Mong con 5 năm rồi nhiễm Covid-19 khi vừa mang thai 9 tuần, nữ sản phụ ở Sài Gòn kể lại hành trình “chiến đấu” cùng chồng tại nhà

0
132

Chị T.H.T (29 tuổi, ngụ quận 7), là một nhân viên ngân hàng nhiễm Covid-19 khi mang thai được 9 tuần tuổi. Sau 26 ngày tự điều trị tại nhà với sự giúp đỡ của chồng, chị T. đã vượt qua nỗi sợ hãi, bước đầu chiến thắng Covid khi test nhanh 2 lần âm tính.

“Chưa bao giờ chị lại sợ như vậy”

Phát hiện có triệu chứng bệnh từ ngày 11/8 nhưng trong suy nghĩ của chị T., đó chỉ là cảm sốt thông thường, nhất là khi chị đang mang thai đứa con đầu lòng sau 5 năm chờ đợi ở tuần thứ 9 của thai kỳ.

Trong tâm thức của một người mẹ háo hức đếm đợi từng ngày để mong con lớn dần trong bụng, chị T. chưa bao giờ dám nghĩ đến một ngày, mình bị nhiễm Covid-19.

“Sau 2 ngày có triệu chứng tiêu chảy, sốt, đau họng, ngày 13/8 chị đến BV Phụ sản Mêkông để khám thai định kỳ. Kết quả test nhanh chị dương tính, chị sốc và sợ vô cùng. Dù biết dịch bệnh đang phức tạp, nhiều người nhiễm nhưng không ngờ một ngày, mình lại dương tính. Chị òa khóc như một đứa trẻ tại bệnh viện”, chị T. chia sẻ.

Mong con 5 năm rồi nhiễm Covid-19 khi vừa mang thai 9 tuần, nữ sản phụ ở Sài Gòn kể lại hành trình chiến đấu cùng chồng tại nhà - Ảnh 1.

Chị T. đến bệnh viện khám thai thì kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa)

Trong thời gian ngồi đợi tại bệnh viện, chị T. suy nghĩ rất nhiều và lo sợ, sợ đủ thứ, nhất là mình đang mang thai đứa con đầu lòng sau nhiều năm chờ đợi.

“Chị có em bé bất ngờ sau 5 năm cùng chồng kết hôn, để có được con phải nói là 2 vợ chồng rất khó khăn nên bé là niềm kỳ vọng của gia đình. Suốt dọc đường từ bệnh viện về nhà để cách ly, chị khóc liên tục, may mắn là chồng chị lúc nào cũng động viên, anh bình tĩnh giúp chị vượt qua được nỗi sợ để có thể bắt đầu chiến đấu”, chị T. nói.

Ngày 14/8, kết quả test PCR của chị T. vẫn dương tính với chỉ số CT=10, có nghĩa là nồng độ virus trong người chị rất nhiều. Chị lại lo sợ. Chị không biết trong khoảng thời gian nhiễm bệnh, chị có tiếp xúc với chồng, với bạn thân…, liệu rằng những người đó có nhiễm bệnh hay không?

“Chị mất rất nhiều thời gian để bình tĩnh. Do chị cũng khó khăn lắm mới có được em bé, niềm vui cũng mới đến, thì lại bệnh, cũng sợ bản thân mình mà ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, lo đề kháng của mình khi mang thai yếu khó vượt qua. Nhưng bạn bè cũng động viên nhiều lắm, nên chị nghĩ người khác vượt qua được thì mình cũng qua được, bệnh rồi thì từ từ điều trị”, chị T. tâm sự.

“May mắn vì chị có anh”

Sau khi trở về nhà, để hạn chế lây nhiễm Covid-19 cho chồng, chị T. ở trên gác, riêng nhà vệ sinh chung, mỗi lần đi vào đều phun khử khuẩn, sát trùng sạch sẽ.

Vì cả 2 vợ chồng đều làm việc online nên sau khi phát hiện dương tính, chị T. báo với cơ quan để an tâm chữa trị, riêng chồng chị T. cáng đáng hết mọi việc trong nhà từ nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa.

