Nhét 15 người, cả trẻ em trong thùng xe đông lạnh để “thông chốt” về quê

0
142

Xe đông lạnh 51D-38214 do tài xế Lê Văn Tuấn điều khiển chở 14 người lớn và 1 trẻ em từ Đồng Nai qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 2 Bình Thuận với giá 700 ngàn đồng/người. Khi công an mở thùng xe đông lạnh, một số người đã vã mồ hôi, có dấu hiệu khó thở.

Ngày 13/9, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân tiếp tục lấy lời khai, củng cố hồ sơ để xử lý những lái xe liên quan vụ vận chuyển 15 người về quê trong xe đông lạnh.

Theo đó, lúc 22g ngày 12/9, Tổ tuần tra Trạm CSGT Hàm Tân trên quốc lộ 1A phát hiện xe đông lạnh 51D-38214 đang đậu trong sân một quán cơm thuộc xã Tân Đức, Hàm Tân có dấu hiệu nghi vấn.

Làm việc với lái xe đông lạnh Lê Văn Tuấn thấy biểu hiện đáng ngờ nên lực lượng CSGT yêu cầu tài xế mở khóa thùng xe đông lạnh và phát hiện trong thùng xe có 14 người lớn và 1 trẻ em.

Khi đó, một số người trong thùng xe đã vã mồ hôi, có dấu hiệu khó thở, lực lượng CSGT yêu cầu lái xe đông lạnh mở cửa hông và đưa tất cả về Chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 2 Bình Thuận (ở xã Tân Đức, Hàm Tân) để làm việc.

Tài xế Lê Văn Tuấn khai, đã đón 15 người trên từ một xe khách chở từ Bến xe Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) qua Chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 2 Bình Thuận với giá 700 ngàn đồng/người nhưng không nhớ biển số xe khách.

Nhét 15 người, cả trẻ em trong thùng xe đông lạnh để thông chốt về quê - Ảnh 1.

Xe đông lạnh mang biển số 51D-38214 chở 15 người “thông” chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Sau đó, Trạm CSGT Hàm Tân triển khai truy tìm xe khách liên quan. Đến 22g30 cùng ngày, CSGT phát hiện xe 7 chỗ 61A-31027 đang đậu trong một cây xăng ở km1764, Hàm Tân nên kiểm tra. Lái xe này sau đó thừa nhận đang chờ đón khách từ xe đông lạnh.

Lái xe này khai, còn 1 xe 7 chỗ khác cũng đang chờ đón người từ xe đông lạnh. Trạm CSGT Hàm Tân tiếp tục phát hiện xe 75A-17078 đang đậu trong một cây xăng khác ven QL1A cách đó 6 cây số.

Lái xe này cũng thừa nhận cả 2 xe 7 chỗ chở 15 người từ Đồng Nai về Huế và Quảng Trị. Khi đến Long Khánh, cả 2 đã móc nối thuê lái xe đông lạnh chở từ Long Khánh “thông chốt” qua Bình Thuận để tiếp tục đón số người trên tiếp tục đưa về quê.

Hiện Trạm CSGT Hàm Tân đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân tiến hành điều tra, làm rõ có hay không đường dây đưa người “thông chốt”. Hồ sơ cũng được CSGT bàn giao cho Thanh tra giao thông tỉnh Bình Thuận lập biên bản vi phạm hành chính xử phạt và yêu cầu cả 3 lái xe đưa người quay về nơi xuất phát.

Theo Tiền phong

Bộ Y tế họp chuẩn bị chiến lược phòng chống dịch Covid-19 năm 2022

Bộ Y tế sáng 13/9 cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long vừa chủ trì cuộc họp với các nhà khoa học, chuyên gia y tế để tìm giải pháp chống dịch Covid-19 cho năm 2022.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có buổi làm việc, trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia của các Hội đồng khoa học để bàn về các giải pháp phòng chống dịch cho năm 2022. Trong đó tập trung vào các vấn đề vaccine, xét nghiệm, điều trị và ưu tiên tăng cường hệ thống đáp ứng y tế của Quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam trải qua gần 2 năm “đương đầu” với cuộc chiến chống Covid-19, ngành y tế đã huy động tổng lực nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và nỗ lực trên mọi mặt trận để phòng chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4.

