F0 ‘leo’ vào nhà máy, nhiều lò mổ tại TP.HCM tạm ngưng hoặc giảm công suất

0
125

Làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, Công ty CP Vissan cho hay, do có 43 ca nhiễm Covid-19 và nhiều F1, F2, công ty đề xuất 2 phương án, trong đó có thể tạm dừng sản xuất, giết mổ khi gặp sự cố.

Nhiều nhà máy giết mổ heo tại TP.HCM buộc tạm ngưng hoặc giảm công suất vì F0 /// Ảnh: Ngọc Dương

Nhiều nhà máy giết mổ heo tại TP.HCM buộc tạm ngưng hoặc giảm công suất vì F0

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

FO vào lò mổ

Từ ngày 24.7 đến nay, theo thông báo của Công ty CP Vissan, công ty tạm ngưng do gặp sự cố trong nhà máy nên buộc phải ngưng cung cấp hàng đóng khay và một số mặt hàng cho hệ thống siêu thị. Hiện sản lượng thịt heo tươi sống của doanh nghiệp này giảm khoảng 15 – 20% so với trước đây. Công ty cũng đang rà soát tính toán lại năng lực sản xuất, báo cáo Sở Công thương TP.HCM để thành phố kịp thời có phương án chuẩn bị nguồn hàng thay thế khi cần thiết.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM thông tin, Công ty CP Vissan đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” (3T), trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm công nhân đã phát hiện các ca dương tính nên buộc phải tạm ngưng một số khâu trong nhà máy, trong đó có khâu pha lóc và đóng khay. Đến nay, hoạt động của nhà máy giết mổ vẫn khá linh động và điều chuyển được công nhân bộ phận này sang bộ phận khác để làm, trước mắt, hoạt động giết vẫn duy trì khá ổn định, chỉ khó khăn bộ phận pha lóc phải tạm ngưng, nên không cung cấp thịt sơ chế ra thị trường. Riêng các lò mổ khác trên địa bàn thành phố buộc tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch, không tổ chức được sản xuất theo chuẩn 3T và một số cơ sở giết mổ quy mô lớn xuất hiện F0 đã phải giảm công suất.

Không lo thiếu thịt

Cũng theo thông tin Sở NN-PTNT, hiện TP.HCM cũng có đến 3 cơ sở giết mổ heo thủ công đang tạm ngưng hoạt động do có công nhân bị nhiễm Covid-19. Ngoài ra, nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn tại TP.HCM cũng đã đóng cửa vì phát hiện F0. An Nhơn là nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất của TP.HCM, có công suất trung bình từ 60.000 – 100.000 con gà mỗi đêm.

Được biết Công ty Vissan đã làm việc với một số cơ sở giết mổ khác để tăng công suất, bù đắp cho phần cắt giảm từ phía nhà máy của công ty, mục đích bảo đảm nguồn hàng cung ứng ra thị trường ổn định trong thời gian này. Hiện nguồn cung thịt tươi sống cho thị trường TP.HCM theo Sở NN-PTNT là đến từ hai nguồn: Từ các lò giết mổ trên địa bàn thành phố, trong đó nguồn thịt heo chiếm gần 79%, thịt gà chiếm hơn 58% và bò khoảng 8,7%. Phần còn lại là từ các tỉnh lân cận cung cấp như Đồng Nai, Long An và cả Tây Ninh. Theo ông Hiệp, khi các lò tại TP.HCM gặp sự số, các nguồn hàng thịt từ Đồng Nai, Long An… sẽ được điều chuyển hỗ trợ, không để thiếu hụt. Hiện tại, ở Đồng Nai có nhà máy lớn của Công ty C.P Việt Nam, ở Long An có máy lớn MeatDeli của Masan. Nên nguồn cung thịt của TP.HCM trong những ngày tới không quá đáng lo ngại, thiếu hụt và khan hàng như xảy ra đối với mặt hàng rau củ quả.

Báo cáo của Tổ công tác 970 về tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến tại TP.HCM từ sau ngày 23.7 cho thấy, các doanh nghiệp đã đăng ký thẩm định 3 tại chỗ nhưng không được thẩm định (do cơ quan thẩm định không kịp thẩm định) buộc phải ngừng hoạt động.

