Doanh nghiệp ‘sốc’ khi Tiền Giang thông báo tạm dừng khu công nghiệp

0
136

 Chi ra hàng chục tỉ đồng thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất kinh doanh nhưng sau thông báo tạm dừng hoạt động khu công nghiệp của Tiền Giang khiến nhiều doanh nghiệp viết đơn “kêu cứu” khắp nơi để tiếp tục được hoạt động.

Thông báo tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp tại Tiền Giang khiến nhiều doanh nghiệp viết đơn kêu cứu. ẢNH THANH NIÊN

“Cú sốc lớn”

Công văn 4093 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5.8 cho đến khi có thông báo mới khiến nhiều đơn vị phải viết đơn kêu cứu, để tiếp được duy trì hoạt động.

Chiều 30.7, Bộ NN-PTNT xác nhận, đã nhận được đơn kêu cứu của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) xin được tiếp tục sản xuất đối với doanh nghiệp thực hành sản xuất tốt “3 tại chỗ”.

Trong đơn, doanh nghiệp này cho biết, họ đang xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm cá tra fillet, cắt khúc, cá tra tẩm gia vị, cá tra nướng, chả cá viên… cho các chuỗi siêu thị, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp đang cung cấp thực phẩm, cơm hộp, mì xào cho các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến đầu. Các sản phẩm của doanh nghiệp đều nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu.Doanh nghiệp này khẳng định, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, triển khai “3 tại chỗ”, Vạn Đức đã có nhiều chính sách đãi ngộ để kêu gọi công nhân duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Cụ thể, công ty tổ chức phân luồng, ăn – ở sản xuất theo từng dây chuyền sản xuất để tránh nhiễm chéo.

Cũng theo Công ty Vạn Đức, trong ngày 27.7 vừa qua, toàn bộ 100% xét nghiệm PCR có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo đó, thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang là “cú sốc lớn” khi doanh nghiệp đã chi hàng chục tỉ đồng để bố trí “3 tại chỗ”.

Doanh nghiệp thiệt hại, người lao động lao đao

Trong đơn kêu cứu, Công ty Vạn Đức cũng phản ánh rất nhiều rủi ro, thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp cũng như hàng nghìn lao động nếu UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu đóng cửa, dù đang làm tốt “ba tại chỗ”.

Cụ thể, doanh nghiệp này bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa, trong khi việc sản xuất “3 tại chỗ” hiện tại mới chỉ đạt 50% công suất. Doanh nghiệp nếu dừng hẳn hoạt động sẽ gây thiệt hại kép; cá tra nuôi quá lứa không bán được, doanh nghiệp phải đền hợp đồng cung ứng hàng cho các chuỗi, siêu thị. Doanh nghiệp không hoạt động, hàng nghìn lao động không có việc làm, thu nhập, không thể về quê trong điều kiện dịch bệnh phức tạp…

Theo đó, Công ty Vạn Đức khẩn thiết kêu cứu đến Bộ NN-PTNT có ý kiến với Chính phủ và UBND tỉnh Tiền Giang giúp công ty tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất”,Ngoài Công ty Vạn Đức, mới đây Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang đã có đơn kiến nghị gửi đến Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, sau thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang tạm dừng đóng cửa khu công nghiệp.

Đại diện MNS Feed Tiền Giang cho rằng, từ ngày 15.7, doanh nghiệp này đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” với nhiều giải pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19. Người lao động bắt buộc phải đeo khẩu trang, doanh nghiệp bố trí đầy đủ phương tiện chống dịch, kiểm soát chặt chẽ người lao động. Doanh nghiệp này chưa phát hiện ca lây nhiễm nào trong nhà máy.

Theo MNS Feed Tiền Giang, nếu tạm dừng sản xuất nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến người lao động, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thức ăn chăn nuôi của các nông hộ, trang trại, những người đang duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn để cung ứng thực phẩm cho xã hội.

Trong quyết định của Bộ Công thương, Chỉ đạo của Chính phủ, thức ăn chăn nuôi được xếp hàng vào nhóm hàng thiết yếu, được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-soc-khi-tien-giang-thong-bao-tam-dung-khu-cong-nghiep-1422915.html

‘Người dân không nên mua kit test nhanh tại nhà’

Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh nCoV về tự kiểm tra, kết quả có thể không chính xác.

Họp báo chiều 16/7, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh nCoV thuộc trang thiết bị vật tư y tế, cần được Bộ Y tế công nhận.

“Các bộ test nhanh được rao bán trên mạng nếu không có tên trong danh mục được Bộ Y tế công bố thì đương nhiên không hợp pháp, độ nhạy thấp, kết quả không chính xác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cộng đồng”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, TP HCM đã tập huấn sử dụng test nhanh Covid-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng chưa có hướng dẫn người dân tự thực hiện. Quy trình lấy mẫu dịch ở tỵ hầu, đọc kết quả test nhanh không quá khó, tuy nhiên mỗi test nhanh có giá trị tiên đoán, độ nhạy, độ đặc hiệu khác nhau. Những loại test nhanh các cơ sở y tế của thành phố đang sử dụng đều được Bộ Y tế thẩm định.

