KHẨN: Hà Nội tìm người đến tiệm cắt tóc ở quận Đống Đa liên quan ca dương tính SARS-CoV-2

0
110

Những người từng đến tiệm cắt tóc trên địa bàn quận Đống Đa, cần liên hệ ngay cơ quan y tế.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội sáng 23/10 thông báo khẩn, tìm người từng đến Hair Salon Mẹ Ớt, số 36A, Trần Quang Diệu, quận Đống Đa từ ngày 8/10 đến 22/10.

CDC Hà Nội vừa ghi nhận 1 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan địa điểm này.

KHẨN: Hà Nội tìm người đến tiệm cắt tóc ở quận Đống Đa liên quan ca dương tính SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng chốt cứng tại Hair Salon Mẹ Ớt

CDC khuyến cáo người dân tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa (0973044073), Trung tâm Y tế quận Đống Đa (02435625581), CDC Hà Nội (0969082115/0949396115) để được tư vấn, hướng dẫn.

KHẨN: Hà Nội tìm người đến tiệm cắt tóc ở quận Đống Đa liên quan ca dương tính SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Con đường dẫn vào tiệm cũng được đặt chốt cứng

Trước đó, Hà Nội ghi nhận 10 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca cộng đồng qua sàng lọc ho sốt, là vợ chồng nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện 108. Cơ quan chức năng đã phong toả những khu vực liên quan, lấy mẫu xét nghiệm F1 và thông báo khẩn về dịch tễ.

CDC Hà Nội đề nghị tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

KHẨN: Hà Nội tìm người đến tiệm cắt tóc ở quận Đống Đa liên quan ca dương tính SARS-CoV-2 - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng chốt chặn từ đầu phố Võ Văn Dũng và các ngõ liền kề dẫn vào phố Trần Quang Diệu

Đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có tổng 4.147 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 1.608 ca ngoài cộng đồng và 2.539 người đã được cách ly. Thành phố được đánh giá thuộc cấp độ 1 của dịch, tức vùng xanh – trạng thái bình thường mới.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp.

“Thành phố vẫn ghi nhận rải rác một số ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng không rõ nguồn lây; việc gỡ bỏ giãn cách, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là nối lại giao thông với các tỉnh thành trong khi một số tỉnh phía Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch; tỷ lệ tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 tại Hà Nội và cả nước còn thấp; ghi nhận ngày càng nhiều biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, độc lực cao”, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị tiếp tục chú trọng vào công tác tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 để sớm đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

WHO: 80.000-180.000 nhân viên y tế toàn cầu qua đời vì COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tính đến tháng 5-2021, có tới 80.000-180.000 nhân viên y tế toàn cầu thiệt mạng vì COVID-19. Đồng thời, WHO khẳng định nhân viên y tế phải được ưu tiên tiêm chủng.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19 ở một bệnh viện tại Indonesia ngày 17-6 – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP ngày 22-10, WHO ước tính trong số khoảng 135 triệu nhân viên y tế trên thế giới, có “80.000-180.000 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe chết vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1-2020 đến tháng 5-2021”.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus – tổng giám đốc WHO – nhấn mạnh nhân viên y tế phải là những người được tiêm chủng trước tiên.

Ông Tedros cũng lên án sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin COVID-19 toàn cầu.

“Dữ liệu từ 119 quốc gia cho thấy bình quân 2 trong 5 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe toàn cầu được tiêm đầy đủ. Dù vậy, mức bình quân đó không thể hiện được sự khác biệt rất lớn (về tỉ lệ tiêm chủng) giữa các khu vực và các nhóm kinh tế”, ông Tedros cho biết.

Theo tổng giám đốc WHO, tại châu Phi, chưa tới 1 trong 10 nhân viên y tế được chích ngừa đủ. Trong khi đó, tại hầu hết nước thu nhập cao, hơn 80% nhân viên y tế đã tiêm đủ vắc xin.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước đảm bảo mọi nhân viên y tế đều được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19, bên cạnh các nhóm có nguy cơ khác”, ông Tedros nhấn mạnh.

Theo ông Tedros, thực tế sau hơn 10 tháng kể từ khi WHO phê duyệt vắc xin COVID-19 đầu tiên, hàng triệu nhân viên y tế vẫn chưa được tiêm chủng.

Ông Tedros cho rằng đây là “bản cáo trạng” đối với những quốc gia và công ty đang kiểm soát nguồn cung vắc xin toàn cầu.

