Ngày đi làm, tối vào viện lọc máu, cô gái chạy thận cam chịu đau đớn tự gắng gượng 10 năm

0
204

Gần đây bác sĩ bảo nếu không vào bệnh viện để điều trị thì Ly sẽ mắc thêm căn bệnh suy tủy, nhưng do không có tiền, cô gái chạy thận không vào viện và giấu để gia đình đỡ lo lắng.

Khi nhắc đến con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), người ta thường gọi bằng cái tên “xóm chạy thận”. Vì đây là nơi những bệnh nhân bị suy thận nặng, phải lọc máu, ở trọ để điều trị suốt quãng đời còn lại.

Nhiều người vẫn thường ví những bệnh nhân chạy thận như những kiếp “tầm gửi”. Vì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc khi một tuần phải chạy thận, lọc máu 3 lần.

Đặng Khánh Ly đã ở đây 3 năm có lẻ…

Mở cánh cửa cổng nhẹ nhàng, Ly trở về phòng trọ trong xóm với bó rau muống vừa đi mua ngoài chợ, một bó rau được cô nhẩm tính cho 4 bữa ăn dành cho 2 ngày. 

Cô gái ấy, chỉ cao gần 1,4m và nặng khoảng 30kg…

Những ước mơ khép lại tuổi học trò

Đặng Khánh Ly (sinh năm 1993, quê ở xã Mỹ Hưng, Mỹ Lộc, Nam Định) biết mình bị bệnh từ năm 10 tuổi, lúc đấy em được chuẩn đoán bị viêm cầu thận. Tuổi đang còn nhỏ, Ly chỉ nghĩ như những trận ốm thông thường chỉ cần uống thuốc là bệnh sẽ tự khỏi.

Sau này khi bệnh tình trở nặng, Ly bị suy thận nên phải vào viện ngày càng nhiều hơn, rồi một ngày, vô tình bác bệnh nhân điều trị cùng buột miệng nói với em là “cái bệnh này sống nay chết mai không biết lúc nào được”. Ly bị sốc, em vừa khóc vừa bám hành lang đi về trong vô định…

Khi biết tình trạng bệnh tình của mình, Ly đã thực sự bị sốc.

“Em vừa học xong lớp 12 cũng mơ mộng thi đại học. Bố mẹ cho em ăn học, muốn sau này có công việc nhẹ nhàng đỡ vất vả để báo hiếu. Đến lúc bị như thế này tim yếu rồi, chỉ cần đi từ trong nhà ra đến cổng đã không thở được. Bệnh tình chở nặng năm 2012 khi em 20 tuổi, từ đấy em gắn liền với những tháng ngày chạy thận”.

Những tháng cuối lớp 12, cô gái bé nhỏ ấy và các bạn cùng mong ước sau này lên đại học ở kí túc xá chung. Nhưng em bảo mình nhiều ước mơ quá đến lúc bị ốm em cảm thấy hụt hẫng khi nhìn các bạn đi học Đại học. 

Rồi dần dần, Ly tự đẩy mình xa khỏi những người bạn và cũng tự thu hẹp mình lại….

Cô gái nhỏ luôn tự mình đi chợ, chuẩn bị cơm nước.

7 năm, 4h sáng đi từ nhà lên bệnh viện Bạch Mai, trưa 11h về, cách 1 ngày lại đi 1 ngày như thế, cuộc đời của Ly như một vòng tròn không tìm được điểm kết thúc. Ly bảo, em quen đến nỗi nhớ từng gốc cây, mái ngói dọc con đường quốc lộ.

“Cũng may các chú nhà xe tốt, sau khi biết em đi chạy thận thì chú lái xe bảo “sau cứ thấy xe này là cháu lên, không phải tiền nong gì hết”. 4h sáng bố dẫn em ra ngoài để bắt xe. Lúc đi thì xe cô chú dưới Hải Hậu, Giao Thủy đón. Trưa thì em về với các chú nhà xe Thái Bình. 7 năm trời chẳng ai lấy của em một nghìn nào cả.”

Ly bảo 3 năm trước em quyết định lên Hà Nội ở, một phần em cảm thấy sức khỏe của mình đã yếu đi nhiều, khó có thể đi xe hàng ngày như trước. Cùng với đó Bệnh viện Bạch Mai lại bùng dịch COVID-19, Ly sợ đi về ảnh hưởng, chẳng may mình bị về lại lây cho gia đình, hàng xóm.

Không có tiền, những lúc đi chạy thận xong người mệt nhoài, cô gái 30kg ấy vẫn cố gượng đi bộ về phòng, dù tiền xe ôm chỉ mất 10 nghìn đồng. Nhiều lúc bị tụt huyết áp, xong còn không thở được Ly chỉ biết nhắm mắt đi thật nhanh về đến phòng rồi nằm vật ra giường để nghỉ ngơi.