Các chuyên gia đánh giá, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp. Do không có độ chính xác cao, khi thử ra kết quả âm tính, người dân mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. “Trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, ông Nam phân tích.

Thành phố triển khai xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật RT-PCR (giá trị khẳng định) và test nhanh (giá trị sàng lọc) tại nhiều cơ sở y tế, người dân có thể xét nghiệm dịch vụ khi có nhu cầu. Giá dịch vụ tại các cơ sở công lập khoảng hơn 230.000 đồng một mẫu test nhanh và 734.000 đồng một mẫu đơn xét nghiệm RT-PCR, theo khung giá do Bộ Y tế quy định.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, những ngày qua, thành phố tiến hành truy vết các ca F0 trong cộng đồng bằng chiến dịch xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm. Dự kiến, số ca F0 tăng nhanh, nhưng sẽ giảm dần sau khi thành phố thực hiện xét nghiệm liên tục.

Số ca nhiễm tại TP HCM tính từ ngày 27/4 đến sáng 17/7, do Bộ Y tế công bố lên 25.682.

[Caption]Test nhanh kháng nguyên tại cộng đồng. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.
Test nhanh kháng nguyên tại cộng đồng. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.

Theo Vnexpress

Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-dan-khong-nen-mua-kit-test-nhanh-tai-nha-4326083.html

Bí thư Hà Nội: Sẵn sàng ‘4 tại chỗ’ khi dịch diễn biến xấu

rước diễn biến dịch tại Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa yêu cầu kiểm soát nhanh nhất điểm có ca mới, gia cố các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. ẢNH HN

Theo Bí thư Hà Nội, về cơ bản thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại đang hiện hữu, khi trong ngày 16.7, thành phố đã ghi nhận thêm một số ca dương tính SARS-CoV-2.

Vì thế, ông Dũng yêu cầu các lực lượng tuyến đầu phải thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly các ca nhiễm mới; bằng mọi biện pháp phải kiểm soát nhanh nhất những khu vực liên quan; không để lây lan thêm trên địa bàn.

Ông Dũng cũng nhắc nhở tình trạng một số chốt kiểm dịch cửa ngõ thành phố chưa thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, thậm chí còn lơi lỏng, có nơi để người và phương tiện đi qua chốt mà không kiểm tra, làm thủ tục khai báo y tế. Bí thư Thành ủy yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng này; phải bảo đảm 22/22 chốt hoạt động 24/24 giờ kiểm tra, kiểm soát 100% người và phương tiện vào thành phố.

Đặc biệt, người đứng đầu thành phố cũng yêu cầu “người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải xác định rõ phòng, chống dịch Covid-19 lúc này là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1; phải thực sự là “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng” duy trì sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chiến thắng dịch”.

Kêu gọi người dân chủ động tự giác thực hiện “5K”, ông Dũng cũng yêu cầu chính quyền các cấp chuẩn bị phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; không để “nước đến chân mới nhảy”, không để bị động, bất ngờ khi dịch diễn biến xấu.

Người dân từng ra khỏi Hà Nội, nếu có triệu chứng cần đi khám ngay

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết việc thành phố ghi nhận thêm F0 rải rác trong cộng đồng là vấn đề đã được nhận định từ trước, do lượng người đi từ vùng dịch về là tương đối lớn.

Về chùm ca bệnh liên quan Khu công nghiệp Thăng Long, nguyên nhân chủ yếu khiến ổ dịch này tiếp tục phát sinh ca nhiễm mới do mật độ công nhân làm việc cùng với ca F0 lớn. Liên tục trong nhiều ngày, các công nhân làm việc trong môi trường kín, điều hòa trung tâm nên khả năng lây lan mạnh. Tuy nhiên, các trường hợp dương tính mới đều là F1 đã được cách ly cùng nhau ngay tại công ty trong khu công nghiệp.

Theo ông Tuấn, hiện các chùm ca bệnh trên địa bàn như tại Khu công nghiệp Thăng Long, H.Mỹ Đức, liên quan TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu thiết kế Cơ khí thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ đều xác định được nguồn lây, khoanh vùng các trường hợp liên quan.

Duy chỉ ca dương tính là nhân viên Ngân hàng Vietinbank hiện chưa xác định được mối liên quan với các chùm ca bệnh cũ. Lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra nguồn lây của ca bệnh này.

Đáng chú ý, ông Tuấn cho biết, hầu hết các ca bệnh trong đợt này đều có xuất hiện triệu chứng, ví dụ như ho, sốt. “Chúng tôi rất mong muốn những người dân từng đi ra khỏi thành phố, không nhất thiết là phải vào vùng dịch, khi có triệu chứng nghi ngờ nên liên hệ ngay với các cơ sở y tế hoặc đường dây nóng phòng chống dịch Covid-19, để được hướng dẫn kịp thời”, ông Tuấn nói.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/bi-thu-ha-noi-san-sang-4-tai-cho-khi-dich-dien-bien-xau-1415826.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here