“Ban đầu chị cũng nghĩ là chồng sẽ nhiễm Covid-19, chị sợ cảnh mỗi người sẽ đi điều trị một nơi. May là địa phương quyết định cho chị cách ly theo dõi tại nhà, thực phẩm, thuốc men nhờ mọi người mua hộ rồi gửi đến trước cửa phòng. Chị bắt đầu tập thở từ khi biết mình bệnh, vận động nhẹ. Mỗi ngày chị sẽ cung cấp các chỉ số như nhiệt độ, huyết áp, SpO2 cho bác sĩ. Riêng vấn đề ăn uống chị gặp chút khó khăn vì vừa mang bầu, vừa mắc Covid. Nhưng để vượt qua căn bệnh này, chị phải tự mình cố gắng, không phải chỉ cho chị, mà cho em bé trong bụng nữa”, chị T. nói.

Mong con 5 năm rồi nhiễm Covid-19 khi vừa mang thai 9 tuần, nữ sản phụ ở Sài Gòn kể lại hành trình chiến đấu cùng chồng tại nhà - Ảnh 2.

Chị T. cố gắng ăn uống để bổ sung dinh dưỡng (Ảnh minh họa)

Trong khoảng thời gian nhiễm Covid-19, chị T. có đủ các triệu chứng từ ho, sốt, tiêu chảy, mất khứu giác, vị giác, cơ thể mệt mỏi nhưng lúc nào chị cũng tự động viên bản thân mình phải quên đi nỗi sợ mà cố gắng. Chồng chị T. chính là nguồn động viên lớn nhất mà chị có được khi lúc nào anh cũng quan tâm, hỗ trợ, yêu thương chị một cách vô điều kiện.

Đêm nào khó ngủ, suy nghĩ nhiều, lo cho em bé trong bụng không biết sẽ thế nào…, chị T. nghĩ đến gia đình, đến chồng để vượt qua phút yếu lòng. Chị không cho phép bản thân mình nghĩ về những điều tiêu cực vì chị biết, hiện thực mới quan trọng, giây phút này chị đang khỏe, còn thở, còn ăn được thì chị sẽ cố gắng duy trì để vượt qua, tinh thần phải lạc quan, tích cực.

“Chồng chị không phải là người thích nói văn hoa nhưng luôn là người sẵn sàng vì gia đình, hi sinh cho chị. Anh ấy chẳng quan tâm mình có bị nhiễm hay không, luôn ở bên chăm sóc chị. Mọi việc anh ấy đều làm hết, từ nhà cửa, nấu nướng đến tương tác với bác sĩ. Nhờ có anh mà chị mới vượt qua được những ngày khó khăn nhất của bệnh tật”, chị T. trải lòng.

“Mẹ phải sống thì em bé mới có cơ hội được chào đời”

Trải qua những cơn sốt kéo dài từ ngày 13/8 đến đầu tháng 9, chị T. cảm thấy may mắn khi trong cuộc chiến với Covid, chị luôn có chồng, bạn bè động viên, chia sẻ.

“Chị nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ nên tinh thần lúc nào cũng lạc quan, có động lực, tự nhủ rằng mình phải chiến thắng bệnh tật. Ngày 20/8, chị test nhanh âm tính, chị mừng lắm, nước mắt cứ trào ra. Chị nghĩ mình đã phần nào đó vượt qua khó khăn rồi, dù cho test nhanh chỉ thể hiện được nồng độ virus của mình đang giảm dần nhưng đó là niềm hạnh phúc to lớn. Chị vui vì những cố gắng mà mình đã làm trong thời gian qua cũng như cố gắng của chồng mình đã có kết quả”, chị T. nói.

Mong con 5 năm rồi nhiễm Covid-19 khi vừa mang thai 9 tuần, nữ sản phụ ở Sài Gòn kể lại hành trình chiến đấu cùng chồng tại nhà - Ảnh 3.

Chị T. đã âm tính sau 2 lần test nhanh tại nhà, hiện tại sức khỏe của chị đang dần hồi phục (Ảnh: NVCC)

Mặc dù đang mang thai ở tuần thứ 9, lại có thêm nhiều triệu chứng, cơ thể mỏi mệt, nhất là việc ăn uống không ngon miệng…, nhưng chị T. luôn lấy những câu chuyện tích cực để làm động lực, cùng chồng, cùng đứa bé trong bụng vượt qua bệnh tật.

