NÓNG: TP.HCM đang đánh giá lại việc bán ăn uống tại chỗ!

0
122

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói ông nhận được nhiều ý kiến cho rằng khi tình hình dịch đang tăng lên mà thành phố lại cho mở ra nhiều dịch vụ.

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 8/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí xung quanh tình hình dịch của thành phố cũng như tiến độ mở cửa thêm các dịch vụ trong bối cảnh mới.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất vừa được Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM công bố, thành phố vẫn ở cấp độ 2 là vùng vàng, nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè đã nâng cấp độ dịch từ 2 lên 3 là vùng cam, nguy cơ cao.

Đáng chú ý, tuần qua số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM cũng có xu hướng tăng. Huyện Hóc Môn trở thành địa bàn nóng khi phát sinh 25 ổ dịch trong vòng 2 tuần liên tiếp và số ca F0 có chiều hướng tăng cao.

Sẽ thay đổi cách xét nghiệm

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết ngoài đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, thành phố đang nghiên cứu thêm các tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên 2 nhóm chính để làm chặt chẽ về chuyện kiểm soát và cảnh báo.

Thứ nhất là về y tế: ca chuyển nặng; ca tử vong; số ca mắc trên 100.000 dân; số ca dương trong tổng số ca xét nghiệm. Thứ hai là năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, tiếp nhận chăm sóc điều trị.

“Dựa trên các tiêu chí này, thành phố có cơ sở chặt chẽ để cảnh báo cho các địa bàn nếu như tình hình dịch diễn biến theo xu hướng tăng lên. Tuần vừa rồi số ca dương tính tăng lên 5,07%” – ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 8/11

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố đang lên kế hoạch triển khai xét nghiệm với quy mô mẫu rộng hơn nhằm đánh giá tình hình sát thực tế hơn. Việc xét nghiệm này cần đảm bảo 2 yếu tố là quy mô mẫu và cơ cấu xét nghiệm sao cho trúng để mẫu xét nghiệm có độ tin cậy cao.

Cụ thể, TP.HCM dự định xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân. Theo tính toán, với 10 triệu dân thì mỗi ngày, thành phố phải xét nghiệm ít nhất khoảng 6.000 mẫu. Người xét nghiệm cũng xem xét đến từ đâu: cơ sở y tế; ổ dịch trong cộng đồng, nơi tập trung đông người như siêu thị, nhà máy, xí nghiệp… hay người về từ vùng dịch.

“Vừa xét nghiệm 4 người/1.000 dân, vừa nằm trong 4 đối tượng đó mới đạt được độ tin cậy. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai xét nghiệm theo nguyên tắc trên. Từ đó, đánh giá và cảnh báo về xu hướng tăng sẽ chính xác hơn” – ông Phan Văn Mãi thông tin.

Với việc chăm sóc F0, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố đang củng cố các đội phản ứng nhanh. Một số xã, phường, thị trấn đã làm tốt công tác này nhưng có nơi cần tiếp tục củng cố vì đang có kẽ hở.

Dẫn chứng, Chủ tịch UBND TP.HCM nói có tình trạng nhà máy, xí nghiệp khi xét nghiệm ra F0, thay vì báo ngay để cách ly thì lại để F0 về chỗ ở, rồi mới báo lên trạm y tế tại nơi cư trú. Quá trình kéo dài thời gian này sẽ tăng khả năng tiếp xúc, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Đây là kẽ hở đầu tiên cần được xử lý.

Kẽ hở thứ 2 là sau khi phát hiện F0, ngành y tế địa phương cần tiếp cận ngay để hướng dẫn, cấp thuốc. Đây là biện pháp phải thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn nguy cơ chuyển nặng, tử vong cho bệnh nhân.

Cùng với các biện pháp này, thành phố đang khẩn trương củng cố trạm y tế lưu động; củng cố hệ thống y tế cơ sở. TP.HCM đã và đang củng cố nhân lực tại một số địa bàn đông dân cư như quận 8, huyện Nhà Bè… Những địa bàn phát sinh thành điểm nóng dịch, ví dụ như Hóc Môn, thành phố sẽ cử đội phản ứng nhanh về hỗ trợ.

Có nhiều ý kiến phản đối việc phục vụ rượu bia tại chỗ

Về việc mở cửa thêm các dịch vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ “đang bị phê bình” vì cho bán ăn tại chỗ và thí điểm bán bia, rượu tại quận 7, TP. Thủ Đức. Ông cũng nhận được nhiều ý kiến cho rằng khi tình hình dịch đang tăng lên mà thành phố lại cho mở ra nhiều dịch vụ.

