Học sinh trở lại trường học không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp

0
136

Học sinh trở lại trường học không bắt buộc đeo khẩu trang, không bắt buộc giãn cách trong lớp. Các trường cần có ứng phó linh hoạt để các trẻ được trở lại trường học an toàn.

Học sinh hạn chế tiếp xúc giữa các lớp học.. TNO

Chiều nay, 8.11, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.

Đại diện các sở Giáo dục – Đào tạo nêu băn khoăn về việc thực hiện đeo khẩu trang ảnh hưởng sức khỏe hô hấp của học sinh; khó khăn thực hiện giãn các trong lớp học và hình thức áp dụng cách ly nếu trong lớp học có ca F0.

Kết luận hội nghị, Thứ trường Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các sở y tế và các sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành cùng rà soát về phương án phòng chống dịch trong nhà trường; yêu cầu các trường học cần xây dựng kế hoạch cho trẻ đến trường sau khi theo tinh thần thích ứng an toàn. Cần phát huy vai trò trách nhiệm của quyền địa phương trong chỉ đạo các đơn vị kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch đến từng trường. Hiệu trưởng phải là trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường và phân công nhiệm vụ đến từng cô chủ nhiêm.

Về thực hiện 5K trong lớp học, ông Tuyên yêu cầu các trường thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1583 ngày 7.4.2020 của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Theo đó, trong lớp học không bắt buộc đeo khẩu trang, không áp dụng giãn cách trong lớp học, nhưng cần hạn chế tiếp xúc giữa các lớp.

Ông Tuyên cho hay về y tế học đường hiện đều do các trạm y tế xã, phường đảm nhiệm. Nhưng trong điều kiện dịch hiện nay, các trường đề xuất y tế riêng cho trường học là hợp lý. Lâu nay, y tế trường học do nhân viên y tế xã, phường phụ trách. Trong giai đoạn dịch Covid-19, các đơn vị có thể ký hợp đồng với cán bộ y tế để có có nhân lực chuyên môn hỗ trợ phòng, chống dịch.

Ông Tuyên nêu rõ các trường cần có kế hoạch ứng phó dịch khi trẻ trở lại. Nhưng trước mắt, khi có ca F0, sẽ thực hiện khoanh vùng cả trường, nhanh chóng sàng lọc, xét nghiệm, đánh giá mức độ ca nguy cơ. Trong đó, các F1 cách ly tại nhà nơi cư trú; F0 nhẹ theo dõi sức khỏe tại nhà. Thực hiện phong tỏa nhỏ: chỉ ở quy mô lớp, hoặc tầng hoặc tòa nhà. Việc khử khuẩn lớp học sau 24 giờ là lớp học lại được bình thường.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức cho học sinh trở lại trường học an toàn, trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch. Không để trẻ nghỉ học lâu dài, gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Khi đến trường cũng phải an toàn, không để nay mở cửa trường học, mai lại đóng cửa.

Theo thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-tro-lai-truong-hoc-khong-bat-buoc-deo-khau-trang-trong-lop-post1399245.html

Hai tuần, Hóc Môn 6.700 ca dương tính, lãnh đạo huyện nói gì?

 Lãnh đạo huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết số ca dương tính với COVID-19 tăng nằm trong dự liệu và huyện này đang nỗ lực để kiểm soát tình hình.

Nhân viên y tế phát thuốc và hướng dẫn cách sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TP.HCM) – Ảnh: NHẬT THỊNH

Trong hai tuần từ 23-10 đến 6-11, huyện Hóc Môn phát hiện hơn 6.700 ca dương tính với COVID-19 qua test nhanh, trong đó có nhiều điểm nóng ở các xã Đông Thạnh, Xuân Thới Thượng, Bà Điểm, Tân Thới Nhì, Nhị Bình…

Huyện có lúng túng

Lãnh đạo huyện Hóc Môn nhận định địa bàn huyện là khu vực có nhiều nguy cơ. Nhiều xã ở Hóc Môn có mật độ dân số lớn, phòng trọ nhiều nên nguy cơ lây lan dịch cao hơn những địa bàn khác.

Toàn địa bàn huyện Hóc Môn có 600.000 dân với hơn 100.000 người ở trọ, và khoảng 200.000 người là lao động tự do. Nhiều xã có đến 90.000 dân mà chỉ có 8 nhân viên y tế và số lượng cán bộ xã vẫn như những nơi khác.

Địa bàn huyện Hóc Môn tiếp giáp với huyện Bình Chánh và một số huyện của tỉnh Long An có nhiều khu công nghiệp. Một số lượng đáng kể các F0 là người đi làm tại các doanh nghiệp có F0 tại các khu công nghiệp, về cư trú trên địa bàn Hóc Môn rồi chuyển thành F0.