Ngày 22/8, chị T. tiếp tục test nhanh âm tính.

Ngày 30/8, kết quả test PCR của chị vẫn còn dương nhưng chỉ số CT=38 khiến bản thân chị vô cùng hạnh phúc.

“Tâm lý khi bệnh rất quan trọng, càng lo lắng càng stress, không ngủ được, không ăn được thì bệnh thường cũng khiến bản thân mệt mỏi. Chị nghĩ là sẽ rất khó ăn nhưng bằng mọi cách, mọi người không được bỏ bữa. Bản thân mình phải tự cố gắng, không phải chỉ cho mình mà phải vì gia đình, vì chồng, vì em bé còn đang trong bụng mẹ. Mẹ phải sống em mới có cơ hội được chào đời”, chị T. nói.

Hiện tại, việc bản thân nhiễm Covid-19 chị T. vẫn chưa nói cho gia đình nội, ngoại biết vì sợ mọi người lo lắng. Chị cần một thời gian nữa để hoàn toàn khỏe mạnh, đi khám em bé cũng như đợi theo dõi kết quả chồng có nhiễm hay không.

“Đây là lần đầu tiên chị chia sẻ câu chuyện của mình với tất cả mọi người. Chị mong rằng sẽ tiếp thêm nguồn động lực đối với F0, nhất là các thai phụ giống như chị. Cố lên mọi người ơi, rồi chúng ta sẽ khỏe, tất cả rồi sẽ bình an vượt qua đại dịch”, chị T. tâm sự.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Người dân TP.HCM cần điều kiện gì để được cấp “thẻ xanh COVID” sau 15/9?

Theo như dự thảo của Sở Y tế TP.HCM, người tiêm đủ 2 mũi; F0 khỏi bệnh dưới 65 tuổi, không bệnh nền sẽ được đến/tham gia các hoạt động thiết yếu và không thiết yếu tại nơi công cộng (ngoài trời, trong nhà).

Vào ngày 8/9, Sở Y tế đã gửi tờ trình tới UBND TP.HCM về việc ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố giai đoạn sau ngày 15/9. Trong tờ trình có đưa ra dự kiến một số điều kiện để người dân được cấp “Thẻ xanh COVID”.

Cụ thể, những điều kiện đó bao gồm:

– Một người được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ khi tiêm đúng số mũi khuyến nghị theo quy định của hãng vắc xin và sau khoảng thời gian cần thiết để tạo kháng thể tính từ khi tiêm mũi cuối cùng theo quy định của hãng vắc xin:

+ 2 tuần sau liều thứ hai trong 2 liều, chẳng hạn như vắc xin AstraZeneca…

+ 2 tuần sau khi tiêm vắc xin một liều, chẳng hạn như vắc xin Janssen của Johnson & Johnson

– Người nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 6 tháng

Cũng trong dự thảo này, Sở Y tế đã kiến nghị những hoạt động được phép theo từng đối tượng:

Trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 15:

– Người tiêm đủ 2 mũi; F0 khỏi bệnh dưới 65 tuổi, không bệnh nền sẽ được đến/tham gia các hoạt động thiết yếu và không thiết yếu tại nơi công cộng (ngoài trời, trong nhà); được đi học, đi làm, đi du lịch hoặc đi công tác ở các tỉnh thành, nước ngoài.

– Người tiêm đầy đủ 2 mũi; F0 khỏi bệnh trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; người chỉ tiêm 1 mũi vắc xin (đối với vắc xin có liệu trình 2 mũi): được đến/tham gia các hoạt động tại nơi công cộng ngoài trời, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người, có thể đi du lịch, đi công tác nội địa nhưng cần tuân thủ 5K nghiêm ngặt, giữ khoảng cách tối thiếu 2m khi tiếp xúc trực tiếp.

Trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16:

– Người tiêm đủ 2 mũi; F0 khỏi bệnh dưới 65 tuổi, không bệnh nền: được đến/tham gia các hoạt động thiết yếu và không thiết yếu tại nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện, phòng khám… được đi học, đi làm, hoặc đi công tác nội địa.

– Người tiêm đầy đủ 2 mũi; F0 khỏi bệnh trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; người chỉ tiêm 1 mũi vắc xin (đối với vắc xin có liệu trình 2 mũi): hạn chế đến/tham gia các hoạt động thiết yếu và không thiết yếu tại nơi công cộng, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người, cần tuần thủ 5K nghiêm ngặt, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc trực tiếp.

