Hà Nội hạn chế đi lại giữa các vùng, người vùng nào ở vùng đó sau ngày 6.9

0
124

UBND TP.Hà Nội yêu cầu tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (nội đô) để khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch.

Sau 6.9, Hà Nội sẽ lập các chốt cứng hạn chế đi lại giữa các vùng. ẢNH TRẦN CƯỜNG

Tối 3.9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Hà Nội sẽ chính thức triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng, kể từ 6 giờ ngày 6.9 đến 6 giờ ngày 21.9.Vùng 1(nội đô) tương ứng vùng đỏ, là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Phạm vi gồm 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 2 (phía bắc và đông sông Hồng), tương ứng vùng cam, được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1.Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.Áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn.

Vùng 3 (phía tây, phía nam thành phố), tương ứng vùng xanh, là vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên.Một phần của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.

Áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.

Bản đồ phân chia 3 vùng của Hà Nội. ẢNH UBND TP

Giãn cách chặt hơn với vùng 1

TP cũng phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại Vùng 2, Vùng 3.

“Tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (nội đô) để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực; tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”, Chỉ thị nêu.

Chỉ thị cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).

Lập chốt cứng, người vùng nào ở vùng đó

Chỉ thị yêu cầu tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra/vào thành phố, các chốt ra/vào tại vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố. Theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố cũng yêu cầu triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, huy động mọi nguồn lực triển khai, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ.

Bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; tổ chức tiêm vắc xin khẩn trương, an toàn, đúng quy định theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định và chỉ đạo của Trung ương, thành phố và nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia.

Công an TP được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng công nghệ vào cấp giấy đi đường.

Tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu phòng,chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…) hoàn thành trong ngày 5.9.

Cùng với đó, tổ chức quản lý chặt chẽ và áp dụng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tất cả các chốt kiểm soát ra/vào thành phố tiếp giáp với các tỉnh, thành phố khác và các chốt kiểm soát tại Vùng 1.

Lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 và truyền tín hiệu, thông tin, hình ảnh về Sở chỉ huy thành phố, đảm bảo giám sát quản lý theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Công an TP, Sở GTVT để lắp đặt các chốt cứng để hạn chế người và phương tiện từ Vùng 2, 3 di chuyển vào Vùng 1 và ngược lại.

Thống kê chi tiết từng người dân, gia đình

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước thành phố.

Đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu thì ở đó”.

Rà soát và xác định các phân khu (khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có nguy cơ); các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, điểm tập kết hàng hóa lưu động; vị trí các chốt kiểm soát dịch bệnh, các chốt rào chắn cứng (không được lưu thông) của từng địa phương để phục vụ chỉ huy, điều hành.

UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp trung tâm y tế, tổ chức doanh nghiệp lên danh sách các công dân, nhân viên thuộc nhóm nguy cơ cao, các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn của mình, vẽ bản đồ và thực hiện thống kê chi tiết đến từng người dân và hộ gia đình để liên tục giám sát bảo đảm án toàn và sẵn sàng phương án xử lý nếu có ca nhiễm trong khu vực này.

Đối với các khu vực phong tỏa chật hẹp, đông dân cư, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án, kịch bản đảm bảo an toàn, lắp camera, siết chặt kiểm soát, tăng cường xét nghiệm; trường hợp cần thiết có thể tổ chức đưa các đối tượng có nguy cơ cao đi cách ly tập trung để giãn mật độ dân cư trong khu vực phong tỏa, tránh lây nhiễm trong khu phong tỏa.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/ha-noi-han-che-di-lai-giua-cac-vung-nguoi-vung-nao-o-vung-do-sau-ngay-69-1444397.html

Ngày 3-9, Việt Nam ghi nhận 14.922 ca COVID-19, tổng số vượt hơn nửa triệu ca

Trong 24 giờ qua, ghi nhận tổng số 14.922 ca COVID-19 với 14.894 ca trong nước tại 34 tỉnh và 28 ca nhập cảnh. TP.HCM với 8.499 ca, Bình Dương với 3.676 ca tiếp tục là 2 địa phương có số ca COVID-19 mới cao nhất.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Cụ thể: TP.HCM (8.499), Bình Dương (3.676), Đồng Nai (986), Long An (564), Tây Ninh (267), Tiền Giang (154), Kiên Giang (104), Đồng Tháp (82), Đà Nẵng (81), Bình Thuận (75), An Giang (62), Khánh Hòa (61), Hà Nội (58), Bà Rịa – Vũng Tàu (39), Nghệ An (37), Quảng Ngãi (24), Phú Yên (19), Bình Định (17), Thanh Hóa (15), Cần Thơ (10), Gia Lai (10), Đắk Nông (9), Bình Phước (8), Vĩnh Long (8), Trà Vinh (5), Hà Tĩnh (5), Bến Tre (5), Cà Mau (4), Quảng Nam (3), Nam Định (2), Bạc Liêu (2), Bắc Ninh (1), Hậu Giang (1), Bắc Giang (1).

Trong số trên có 9.275 ca trong cộng đồng. Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.708 ca. Tại TP.HCM tăng 2.536 ca, Bình Dương giảm 828 ca, Đồng Nai tăng 183 ca, Long An giảm 19 ca, Tây Ninh tăng 205 ca. 

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 501.649 ca nhiễm, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 497.391 ca, trong đó có 267.894 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 

Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc. 

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam. 

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (241.084), Bình Dương (126.408), Đồng Nai (26.314), Long An (23.785), Tiền Giang (10.290). 

Điều trị: số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày: 11.344; tổng số ca được điều trị khỏi: 270.668 

Thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca, trong đó: 

– Thở oxy qua mặt nạ: 4.122 

– Thở oxy dòng cao HFNC: 1.295 

– Thở máy không xâm lấn: 179 

– Thở máy xâm lấn: 867 

– ECMO: 28

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tử vong: Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các sở y tế công bố ghi nhận 338 ca tử vong tại TP.HCM (250), Bình Dương (44), Đồng Tháp (5), Hà Nội (2), Đắk Lắk (2), Tiền Giang (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1)…

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.476 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Xét nghiệm:  Trong 24 giờ qua đã thực hiện 715.672 xét nghiệm cho 1.223.119 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4-2021 đến nay đã thực hiện 16.063.195 mẫu cho 37.033.557 lượt người. 

Tiêm chủng: Trong ngày 2-9 có 283.221 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 20.831.478 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.872.356 liều, tiêm mũi 2 là 2.959.122 liều.

Người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại phường 10, quận Gò Vấp sáng 26-8 – Ảnh: DUYÊN PHAN

– Bộ Y tế hướng dẫn đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội từ nay đến 15-9, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Cụ thể tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình;

Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

– Bộ Y tế cho biết đã tiếp tục phân bổ 54.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 cho các cơ sở điều trị, nâng tổng số thuốc này đã phân bổ lên hơn 227.680 lọ.

Đây là lần phân bổ thứ 5 thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 của Bộ Y tế. Ở lần phân bổ này, thuốc tập trung chủ yếu cho các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã phân bổ 4 đợt thuốc Remdesivir với khoảng 173.680 lọ.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/chieu-3-9-viet-nam-vuot-hon-nua-trieu-ca-covid-19-tp-hcm-ghi-nhan-8-499-ca-20210903165024383.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here