KHẨN: 1 địa phương thông báo nghỉ học sau khi phát hiện 47 học sinh mắc và nghi mắc Covid-19

0
128

Quyết định nghỉ học được Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ đưa ra sau khi phát hiện 2 học sinh mắc Covid-19 và 45 trường hợp test nhanh ra kết quả dương tính.

Theo báo Tuổi Trẻ Online, sáng 17/10, ông Nguyễn Văn Mạnh (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ) cho biết tỉnh đã thống nhất cho học sinh thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao nghỉ học trong 1 tuần.

Quyết định được đưa ra sau khi trong địa bàn phát hiện 2 học sinh mắc Covid-19 (học sinh trường Tiểu học Chu Hóa, THCS Chu Hóa – TP. Việt Trì) và 45 học sinh lớp 7 tại trường THCS Chu Hóa test nhanh ra kết quả dương tính. 

Phát hiện hai ca nhiễm COVID-19, tỉnh Hòa Bình cho học sinh nghỉ học | Giáo  dục | Vietnam+ (VietnamPlus)

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, đến 6h ngày 17/10, thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao đã phát hiện thêm 6 ca mắc mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Sau khi đánh giá mối nguy cơ giữa trường hợp dương tính mới tại thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao, phát hiện cùng chung yếu tố dịch tễ liên quan đến lớp 7A Trường THCS Chu Hóa, Sở Y tế đã chỉ đạo việc lấy mẫu xét nghiệm tổng thể toàn bộ học sinh và giáo viên tại Trường tiểu học Chu Hóa và THCS Chu Hóa.

Từ 12h ngày 17/10, thành phố Việt Trì cũng dừng tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu và vui chơi giải trí hoặc có tiếp xúc gần như karaoke, quán bar, internet, massage, thẩm mỹ, phòng tập gym, không phục vụ ăn uống tại chỗ.

Dừng tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nghệ thuật, nghi lễ tôn giáo, thể dục thể thao, sự kiện có tập trung đông người; dừng tổ chức hoạt động cưới hỏi; tổ chức đám hiếu nhanh gọn, hạn chế số lượng người và đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch; tạm dừng đến trường đối với tất cả các cơ sở giáo dục…

Tổng hợp

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Đôi vợ chồng lăn xả đi từ thiện, mắc Covid-19 qua đời bỏ lại 4 con thơ bơ vơ

19 giờ, đón 2 cháu từ quận 4 về huyện Nhà Bè (TP HCM), chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (SN 1969) ôm chầm các bé nức nở: Từ nay, hai con gọi cậu, mợ là ba, mẹ. Cậu mợ sẽ nuôi 2 con khôn lớn.

Ngày 15-10, thông qua LĐLĐ huyện Nhà Bè, chương trình “Tình thương cho em” do Báo Người Lao Động đã đến thăm hỏi, động viên và trao 20 triệu đồng cho các em nhỏ mồ côi đang sống trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Thiện Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Nhà Bè tâm sự thương cảm nhất là hoàn cảnh của hai chị em cùng mẹ khác cha N.H.B.N (3 tuổi) và P.N.B.T (8 tuổi). Hai em còn hai anh lớn đang học lớp 8 và 9. Người chồng trước của chị Lệ bỏ đi khi chị mang thai B.T. May mắn, mấy anh em đều được cha dượng yêu thương.

Chị Lệ và người chồng sau vốn có nghề buôn bán quần áo. Những ngày đầu tháng 6, một tháng trước khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, vợ chồng chị thường thức khuya, dậy sớm để nấu cơm từ thiện cho người nghèo, người vô gia cư, tài xế xe ôm thất nghiệp do dịch bệnh. Lo những gia đình bị cách ly, phong tỏa thiếu thốn lương thực, vợ chồng chị mang gạo, thức ăn đến tận nơi để phát miễn phí.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (SN 1969) đang cưu mang 2 cháu N.H.B.N (3 tuổi) và P.N.B.T (8 tuổi) mất cả cha lẫn mẹ do dịch bệnh Covid-19.

