Làm dâu Malaysia, người phụ nữ sinh con thì liệt 2 chân, xin ly hôn để giải thoát chồng

0
134

Đón nhận niềm vui làm mẹ chưa bao lâu, chị Liên Chi sốc khi không thể nhấc được chân khỏi giường bệnh.

Vừa sinh con xong bị liệt cả hai chân

Chưa dự định kết hôn, kinh nguyệt không đều, tần suất quan hệ ít nên khi đã mang thai được 3 tháng mà chị Nguyễn Thị Liên Chi (34 tuổi, hiện ở Malaysia, làm việc trong ngành Tài chính – Ngân hàng) không hề biết. Bởi chị không nghĩ mình có thể mang thai dễ dàng như vậy. 

Một lần khi đang đi làm, mấy người đồng nghiệp bất ngờ hỏi: “Nhìn ngực em như nở ra?” Lúc đó chị Chi mới để ý và về nói với ông xã thì anh cũng nhận ra. Ông xã lập tức chở chị đến bệnh viện khám, kết quả là chị đã mang thai. Mọi thứ đến quá đột ngột khiến chị Chi tăng huyết áp ngay tại phòng khám. 

Lúc đó, mình định bỏ con, nhưng nhờ có ông xã động viên, làm công tác tư tưởng nên dần dần mình bỏ suy nghĩ đó“, chị Chi bộc bạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bà mẹ trẻ có suy nghĩ như vậy. 

Một phần vì cuộc sống chưa ổn định, chưa có giấy tờ, một phần vì chưa kết hôn, sợ dư luận gièm pha. Ngay lúc đó, chị Chi phải bay đi bay về liên tục trong 3 tháng mới giải quyết xong vấn đề thủ tục giấy tờ. Ôm bụng bầu 3 tháng về quê mà ai cũng nhìn chị với ánh mắt “lạ”. 

Làm dâu Malaysia, người phụ nữ sinh con thì liệt 2 chân, xin ly hôn để giải thoát chồng - Ảnh 1.

Chị Liên Chi vẫn còn rất xúc động khi nhắc đến những khó khăn mình đã trải qua.

Cả thai kỳ, chị Chi tăng 20kg, đi khám ở bệnh viện tư với chi phí cực kỳ đắt đỏ. Đến ngày sinh, khi có dấu hiệu là chị lập tức vào viện. Tuy nhiên sau 30 phút thăm khám, chị Chi sững người khi bác sĩ nói: “Em bé có thể bị chết ngạt trong bụng mẹ“.

Bác sĩ yêu cầu mình gọi chồng vào để ký giấy phẫu thuật. Nhưng mình không cần gọi mà tự ký giấy luôn, cố gắng giảm bớt thời gian để có thể được phẫu thuật nhanh nhất, tránh nguy hiểm cho con. Ơn trời con mình chào đời khỏe mạnh, kháu khỉnh, lành lặn. Nhìn thấy con ra mình hạnh phúc vỡ òa, đúng là lúc đó mới biết làm mẹ là như thế nào, hạnh phúc ngàn lần”, chị Chi nhớ lại. 

Cứ tưởng con chào đời mạnh khỏe là mọi thứ đã xong xuôi, nhưng không ngờ người mẹ này lại phải đối diện với một bi kịch khác nữa. Khoảng hơn 4 tiếng sau mổ, y tá nói chị Chi hãy đứng dậy tập đi để vết mổ mau lành. Tuy nhiên, dù gắng gượng hết sức nhưng chị vẫn không đứng dậy được. 

Làm dâu Malaysia, người phụ nữ sinh con thì liệt 2 chân, xin ly hôn để giải thoát chồng - Ảnh 2.

Chị Chi làm dâu một gia đình ở Malaysia.

Bác sĩ rồi cả chồng cứ hỏi mình: “Sao em không đứng dậy tập đi?”, mình chỉ biết trả lời: “Em không đứng được”. Chân trái là chân thuận của mình, nhưng cố gắng mà không thể nhấc nổi chân lên. 

Mình sợ phát khóc, khủng hoảng cực độ. Bác sĩ cho làm đủ các loại xét nghiệm, chích điện vào chân liên tục mà không hề có cảm giác gì, cũng không tìm ra nguyên nhân vì sao mình lại bị như vậy. Bác sĩ nói: “Cái chân của em khả năng phục hồi chỉ có 0,01 % mà thôi, có thể bị liệt suốt đời. 