Diễn biến dịch hiện nay ở các điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang có xu hướng giảm. Đối với TP. Hà Nội đang triển khai quyết liệt “2 mũi giáp công” là tiêm chủng và xét nghiệm.

Bộ Y tế họp chuẩn bị chiến lược phòng chống dịch Covid-19 năm 2022 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Từ đó định hình hướng đi, chiến lược chống dịch của Quốc gia trên cơ sở tổng kết, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua.

“Chiến lược này là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vaccine, thuốc… trong phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học của các Hội đồng khoa học tập trung những vấn đề chung trong công tác phòng chống dịch như xét nghiệm, điều trị, vaccine, bao gồm cả việc tiếp cận các nguồn vaccine bên ngoài cũng như nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.

Trước một số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc cần tiếp tục quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 9/9 Bộ đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 trong cộng đồng trong tuần (từ ngày 5 – 11/9) đã giảm so với tuần trước, tại một số địa phương như Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương 27% và Long An 3%.

Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP.HCM giảm 30%, Đồng Nai 50%, Long An 30% và Tiền Giang 70%.

Nhóm 1 (đang kiểm soát tốt dịch bệnh) có 8/23 địa phương: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

Nhóm 2 (đang tiếp tục lộ trình đạt các tiêu chí kiểm soát dịch) gồm 12/23 địa phương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nhóm 3 (cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch) có 3/23 địa phương: TP.HCM, Bình Dương và Kiên Giang.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, tại TP.HCM tình hình dịch bệnh đã giảm rõ rệt cả 2 tiêu chí: F0 trong cộng đồng và số ca tử vong (giảm 30%). Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong.

Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm. Trong khi đó, Hà Nội vẫn ghi nhận một số ca mắc mới, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, không rõ nguồn lây. Do đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các F0.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Mẹ mất, 2 con nhỏ nhiễm Covid-19, vợ chồng nữ điều dưỡng gạt nước mắt ở lại trạm y tế chống dịch

Trong cái ngày mà mẹ chồng mất, chị Hằng nhận được tin cả gia đình bên ngoại, trong đó có 2 đứa con của chị cũng dương tính với SARS-CoV-2. Dù đau đớn đến tột cùng, hai vợ chồng nữ điều dưỡng vẫn cố gắng bám trụ, nỗ lực cùng trạm y tế phường chống dịch.

Cả dòng họ nội ngoại, mấy chục con người đều dương tính

13h, sau khi ăn vội hộp cơm được tình nguyện viên mang đến, chị Huỳnh Thị Bích Hằng (37 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) vội vã kiểm tra lại số mẫu xét nghiệm đã lấy cho người dân, bắt đầu nhập dữ liệu.

Về trạm y tế phường 12 công tác hơn 2 năm, chưa bao giờ công việc của chị Hằng lại quá tải như hiện tại

Chưa đầy 20 phút, tiếng chuông điện thoại rung lên, một ca tử vong ở phường cần kiểm tra Covid-19 để cấp giấy đi đường, đưa đến lò thiêu. Dẹp đống giấy tờ sang một bên, chị Hằng nhanh chóng cùng một nhân viên y tế khác khoác bộ đồ bảo hộ, chạy xe máy đến nhà dân.

Sau khi kiểm tra hoàn tất, tranh thủ trên đường chạy về trạm, chị Hằng dựa vào danh sách F0 đang điều trị tại nhà của phường để đến tư vấn, kiểm tra sức khỏe.

Sau khi cùng đồng nghiệp đến nhà người mất lấy mẫu Covid-19, chị Hằng lại đi thăm hỏi sức khỏe các F0 đang cách ly tại nhà

14h30, trở về lại trạm y tế với vẻ mệt mỏi vì thời tiết oi bức, tạm nghỉ 5 phút, các chị em ở trạm tự động viên nhau bằng những câu bông đùa rồi ai nấy lại bắt tay với những công việc đang bỏ dở.

Điều đáng nói là chỉ 3 ngày trước, mẹ chồng chị Hằng đã mất sau một thời gian dài chiến đấu với Covid-19. Trong cái ngày mà chị nhận được tin mẹ chồng qua đời cũng là lúc cú điện thoại từ phía nhà ngoại báo bố mẹ ruột và 2 đứa con nhỏ của chị cũng dương tính với SARS-CoV-2.

