Một ‘hiệp sĩ’ trực chốt kiểm soát dịch bị tố cưỡng đoạt 2 triệu đồng của shipper

0
142

 

Khi thấy giấy xét nghiệm COVID-19 của người giao hàng quá hạn và có dấu hiệu bị tẩy xóa, một thành viên tại chốt kiểm dịch dọa “có thể ở tù” rồi đòi “chung” 2 triệu đồng.

Người đàn ông (bên trái) tại chốt kiểm dịch của phường Bình An bị tố cáo cưỡng đoạt tiền của shipper – Ảnh: B.Đ.


Do có nhiều chốt kiểm soát nên phường phải huy động sự hỗ trợ của nhiều lực lượng, trong đó có thành viên của đội xung kích phòng chống tội phạm. Hiện Công an thành phố Dĩ An đã vào cuộc để làm rõ nên chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin thêm khi có kết quả điều tra của công an.

Ông Trần Thanh Hùng – chủ tịch UBND phường Bình An

Ngày 19-8, Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương vào cuộc xác minh phản ánh của một shipper (người giao hàng) tố cáo thành viên của chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của phường Bình An đã cưỡng đoạt tiền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Thanh Hùng – chủ tịch UBND phường Bình An – xác nhận có nhận được thông tin trên và xác định người đàn ông bị tố cáo đúng là người của chốt kiểm dịch. Người đàn ông này là thành viên đội xung kích thuộc câu lạc bộ phòng chống tội phạm của phường (thường được gọi là “hiệp sĩ”).

Trước đó, theo phản ánh của anh H.T.Đ., là nhân viên giao hàng cho một nhãn hàng, khi anh Đ. đi trên quốc lộ 1K (hướng từ Bình Dương về Đồng Nai) thì gặp chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của phường Bình An. Tại đây, có một người đàn ông mặc quần jean, áo thun nhưng có đeo thẻ đến kiểm tra giấy tờ.

Khi thấy giấy xét nghiệm COVID-19 của anh Đ. đã hết hạn và có dấu hiệu bị sửa thì người đàn ông này dọa là “sửa giấy như thế này có thể ở tù” và “yêu cầu về phường giải quyết”. Anh Đ. có xin lập biên bản tại chốt nhưng người đàn ông này không chịu, chở theo một người đàn ông khác đi xe máy dẫn anh Đ. “về phường”.

Tuy nhiên, sau đó hai người đàn ông dẫn anh Đ. vào một khu dân cư vắng rồi hỏi “giờ chung được bao nhiêu?”. Anh Đ. nói “mấy anh lấy bao nhiêu thì em đưa chứ em không biết sao” thì người đàn ông mặc áo thun yêu cầu anh Đ. đưa cho mình 2 triệu đồng.

Do không mang theo tiền mặt, xin đi rút tiền cũng không được nên anh Đ. đề nghị chuyển khoản. Người đàn ông đọc số tài khoản đứng tên “TRUONG VAN CONG” và anh Đ. đã nhờ người quen chuyển 2 triệu vào số tài khoản này.

Lệnh chuyển tiền vào tài khoản có tên “TRUONG VAN CONG” mà thành viên tại chốt kiểm dịch đọc cho shipper – Ảnh: B.Đ.

Sau khi nhận được tiền, người đàn ông cho anh Đ. đi và hứa đi qua chốt sẽ không bị kiểm tra nữa.

Người giao hàng sau đó đã báo cáo cho quản lý của cửa hàng. Do bức xúc về việc làm không minh bạch của thành viên chốt kiểm soát nên người giao hàng và quản lý đã tố cáo sự việc.

Tại Bình Dương, hiện có hàng ngàn chốt kiểm soát được lập nên để hạn chế người dân ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Hầu như mỗi phường, mỗi khu phố… đều có chốt kiểm soát nên chỉ có những chốt lớn có sự tham gia của công an, còn nhiều chốt chỉ có “lực lượng hỗ trợ” và các tình nguyện viên.

Mỗi CLB phòng chống tội phạm tại các xã, phường gồm hai đội: đội xung kích và đội tuyên truyền phổ biến pháp luật. Trong đó, các “hiệp sĩ” là tên thường gọi của các thành viên của đội xung kích phòng chống tội phạm, trực thuộc sự quản lý của công an phường.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/mot-hiep-si-truc-chot-kiem-soat-dich-bi-to-cuong-doat-2-trieu-dong-cua-shipper-20210819181013097.htm

Một bệnh viện tư nhân tại An Giang thông báo tiêm vắc xin COVID-19 dịch vụ

Ngày 14-7, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết đã nắm được thông tin Bệnh viện Hạnh Phúc thông báo tiêm vắc xin COVID-19 dịch vụ với giá 1,5 triệu đồng/liều.