Theo doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/nguoi-dan-tphcm-can-dieu-kien-gi-de-duoc-cap-the-xanh-covid-sau-15-9-16121100900276000.htm

Bảo vệ dân phố ở TP.HCM mất khi chống dịch: Covid-19 quá nghiệt ngã, xót xa con hỏi ‘ba đâu’

Nhìn đồng đội Đinh Chánh Định (48 tuổi) không qua khỏi vì Covid-19, Phó ban Bảo vệ dân phố P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chỉ biết đứng lau nước mắt. Ông càng đau lòng hơn khi nghe con trai 22 tuổi mà như đứa trẻ lên 5 của đồng đội hỏi ‘ba đâu’…

Vì dịch Covid-19, gia đình chỉ có thể lập tạm bàn thờ để cúng cơm, không có hoa quả cũng chẳng thể rửa được tấm ảnh thờ cho đàng hoàng. N.N

Ông Đinh Chánh Định (48 tuổi) – bảo vệ dân phố P.22 vừa được Thủ tướng chính phủ truy tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch. Trước đó, ông liên tục có mặt tại các chốt kiểm soát cùng bảo vệ dân phố, công an phường làm nhiệm vụ. Ngày 10.8, ông mất tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh vì nhiễm Covid-19.

“Đợt đó tổ cơ động bảo vệ dân phố của tôi 7 người thì 3 người nhiễm, cả 3 cùng vào chốt cách ly, Đinh Chánh Định là to khỏe nhất, vậy mà nó ‘gãy’. Nghĩ mà rớt nước mắt, bao năm trời một mình nó nuôi con, chăm cha mẹ, mùa dịch ngược xuôi lo cho địa bàn, giờ đi vậy, bỏ lại đứa con khờ khạo bơ vơ”, ông Trần Văn Minh, Phó ban Bảo vệ dân phố P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM mở đầu câu chuyện với PV.

Mưa gió bão bùng gì cũng làm

Từ trụ sở Công an P.22, Q.Bình Thạnh, ông Trần Văn Minh dẫn tôi vào con hẻm nhỏ, hai bên tôn che kín mít của công trình dang dở sau tòa nhà Landmark81, chỉ: “Đó, nhà Định. Vừa tháo dây phong tỏa hôm qua. Cả nhà dương tính hết”.

Ông Định (thứ tư từ trái sang) và đồng đội khi được quận khen thưởng sau một vụ bắt tội phạm. N.N

Ông Định là một trong 7 thành viên của tổ cơ động, thuộc Ban bảo vệ dân phố P.22. Không phân biệt giờ giấc, việc nặng, nhẹ, cứ có lệnh điều động là ông xuất phát.

Ông Minh kể trước khi làm bảo vệ dân phố, ông Định làm công nhân cầu đường, chuyên đi cùng các xe đổ nhựa đường, giờ rảnh thì đi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. 7 năm trước, công việc không ổn định, ông Định xin được vào làm bảo vệ dân phố.

“7 anh em tôi mưa gió bão bùng gì cũng làm, cứ có lệnh là lên đường thôi, hỗ trợ công an bắt nghi phạm ma túy, trộm cướp hay tìm F0… Đợt đó cứ 7 ngày xét nghiệm 1 lần, ngày 31.7 thì 3 trong số 7 người dương tính, cùng về chốt cách ly”, ông Minh kể.

Ông Trần Văn Minh, Phó ban Bảo vệ dân phố P.22 thường đến gửi nhu yếu phẩm giúp người nhà ông Định những ngày giãn cách xã hội. VŨ PHƯỢNG

Nhưng tới ngày 8.8, ông Định trở mệt, được chuyển nhập Bệnh viện Q.Bình Thạnh điều trị. Không chỉ là đồng đội, ông Định còn quý ông Minh như anh em trong nhà nên cứ vài tiếng lại gọi điện thoại hỏi ăn gì rồi, đang cảm thấy sao…

Phó ban Bảo vệ dân phố P.22 nhớ lại: “Hôm 10.8 trưa nó còn gọi tôi nói: “Anh ơi em đang uống sữa, em mệt lắm”. Tới 14 giờ chiều, tôi gọi lại chuông đổ hoài mà nó không nghe máy. Đến 16 giờ chiều thì Trưởng Công an phường báo về là nó không qua khỏi. Nghe tin mà đau lòng, nhìn đồng đội mình vậy mà không làm gì được, nước mắt cứ chảy, Covid quá nghiệt ngã”.