“Cách đây hơn 1 tháng, 8 người gia đình chồng chị nhiễm hết, trong đó mẹ chồng lớn tuổi, bà lại có bệnh nền nên không qua khỏi. Ngày chị biết tin mẹ chồng mất cũng là ngày bố mẹ ruột và 2 đứa con của chị nhiễm Covid-19. Giờ chị còn đang rất rối bời, nhưng chị đâu có sự lựa chọn nào khác, vẫn quay trở lại với công việc”, chị Hằng nghẹn lời.

Vì tuổi đã cao lại có bệnh lý nền nên sau khi nhiễm Covid-19 (dù đã được điều trị thành công), mẹ chồng chị Hằng đã mãi mãi ra đi

Sau khi lo đám tang cho mẹ chồng, 2 vợ chồng chị Hằng phải quay về trạm y tế để ở. Chị vẫn nhớ như in cái cảm giác vừa tháo bộ đồ bảo hộ bước xuống xe tang, 2 vợ chồng phải lập tức quay về trạm, tiếp tục công việc.

“Điều chị buồn nhất là khi mình đi làm công việc này, mình đã lường trước được mức độ lây nhiễm rất cao nên chị mới gửi con cho nhà ngoại, 2 vợ chồng không dám tiếp xúc với ai, tự xem mình là người nhiễm bệnh khi về nhà. Nhưng rồi cả họ hàng nội ngoại đều dương tính, mẹ chồng cũng vì bệnh nền nặng mà qua đời”, chị Hằng tâm sự.

3 tháng xa gia đình, chưa một lần được ăn cơm cùng con

Sau khi bố mẹ ruột và 2 đứa con nhỏ (12 và 14 tuổi) đều nhiễm Covid-19, mỗi ngày chị Hằng phải đi đi về về để chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho cả nhà.

Mỗi lần muốn vào nhà, chị phải mặc đồ bảo hộ, không tiếp xúc nói chuyện trực tiếp với con cái và bố mẹ.

Những mẫu xét nghiệm của người dân trong khu vực phường 12, quận Gò Vấp

“3 tháng rồi, kể từ lúc dịch bùng phát mạnh, chị không dám gần người thân, đi làm về cũng tự cách ly, chị cực kỳ nhớ tụi nó, muốn ngồi ăn chung với tụi nó thôi mà không được.

Công việc thì áp lực, gia đình lại có chuyện, nhiều ngày chị như người điên. Phần thì con gọi điện khóc, tinh thần bất ổn, phần thì đầu này chưa xong đầu kia lại có thêm việc…, chị chỉ biết cố gắng và cố gắng, chứ đâu còn sự lựa chọn nào đâu em”, chị Hằng nói.

Vừa giải quyết xong được một phần công việc, tiếng chuông điện thoại bắt đầu vang lên, đứa con trai 14 tuổi gọi điện cho mẹ. Qua FaceTime, chị Hằng chỉ biết động viên 2 đứa con nhỏ cùng lời hứa hẹn ráng hết bệnh, dịch ổn định sẽ đưa cả nhà đi du lịch Đà Lạt.

Những cuộc điện thoại ngắn ngủi với 2 đứa con và bức ảnh đại gia đình ở bên nhau là nguồn sức mạnh giúp chị Hằng kiên trì chiến đấu

“Con chị nó không chịu nó bệnh, cứ mẹ ơi, mẹ test con sai rồi, nó sợ lắm… Hôm bà nội mất, 2 đứa nó không được qua chịu tang, may mắn là sau khi bố mẹ giải thích, con chị nó hiểu và thông cảm cho công việc mà bố mẹ đang làm.

Trước giờ chị là người lạc quan, có buồn có tủi thì tối ngủ một mình mình biết thôi. Hôm trước thấy con chị nó khóc trước mặt mà chị phải gạt nước mắt, cứng rắn nói chuyện với tụi nó”, chị Hằng chia sẻ.

“Chỉ mong người dân hiểu và thông cảm hơn cho tụi chị”

Mặc dù chỉ có 6 nhân viên nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trạm y tế phường 12 (quận Gò Vấp) lại phụ trách rất nhiều công việc khác nhau từ lấy mẫu, cấp cứu oxy, tiêm vắc-xin, tư vấn, khám bệnh… Biết là quá tải nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, chị Hằng và các nhân viên ở trạm chỉ còn cách động viên, tiếp thêm sức mạnh cho nhau.

