Nạn nhân kể chuyện bị lừa bán, vỡ mộng ‘việc nhẹ lương cao’ ở Campuchia

0
194

Nạn nhân từng bị lừa sang Campuchia làm việc kể chuyện bị lừa bán và quá trình vỡ mộng “việc nhẹ lương cao”.

Tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700 – 1.000 USD/tháng trên mạng xã hội, nhiều người vượt biên trái phép sang Campuchia, chấp nhận cuốc bộ hàng chục cây số với ước mơ về một công việc ổn định lương cao.

Tuy nhiên, chẳng có việc nhẹ, không có lương cao mà thực chất nạn nhân bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, làm việc 15 giờ mỗi ngày, hoặc bị bán vào các sòng bài, bị tra tấn, đánh đập đòi tiền chuộc.

Tâm sự của người trong cuộc

Do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, ngày 30/5, em N.T.T. (sinh năm 2000, trú TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) lên mạng tìm việc làm. Sau đó, T. nhận được lời giới thiệu làm phu xe mỗi ngày đi 2 chuyến đưa người qua lại Campuchia với số tiền 5.000.000 đồng/chuyến.

Nạn nhân kể chuyện bị lừa bán, vỡ mộng việc nhẹ lương cao ở Campuchia - Ảnh 1.

Em N.T.T. (áo đen) kể lại việc bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”.

Làm theo hướng dẫn của các đối tượng, sáng 1/6, T. đến TP.HCM, và được một ô tô 7 chỗ đưa sang Campuchia. Tuy nhiên khi đến nơi, công việc của T. lại không giống như thỏa thuận.

“Qua đó lúc mà vô tới công ty, có chị thông dịch viên nói các em qua đây thì xác định các em đã bị bán rồi. Lúc đó em mới biết mình bị lừa và mình đã bị bán cho công ty. Công ty đó làm về games và cũng lừa đảo người khác làm việc nhẹ lương cao. Công ty đó giam lỏng em và bảo có tiền mới được về với giá 2.500 USD. Lúc này, em thật sự vỡ mộng việc nhẹ lương cao.

Đừng suy nghĩ dại dột như em, vì qua đó chẳng có việc nhẹ lương cao đâu, toàn bị lừa thôi. Thà rằng mình ở Việt Nam làm được bao nhiêu thì làm chứ đừng mơ đi qua đó có tiền nhiều, chẳng có đâu. Thậm chí là mất mạng nữa, em đi rồi, em hiểu, đáng sợ lắm…”, em N.T.T. tâm sự.

Cũng tin vào lời giới thiệu việc làm trên mạng, em N.Q.C. (sinh năm 2005, cư trú phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) được các đối tượng làm sẵn hộ chiếu rồi đưa sang Campuchia.

Muốn giải cứu C., gia đình em đã phải nhiều lần chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng với tổng số tiền 160 triệu đồng. Được trở về với vòng tay của gia đình, C. vẫn còn rất xúc động khi nhớ về những ngày tháng kinh hoàng nơi xứ người.

“Chúng kêu bảo vệ còng em vào giường và kêu em liên hệ với ba mẹ em nói chuyện để lo tiền. Ba mẹ em đã chuyển hết 160 triệu nhưng chúng lại đòi chuyển thêm 200 triệu nữa. Nhưng em biết gia đình không còn đủ khả năng chuyển tiền nữa, nên em không đồng ý và bọn chúng đã bán em vào công ty khác”, C. kể lại.

Đang điều tra các đường dây mua bán người

Gần đây nhất, tối 18/8, Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang phối hợp cùng Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Long Bình đưa 40 người nhập cảnh trái phép vào Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú để giúp họ ổn định tinh thần, sức khỏe.

40 người này được xác định từ casino ở Campuchia, bơi qua sông Bình Di để nhập cảnh vào Việt Nam. Đa số những người này trước đó từng xuất cảnh trái phép sang Campuchia, làm việc tại các casino.

Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, thậm chí không được trả lương nên những nạn nhân này đã bất chấp nguy hiểm tháo chạy khỏi casino nhảy xuống sông Bình Di bơi về phía Việt Nam.

Trả lời VTC News, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, liên quan vụ 40 người Việt tháo chạy từ casino ở Campuchia về Việt Nam, Công an tỉnh An Giang xác định được 4 đường dây mua bán người.

Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh An Giang, khi bị bán vào casino ở Campuchia để làm các công việc bất hợp pháp, nhiều công dân không đồng ý làm hoặc không làm đạt chỉ tiêu thì bị đánh đập, uy hiếp. Đặc biệt, có trường hợp bị bán từ casino này qua casino khác.

“Chúng tôi đã báo cáo Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an để phối hợp với công an các tỉnh thành có đường dây mua bán người để tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây mua bán người”, Đại tá Đinh Văn Nơi nói.

Ngoài hành vi mua bán người, Công an tỉnh An Giang cũng đang điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Trong đó, Công an tỉnh vừa khởi tố 2 bị can về hành vi trên là Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi, đều ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Trong số 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia bơi qua sông về Việt Nam có 6 người do Lệ và Danh tổ chức xuất cảnh trái phép. Ngoài việc đưa 6 người nói trên, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều người xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino.

Theo vTC

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here