Sau ngày 1-10, nhiều dịch vụ được mở cửa, người dân đi lại, tiếp xúc nhiều nên dịch lây lan nhanh và nhiều hơn giai đoạn còn giãn cách. Và thực tế, sau khi TP.HCM vượt qua cao điểm dịch COVID-19 đợt 4, tâm lý người dân có chủ quan trong việc tiếp xúc với hàng xóm, nơi công cộng… cũng làm cho số ca dương tính với COVID-19 tăng.

Lãnh đạo huyện Hóc Môn thừa nhận sau ngày 1-10, huyện này có lúng túng trong công tác xét nghiệm, tầm soát, truy vết, phong tỏa dịch ở những khu vực có nguy cơ. 

Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh cho các F0 đang cách ly tại nhà ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn – Ảnh: NHẬT THỊNH

Từ ngày 1-10 đến trước ngày 20-10, Hóc Môn có tầm soát, xét nghiệm khu vực nguy cơ (như phòng trọ, chợ…) nên số ca dương tính không tăng. Sau ngày 20-10, do thiếu kit test và chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tầm soát nên việc này bị tạm ngưng và dịch có xu hướng tăng. Số ca dương tính tăng nhanh nhất là thời điểm sau ngày 28-10, thời điểm các dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ.

Đến ngày 28-10, Sở Y tế có hướng dẫn về việc xử lý các ổ dịch và huyện Hóc Môn áp dụng ngay. Và đến nay đã rà soát, nắm vững tình hình dịch của các xã. Dự kiến trong hôm nay và ngày mai, huyện sẽ tầm soát hết tất cả các điểm nóng dịch trên địa bàn các xã.

Hiện nay, Hóc Môn đặt mục tiêu phải theo dõi được tất cả các ca dương tính, hạn chế ca nặng nhập viện. Tuy số ca dương tính nhiều nhưng số ca bệnh nhập viện không tăng.

Trách nhiệm của địa phương

Qua thực tế, huyện Hóc Môn nhận thấy những khu vực được bảo vệ kỹ trong đợt dịch vừa qua lại là những khu vực xuất hiện nhiều ca dương tính hơn những khu vực từng là “vùng đỏ”, “vùng cam”. Ví dụ như xã Nhị Bình đang là vùng xanh thì nay xuất hiện đến 5 khu vực phát sinh nhiều điểm dịch…

Nhân viên y tế xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TP.HCM) đi thăm khám tình hình các bệnh nhân COVID-19 đang cách ly tại nhà chiều 8-11 – Ảnh: NHẬT THỊNH

Về chiến lược chăm sóc và xử lý F0 trong cộng đồng, lãnh đạo huyện Hóc Môn cho hay mỗi xã hiện nay có ba loại hình cùng hoạt động trong công tác chống dịch là tổ chăm sóc F0 cộng đồng, trạm y tế lưu động và trạm y tế.

UBND huyện có bảng phân công việc cho ba nhóm này dựa trên chức năng chính để khỏi giẫm chân nhau và cùng hỗ trợ nhau làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, xử lý tốt các khu vực dịch tễ, tránh nguy cơ lây lan (sơ đồ). Trong đó có 90% F0 nhẹ, không triệu chứng được tổ F0 cộng đồng chăm sóc.

Hầu hết các F0 đều được phát gói thuốc A hoặc gói B. Gói thuốc C ban đầu nhiều thủ tục quá, nên người dân ngại không dám sử dụng. Nhưng gần đây, nhận thức của người dân tốt hơn cũng như thủ tục sử dụng gói thuốc C không còn nhiều rắc rối nên người dân sử dụng gói C nhiều, giảm được tỉ lệ bệnh nhân nhập viện.

Vị lãnh đạo huyện thừa nhận số lượng F0 tăng, dịch bệnh trên địa bàn chuyển biến phức tạp có trách nhiệm của địa phương. Huyện vẫn quyết định phải thông tin con số thật để tự biết mình đang đứng đâu trong bản đồ chống dịch và có những phân tích, quyết định kịp thời để xoay chuyển tình hình.

Hiện đã có 90% người dân trên 18 tuổi đã chích ngừa đủ 2 mũi, hệ thống y tế địa phương có kinh nghiệm, có phân công rõ ràng, có thuốc điều trị và phác đồ cho từng trường hợp theo mức độ nặng nhẹ, lãnh đạo huyện Hóc Môn cho rằng người dân không nên lo lắng vì số ca dương tính của Hóc Môn cao vọt so với những khu vực khác nhưng cũng không chủ quan. Người dân cần giữ gìn cho mình và người thân, nhất là những gia đình có người già, người có bệnh nền.

Vì nếu như số ca bệnh tăng cao quá thì hệ thống y tế sẽ quá tải, F0 không được chăm sóc chu đáo sẽ có nguy cơ trở nặng, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống, sức khỏe, gia đình, công việc của chính người bị dương tính.

Quy trình phát hiện và xử lý các ca F0 tại cộng đồng trên địa bàn huyện Hóc Môn

Theo tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/hai-tuan-hoc-mon-6-700-ca-duong-tinh-lanh-dao-huyen-noi-gi-20211108184107375.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here