TP.HCM: Đôi vợ chồng công nhân về muộn ngồi khóc tại chốt kiểm soát

0
125

Đôi vợ chồng công nhân từ công ty đi về muộn bị lực lượng chức năng trực chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân, TP.HCM) kiểm tra, chặn lại và người vợ ngồi khóc bên đường.

Lực lượng chức năng yêu cầu người đàn ông quay đầu xe tại chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Hớn (Q.12). ẢNH: TRẦN KHA

Từ 18 giờ ngày 26.7, TP.HCM chính thức áp dụng hạn chế người và phương tiện lưu thông trên đường nhằm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó yêu cầu mọi người dân trên địa bàn thành phố hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau.

Theo ghi nhận, trước 18 giờ ngày 26.7, một số cửa hàng kinh doanh tiệm tạp hóa trên đường Liên khu 5 – 6, đường số 8 (P. Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), đường Tân Kỳ – Tân Quý (Q.Tân Phú), Bà Điểm (H.Hóc Môn), người dân tranh thủ kéo hé cửa để buôn bán. Qua 18 giờ, các cửa hàng này bắt đầu đóng cửa. Người dân điều khiển phương tiện đi lại trên đường cũng thưa dần.

Tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng kiểm tra mọi phương tiện, người dân qua lại.

Người đàn ông cung cấp giấy đi đường tại chốt kiểm soát đường Nguyễn Thị Tú. ẢNH: TRẦN KHA

Tại chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Hớn và Nguyễn Văn Quá (Q.12), nhiều trường hợp được lực lượng chức năng nhắc nhở vì quá 18 giờ. Các trường hợp có lý do chính đáng và phải là người dân sống trong khu vực mới được lực lượng chức năng cho qua chốt.

Các trường hợp khác và không phải người dân tại địa bàn khi qua chốt hơn 18 giờ, lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe. “Tôi thấy làm như vậy cũng tốt để giữ sức khỏe cho mọi người. Tuy nhiên nếu dời thời gian thêm 1 – 2 tiếng thì thuận lợi hơn cho việc đi lại người dân”, anh Hoàng Trọng Đồng, một nhân viên bảo vệ siêu thị, ngụ trên địa bàn Q.12, nói.

Người dân tranh thủ về nhà trước 18 giờ. ẢNH: TRẦN KHA

Trong khi đó, tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân), một đôi vợ chồng bị lực lượng chức năng kiểm tra và ngăn lại. Không được qua chốt, người vợ ngồi khóc bên đường. Qua tìm hiểu, cả hai vợ chồng quê miền Tây, đi làm công nhân. Do công ty tạm đóng cửa nghỉ một thời gian nên cả hai phải quay về nhà. Trường hợp này sau đó cũng được lực lượng chức năng giải quyết cho qua.

Đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) không một bóng người. ẢNH: TRẦN KHA

Tính đến 20 giờ ngày 26.7, tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân) đã có 3 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16, bị lập biên bản xử lý và xử phạt 2 triệu đồng/trường hợp.

Càng về tối, hầu hết trên các tuyến đường tại địa bàn Q.12, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn… vắng phương tiện xe máy, ô tô di chuyển.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-doi-vo-chong-cong-nhan-ve-muon-ngoi-khoc-tai-chot-kiem-soat-1420959.html

Khan hiếm tài xế, giá cước tăng vọt

Việc giao nhận hàng hóa, thực phẩm của người dân ngày càng trở nên khó khăn sau khi TP.HCM siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 tăng cường.

 /// Ảnh: Độc Lập

Ảnh: Độc Lập

Giá cước đắt nhưng tìm tài xế không dễ

Sáng 26.7, anh M.V (TP.Thủ Đức) đặt xe ôm công nghệ giao 1 thùng hàng gồm trứng, rau, bánh cho người cháu đang ở trong khu vưc bị phong tỏa tại Q.Bình Thạnh. Gọi xe qua ứng dụng Grab, anh được báo giá 52.000 đồng tiền cước cho quãng đường khoảng 6 km, cao khoảng gấp 1,5 lần so với thường ngày. Tuy giá cước tăng cao nhưng chờ mãi ứng dụng vẫn thông báo chưa tìm được tài xế thích hợp. Anh V. phải lấy thêm 1 máy điện thoại khác, đặt qua ứng dụng Gojek, may mắn tìm được tài xế ở gần, báo giá cước 36.000 đồng.