Ngoài ra, WHO muốn tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số mỗi nước trên thế giới trước cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Tedros cho biết hiện nay 82 quốc gia có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do thiếu nguồn cung vắc xin.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,9 triệu người trên thế giới kể từ khi bùng phát lần đầu tại Trung Quốc vào tháng 12-2019. Toàn cầu cũng ghi nhận gần 242 triệu ca bệnh.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/who-80000-180000-nhan-vien-y-te-toan-cau-chet-vi-covid-19-2021102310255601.htm

Tài xế, tiếp viên không tiền ăn ngủ trên xe buýt ‘nằm im’ suốt mùa dịch Covid-19

Hơn 4 tháng thất nghiệp khi xe buýt ngừng hoạt động, không thể về quê nhưng hết tiền thuê phòng trọ, nhiều tài xế, tiếp viên ăn ngủ trên xe buýt mòn mỏi đợi ngày hoạt động trở lại.

Không còn cảnh tấp nập xe đến xe đi liên tục, người chen chúc nhau trên xe buýt, bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM đìu hiu, xe buýt nằm ìm lìm. Đến bến xe, tôi ngạc nhiên khi thấy đa số các tiếp viên, tài xế vẫn mặc đồng phục dù đã nghỉ chạy từ lâu. Hỏi ra mới biết vì chạy xe suốt ngày tối về nhà trọ, hiếm khi đi đâu nên không ai sắm sửa gì nhiều, có gì mặc nấy suốt mùa dịch.

Bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM im lìm suốt mùa dịch. NGUYỄN ANH

Không điện nước

Nghĩ về quê tốn kém nhiều chi phí xét nghiệm, cách ly, chỉ cần gắng gượng 1-2 tháng như những đợt dịch trước, các tài xế tiếp viên xe buýt chọn cách ở lại TP. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài khiến họ kẹt lại bến xe từ ngày 20.6 đến nay.

Anh Cường dọn dep xe buýt. LÊ HỒNG HẠNH

Anh Mai Thái Cường (52 tuổi, quê ở Hà Nội) có vợ và 2 con nhỏ ở Hà Nội. Ở quê kinh tế khó khăn nên anh Cường vào TP.HCM làm tiếp viên xe buýt được 2 năm nhưng chưa ký hợp đồng lao động chính thức với công ty. Trước dịch, anh Cường thuê phòng trọ nhưng từ đợt dịch Covid-19 thứ 4, vì khó khăn nên trả phòng, sau giờ làm thì xin tá túc ở trên xe.

Thức ăn mà anh ăn nhiều nhất trong mùa dịch là mì gói và trứng. LÊ HỒNG HẠNH

Tối 19.6, lãnh đạo TP thông tin tạm dừng tất cả tuyến buýt để phòng dịch. Ngày 20.6, chuyến xe buýt số 53 cuối cùng chạy cập bến Đại học Quốc gia TP.HCM, anh Cường kẹt lại đây từ đó tới nay.

Trước khi dừng hoạt động hoàn toàn thì xe buýt giảm tuyến, ngày làm ngày nghỉ nên thời gian đó anh Cường cũng không dư dả. Đến khi nghỉ hẳn, anh chỉ có thể cầm cự được một khoảng thời gian đầu.

Ở trên xe buýt thiếu thốn đủ thứ, nhất là nước và điện. Để có nước sinh hoạt, anh hứng nước mưa từ máng xối của xe buýt đậu trong bến rồi để dành trong bình nhựa. Lượng nước mưa được dùng cho mọi sinh hoạt như tắm giặt, nấu ăn,…

Anh Cường ăn ngủ ở trên xe buýt. LÊ HỒNG HẠNH

“Nói thật có lúc 3 ngày tôi mới tắm một lần, những ngày đầu còn lau chùi dọn dẹp xe nhưng dịch kéo dài quá nên để mặc luôn. Có hai thứ chắc sau dịch tôi sẽ không ăn lại nữa đó chính là mì gói và trứng, thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tôi chỉ ăn mì tôm ngày 2 bữa”, anh Cường cười.

Vì sống một mình nên đồ dùng của anh trên xe khá đơn giản như bếp ga mini để nấu mì tôm, thùng đựng nước, bình xịt muỗi, tấm lót để nằm ngủ. Việc tắm rửa, rửa chén anh Cường đều thực hiện ngay tại khu vực bậc thềm lên xuống của xe.