Phải nói rằng quãng thời gian đó mình như sống trong địa ngục, bi quan, sợ không thể chăm sóc được cho con. Mình gọi điện về cho gia đình, 1 tiếng sau là bố mẹ bay luôn sang Malaysia để chăm sóc cho mình. Không có bố mẹ thì chắc không có mình ngày hôm nay”, chị Chi không bao giờ quên những ngày tháng kinh khủng nhất cuộc đời.

Làm dâu Malaysia, người phụ nữ sinh con thì liệt 2 chân, xin ly hôn để giải thoát chồng - Ảnh 3.

Ông xã đã giúp đỡ chị rất nhiều trong thời gian bạo bệnh.

Muốn ly hôn giải thoát cho chồng và phép màu kỳ diệu

Vừa sinh con, chị Chi phải lập tức cai sữa cho bé vì cơ thể tiêm, uống nhiều loại thuốc. Chị lập tức được đưa đi trị liệu, một hành trình cực kỳ gian nan và khó khăn. Mỗi lần bác sĩ hỏi: “Em xem chân có cử động được không?” là chị Chi lại ám ảnh vì đôi chân của chị tê liệt hoàn toàn. 

Khoảng thời gian đó cũng là lúc chị Chi nhận thấy ông xã xứng đáng là người để chị gửi gắm cả cuộc đời: “Mỗi ngày, anh lau vết mổ cho vợ 3 lần. Đi làm về là lại tranh thủ xoa bóp cho vợ 30 phút. Mình đau khổ vì bản thân trở thành người vô dụng, là gánh nặng của gia đình, chẳng làm gì được. Chồng thì vừa phải đi làm, lo cho con, lại phải chăm sóc một người vợ tàn phế, mình thương anh ấy lắm. 

Khi con mới được 2 tuần tuổi, mình đã đề nghị ly hôn để giải thoát cho chồng, cho anh có tương lai tốt hơn. Nhưng anh ấy nói với mình rằng: “Anh tin là em sẽ làm được. Nếu làm không được thì đã có anh ở đây”. Mình cảm thấy mình là người vợ hạnh phúc nhất trên đời“.

Làm dâu Malaysia, người phụ nữ sinh con thì liệt 2 chân, xin ly hôn để giải thoát chồng - Ảnh 4.

Nhờ chồng, gia đình hai bên mà chị mới có ngày hôm nay.

Trải qua 4 tháng điều trị, cuối cùng phép màu cũng đã đến với chị Chi. Chị kể, hôm ấy đang ngủ thì giật mình thức giấc vì nghe thấy tiếng con khóc khát sữa. Thương con, chị gượng dậy để pha sữa cho bé thì bất ngờ lò dò tự đi được. 

Chị Chi còn không nhận ra là mình đã đi được, chỉ đến khi mẹ chị thức dậy, bà hỏi: “Con đi đâu đấy?“, chị mới trả lời: “Con đi pha sữa cho em bé“. Rồi mẹ chị reo lên: “Con đi được rồi ư?“. Hai mẹ con vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột độ, đến bác sĩ cũng phải ngỡ ngàng vì chị Chi có để hồi phục một cách thần kỳ như vậy.  

Sau tất cả mọi chuyện, chị Chi cảm nhận có con là điều quý giá nhất. Nhớ lại trước đây đã từng có ý định bỏ con, chị hối hận vô cùng. “Mình thấy bản quá ích kỷ, tính toán quá nhiều, lo nghĩ quá nhiều“, chị Chi chiêm nghiệm. Chị gửi lời cảm ơn gia đình hai bên và ông xã đã hết lòng yêu thương, chăm lo để chị được hưởng niềm hạnh phúc như ngày hôm nay. 

Nguồn: Chat với mẹ bỉm sữa

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Mẹ chồng Canada chê mùi mắm, dâu Việt chinh phục bằng một quy tắc khiến bà thay đổi 180 độ

Chị Phương và mẹ chồng người Canada khá hợp tính, tuy nhiên chỉ có gu âm thực là trái dấu.