Mồ côi cha, mẹ mất do Covid-19, em P.T.A (8 tuổi; ngụ xã Hiệp Phước) sống cùng ông bà ngoại đã hơn 70 tuổi. Nhiều năm liền, A. là học sinh xuất sắc.

Em Đ.N.N.H (8 tuổi; ngụ xã Phước Lộc) và anh trai đang học online tại nhà. H. ước mơ học giỏi để trở thành công an.

“Thấy vợ chồng nó lăn xả quá, vợ chồng tôi cũng lo nên khuyên em nên cẩn thận vì dịch bệnh nguy hiểm, hai em lại còn 4 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Nhưng vợ chồng nó nói thấy người ta tội lắm, không bỏ được. Rồi nói vợ chồng tôi yên tâm vì tụi nó mặc đồ bảo hộ cẩn thận lắm” – chị Phúc kể.

Mấy ngày sau đó, vợ chồng chị Lệ phát hiện mắc Covid-19. Sau thời gian điều trị, cả hai đều không qua khỏi, bỏ lại 4 con thơ. Thời gian này, 2 con lớn của vợ chồng chị Lệ cũng dương tính với SARS-CoV-2, B.N và B.T được chị Phúc đưa về nhà cách ly, chăm sóc.

Đón 2 cháu từ quận 4 về huyện Nhà Bè, chị Phúc ôm chầm các bé nức nở: “Từ nay, hai con gọi cậu, mợ là ba, mẹ. Cậu mợ sẽ nuôi 2 con khôn lớn”. Chị Phúc cho biết có lẽ 2 chị em còn nhỏ lại sống xa cha mẹ do phải cách ly nên mấy ngày sau, cả hai chị em đều gọi cậu, mợ là cha, mẹ đến nay.

Nói về dự định sắp tới, chị Phúc tâm sự vợ chồng chị đang bàn nhau bán căn nhà ở huyện Nhà Bè để về quận 4 sinh sống cho 4 anh em B.N, B.T được gần nhau.

Chị kể cũng không ít người hỏi chị buôn bán quần áo, chồng chạy xe ôm công nghệ, thu nhập không cao, còn phải nuôi con gái học đại học thì “đèo bồng” thêm các cháu sao nổi. “Vợ chồng tôi khó khăn thiệt, mấy tháng dịch lại thất nghiệp nhưng sao nỡ bỏ cháu côi cút. Tụi nhỏ cần một gia đình để lớn” – chị Phúc bật khóc.

Đón nhận món quà hỗ trợ là 10 triệu đồng từ chương trình “Tình thương cho em” của Báo Người Lao Động, chị Phúc nghẹn ngào: “Thay mặt gia đình, tôi cảm ơn Báo Người Lao Động, các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã quan tâm, chung tay giúp vợ chồng tôi nuôi các cháu. Số tiền này sẽ giúp gia đình tôi vượt qua được những khó khăn trước mắt, dìu nhau vượt qua dịch bệnh”.

Cùng ngày, chương trình “Tình thương cho em” đã ghé thăm hai hoàn cảnh mồ côi do dịch bệnh Covid-19 khác tại huyện Nhà Bè là em Đ.N.N.H (SN 2013; ngụ xã Phước Lộc) và em P.T.A (SN 2013; ngụ xã Hiệp Phước). Đại diện chương trình đã trao tặng cho mỗi trường hợp 5 triệu đồng nhằm động viên, chia sẻ mất mát, đau thương của các em.

Đồng hành trong chuyến thăm, ông Trịnh Thiện Trung thay mặt địa phương gửi lời cảm ơn chân thành đến chương trình “Tình thương cho em” và bạn đọc Báo Người Lao Động. “Mong chương trình sẽ giúp được nhiều trường hợp hơn để tạo điều kiện cho các em phát triển” – ông Trịnh Thiện Trung bày tỏ.