Anh Cường rửa chén và tắm cũng trên xe. LÊ HỒNG HẠNH

Thiếu điện, bên trong xe buýt rất hầm và bức bí. Ban ngày anh Cường cùng vài đồng nghiệp ra công viên gần bến xe pha trà ngồi đỡ, trời mưa mới vào trong xe. Khi đêm xuống dù rất nóng nhưng anh phải đóng kín cửa xe ngủ để giảm bớt lượng muỗi.

Đồ điện duy nhất trong xe buýt là điện thoại di động, anh Cường phải đi sạc nhờ ở dãy trọ của đồng nghiệp bên trong, ban đêm ánh sáng duy nhất của anh cũng là ánh sáng từ đèn flash điện thoại. Nhiều đêm điện thoại hết pin giữa chừng thì anh đi ngủ sớm, có khi thao thức đến sáng.

Là trụ cột chính trong gia đình, anh Cường rơi nước mắt khi nhắc đến người vợ con ở quê. “Gia đình cũng khó khăn, mùa dịch mình không được ở cùng gia đình vợ con, cũng không có tiền để gửi về. Nhưng mình vẫn phải cắn răng cười nói, nói mình vẫn ổn để gia đình không lo lắng”, anh bày tỏ.

“Đợi xe buýt hoạt động trở lại”

Cũng hết tiền thuê phòng trọ, ông Phan Văn Hoàng (48 tuổi) và vợ xin hợp tác xã được tá túc lại trên xe buýt số 53. Ông Hoàng là tài xế xe buýt, vợ là tiếp viên đi chung xe, hai vợ chồng ông làm nghề hơn 10 năm nay. Vẫn còn một ít tiền tiết kiệm, ông Hoàng mua bếp ga lớn, dẫn điện vào xe để sử dụng đồ điện như quạt và bóng đèn,…

Xe buýt của ông Hoàng sạch sẽ và tiện nghi hơn vì có điện, quạt và bếp ga. LÊ HỒNG HẠNH

“Mình ở nhờ thì mình cũng phải dọn dẹp cho sạch sẽ xe của người ta. Mình nấu bếp ga nhỏ, một bình 10.000 đồng mà nấu nướng nhiều nên 2 ngày mà mình hết 5 bình không chịu nổi nên thôi gắng mua bếp ga lớn để giảm bớt chi phí. Nhiều khi buổi tối trời lạnh quá mình cũng không dám nấu nước tắm vì ga mắc quá”, ông Hoàng kể lại.

Cũng như anh Cường, nước sinh hoạt được ông Hoàng hứng từ các máng nước còn nước uống ông mua ở bãi xe của bến xe buýt với giá 2.000 đồng một xô.

Nhiều tài xế phải trồng cải tại bến xe để có rau ăn. LÊ HỒNG HẠNH

Để phòng muỗi, ông Hoàng dọn dẹp sạch rác, xem xe buýt như là nhà trọ để thích ứng với cuộc sống. Ngồi châm ly trà nóng, ông thở dài vì dù đã trải qua nhiều đắng cay cuộc đời nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải tình cảnh éo le như thế này.

Xe buýt số 10 nóng, thấp hơn nhưng tiếp viên vẫn phải ở lại. LÊ HỒNG HẠNH

Thiếu thốn lương thực, một vài tiếp viên sống trên xe buýt khác còn phải tự trồng thêm rau và bí để dành. Hái mớ rau cải, ông Hải (tài xế xe buýt số 8 thuê nhà trọ ở dãy trọ trong bến xe) bước lên chiếc xe buýt số 10 đậu sâu bên trong bến. Ông tâm sự chủ xe là của một người em làm tiếp viên xe buýt số 10, vì xe buýt số 10 nhỏ hẹp và nóng hơn nhiều so với các xe buýt khác, chủ xe thường xuyên phải vào bên trong khu nhà trọ ngồi đỡ, chỉ khi ăn cơm hay ngủ nghỉ thì mới ra xe.

Quả thật, chiếc xe hầm nóng vừa bước lên xe đã khiến người khác khó chịu. Sống trong cảnh tạm bợ, nhưng tài xế tiếp viên xe buýt ai cũng gắng gượng với cuộc sống. Mỗi người mỗi cảnh nhưng mong muốn chung là tình hình dịch ổn định, xe buýt được chạy lại để được đi làm kiếm thêm thu nhập nuôi bản thân và gia đình.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-xe-tiep-vien-khong-tien-an-ngu-tren-xe-buyt-nam-im-suot-mua-dich-covid-19-post1392435.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here