Tương tự, anh Đ.S (ngụ H.Nhà Bè) cũng giật mình khi đặt tài xế giao đồ ăn tiếp tế nhà bạn tại Q.2, ứng dụng Grab báo giá 110.000 đồng, trong khi thường ngày chỉ dao động từ 60.000 – 70.000 đồng cho cùng quãng đường. Chờ khoảng 15 phút, ứng dụng liên tục báo không tìm được tài xế khiến anh S. đành phải tự mình lái xe đưa đi vì nhà bạn có trẻ con, đang trong khu phong tỏa nhưng không mua được thực phẩm.

“Lần khác, tôi đặt xe giao hàng từ Nhà Bè sang Q.7, mức giá cước cũng tăng gấp đôi nhưng không tìm được xe. Bạn tôi từ Q.2 gửi đồ qua Bình Thạnh, thường ngày chỉ khoảng 30.000 đồng nhưng mấy ngày vừa rồi chưa bao giờ thấp hơn 60.000 đồng/cuốc xe. Ai cũng muốn tuân thủ không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, nhưng nhiều khi không đi không được. Toàn đồ thực phẩm, trường hợp cấp thiết mà gọi tài xế thì không có. Mùa dịch ai cũng khó khăn, giá cả thực phẩm đã tăng vọt, giờ thêm phí vận chuyển cũng đua nhau tăng mạnh” – anh Đ.S thở dài ngao ngán.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện hãng gọi xe công nghệ Gojek Việt Nam cho biết công ty cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng giá cước vận chuyển tăng cao, tuy nhiên không phải do phía doanh nghiệp lợi dùng tình hình dịch bệnh để “thổi” giá cước. Giá mỗi cuốc xe được quyết định bởi thuật toán dựa trên một số yếu tố khách quan như nhu cầu sử dụng và lượng xe có sẵn tại thời điểm khách hàng đặt xe.

“Từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, phía Gojek đã tuân thủ đầy đủ quy định, chỉ hoạt động dịch vụ giao nhận hàng hóa và đi chợ hộ. Người dân hạn chế ra khỏi nhà, lượng đơn hàng tăng vọt trong khi rất nhiều tài xế nằm trong diện cách ly, phong tỏa nên số lượng tài xế giảm nhiều, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, tình hình giao nhận hàng hóa ngày càng khó khăn. Cầu tăng lớn trong khi cung ngày càng giảm nên giá cước cũng tăng theo. Dịch bệnh khó khăn, những tài xế còn tiếp tục hoạt động thường là đối tượng cực kỳ khó khăn, họ phải chấp nhận rủi ro để tiếp tục chạy xe kiếm tiền nuôi gia đình nên trong một số trường hợp khó bắt xe hoặc giá cước tăng, phía công ty rất mong nhận được sự thông cảm của khách hàng” – vị này chia sẻ.

Lại khổ vì “hàng thiết yếu”

Giá cao, tài xế ít, việc đặt xe trong giai đoạn này càng trở nên khó khăn hơn chỉ những tài xế giao nhận hàng hóa thiết yếu mới được phép di chuyển.

Tiếp câu chuyện của anh M.V (TP.Thủ Đức), sau thời gian miệt mại chờ đợi để bắt được 1 tài xế giao hàng, anh V. còn mệt mỏi hơn khi tài xế đến nơi yêu cầu anh phải mở hết thùng hàng để kiểm tra rồi mới đồng ý vận chuyển. Tiếp tế lương thực gồm trứng, rau, bánh… anh V. đã cẩn thận gói ghém trong thùng carton, dán băng keo kín mít nhưng tài xế lại yêu cầu mở ra hết và chỉ được dán hờ lại để trên đường nếu bị cảnh sát giao thông kiểm tra thì mở ra cho dễ.