Theo Người lao động

Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/doi-vo-chong-lan-xa-di-tu-thien-mac-covid-19-bo-lai-4-con-tho-20211015155140417.htm

Người miền Tây dừng cuộc ly hương: Vợ vẫn sau lưng… nhưng đã hóa tàn tro

‘Ai ngờ khi về cũng trên chiếc xe đó, cũng vợ ở phía sau nhưng không còn hình hài, chỉ còn hũ tro cốt lạnh ngắt, cũng chẳng còn ai đồng hành quãng đời còn lại’, người chồng đau xót đưa vợ về quê miền Tây yên nghỉ.

Ngày về đau thương

Theo dòng người về miền Tây, ông Võ Văn Tươi (37 tuổi) chở theo phía sau xe tro cốt vợ là chị Nguyễn Thị Bích Phượng (36 tuổi) từ Bình Dương để về an táng tại quê nhà Hậu Giang.

Nói về người vợ hiền hậu, tảo tần làm việc nuôi con khiến anh bật khóc. DUY TÂN

Khi đến khu vực cửa ngõ Cần Thơ, anh Tươi được nhóm thiện nguyện hỗ trợ. Đuối sức, anh ngồi bệt xuống đất, ôm di ảnh vợ trên tay, chốc chốc anh lại đứng lên ôm thùng xốp đựng tro cốt vợ vào lòng, vẫn không thể tin nổi đó là sự thật. Anh gào khóc như mưa gọi vợ, khiến ai chứng kiến đều xót xa.

“Ngày đi, 2 vợ chồng tính toán nhiều lắm, mỗi người đều tìm kiếm việc làm để có dư tiền dành dụm, một phần gửi về lo cho con, một phần để xây nhà trên phần đất của cha mẹ ở quê. Bởi thế, khi đi hân hoan nói cười nhiều mơ về tương lai phía trước. Ai ngờ mà ngờ khi về cũng trên chiếc xe đó, cũng vợ ở phía sau nhưng không còn hình hài, giờ chỉ còn hũ tro cốt lạnh ngắt, cũng chẳng còn ai đồng hành suốt quãng đời còn lại”, anh Tươi đau đớn.

Anh Tươi trở về cùng hũ cốt của vợ. DUY TÂN

Khi ly hương 2 vợ chồng đi trong hân hoan, giờ trở về vợ vẫn ở yên sau nhưng là hủ cốt lạnh ngắt. DUY TÂN

Cố nén nước mắt, đưa tay vuốt ve tấm di ảnh vợ được lấy ra từ ba lô, anh Tươi cho biết, do gia cảnh nghèo khó, để lo cho 2 đứa con gái (13 và 16 tuổi) nên 2 vợ chồng phải đành rời quê, gửi con cho ông bà chăm sóc. Hai năm trước, vợ chồng anh đến Bình Dương kiếm việc làm, có thu nhập khá.

“Lúc ở quê, gia đình 4 người sống trên ghe nhỏ. Vợ chồng tôi đi làm cắt lúa mướn, lo cho 2 con. Nhưng do thu nhập không đủ lo cho con, ở dưới ghe sông nước nguy hiểm nên quyết định rời quê, gửi con cho ông bà ngoại lo. Đến Bình Dương, tôi đi làm công nhân ở Dĩ An, còn vợ thì thuê mặt bằng nhỏ bán quán nước giải khát ở Thuận An. Đến khi dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, tôi không thể về nhà trọ cùng vợ”, anh kể.

Đến khi nhận tin vợ nhiễm Covid-19 đưa đi điều trị cách ly tập trung, anh Tươi bàng hoàng, lo lắng. Suốt ngày anh điện thoại hỏi thăm, động viên vợ cố gắng khỏe về với gia đình. Nhưng rồi, phép màu không xảy ra. Sau 16 ngày điều trị, vợ anh trút hơi thở cuối cùng vào ngày 23.9.