Mẹ chồng Tây hốt hoảng với ẩm thực châu Á

Đã thành lệ, cứ sáng chủ nhật cuối tuần, bà Robby Elizabeth Hayden lại qua nhà con trai chăm sóc cháu nội. Đây là khoảng thời gian bà mặc định tự nguyện giúp vợ chồng chị Minh Phương (31 tuổi) và anh Dalen (32 tuổi). Thấy 2 con có thể dành không gian riêng bên nhau, bồi đắp tình cảm, bà rất mãn nguyện.

Con trai bà, anh Dalen và chị Phương quen, yêu nhau khi cùng là du học sinh ở trường Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán, Trung Quốc cách đây 11 năm. Khi đó, Dalen thường qua học ké lớp ngoại ngữ mà cô gái Việt làm trợ giảng. Tình yêu cứ thế nảy nở khi cả hai cùng học lên cao học ở Trung Quốc.

Mẹ chồng Canada chê mùi mắm, dâu Việt chinh phục bằng một quy tắc khiến bà thay đổi 180 độ - Ảnh 1.

Chị Minh Phương kết hôn với chồng người Canada đã 6 năm

Năm 2012, chị Phương mới lần đầu tiên được gặp mẹ chồng trong chuyến du lịch về Việt Nam. Khi đó, nàng dâu vô cùng ấn tượng bởi sự hiện đại, hài hước của bà mẹ chồng Tây. Dù đã quá tuổi lục tuần song bà Robby vẫn ăn mặc vô cùng trẻ trung, sành điệu. Tủ đồ có đến hàng trăm bộ quần áo, trang sức để thay đổi trong mỗi chuyến đi.

Ngược lại, bà Robby lại có phần dè chừng với cô con dâu cá tính. Nhớ lại hôm đầu gặp gỡ, chị Phương lái một chiếc xe máy giữa trời nắng chang chang tới đón bà và anh Dalen đi chơi.

“Ở Canada, người ta quan niệm chỉ có những ai quậy một chút mới được lái xe máy thôi. Mẹ chồng mình lúc đó nghĩ, con trai mọt sách như vậy tại sao lại gặp được một cô gái “dữ tợn” như mình”, chị Phương kể.

Nhưng khi tiếp xúc với con dâu, bà Robby hoàn toàn bị thu hút vì sự thông minh, thân thiện của cô gái Việt. Cả hai mẹ con xưng tên chứ không gọi bằng kính ngữ thông thường.

Bà Robby rất yêu mến cô con dâu Việt

Hôm đó, chị Phương dẫn mẹ đi chơi khắp Sài Gòn. Bà Robby rất thích sự huyên náo, tấp nập của thành phố không ngủ. Tuy nhiên mẹ chồng Canada lại không thể ăn các đồ ăn châu Á. Thấy nước mắm, bột nêm, bà bịt mũi quay đi chỗ khác. Ra quán ăn món bún đậu, bà ngạc nhiên khi thấy mẹt bún toàn rau, đã thế còn chấm thứ nước đục ngầu, mùi khó chịu.

“Lần đầu tiên qua Canada, mình làm món cháo gỏi gà đãi mẹ. Làm tâm huyết lắm, nguyên 1 ngày, trộn gỏi gà, nước mắm, dấm. Khi mẹ về, nghe thấy mùi cháo, mẹ bịt lỗ mũi nói mùi gì thúi quá. Lúc đó mình hơi sượng, ngại nữa. Hôm đó mẹ không dám đi vô nhà luôn”, chị Phương nhớ lại.

Ngày đó, chị Phương chưa ra ở riêng nên vẫn sống chung cùng bố mẹ chồng. Cô dâu Việt bị dị ứng bơ, sữa và không hợp đồ Tây. Nhà mỗi người một khẩu vị nên chị Phương quy định, cứ một tuần cả nhà sẽ ăn đồ Á, sang tuần khác lại xen kẽ đồ Tây để tất cả có thể học cách hòa nhập văn hóa. Và khi ăn đồ châu Á, mẹ chồng không được “chê mùi” nữa.

“Giờ mẹ thay đổi rất nhiều luôn. Giờ vợ chồng mình đi ăn bún đậu, nguyên chén mắm tôm ở trước mặt, mẹ cũng không nói gì nữa. Đã thế mẹ ăn những món khác cũng rất ngon miệng”, chị Phương hài hước.