Một bệnh viện tư nhân tại An Giang thông báo tiêm vắc xin COVID-19 dịch vụ - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang khẳng định Bệnh viện Hạnh Phúc là bệnh viện tư nhân đầu tiên thông báo tiêm dịch vụ vắc xin COVID-19 trong tỉnh – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Theo thông báo của Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc, nơi đây bắt đầu nhận đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ. Bệnh viện này sẽ sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca của Vương quốc Anh.

Khách hàng có thể đăng ký tên tuổi, địa chỉ, để lại số điện thoại… sau đó bệnh viện sẽ gọi khi có lịch tiêm. Khách hàng sẽ được tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 4-12 tuần. Bệnh viện này cũng công khai giá dự kiến của mỗi mũi là trên 1,5 triệu đồng/liều. Tuy nhiên, còn kèm theo chú thích là giá vắc xin chính xác chờ xin ý kiến của Bộ Y tế.

Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết mấy ngày qua có nhiều người hỏi về việc tiêm dịch vụ vắc xin COVID-19 đối với thông báo của Bệnh viện Hạnh Phúc. Nếu người dân có nhu cầu đăng ký họ thực hiện dịch vụ, Bệnh viện Hạnh Phúc chia nguồn vắc xin từ các doanh nghiệp có đầu mối nhập khẩu tại TP.HCM. Giá họ sẽ chấp hành theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Về điều kiện thì Bệnh viện Hạnh Phúc đã đủ điều kiện tiêm chủng. Theo tôi được biết thì họ có nguồn nên mới thông báo rộng rãi như vậy. Còn giá cả đó họ có thông báo sẽ áp dụng giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phần giá này sở không nắm. Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên của tỉnh thông báo tiêm vắc xin COVID-19 dịch vụ. Nếu có bất thường gì thì sở sẽ thanh tra. Trước mắt họ thông báo như vậy chắc chắn họ có nguồn vắc xin để tiêm dịch vụ”, lãnh đạo Sở Y tế nói thêm.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/mot-benh-vien-tu-nhan-tai-an-giang-thong-bao-tiem-vac-xin-covid-19-dich-vu-20210714170606432.htm

Số liệu buồn mùa Covid: Nửa triệu công nhân phải nghỉ việc, mất việc vì làn sóng thứ 4, và con số vẫn đang tăng lên!

Hiện làn sóng COVID-19 lần thứ tư đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, công nghiệp của cả nước như TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Ba tỉnh này chiếm khoảng 1/4 tổng số công nhân cả nước.

Ngày 14/7, ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với những biến chủng vi rút mới bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4-2021 đến nay tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động.

Cả nước đã có hơn 9.450 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại 35 tỉnh, thành phố, chiếm tỷ lệ hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng. Đã có khoảng 60.000 F1, 160.000 F2 là công nhân, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Đáng nói, gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm và con số này đang tiếp tục tăng thêm.

Để kịp thời hỗ trợ người lao động, Tổng Liên đoàn đã chi khẩn cấp 113 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 193.000 lao động. Trong đó, chi cho mỗi công nhân dương tính 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng với F1 có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Khang cho rằng các cấp ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ gói 26.000 tỷ đồng. Gói an sinh có nhiều nhóm thụ hưởng là công nhân, người lao động phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng hoặc mất việc.

Số liệu buồn mùa Covid: Nửa triệu công nhân phải nghỉ việc, mất việc vì làn sóng thứ 4, và con số vẫn đang tăng lên! - Ảnh 1.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn đã phát động Chương trình “Vắc xin cho công nhân” thông qua Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, đến nay đã ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 với tổng số tiền 150 tỷ đồng.

Tổng Liên đoàn cũng có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận về việc cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân, lao động, hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19 vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện làn sóng Covid lần thứ tư đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, công nghiệp của cả nước như Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Ba tỉnh này chiếm khoảng 1/4 tổng số công nhân cả nước. Riêng ngày hôm qua, Công ty Pouyuen với 56.000 công nhân, đông nhất TP HCM đã phải tạm dừng hoạt động 10 ngày để sắp xếp lại công tác phòng dịch. Tại Đồng Nai, Công ty Pouchen (Biên Hòa) đã cho gần 17.000 công nhân nghỉ 14 ngày sau khi phát hiện ca nhiễm.

Theo Doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/nua-trieu-cong-nhan-phai-nghi-viec-mat-viec-vi-lan-song-covid-19-lan-thu-4-va-con-so-van-dang-tang-len-161211407172514752.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here