Di ảnh vợ được anh để cẩn thận trong ba lô. DUY TÂN

“Khi gọi vợ, thấy hình ảnh vợ mệt mỏi thở oxy mà tôi đau đến tận cùng, chịu không nổi. Nhưng càng ngày bệnh càng biến chuyển nặng, bác sĩ báo vô tới phổi rồi. Sau đó vợ qua đời. Tôi mới vừa lấy cốt vợ về hôm 14.10 đến ngày 15.10 thì chở hủ cốt và di ảnh vợ về quê nhà an táng”, anh Tươi nước mắt lưng tròng.

Trên hành trình trở về quê, anh Tươi đem vội ít hành lý, tấm di ảnh vợ được anh gói kỹ vào ba lô. Phía sau xe, anh cố định thùng xốp, bên trong chứa hũ cốt vợ để chở về sum họp với gia đình. Tại quê, gia đình cũng đã chuẩn bị phần mộ để đưa vợ về an táng, các con thờ cúng.

Khi đi là người bằng xương, thịt còn ngày trở về lại hóa tàn tro. DUY TÂN

“Tôi cũng cố gắng lo liệu, an táng vợ tử tế. Sau đó cũng ráng gượng để trở lại Bình Dương tiếp tục làm công nhân kiếm tiền nuôi 2 con. Giờ ở lại quê cũng không mần gì ra tiền. Giờ không còn vợ, nỗi đau đó hằn sâu mãi, không khi nào nguôi ngoai”, anh Tươi ngậm ngùi.

Thấu cảnh khổ, ngoài các nhóm thiện nguyện hỗ trợ cháo dinh dưỡng, đồ ăn, thức uống tiếp sức về quê. Một số nhà hảo tâm còn hỗ trợ chi phí để anh lo liệu hậu sự cho vợ.

Chở giúp người đi bộ về đến quê

Trong dòng người ngược đường về lại quê nhà, anh Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi) lội bộ vượt hàng trăm km từ Đồng Nai về Cà Mau. Trên đường đi đến Vĩnh Long anh được ông Khưu Chí Kiên (41 tuổi) cũng đang về Sóc Trăng ghé đến cho quá giang và hứa chở về đến Cà Mau.

Anh Tuấn cho biết, ở Đồng Nai anh phụ bếp ở quán cơm. Nhưng dịch, thất nghiệp và khó khăn quá nên anh quyết định về quê. Do không tiền, không có xe nên anh lội bộ về khi trong túi còn vài chục ngàn và ổ bánh mì không ăn cầm hơi.

“Mệt quá nên ngồi nghỉ suốt. Tôi đi suốt 2 ngày rồi mới đến được đoạn Vĩnh Long. Đang kiệt sức thì anh Kiên ghé vào hỗ trợ cho quá giang. Anh hứa nếu có tiền đổ xăng anh sẽ chở tôi đến quê luôn. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của anh”, anh Tuấn kể.

Anh Tươi tiếp tục hành trình đưa vợ về bên con cái, cha mẹ. DUY TÂN

Ông Kiên cho biết, bản thân ông cũng lắm khó khăn, thất nghiệp triền miên, không bám trụ nổi nên về quê. Trên đường thấy anh Tuấn lội bộ thấy xót lòng. Thế là ông quyết định hỗ trợ mặc dù đang rất khó khăn, trong túi chỉ còn vỏn vẹn 5.000 đồng, trong khi xăng cũng dần cạn.

“Hai anh em đến cửa ngõ Cần Thơ thì được nhóm thiện nguyện hỗ trợ thức ăn, nước uống thấy ấm lòng lắm. Bản thân tôi nhịn đói suốt 2 ngày qua, bởi trong túi chỉ còn 5.000 đồng, xăng còn chút ít nhưng khổ quá nên chạy đại về. Trên đường gặp người cùng khổ nên cũng quyết định hỗ trợ. May nhờ nhóm thiện nguyện hỗ trợ xăng và ít chi phí nên tôi có thể tiếp tục chở Tuấn về Cà Mau”, anh Kiên vui vẻ nói.

Ông Kiên (bên trái) và anh Tuấn trên hành trình về quê. DUY TÂN

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-mien-tay-dung-cuoc-ly-huong-vo-van-sau-lung-nhung-da-hoa-tan-tro-post1391567.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here