Mẹ chồng Canada chê mùi mắm, dâu Việt chinh phục bằng một quy tắc khiến bà thay đổi 180 độ - Ảnh 3.

Bà Robby không ăn được đồ châu Á

Con dâu nấu ăn, mẹ chồng khăng khăng đòi trả tiền

Ngoài chăm sóc tổ ấm nhỏ, chị Phương hiện đang làm hiệu trưởng một trường ngoại ngữ tiếng Hoa và tiếng Việt ở Toronto, Canada. Công việc bận rộn khiến cả hai vợ chồng quay cuồng với những lịch trình dày đặc. Nhưng chị Phương luôn thấy may mắn vì có mẹ chồng ở bên và giúp đỡ.

Bà Robby Elizabeth Hayden, đang làm kinh doanh bất động sản, rất yêu thương và tâm lý với con dâu. Ở Canada, văn hóa và nếp sống gia đình hoàn toàn khác biệt so với ở Việt Nam. Bố mẹ chồng tôn trọng cuộc sống riêng tư của các con, xem con cái như bạn bè.

Chị Phương nhớ những ngày đầu về làm dâu, chị nấu ăn sáng cho cả nhà, mẹ chồng rất khách sáo và lịch sự. Bà luôn đưa 2 tay ra đón đồ ăn từ chị và luôn miệng nói: “Cảm ơn con, mẹ có làm phiền con không?”. Sợ con phải bận rộn nên bà đề nghị chị Phương từ sau không cần vất vả nấu nướng nữa, hoặc mỗi lần nấu để bà trả tiền. Sự sòng phẳng ở phương Tây khiến nàng dâu cảm thấy có chút sốc.

“Có một lần tụi mình ở chung, 11h khuya không thấy mẹ về, cũng lo lắng nhưng hỏi ra mới biết mẹ đi vào khách sạn. Mình hỏi: Con làm gì sai hay sao mà mẹ phải đi ra khách sạn? Mẹ giận con chuyện gì hay sao. Mẹ mới nói: Không, nay là cuối tuần nên mẹ đi ra ngoài, để 2 con có thời gian riêng tư. Mẹ còn chuẩn bị hoa, nến lãng mạn cho tụi mình nữa”, chị Phương nhớ lại.

Chị Phương hạnh phúc vì có mẹ chồng Canada yêu thương như con ruột

Mặc dù rất tâm lý nhưng có một điều khiến bà Robby muộn phiền, đó là con dâu bị dị ứng mèo. Mẹ chồng rất yêu mèo, thường cho chúng tắm, ăn và ngủ chung. Nhưng chị Phương ngại nên không dám nói với mẹ.

Mỗi lần bà Robby đi làm, chị Phương và chồng ở nhà lén lùa mèo nhốt vào phòng ngủ. Một ngày bà Robby phát hiện, rầy la cả hai vợ chồng.

“Khi ấy mình bệnh dị ứng quá trời, tủi thân nữa vì mẹ cưng mèo hơn cả mình. Sau này, cả hai mới ngồi nói chuyện thẳng thắn với mẹ, bảo rằng bây giờ con bệnh quá rồi, không thể tập trung làm việc hay học được. Con hứa ở với mẹ 1 năm rồi xin ra riêng. Lúc đó mẹ cũng đồng ý, nhưng không biết có buồn gì tụi mình không”, chị Phương kể.

Cuộc sống của cặp đôi luôn tràn ngập tiếng cười

Làm dâu Canada đã 6 năm, chị Phương bộc bạch, để giữ mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu tốt đẹp thì cả hai bên cần phải dung hòa, đối xử với nhau một cách chân thành. Đặc biệt, các cặp vợ chồng cần có nền tảng tài chính độc lập, tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau.

Ngoài công việc ở trường học, chị Phương còn lập một kênh Youtube, chia sẻ về văn hóa Canada. Dẫu bận rộn nhưng chị luôn yêu và hạnh phúc với gia đình nhỏ, đặc biệt cảm ơn gia đình chồng luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho chị làm những điều mình thích.

Nguồn: Mẹ chồng nàng dâu, Ảnh: FBNV

Theo Pháp luật và Bạn đọc

https://phapluat.suckhoedoisong.vn/me-chong-canada-che-mui-mam-dau-viet-chinh-phuc-bang-mot-quy-tac-khien-ba-thay-doi-180-do-162220604071513282.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here