“Thật ra, quan điểm sống thích ứng với dịch vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Băn khoăn về việc không an toàn là chính đáng. Để đảm bảo kiểm soát được dịch thì phải mở từ từ, chúng ta sẽ không có bình thường như ngày xưa mà sẽ là bình thường mới” – Chủ tịch UBND TP.HCM nêu quan điểm.

TP.HCM cho phép bán ăn uống tại chỗ từ ngày 28/10

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện có nhiều ý kiến cho rằng thành phố không nên cho ăn uống tại chỗ và thậm chí “phản đối ghê gớm” việc thí điểm bán rượu bia. TP.HCM đang trong quá trình đánh giá ưu, nhược của từng giải pháp này. Theo đánh giá ban đầu, quận 7 ghi nhận không phát sinh nhiều ca dương tính từ khi thí điểm nhưng đang tiếp tục rà soát đến ngày 15/11.

Theo ông Phan Văn Mãi, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tốt hơn. Việc gì cũng có nhiều góc nhìn và ý kiến khác nhau. Ở góc độ mong muốn tốt cho TP.HCM thì chúng ta tiếp thu xem cái nào tốt hơn.

Ông nói thêm TP.HCM đang cân nhắc, dự kiến đến ngày 15/11 sẽ chính thức có một vài điều chỉnh trên tinh thần gần hơn với Nghị quyết 128. Cụ thể, tùy theo hoạt động, với cấp độ 1 có thể hoạt động 100%; cấp độ 2 hoạt động 75%; cấp độ 3 là 50%; và cấp độ 4 còn 25% hoặc phải tạm ngưng.

Bên cạnh thực thi Nghị quyết 128, TP.HCM còn đang thực hiện một số quy định của Chỉ thị 18; các bộ tiêu chí theo lĩnh vực.

Theo Bản đồ Covid-19 được Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM công bố sáng ngày 8/11, tính trong đợt dịch thứ tư đến ngày 7/11, thành phố ghi nhận 427.714 ca dương tính với Covid-19; 257.005 ca khỏi bệnh và hơn 11,8 triệu liều vắc-xin đã được tiêm.

Toàn thành phố hiện đang là vùng vàng, tức là cấp độ 2. Có 13 quận, huyện, thành phố cấp độ 1 là vùng xanh gồm: Củ Chi, TP. Thủ Đức, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú, Phú Nhuận, quận 1, 4, 5, 6, 7, 8, và 11.

7 quận, huyện cấp độ 2 là vùng vàng gồm Hóc Môn, quận 12, quận 3, quận 10, Bình Chánh, Bình Tân và Bình Thạnh.

Có 2 huyện cấp độ 3 là vùng cam gồm: Nhà Bè và Cần Giờ.

Theo Người lao động

Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/nong-tp-hcm-dang-danh-gia-lai-viec-ban-an-uong-tai-cho-20211108150720692.htm

Tin tức Covid-19 TP.HCM ngày 8.11: Nhà Bè và Cần Giờ chuyển thành vùng nguy cơ cao

Cuối tuần qua, Sở Y tế TP.HCM thành lập 10 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các quận huyện có số ca F0 tăng cao như H.Hóc Môn, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh, Q.12…

Ngày 8.11, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ ngày 1.10 đến 4.11, qua giám sát hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại H.Nhà Bè, HCDC ghi nhận có 2.551 ca F0, trong đó có 1.750 ca khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR và 801 ca test nhanh.

Tin tức Covid-19 TP.HCM ngày 8.11: Nhà Bè và Cần Giờ chuyển thành vùng nguy cơ cao - ảnh 1

Sở Y tế TP.HCM kiểm tra F0 cách ly tại nhà ở H.Nhà Bè

HCDC

Qua đánh giá, các ca bệnh được phát hiện từ các công nhân dương tính làm việc tại 2 khu công nghiệp lớn là Hiệp Phước và Long Hậu. Các công nhân này cư ngụ tại các khu trọ trên địa bàn.

Hiện H.Nhà Bè có 770 ca F0 đang được cách ly và điều trị tại nhà; trong đó có 395 ổ dịch hộ gia đình, 19 ổ dịch cộng đồng.

Việc cấp phát các túi thuốc A, B và C cũng được H.Nhà Bè thực hiện kịp thời và theo đúng quy định. Riêng túi thuốc C, huyện đã cấp phát 100% số lượng.

H.Nhà Bè hiện có 7 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ, quản lý và chăm sóc F0, tuy nhiên theo dự kiến, đến cuối tháng 11.2021, lực lượng quân y sẽ ngưng hỗ trợ cho địa phương.

