm được mọi việc như người ta. Chân nó cũng như tay chúng ta thôi, tay không dùng được thì dùng chân, có sao đâu!

Nhưng cháu nó nghe vậy cũng bị áp lực lắm, mất một thời gian dài không giao tiếp với người lạ, hay ở trong phòng đóng cửa.” – mẹ Tường Vy kể với một YouTuber

Tường Vy từng có thời điểm u uất tưởng chừng không vượt qua được

Nhưng giấu mặt mãi, giấu tay mãi cũng phải đến ngày đối diện với sự thật: Vy phải sống với đôi tay teo nhỏ đến hết đời. Cô đã tìm thấy cảm hứng sống trong việc trau chuốt và tự hoàn thiện bản thân từ ngoại hình cho đến trí tuệ.

Vy xúng xính quần áo, trang điểm để tự tin hơn. Vy học ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học Văn Lang (TP.HCM), sử dụng bàn phím ảo để thuận tiện thao tác trên máy tính.

Tường Vy đang theo đuổi công việc kinh doanh.

Tốt nghiệp xong, Tường Vy bắt đầu kinh doanh online để có thu nhập. Cô cũng là một người sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Mẹ đơn thân này tích cực chia sẻ năng lượng tích cực đến với những người thiệt thòi giống mình, cổ vũ họ có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Gần đây, sau một thời gian dài bán hàng cho một hãng mỹ phẩm, cô được thăng hạng làm giám đốc chi nhánh ở Lâm Đồng. Việc này chưa giúp cô giàu có, nhưng đủ để Vy có thể nuôi con khỏe re và hài lòng với cuộc sống hiện tại.

theo nhịp sống Việt

nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/bi-ruong-ray-khi-mang-bau-co-gai-co-2-tay-teo-nho-dung-chan-cham-con-tro-thanh-giam-doc-82021221215733611.htm

Gần 4.600 xe hàng và 9.000 người “mắc kẹt” tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Đại sứ quán Trung Quốc nói gì?

Việc ách tắc gần 4.600 xe tương đương với khoảng gần 9.000 người đang lưu trú tại các cửa khẩu Lạng Sơn tạo áp lực rất lớn về nhiều mặt…

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc đã diễn ra liên tục trong vài năm gần đây. Đặc biệt, vào dịp cuối năm phía Trung Quốc thường hay kiểm soát chặt nên dẫn tới thông quan chậm, ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, chưa năm nào tình trạng ùn ứ, ách tắc này lại diễn ra trong một thời gian dài với tác động nặng nề như những ngày vừa qua.

Thông tin tại cuộc họp chiều 20/12, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo số liệu thống kê tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hiện đang tồn gần 4.600 xe container vận chuyển hàng nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đáng quan ngại là hiện chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị đang được thông quan. Cửa khẩu Tân Thanh đã tạm dừng thông quan từ 18/12. Trong khi đó, cửa khẩu Chi Ma cũng đã tạm dừng thông quan hàng hóa từ 8/12. Và số lượng thông quan mỗi ngày tại cửa khẩu Hữu Nghị chỉ khoảng 100 xe, trong khi đó số lượng hàng hóa lớn vẫn đang tiếp tục “dồn” lên các cửa khẩu mỗi ngày.

Cần chuẩn bị ngay từ đầu năm, định hướng và khuyến cáo từ sớm

Chiều 20/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn cùng với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma… kéo dài khoảng nửa tháng qua.

Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết việc ùn tắc nông sản là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Một nguyên nhân nữa là nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng, khiến hàng hóa đổ dồn về Lạng Sơn.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, tính đến ngày 20/12, có 4.598 xe container vận chuyển hàng đang tập kết tại các cửa khẩu trên địa bàn của tỉnh để chờ thông quan sang Trung Quốc.

Đáng chú ý, hiện chỉ còn duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị còn thông quan, số lượng thông quan ở mức khoảng 100 xe mỗi ngày, bằng khoảng một phần năm so với công suất trước đây.