Theo Thanh niên

Diễn biến dịch ngày 28/7: Thêm 2.858 ca mắc mới; Huyện Chương Mỹ bác bỏ thông tin “786 người liên quan một ca F0”

Bản tin dịch COVID-19 sáng 28/7 của Bộ Y tế cho biết có 2.858 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất với 2.115 ca; TP Hà Nội 69 ca.

Thủ tướng: ‘Có thể áp dụng biện pháp cao hơn so với Chỉ thị 16’

Thủ tướng đánh giá TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đã thực hiện Chỉ thị 16 và đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, một số nơi làm chưa nghiêm, thiếu sự kiểm tra, giám sát; một bộ phận người dân chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc việc giãn cách xã hội, nhất là yêu cầu giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường, vẫn còn tình trạng tập trung đông người hay có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Trong khi đó, còn để xảy ra ách tắc cục bộ trong vận tải, lưu thông hàng hóa. Lượng người về từ vùng có dịch đến địa phương lân cận lớn, tuy nhiên việc quản lý, kiểm soát chưa thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.

Thủ tướng cũng đánh giá việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương vẫn còn chậm. Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung khắc phục kịp thời, hiệu quả ngay các hạn chế này trong những ngày tới để thực hiện giãn cách thực chất, có hiệu quả.

Theo người đứng đầu Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn theo nguyên tắc “tình hình mới phải có cách tiếp cận mới và giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”.

12 tỉnh, thành nào đang yêu cầu dân không ra đường sau 18h?

Ngày 27/7, UBND Bình DươngBình PhướcBến Tre đã có thông báo yêu cầu người dân trên địa bàn tỉnh không được ra đường từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, trừ những trường hợp cần thiết. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động trong khung thời gian này.

Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 28/7 cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, tối 25/7, tại cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đưa ra chỉ đạo, từ ngày 26/7, sau 18h, người dân tuyệt đối không ra đường; tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng, trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 25-26/7, một số tỉnh, thành của ĐBSCL như Long AnTiền GiangBạc LiêuVĩnh LongKiên GiangHậu GiangTP Long Xuyên (An Giang)TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) cũng đã ban hành quy định yêu cầu người dân trên địa bàn toàn tỉnh không ra đường từ 18h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau.

Hà Nội: H.Chương Mỹ phản bác thông tin 786 người liên quan ca F0

Ngày 27.7, ông Hoàng Minh Hiến, Phó chủ tịch UBND H.Chương Mỹ, phản bác các thông tin lan truyền nêu trên, cho rằng đây là thông tin suy diễn gây hoang mang dư luận, sai sự thật về tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương .

Trước đó, ngày 26.7, UBND H.Chương Mỹ đã ban hành văn bản số 2114 có nội dung đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố phối hợp rà soát 786 người lao động đang làm việc tại Công ty Star, nơi có ca dương tính F0 để triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

“Không phải là 786 ca dương tính hay là các F1, F2 liên quan đến ca F0 như suy diễn trên mạng. Đây là biện pháp quy định trong phòng chống dịch theo quy định. H.Chương Mỹ đề nghị Sở TT-TT Hà Nội có định hướng thông tin, xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân đưa thông tin sai sự thật trên mạng nếu có”, lãnh đạo H.Chương Mỹ đề nghị.

Sáng 28/7 thêm 2.858 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 2.115 ca

Thông tin các ca mắc mới:

– Tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7 có 2.861 ca mắc mới, trong đó 03 ca nhập cảnh và 2.858 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa

– Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1) trong đó có 403 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

– Tính đến sáng ngày 28/7, Việt Nam có tổng 117.121 mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.

– Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

– Có 06/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

– Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.

Tình hình điều trị

– Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca.

– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca.

– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Tình hình xét nghiệm

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.472.418 mẫu cho 15.848.029 lượt người.

Tình hình tiêm chủng

Trong ngày có 258.077 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

Theo Nhịp sống Việt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here