Ngày 7.11, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã xuống làm việc tại H.Hóc Môn về phòng chống Covid-19 vì số ca F0 tại huyện này tăng cao với 6.700 ca cộng đồng. Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo các quận huyện phải kéo giảm số ca mắc để giữ màu vàng – cấp độ 2 cùng cấp độ chung của thành phố. Bên cạnh củng cố hệ thống chính trị, tổ chức, y tế cơ sở, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải chăm sóc F0, không để F0 gọi mà y tế không nghe máy, có thuốc kháng vi rút trong kho mà không phát. Hướng dẫn cụ thể cho F0 khi phát hiện tại bệnh viện thì về nhà phải làm gì chứ không được nói chung chung.

Qua kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết H.Nhà Bè có nhiều khu công nghiệp, lại có cảng biển, biến động dân cư cao nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh Covid-19 sẽ cao. Áp lực của H.Nhà Bè cũng là áp lực chung, tương tự như đối với các quận huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn. Trong bối cảnh công nhân cư ngụ tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân. Bác sĩ Nam khuyến cáo H.Nhà Bè cần nâng cao tinh thần cảnh giác, cần thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó địa phương cũng cần rà soát những trường hợp chưa tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 để có kế hoạch tiêm cho những trường hợp này. Ngoài ra, huyện cũng cần nhanh chóng tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các trạm y tế lưu động tương ứng với số lượng F0 mắc mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương. Thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng các túi thuốc A, B và C, vì vậy H.Nhà Bè cần làm đề xuất nhu cầu sử dụng các túi thuốc khi cần, thành phố sẽ cấp phát ngay, không để tình trạng thiếu hụt các túi thuốc cho người bệnh.

Trong khi đó, theo báo cáo từ Trung tâm y tế H.Bình Chánh, từ đầu tháng 10 đến nay toàn huyện có 6.201 ca F0 được phát hiện bằng test nhanh và RT-PCR.

Trong đó số ca F0 cao nhất thuộc 3 xã: Vĩnh Lộc A, Phạm Văn Hai và Lê Minh Xuân. Nguyên nhân do sự hoạt động trở lại của các khu công nghiệp tại đây. Đa số các ca bệnh phát hiện tại huyện nằm trong các khu nhà trọ và đã được xử lý theo đúng quy định.

H.Huyện Bình Chánh có 3.514 ca F0 đủ điều kiện được cách ly, điều trị tại nhà. Các trường hợp này 100% đã được cấp đủ các túi thuốc A, B và 522 túi thuốc C.

Bên cạnh đó, H.Bình Chánh hiện vẫn còn 8 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ để quản lý và chăm sóc F0. Đối với công tác tiêm vắc xin Covid-19, H.Bình Chánh đã đạt 100% người dân tiêm mũi 1, có 93,7% tiêm đủ mũi 2 và công tác tiêm chủng vẫn đang được tiến hành, đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin sớm.

Tin tức Covid-19 TP.HCM ngày 8.11: Nhà Bè và Cần Giờ chuyển thành vùng nguy cơ cao - ảnh 2

Sở Y tế TP.HCM đi kiểm tra thực tế tại H.Bình Chánh

HCDC

Qua đánh giá cho thấy hiện tình hình dịch Covid-19 tại H.Bình Chánh vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên với chiến lược thích ứng linh hoạt nhưng không chủ quan, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị H.Bình Chánh cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời, dập dịch ngay không để dịch lan rộng. Đồng thời quản lý và chăm sóc F0 theo đúng quy định. Xây dựng kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động phù hợp với nhu cầu chăm sóc. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt cho người dân.

Theo Bản đồ Covid-19 của Sở TT-TT, đến sáng 8.11, TP.HCM có 2 huyện vùng cam – cấp 3 (nguy cơ cao) là H.Nhà Bè và H.Cần Giờ.

Theo Thanh niên

TP.HCM xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 tại gia đình

Trước tình hình các ca nhiễm Covid-19 tăng cao bất thường, chiều 7.11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã làm việc với H.Hóc Môn về công tác phòng chống dịch.

Có ca tử vong dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.Hóc Môn, tính riêng từ ngày 23.10 – 5.11, toàn H.Hóc Môn (địa bàn có lao động tự do, người nhập cư, công nhân lớn) có 6.712 ca F0 qua test nhanh được ghi nhận chủ yếu từ cộng đồng, công ty, phòng khám tư, bệnh viện… Trong số đó, 25 ca có dấu hiệu chuyển nặng và 4 ca tử vong. Các trạm y tế đã hướng dẫn 6.066 ca cách ly tại nhà, phát 5.106 túi thuốc cho các F0 từ 18 tuổi trở lên.