Mỗi ngày, nhân viên tại trạm y tế phải thực hiện rất nhiều công việc

Hầu như một ngày, mọi người chỉ có 3-4 tiếng để ngủ, nhưng không phải lúc nào cũng được tròn giấc vì điện thoại cấp cứu từ đường dây nóng reo liên tục trong đêm.

“Tất cả mọi người ở đây đều đang quá tải, cũng may có được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên chứ không tụi chị không biết tính sao. Dù cho có kiệt sức hôm nay thì ngày mai cũng phải vực dậy để chiến đấu. Có rất nhiều việc ngoài chuyên môn nhưng mình không được chọn, giờ chỗ nào cần người hỗ trợ thì mình nhảy vô làm. Mỗi người phụ 1 tay 1 chân để xong việc”, chị Hằng tâm sự.

Các tình nguyện viên cũng tham gia hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong việc nhập liệu, điều phối người dân

Mặc dù đã xác định bản thân có thể nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào, công việc thì quá tải, áp lực nhưng chưa bao giờ 2 vợ chồng chị Hằng nghĩ mình chọn sai nghề. Lúc nào mệt mỏi quá thì mấy chị em động viên nhau.

Có điều: “Nhiều khi người dân họ không thông cảm được cho mình, đòi hỏi một số thứ mà sức lực mình không đáp ứng kịp. Biết là tâm lý người bệnh rất hoang mang, lo lắng nhưng mà bệnh này cần tâm lý phải vững vàng, thoải mái tinh thần, tụi chị cũng đã cố gắng hết sức rồi.

Em thử nghĩ đi, giờ F0 đang rất nhiều, 1 ngày chỉ cần ôm bình oxy chạy thôi là đã đuối sức cả rồi, chưa kể còn rất nhiều công việc khác”, chị Hằng nói.

Ban ngày đến nhà dân, ban đêm lại ôm bình oxy đi cấp cứu…, nhiều lúc chị Hằng tưởng mình là “người không phổi”

Chia sẻ về người đồng đội kề vai sát cánh cùng với trạm y tế phường 12 suốt đợt bùng phát dịch thứ 4, chị Kim Nhật Lê Anh (quản lý trạm) cho biết ngoài nhiệt tình, năng nổ, chị Hằng còn là người luôn sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân để lo lắng, quan tâm cho tập thể, vì cộng đồng, vì lợi ích chung.

“Giờ 2 vợ chồng chị Hằng đều ở lại trạm để hỗ trợ mọi người, dù nỗi đau mất người thân chưa nguôi ngoai nhưng chị ấy vẫn cố gắng làm tốt công việc. Chị chỉ mong dịch bệnh sớm kiểm soát để mọi người sớm quay lại cuộc sống bình thường”, chị Lê Anh nói.

Chị Lê Anh – quản lý trạm y tế phường 12 hướng dẫn TNV nhập liệu, tra cứu thông tin các F0 tại phường

Hi vọng và mong chờ, mọi điều bình an nhất sẽ đến với Sài Gòn…

Có lẽ không chỉ riêng chị Lê Anh, chị Hằng mà tất cả các y bác sĩ, những tình nguyện viên đang tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh đều mong mỏi một ngày gần nhất, thành phố sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Những đau thương, mất mát sẽ rời xa người dân, sẽ không có bất cứ cuộc chia ly nào xảy ra nữa…

17h chiều, những nhân viên, tình nguyện viên tại trạm y tế phường 12 vẫn cặm cụi làm việc. Phút suy nghĩ thoáng qua trong đầu, chị Hằng mơ về một bữa cơm gia đình, về những cái ôm nồng ấm của người mẹ dành cho 2 đứa con thơ.

Hay chỉ là một ngày “không việc”, chị Hằng sẽ khóa hết điện thoại để ngủ một giấc từ sáng đến chiều.

Hi vọng và chờ mong, Sài Gòn sẽ khỏe lại, mọi người, mọi nhà đều được bình an.

Theo doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/me-mat-2-con-nho-nhiem-covid-19-vo-chong-nu-dieu-duong-gat-nuoc-mat-o-lai-tram-y-te-chong-dich-161211209000104829.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here