Những dòng tin nhắn cuối cùng trên điện thoại bệnh nhân qua đời vì Covid-19 khiến bác sĩ ám ảnh

0
169

Trước khi chuyển bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 đi an táng thì chiếc điện thoại iPhone xanh rêu của bệnh nhân sáng màn hình. Ai đã nhắn gì cho người xấu số? Một bác sĩ trẻ đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh này.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân – Ảnh: DUYÊN PHAN

“Ngồi trên chiếc xe buýt Phương Trang chở lực lượng bác sĩ nội trú ra hỗ trợ Bệnh viện Ung bướu 2, nhìn ra những đại lộ và con sông Sài Gòn qua ô cửa sổ, lòng tôi đã có chút lạ lẫm. Cảm giác này không rộn ràng như cảm giác mấy tháng trước ngồi trên xe đi tiêm ngừa cho các khu công nghiệp.

Đó là sự bâng khuâng. Bâng khuâng vì cuối cùng mình cũng đã có cơ hội giúp đỡ cho người Sài Gòn, những người đã dang rộng vòng tay đón chào dân tứ xứ về mưu sinh với tấm lòng chân tình. Nhưng bâng khuâng cũng vì khi đến lượt mình được huy động thì có lẽ các anh chị bác sĩ chuyên ngành hồi sức ngoài kia cũng đã bắt đầu mệt mỏi…

Những ngày trực đầu tiên đã đến. Tôi chậm chậm mặc đồ bảo hộ bước vào khoa ICU 2B, rảo nhìn qua một vòng. Nhiều bệnh nhân thở máy. Cố gắng thích nghi thật tốt, lắng nghe thật tốt để phụ giúp các anh chị nơi đây, từ làm hồ sơ, quan sát bệnh nhân thở máy đến giúp đỡ các anh chị những việc khác.

Mỗi kíp trực như vậy để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, nhưng có lẽ cảm giác trung dung nhất là cái cảm giác bạn phải gạt qua một bên nỗi đau buồn trước sự ra đi của một người để tiếp tục theo dõi những bệnh nhân còn lại.

Tiếp tục đi rảo quanh một vòng để nhìn lên máy đo sinh hiệu và máy thở đang báo động trong khi bệnh nhân đã khuất vẫn còn nằm đó, im ắng, lặng lẽ. Nhưng dường như sự im ắng trong không gian lúc này để che lấp đi nỗi đau sục sôi không nói nên lời của bác sĩ, của điều dưỡng, và cả người nhà bệnh nhân ở đâu đó ngoài kia.

Tôi nhìn ra bầu trời của thành phố Thủ Đức, thật trong xanh với những áng mây trắng vắt qua ngọn cây xanh rờn. Quang cảnh nhìn ra thành phố Thủ Đức từ Bệnh viện Ung bướu 2 thật đẹp. Nhưng có lẽ những người bệnh ở đây không có cơ hội cảm nhận được điều đó. Và có lẽ họ cũng đã không cảm nhận về sự khốc liệt của cuộc chiến này…

Giờ đã 0h sáng, đứa bạn cùng phòng đã say giấc. Đêm nay là đêm đầu tiên tôi không ngủ được. Tôi vẫn còn ám ảnh khoảnh khắc hồi chiều.

Đó là lúc các anh chị điều dưỡng chuẩn bị kiểm tra lại đồ đạc trước khi chuyển bệnh nhân đi an táng thì chiếc điện thoại của bệnh nhân sáng màn hình… Chiếc iPhone 11 Pro Max xanh rêu có khắc các hình ảnh Phật pháp phía sau… Anh điều dưỡng nói với tôi: “Ôi giời ơi, bác xem này”.

Tôi thầm nghĩ chuyện gì mà phải ngạc nhiên đến vậy. Liếc qua nhìn thì thật sốc. Đó là hình nền một người đàn ông khỏe mạnh chụp khi tắm biển. Đó là những cuộc gọi nhỡ từ gia đình, bạn bè mà anh ấy đã bỏ lỡ khi phải chuyển vô ICU. Đó là những tin nhắn đánh vội, chữ đúng chữ không.

“Anh ơi, em tin là anh sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn này, mạnh khỏe trở về với gia đình, con và em luôn cầu mong anh từng ngày, cố lên anh nhé” – có vẻ như từ người vợ, hay tin nhắn Zalo “ae chờ mong anh trở về” của một người anh em bạn bè và hàng dài tin nhắn khác chưa kịp đọc.