“Toàn đồ thực phẩm dễ vỡ, dễ nát mà không đóng cẩn thận thì đến nơi hỏng hết. Tôi thấy trên ứng dụng Gojek còn thông báo không nhận vận chuyển quần áo,  tập vở,  giấy  viết… Đi được 1 đơn hàng giai đoạn này đúng là quá cực” – anh V. than.

Tương tự, nhà chị L.Phương (Q.7) cũng khốn khổ vì giữa mùa nắng nóng, điều khiển máy lạnh bị hỏng nhưng khi đặt cửa hàng điện máy giao 1 chiếc mới tới thì shipper trên đường giao hàng đã bị lực lượng cảnh sát lập biên bản, bắt quay đầu xe vì vi phạm “vận chuyển hàng không thiết yếu”.

Không chỉ người dân gặp khó, đại diện Grab thông tin cả tài xế và phía doanh nghiệp cũng đang khá lúng túng khi TP.HCM áp dụng nhiều quy định siết hoạt động giao nhận hàng hóa. Thực tế, chưa có văn bản cụ thể nào liệt kê đầy đủ các loại mặt hàng thiết yếu nên doanh nghiệp cũng chưa thể thống kê để cảnh báo khách hàng và tài xế khi nhận cuốc. Nhiều trường hợp tài xế e ngại buộc phải hủy đơn vì sợ bị phạt, trong khi khách hàng lại tỏ ra vô cùng bực bội , phàn nàn trên ứng dụng vì “món hàng đó rất cấp thiết đối với tôi”.

Theo Thanh niên

TPHCM: Shipper không chở hàng thiết yếu sẽ bị xử phạt

TPHCM quy định shipper công nghệ chỉ được phép vận chuyển, giao hàng thiết yếu. Shipper tự phát sẽ bị cấm hoạt động.

Cấm shipper tự phát

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16.

Trong đó, quy định “xe môtô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong thời gian giãn cách”. Nhiều người băn khoăn, vậy các shipper sẽ hoạt động như thế nào, có cần đăng ký thủ tục mới gì hay không.

Giải đáp tại họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM sáng 25.7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết: Liên quan đến công tác vận chuyển hiện nay nếu đi ngoài đường sẽ thấy trên 2/3 số xe máy đang đi làm shipper. Shipper có 2 dạng là công nghệ và xe ôm truyền thống, chuyển sang làm công việc vận chuyển.

Ông Đức cho biết, vận chuyển hàng thiết yếu là việc không thể dừng hoạt động được, do đó, không thể cấm nhưng cần phải có tổ chức trật tự, quy củ để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Chính vì vậy, trong quy định mới lần này, TPHCM có yêu cầu xe shipper hoạt động vận chuyển phải có đăng ký.

Các cơ quan, lái xe công nghệ của doanh nghiệp thì không phải đăng ký thêm vì đã có tổ chức, hợp đồng. Riêng dạng tự phát mới bị cấm vì khó kiểm soát. Từ nay đến 1.8, còn 8 ngày, đây là thời gian phải chấp nhận hy sinh một số tiện nghi nhất định, hạn chế tối đa những nguy cơ, ông Đức nói.

Trước tình trạng mua bán áo shipper, ông Dương Anh Đức cho biết TPHCM đã nắm được tình trạng này, một số người mặc áo shipper nhưng không phải shipper. Thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an, cán bộ tại các chốt chặn để kiểm soát việc này.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải thông tin thêm, trong hôm nay sẽ ban hành chỉ đạo yêu cầu shipper chỉ thực hiện vận chuyển đối với mặt hàng thiết yếu và có quyền từ chối khách hàng khi nhận giao các mặt hàng không thiết yếu. Trên đường lưu thông, lực lượng chức năng có quyền kiểm tra vấn đề có phải là shipper công nghệ đã đăng ký qua doanh nghiệp hay không và có chở hàng thiết yếu hay không. Nếu không thực hiện đúng quy định, các shipper có thể sẽ bị xử lý.

TPHCM yêu cầu shipper chỉ thực hiện vận chuyển đối với mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Dương Quốc Bình

Siết chặt hoạt động trong khu phong toả

Trong chỉ thị của Thành phố có một số điểm siết chặt hơn so với Chỉ thị 12 do Thành uỷ TPHCM ban hành trước đó.