Để lại mẹ già, con khờ

Điều khiến ông Minh trăn trở nhất về đồng đội của mình là biết có câu chuyện gì đó khiến ông Định buồn bã, nhưng gặng hỏi mãi ông Định cũng nhất quyết không chia sẻ cùng ai. Cho tới khi ông nhiễm bệnh, rồi nhập viện, ông Minh như người anh cả vẫn chưa thể hỏi hết để tâm sự cùng người em của mình.

Bàn thờ của ông Định và cha ruột được lập tạm tại nhà. N.N

“Lúc nó mới mất, nhà nó giấu mẹ già hơn 70 tuổi và con trai nó, đâu dám cho biết đâu. Con trai 22 tuổi mà như đứa trẻ lên 5 thôi, suốt ngày hỏi “ba đâu”, nghe mà đứt ruột”, Phó ban Bảo vệ dân phố xót xa kể.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (41 tuổi, em dâu ông Định) cũng cho biết, ngày ông Định vừa phát hiện nhiễm Covid-19 cách ly tại chốt trực ở gần nhà, bà nấu cơm, vắt nước cam ra nhưng ông một mực không ăn. Đến khi chịu ăn rồi ông còn chê mặn, khó nuốt. Khi xe cứu thương đến chốt chở ông đi bệnh viện, bà cũng không được ra động viên anh rể lần cuối.

Một tuần sau khi nhận tin ông Định mất, bà Tú mới dám báo cho mẹ và con trai ông Định. Lúc đó, gia đình lập bàn thờ tạm để cúng cơm, không có hoa quả cũng chẳng thể rửa được tấm ảnh thờ cho đàng hoàng…

Sau khi vợ chồng ông Định đường ai nấy đi, con trai ông ở cùng cha. N.N

Theo lời bà Tú, căn nhà nhỏ của gia đình ở P.22 là nơi ở chung của ba thế hệ. Ngày ông Định mất, test Covid-19 cả gia đình 10 người dương tính cả 10. Vài ngày sau đó, cha ruột của ông Định cũng không thể vượt qua vì Covid-19. Tro cốt của cả hai cha con ông Định được gia đình gửi ở chùa Văn Thánh.

7 anh em tôi mưa gió bão bùng gì cũng làm, cứ có lệnh là lên đường thôi, hỗ trợ công an bắt đối tượng xì ke, trộm cướp hay F0 bỏ trốn,… không ngán gì hết. – Ông Trần Văn Minh (Phó ban Bảo vệ dân phố P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Bà Tú nói thêm: “Từ ngày con anh Định 3 tháng tuổi là bà nội đã chăm sóc, ẵm bồng. 10 năm trước vợ chồng ảnh thôi nhau, ảnh nuôi thằng bé tới nay. Giờ 22 tuổi nhưng nó chỉ nặng chưa tới 40kg, người nhỏ xíu, còn nhận thức chỉ như đứa trẻ lên 5, lên 6. Giờ cúng cơm cho ba nó và ông nội, kêu ra cúng thì nó biết cúng, kêu quỳ nó biết quỳ vậy thôi, thương lắm”.

Vừa qua, ông Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh và đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên chia buồn với gia đình ông Đinh Chánh Định. Quận ủy và Công an P.22 đã trao số tiền 22 triệu đồng, 50kg gạo cùng một số nhu yếu phẩm hỗ trợ gia đình ông Định đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội.

Lãnh đạo Công an P.22 cũng tiếp tục kêu gọi thêm các nhà hảo tâm, anh em đồng nghiệp cùng ủng hộ để lập một sổ tiết kiệm để lo cho mẹ già, con trai của ông người bảo vệ dân phố mất khi chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/bao-ve-dan-pho-o-tphcm-mat-khi-chong-dich-covid-19-qua-nghiet-nga-xot-xa-con-hoi-ba-dau-1446715.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here