“Đợt vừa rồi bác sĩ bảo em bị nếu không vào bệnh viện điều trị thì sẽ bị suy tủy vì hồng cầu mãi không lên. Em không muốn nói vì em gái em vừa hậu COVID-19, vừa nằm viện xong. Giờ em mà nói nữa thì không biết bố mẹ em sẽ như thế nào nữa.” Ly trầm tư.

Ngày đi làm kiếm thêm, tối vào viện lọc máu

Nhòe nước mắt khi nói về gia đình mình, Ly bảo bố em cũng đi phụ xây nhưng mấy năm nay không đi làm được vì sức khỏe yếu. Còn mẹ thì đi làm may, do tình hình Covid nên cũng ít việc, sức khỏe mẹ em cũng chả hơn bố bao nhiêu, nhưng mà bây giờ nếu mẹ mệt không đi làm được thì em cũng không biết phải dựa vào đâu.

Qua những người quen giới thiệu, Ly tìm được việc làm tại một xưởng chuyên làm đồ handmade cho người khuyết tật ở bên phường Phương Mai. Mỗi tháng tùy vào sức khỏe của mình, cũng như việc đi chạy thận, tiền công của em giao động từ 500 nghìn cho đến 1 triệu đồng mỗi tháng.

Hàng ngày, để tiết kiệm tiền từ nhà đến chỗ làm, Ly dậy sớm và đi bộ gần 2km cho kịp giờ. Em bảo nếu đi xe ôm, cả đi và về mất 30 nghìn, bằng tiền công 2 cái thiệp em làm ra.

“Em hạn chế xin bố mẹ tiền thuốc, ví dụ bác sĩ kê cho em 10 chai đạm thì em chỉ truyền 3 chai thôi, em chỉ truyền đạm để có sức khỏe để mình cố gắng đi làm”.

Mấy hôm vừa rồi, bác sĩ gọi riêng Ly ra và bảo là hồng cầu của em với tiểu cầu cứ tụt quá nhiều, hỏi em có muốn vào viện không để các bác sĩ xem nguyên nhân ở đâu để còn điều trị. Nhưng mà nhắc đến vào viện là Ly lại không muốn, vì em biết vào viện nhiều chi phí xong lại còn không đi làm được mà còn làm bố mẹ lo lắng.

“Ví dụ hôm nào mình mua nhiều thuốc thì bố mẹ gửi cho em hai đến ba triệu nhưng mà em không dám đi khám, khám tốn nhiều thuốc lắm. Cố gắng được đến đâu thì em làm đến đó.”

Những lúc đi chạy thận về Ly mệt, tụt huyết áp nhưng em không bao giờ em gọi cho bố mẹ vì em không muốn bố mẹ em thấy em mệt. Ly chỉ lúc nào khỏe, vui vẻ thì em gọi cho bố mẹ. Mẹ em cứ bảo “con thích ăn gì thì mua ăn cho khỏe”

Ly bảo thấy bố mẹ nói chuyện với nhau em đã vui rồi. Hôm nào em nghĩ sắp phải đóng tiền phòng không phải xin bố mẹ là em cảm thấy như thế đã ý nghĩa lắm rồi.

Ở trong xóm trọ Ly, mọi người luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau vì cùng chung cảnh ngộ. Em bảo nếu sức khỏe yếu nhưng tự sinh hoạt được thì thôi, còn nếu mình bị làm sao thì gọi điện cho các bác ở gần đây đưa đi viện. Mệt không cắm cơm được thì em cho gạo vào nấu cháo rồi ăn cả ngày.

Ly bảo, chỉ sợ buổi tối mình thường hay đóng cửa, trong đêm nhỡ bị làm sao mà không gọi được ai thì cũng không biết như nào. Em cũng chỉ nghĩ nếu có như vậy thì “hết nợ” mình đi thôi.

Trưa nay, để chuẩn bị cho bữa ăn, Ly mở tủ lấy hộp ruốc mà mẹ làm cho mình, em nhặt phần tư bó rau muốn luộc lên chấm nước mắm, em trêu đùa em ăn rau nhiều nên cân nhanh cơ thể cũng được đến…30kg

Mâm cơm được dọn ra trên giường, Ly cố gắng ăn nhanh rồi nằm nghỉ chút. Hôm nay em sẽ vào khoa để lọc máu từ 15h đến 20h mới về nhà.

“Nhiều khi em cũng buồn, cũng nghĩ: hay thôi! mình đi luôn. Bố mẹ buồn một thời gian thôi, sau này cũng dần chấp nhận vì đó là số phận mỗi con người…”

Theo pháp luật & bạn đọc

nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/ngay-di-lam-toi-vao-vien-loc-mau-co-gai-chay-than-cam-chiu-dau-don-tu-gang-guong-10-nam-162222104142151503.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here