“Việc ách tắc hơn 4.000 xe tương đương với khoảng gần 9.000 người đang lưu trú trên địa bàn tỉnh tạo áp lực rất lớn về việc bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch… Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ lái xe nội địa vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất cao và thực tế đã xảy ra ở nhiều khu vực”, ông Thiệu bày tỏ sự quan ngại.

Toàn cảnh buổi trao đổi nhằm phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn từ đầu cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh VGP

Tại cuộc làm việc, ông Thiệu đã đề xuất Bộ NN&PTNT nên tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Ông Thiệu đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết trước mắt là Bộ NN&PTNT sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật, hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để nhanh chóng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua thông tin của các cơ quan ngoại giao, Bộ nhận được thông tin một số doanh nghiệp đã có sản phẩm nông sản và người nhiễm COVID-19 nên đây là thực trạng khiến các cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát ở biên giới.

“Một trong những nguyên nhân chính chúng tôi xác định là một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không thực hiện đúng quy định cả phía Việt Nam và Trung Quốc về xuất nhập khẩu, đặc biệt là không thực hiện đúng 5K trong phòng chống dịch. Chính vì vậy, đã có nhiễm virus SARS-CoV-2 vào bao bì hàng hóa và cả người,” ông Trần Thanh Nam nói.

Trước tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đề nghị các tỉnh có hàng xuất khẩu sang biên giới chỉ đạo các ngành chức năng thông báo tới doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới để điều tiết hàng hóa lên biên giới ở mức độ vừa phải, tránh gây khó khăn trong quản lý của các tỉnh biên giới vì ảnh hưởng không chỉ thiệt hại về kinh tế mà cả xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu (trái) và Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Cẩm Tỏa. Ảnh TTXVN

Đại sứ quán Trung Quốc nói gì về tình trạng này?

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm – Tham tán thương mại cho biết, hiện còn khoảng 2.500 xe container của Việt Nam mặc dù đã đi qua được cửa khẩu, nhưng vẫn đang ùn ứ tại thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây.

Do đó, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ.

Thông tin thêm, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết lãnh đạo hai nước đều rất quan tâm đến vấn đề này. “Sứ quán chúng tôi rất lo lắng, tìm giải pháp tháo gỡ. Tôi nhớ trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc, đồng chí Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của đơn vị này cũng đã gọi điện cho tôi, nói rằng vấn đề này đang được quan tâm”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Cũng theo ông Cẩm, những ngày qua, Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng gọi điện cho đại sứ quán, đề nghị phối hợp tìm giải pháp thông quan hàng hóa.

Đề cập về chính sách “Zero COVID” hiện Trung Quốc đang áp dụng, ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định phòng chống dịch với bất cứ ngành nghề nào ở Trung Quốc cũng đang là số một, là trên hết. “Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, nếu áp dụng chính sách “sống chung” với COVID-19 thì nguy cơ “vỡ trận” là rất lớn, rất khó kiểm soát”, vị Tham tán thương mại nói.

Về việc đàm phán Nghị định thư, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, cũng do dịch COVID-19 khiến hai bên khó gặp gỡ trao đổi và tiến tới ký kết Nghị định thư để xuất khẩu nhiều loại hoa quả chính ngạch hơn. Vì vậy, ông Cẩm đề nghị Bộ NN&PTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy nội dung này.

Liên quan đến sự việc này, ngày 18/12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn.Tại văn bản, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc để có các giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu.Phó thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT có biện pháp sản xuất gắn với nhu cầu thị trường; hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo.Với các địa phương sản xuất nông sản, chính quyền chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền với các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực hiện theo khuyến cáo của các bộ, ngành về các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc.

Theo nhịp sống doanh nghiệp

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/gan-4600-xe-hang-va-9000-nguoi-mac-ket-tai-cac-cua-khau-lang-son-dai-su-quan-trung-quoc-noi-gi-3574296.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here