Khóe mắt tôi chực trào ra, cả cơ thể ớn lạnh, nhưng giọt nước mắt vừa kịp dâng lên tới khóe mắt thì đã kịp chặn lại và nuốt ngược vào trong. Tôi kéo vội chiếc mền, cuộn mình nằm nghĩ về chiếc iPhone Pro Max xanh rêu, về người vợ, về sự nghiệp và về cuộc đời…

Có lẽ rồi từ từ tôi cũng sẽ quen khi nhìn những cảnh này, như bác sĩ Khoa trưởng kíp và mọi người ở khoa ICU 2B mấy tháng nay. Phải cố gắng để đáp lại sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần mà các anh chị nội trú khóa trên cũng như anh chị giảng viên: những chiếc khẩu trang N95, những bộ scrub đi trực, những chai xì dầu, những mẩu bánh mì hay những câu chuyện pha trò để giảm bớt căng thẳng…

Dẫu biết rằng, với một bác sĩ sản khoa, vốn hằng ngày đã quen với việc vui cười đón chào những sinh linh mới ra đời thì bây giờ phải chứng kiến sự ra đi, là một điều không dễ dàng…

Nhìn những cảnh này, tôi chỉ mong rằng mọi người thực hiện giãn cách xã hội thật tốt, hãy chích bất cứ loại vắc xin nào hiện có để ít nhất giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ nhập viện, vì biến chủng mới không chừa một ai. Người đàn ông khỏe mạnh, nam thanh niên sinh năm 1997 không bệnh nền…

Chúng ta bây giờ còn rất ít thời gian để chọn lựa nữa rồi, dẫu biết rằng quyền lựa chọn là quyền cơ bản của mỗi người…

Nhìn ra ô cửa sổ, chợt nhìn thấy tòa nhà cao tầng bên cạnh đang chạy hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh và dòng chữ “Keep calm” chậm rãi, tôi tin rằng một ngày nào đó, Sài Gòn nói riêng và Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch. Sài Gòn rồi sẽ trở về những ngày bình yên như xưa, hào sảng, chân tình và thật văn minh, dẫu rằng trái tim người Sài Gòn đã có những vết sẹo, đang lành lại…”.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tinh-nguoi-noi-tuyen-dau-phong-chong-dich-nhung-dong-tin-nhan-cuoi-cung-20210827091450163.htm

Nữ hộ sinh hi sinh khi chống dịch COVID-19: Bộ Y tế đề nghị Bình Dương hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sĩ

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến trưa ngày 21/8 đã có 14.543 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y thuộc Bộ Y tế, các Cục/Vụ/Viện/Trường/Bệnh viện và tại 35 tỉnh, thành phố đã đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, nhận được thông tin đồng chí Dương Nguyễn Thuỳ Trinh, nhân viên Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã hi sinh trong khi tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.

Bộ Y tế chia sẻ sâu sắc và tri ân với gia đình đồng chí Dương Nguyễn Thuỳ Trinh, người chiến sĩ áo trắng đã hi sinh trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Để ghi nhận sự hi sinh cao cả của đồng chí Dương Nguyễn Thuỳ Trinh cũng như của các cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Bình Dương và toàn thể cán bộ nhân viên y tế trên cả nước đang ngày đêm quên mình tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thủ tục về lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và nhân thân, Bộ Y tế kính đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận liệt sĩ đối với đồng chí Dương Nguyễn Thuỳ Trinh.

Nữ hộ sinh hi sinh khi chống dịch được Bộ Y tế đề nghị công nhận liệt sĩ

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, bà Trần Thị Trang, Bộ Y tế cho biết theo khoản 3 điều 59 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điểm k khoản 1 điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công thì họ được xem xét công nhận là liệt sĩ.

Cụ thể, khoản 3 điều 59 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định “Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết… thì được xem xét để công nhận liệt sĩ… theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”.

Điểm k khoản 1 điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng quy định điều kiện để được công nhận liệt sĩ là “đặc biệt dũng cảm cứu người…” nhưng phải là “tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”.

Theo bà Trang quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP thì: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các Bộ và tương đương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận gồm những gì, Phó Vụ trưởng Trần Thị Trang thông tin: Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP:

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hi sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.

– Cấp giấy báo tử: Người hi sinh là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên;

Người hi sinh là công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên;

Người hi sinh thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương;

Người hi sinh thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Người hi sinh thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Theo Doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/nu-ho-sinh-hy-sinh-khi-chong-dich-covid-19-bo-y-te-de-nghi-binh-duong-hoan-thien-ho-so-cong-nhan-liet-si-161212208193117269.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here