Hà Nội: Chợ cóc “vùng đỏ” nhộn nhịp như chưa hề có dịch

0
143

Bất chấp dịch bệnh, chợ cóc ở ngõ 84 phố Lĩnh Nam (Mai Động, Hoàng Mai) vẫn tấp nập người mua kẻ bán.

Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống ở khu vực ngõ 84 và 72 của phố Lĩnh Nam, trong những ngày nay (vào mỗi buổi sáng sớm) tại địa bàn này tình trạng chợ cóc vẫn hoạt động. Nhiều người bán hàng rong với đủ loại mặt hàng vẫn đi vào các ngõ, ngách trên để buôn bán. Bức xúc về tình trạng trên, người dân tại ngõ 84 đã tự lập hàng rào một đầu ngõ, ngăn không cho những người bán hàng rong hoạt động.

Tuy nhiên các chợ cóc nói trên vẫn hoạt động, bằng cách lợi dụng khu vực giáp ranh giữa 2 phường Hoàng Văn Thụ và Mai Động, vượt qua phòng tuyến chống dịch để bán hàng. Vào sáng sớm, không khí tại các chợ này khá nhộn nhịp, bất chấp nguy cơ dịch bệnh.

Điều đáng nói, nhiều người bán hàng và mua hàng đều không tuân thủ giãn cách, khiến người dân khu vực rất bất bình. Thông tin này đã được phản ánh đến chính quyền nhưng nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm.

“Cứ vắng bóng cảnh sát thì họ lại đưa đồ đến bán, thậm chí nhìn thấy cảnh sát đến là họ dọn dẹp, chờ đến khi lực lượng công an đi khỏi địa bàn là tiếp tục mở hàng”, người dân bức xúc.

Liên quan đến phản ánh trên, sáng 5/9, trao đổi với chúng tôi ông Trần Văn Vịnh – Chủ tịch UBND phường Mai Động, quận Hoàng Mai cho biết, hai hôm trước ông trực đêm nắm được thông tin và đã vào cuộc xử lý.

Ông Vịnh cho hay, chợ cóc này do người dân tự phát, hoạt động vào sáng sớm, khoảng 7h đã giải tán. Khoảng 5h sáng hôm 3/9 trực tiếp ông Vịnh cùng tổ công tác xuống địa bàn mời 2 người bán hàng về trụ sở, xử phạt theo quy định về phòng chống dịch Covid-19, mỗi trường hợp 2 triệu đồng.

Thế nhưng, nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm, họ lợi dụng lúc sáng sớm tranh thủ bán hàng kiếm kế sinh nhai. Vì quân số chính quy của phường rất mỏng, có 12 người, công việc thời điểm này rất quá tải nên việc giám sát khó khăn.

Theo ông Vịnh, thực tế có những hoàn cảnh rất khó khăn, đưa về phường sau đó cán bộ đến tận nơi xác minh thì thấy éo le, hai vợ chồng thuê nhà, không có thức ăn cho con cái, họ phải tranh thủ bán chút rau cỏ. Chính quyền phường sau đó phải cử người đưa lương thực đến cho họ.

Ông Vịnh nhấn mạnh, trước tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp, chính quyền sẽ quyết liệt, ngay trong sáng mai lực lượng công an sẽ tiếp tục tuần tra, xử lý nếu còn tiếp diễn.

Chợ cóc mở cửa sáng sớm (hình ảnh ghi nhận sáng 5/9)

Dù đây là địa bàn nằm trong “vùng đỏ”

Người dân đi chợ sáng sớm

Cứ vắng lực lượng chức năng thì cảnh đông đúc thường diễn ra sáng sớm.

Trong cuộc họp mới nhất giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với CATP Hà Nội vào chiều ngày 4/9 để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đồng chí Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thêm một lần nữa nhấn mạnh tới việc yêu cầu người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 3 của Thành ủy và Chỉ thị số 20 của UBND TP về phòng, chống dịch.

Nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, tránh tình trạng “chặt ngoài lỏng trong” và kiểm soát chặt việc ra đường của người dân…thêm một lần nữa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu CATP Hà Nội xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhất là ở khu vực vùng 1 được xác định là vùng đỏ. Việc thực hiện Chỉ thị 16 phải được triển khai ở mức cao nhất, tuyệt đối.

Theo Nhịp sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/ha-noi-cho-coc-vung-do-nhon-nhip-nhu-chua-he-co-dich-2220215911653594.htm

Hà Nội hạn chế đi lại giữa các vùng, người vùng nào ở vùng đó sau ngày 6.9

UBND TP.Hà Nội yêu cầu tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (nội đô) để khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch.

Sau 6.9, Hà Nội sẽ lập các chốt cứng hạn chế đi lại giữa các vùng. ẢNH TRẦN CƯỜNG

Tối 3.9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Hà Nội sẽ chính thức triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng, kể từ 6 giờ ngày 6.9 đến 6 giờ ngày 21.9.Vùng 1(nội đô) tương ứng vùng đỏ, là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Phạm vi gồm 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 2 (phía bắc và đông sông Hồng), tương ứng vùng cam, được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1.Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.Áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn.

Vùng 3 (phía tây, phía nam thành phố), tương ứng vùng xanh, là vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên.Một phần của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.

Áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.

Bản đồ phân chia 3 vùng của Hà Nội. ẢNH UBND TP

Giãn cách chặt hơn với vùng 1

TP cũng phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại Vùng 2, Vùng 3.

“Tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (nội đô) để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực; tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”, Chỉ thị nêu.

Chỉ thị cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).

Lập chốt cứng, người vùng nào ở vùng đó

Chỉ thị yêu cầu tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra/vào thành phố, các chốt ra/vào tại vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố. Theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố cũng yêu cầu triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, huy động mọi nguồn lực triển khai, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ.

Bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; tổ chức tiêm vắc xin khẩn trương, an toàn, đúng quy định theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định và chỉ đạo của Trung ương, thành phố và nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia.

Công an TP được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng công nghệ vào cấp giấy đi đường.

Tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu phòng,chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…) hoàn thành trong ngày 5.9.

Cùng với đó, tổ chức quản lý chặt chẽ và áp dụng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tất cả các chốt kiểm soát ra/vào thành phố tiếp giáp với các tỉnh, thành phố khác và các chốt kiểm soát tại Vùng 1.

Lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 và truyền tín hiệu, thông tin, hình ảnh về Sở chỉ huy thành phố, đảm bảo giám sát quản lý theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Công an TP, Sở GTVT để lắp đặt các chốt cứng để hạn chế người và phương tiện từ Vùng 2, 3 di chuyển vào Vùng 1 và ngược lại.

Thống kê chi tiết từng người dân, gia đình

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước thành phố.

Đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu thì ở đó”.

Rà soát và xác định các phân khu (khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có nguy cơ); các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, điểm tập kết hàng hóa lưu động; vị trí các chốt kiểm soát dịch bệnh, các chốt rào chắn cứng (không được lưu thông) của từng địa phương để phục vụ chỉ huy, điều hành.

UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp trung tâm y tế, tổ chức doanh nghiệp lên danh sách các công dân, nhân viên thuộc nhóm nguy cơ cao, các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn của mình, vẽ bản đồ và thực hiện thống kê chi tiết đến từng người dân và hộ gia đình để liên tục giám sát bảo đảm án toàn và sẵn sàng phương án xử lý nếu có ca nhiễm trong khu vực này.

Đối với các khu vực phong tỏa chật hẹp, đông dân cư, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án, kịch bản đảm bảo an toàn, lắp camera, siết chặt kiểm soát, tăng cường xét nghiệm; trường hợp cần thiết có thể tổ chức đưa các đối tượng có nguy cơ cao đi cách ly tập trung để giãn mật độ dân cư trong khu vực phong tỏa, tránh lây nhiễm trong khu phong tỏa.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/ha-noi-han-che-di-lai-giua-cac-vung-nguoi-vung-nao-o-vung-do-sau-ngay-69-1444397.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here