Các ca test nhanh dương tính hầu hết là ổ dịch tại gia đình (2.592 ổ dịch tại gia đình), 25 ổ dịch cộng đồng. Các ổ dịch cộng đồng này ở khu vực tập trung nhiều F0 cần phải xử lý xuất hiện tại các xã: Xuân Thới Thượng (5 khu vực), Đông Thạnh (5), Bà Điểm (5), Nhị Bình (5), Xuân Thới Sơn (2), Tân Thới Nhì (2), Trung Chánh (1 khu vực). Một số xã còn lại có số ca bệnh rải rác đều giữa các ấp, khu phố, tổ dân phố.

Báo cáo về các ca tử vong, H.Hóc Môn cho biết trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn huyện có hơn 23.000 F0, 377 ca tử vong, trong đó có 289 ca ngụ tại H.Hóc Môn, số còn lại là khu vực lân cận. Riêng từ ngày 1.10 – 7.11 tử vong 58 ca. Trong số ca tử vong có một số ca đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, tiêm 1 mũi và thậm chí là chưa tiêm mũi nào; phần lớn là trên 60 tuổi, kèm bệnh nền như thận, tiểu đường, tim…

Qua các số liệu trên và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo TP.HCM cũng như lãnh đạo H.Hóc Môn nhấn mạnh dù đã tiêm vắc xin hay chưa tiêm đều phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch.

Chặn ngay đà lây nhiễm bất thường

TP.HCM xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 tại gia đình - ảnh 1

Điều trị F0 tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn

D.T

Giải thích về nguyên nhân F0 gia tăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.Hóc Môn cho biết có nguyên nhân chủ quan, đó là lúng túng xử lý các khu vực phát sinh ca bệnh; xã, thị trấn lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Số lượng F0 cách ly tại nhà khá lớn; tuy nhiên đội giám sát F0 cách ly tại nhà chưa đủ đảm bảo yêu cầu… Bên cạnh đó, về khách quan còn có sự lơ là của người dân, doanh nghiệp; các trạm y tế lưu động hỗ trợ chuẩn bị rút về khiến nhân lực y tế xã, thị trấn vừa thiếu vừa yếu gây khó khăn trong việc chăm sóc F0…

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo H.Hóc Môn cũng cho rằng việc tăng F0 là bất thường. Có lý do khách quan là có xã nhân viên trạm y tế nhiễm Covid-19 gần hết… Lãnh đạo H.Hóc Môn cho biết sẽ cố gắng kiểm soát dịch trong vòng 10 ngày tới.

Nhìn nhận dịch bệnh trong nước nói chung và riêng tại TP.HCM có xu hướng tăng vì mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng, ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo cần phải thực hiện hàng loạt biện pháp phòng chống. Trong đó, nhanh chóng củng cố hệ thống y tế cơ sở, khoanh ổ dịch, xét nghiệm, bóc nguồn lây; phải phát hiện sớm F0, giám sát, quản lý, điều trị tích cực để ngăn chặn nguồn lây và kéo số ca nhiễm, ca tử vong hiện nay xuống mức thấp nhất để không phải nâng cấp độ dịch, giãn cách (tỷ lệ vùng xanh của H.Hóc Môn hiện khoảng 42%). Ông Nên nhấn mạnh yêu cầu các lực lượng tham gia phòng chống dịch phải tiếp tục dốc sức, phân định rõ trách nhiệm, cấp phát ngay thuốc điều trị, phải nghe điện thoại F0 khi gọi đến… nhằm giảm thiểu tối đa ca tử vong, ca mắc mới và trong một thời gian nhất định phải kiểm soát được dịch.

Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu không chủ quan trong phòng chống dịch, ông Nên chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), ngành y tế “không nói chung chung mà hướng dẫn cụ thể về F0 theo dõi sức khỏe tại nhà thì liên hệ ai, kèm theo đó là túi thuốc đến nhanh nhất nếu cách ly ở nhà”.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 từ ngày 27.4 – 7.11, địa bàn TP.HCM có hơn 427.000 ca dương tính, trong đó có hơn 257.000 ca khỏi bệnh (hơn 60%). Hiện TP.HCM đã tiêm hơn 13,6 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó mũi 1 là hơn 7,8 triệu liều và mũi 2 là hơn 5,8 triệu liều. Riêng ngày 7.11 TP ghi nhận 1.009 ca mắc mới, 31 ca tử vong. Cấp độ dịch ở TP.HCM đang ở mức 2 (nguy cơ trung bình).

Theo Thanh niên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here