Cụ thể, người dân trong khu phong tỏa ở TPHCM chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”.

Như vậy, người dân trong khu phong toả sẽ không được ra ngoài đi chợ 2 lần/tuần như theo Chỉ thị 12 của Thành uỷ. Ông Dương Anh Đức giải thích: Trong khu phong toả phải đảm bảo thật nghiêm việc giãn cách nhà với nhà, người với người. Về nguyên tắc, đã phong toả phải đảm bảo nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trừ những trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Thời gian qua, dù đã có sự nỗ lực cũng như có sự phối hợp của đa số người dân, trên thực tế vẫn có tình trạng người dân trong các phu phong tỏa không đảm bảo nguyên tắc về cách ly.

Điều này dẫn đến tình trạng, hiện nay theo thống kê, số lượng ca F0 phát hiện trong khu phong toả, cách ly chiếm một lượng đa số trong tổng số ca phát hiện tại TPHCM. Có những ngày, số lượng ca nhiễm chiếm đến hơn 70% trong tổng số ca phát hiện tại thành phố.

Thời gian tới, một trong những biện pháp trọng tâm là làm sao đảm bảo giữ được kỷ cương, giãn cách. Để đạt được điều này, quy định liên quan đến khu phong tỏa phải triệt để cách ly người với người, gia đình với gia đình, không để tiếp xúc với hộ gia đình xung quanh, chỉ có như vậy, các khu phong tỏa mới nhanh chóng được giải tỏa.

“Tôi tin rằng người dân trong khu phong tỏa hơn ai hết mong muốn khu phong tỏa sớm ngày được chấm dứt, càng sớm càng tốt. UBND TPHCM đang cân nhắc để thực hiện một số biện pháp nghiêm ngặt hơn trước đây để tạo điều kiện nhanh chóng giải tỏa các khu phong tỏa”, ông Đức cho biết.

Theo Báo lao động

Nguồn: https://laodong.vn/giao-thong/tphcm-shipper-khong-cho-hang-thiet-yeu-se-bi-xu-phat-934310.ldo

TPHCM: Mẫu xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện tồn đọng, Sở Y tế chỉ đạo khẩn

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 điều phối mẫu thử đến phòng xét nghiệm để đảm bảo tốc độ trả kết quả trong bối cảnh số mẫu tồn đọng rất nhiều.

Ngày 22/7, Sở Y tế TPHCM đã gửi công văn khẩn đến Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 thành phố, đề nghị đơn vị điều phối mẫu đến các phòng xét nghiệm để kịp trả tốc độ trong 12-24h.

Sở Y tế nhận định, số lượng mẫu xét nghiệm tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, đặc biệt các bệnh viện dã chiến bị tồn đọng rất nhiều, không trả kết quả xét nghiệm kịp thời. Thực trạng trên gây khó khăn cho công tác điều trị và xem xét cho người bệnh xuất viện.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới chưa có xu hướng giảm. Đến nay, hơn 35.000 người đang được cách ly và thu dung điều trị tại 40 bệnh viện. 

Thời gian tới, mỗi quận, huyện sẽ thành lập thêm cơ sở tập trung ít nhất 1.000 giường cho các F0, riêng thành phố Thủ Đức là 3.000 giường. Để trả kết quả xét nghiệm kịp thời cho bệnh viện và xem xét cho bệnh nhân không triệu chứng xuất viện sớm, Sở Y tế đề nghị Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, trong ngày 21/7, thành phố có thêm 1.585 bệnh nhân xuất viện. Tổng số người mắc Covid-19 được điều trị khỏi trên địa bàn từ ngày 27/4 đến nay là 6.422 trường hợp.

Trong ngày 22/7, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm 4.218 bệnh nhân mắc Covid-19 tại TPHCM. Tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn trong đợt bùng phát dịch thứ 4 là 45.561 người.

Theo Dân trí

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-mau-xet-nghiem-covid19-tai-benh-vien-ton-dong-so-y-te-chi-dao-khan-20210722190609729.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here