Nữ tiếp viên xinh đẹp ở TP.HCM trở thành “mẹ” cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0 trong khu cách ly

0
134

Những em bé sơ sinh vừa chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt khi có mẹ hay người thân khác là bệnh nhân COVID-19 may mắn được những “người mẹ” xa lạ nhưng có vòng tay và trái tim tràn đầy tình thương chăm sóc cho các bé.

Cuối tháng 8, Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị mắc COVID-19 (H.O.P.E) do Bệnh viện Hùng Vương thành lập được khánh thành tại Trường mầm non Họa Mi 2 (số 11 Lý Thường Kiệt, Phường 12, Quận 5, TP Hồ CHí Minh).

Trung tâm ra đời với mục đích hỗ trợ các bé có mẹ bị mắc COVID-19 và trong giai đoạn chưa có gia đình đón về. Hiện tại, trung tâm đang chăm sóc cho khoảng 50 bé sơ sinh.

Không được gặp mẹ ruột ngay từ lúc chào đời, không được bú sữa mẹ nhưng các em có được những “người mẹ” tuyệt vời là những tình nguyện viên tận tình chăm sóc.

Các mẹ xuất thân nhiều ngành nghề khác nhau từ giáo viên mầm non, tiếp viên hàng không, sinh viên, nhân viên văn phòng.., có cả những mẹ chỉ mới vừa tròn đôi mươi, còn ngồi trên giảng đường đại học, chưa có gia đình nhưng tất cả đều đến đây với tình thương vô bờ bến với các thiên thần nhỏ được sinh ra giữa mùa đại dịch.

Hàng chục em bé sơ sinh có bố mẹ là F0 đang được nhưng “bà mẹ trẻ” là những tình nguyện viên chăm sóc

Trong thời gian các chuyến bay phải tạm dừng do dịch Covid-19, Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, ngụ tại Q. Gò Vấp, TP.HCM) – một nữ tiếp viên hàng không đã đăng ký làm tình nguyện viên chăm sóc cho trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0.

Dù còn trẻ, chưa có gia đình và cũng chưa có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ, trong khi trẻ sơ sinh rất mỏng manh nên Hằng đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, Thu Hằng và các bạn tình nguyện viên khác đã không ngừng quan sát và học hỏi cách bồng bế, thay tã, cho trẻ ăn,… từ các điều dưỡng viên. Vậy là, cô và các tình nguyện viên đã bắt đầu với công việc làm “mẹ” của gần 50 đứa con.

Chưa lập gia đình, nhưng nay Hằng hạnh phúc khi hàng ngày được tận tay chăm sóc cho hàng chục đứa trẻ có bố mẹ là F0 đang phải điều trị

Chia sẻ thêm với chúng tôi, Thu Hằng cho biết, “Lúc đầu thì cũng gặp nhiều khó khăn vì đa số các bạn trẻ ở đây còn độc thân. Ví dụ như khi thấy bé tự dưng khóc là sợ, chạy đi hỏi cô điều dưỡng. Rồi cô điều dưỡng nhiều khi cũng cuống cuồng theo.

Ở đây ban đêm là như dàn đồng ca vậy đó, xác định ca đêm là không có ai ngủ hết. Chỉ cần nghe các bé ọ ẹ là mình lại phải dậy dỗ liền. Rồi đến ca bú thứ 2 là lại phải đi pha sữa… cứ như vậy đến hết đêm. Ở đây mình được ôm các bé, được chứng kiến các bé thay đổi theo từng ngày, lớn lên mỗi ngày. Mình thực sự rất vui”.

Nhìn các bé được cha mẹ, gia đình đón về, các cô tại trung tâm cũng rất luyến tiếc nhưng cũng hạnh phúc vì giờ đây các bé sẽ được cảm nhận hơi ấm từ cha mẹ, từ gia đình thực sự của mình. “Chia tay mình cũng buồn, nhìn cái nôi là nhớ các bé. Mình vẫn có thói quen nhìn tên rồi đổ sữa xong khi quay ra mới chợt nhớ là bé đã được gia đình đón rồi. Tất cả các con sinh ra đã thiệt thòi rất nhiều. Nhưng mà mình tin là khi thiệt thòi như vậy các em bé sẽ mạnh mẽ hơn”, nữ tiếp viên hàng không chia sẻ.

Giọt nước mắt của những tình nguyện viên trong khoảnh khắc chia tay các bé về với gia đình bố mẹ

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, các sản phụ nhiễm COVID-19 buộc phải cách ly tập trung hoặc điều trị nên trẻ bình thường đủ tháng sinh ra không có người thân chăm sóc ngày một tăng.

Đứng trước thực trạng quá tải trên, nhận được sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hùng Vương đã thành lập Trung tâm H.O.P.E.

Trung tâm H.O.P.E đang có 25 bảo mẫu là các tình nguyện viên chăm sóc những trẻ sơ sinh. Dự kiến những ngày tới, sẽ có thêm nhiều bé sơ sinh sức khỏe ổn định được chuyển về Trung tâm để chăm sóc trong lúc đợi gia đình đón về.

Theo nhịp sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/clip-nu-tiep-vien-xinh-dep-o-tphcm-tro-thanh-me-cho-hang-chuc-tre-so-sinh-co-bo-me-la-f0-trong-khu-cach-ly-22021318224414766.htm

Nữ tình nguyện viên và anh quân nhân thành đôi khi cùng đi chống dịch

Sau 2 tuần gặp gỡ, K. bày tỏ tình cảm với Hiếu và nhận về cái gật đầu. Chuyện tình của đôi trẻ được nhiều bạn bè ủng hộ.

“Khi một tình nguyện viên và một quân nhân kết đôi, tụi mình có điểm chung lớn nhất là không ngại khó. Điều thú vị có lẽ là buổi trưa khi nghỉ giải lao, hai đứa ngồi ở ghế đá cùng ăn cơm và kể cho nhau nghe về những gì từng trải qua”, Trần Thị Ngọc Hiếu, đoàn viên hỗ trợ công tác chống dịch tại Thành đoàn TP Biên Hòa (Đồng Nai), chia sẻ với Zing sau khi vừa hoàn thành công việc.

K., bạn trai Hiếu, là học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai). Đôi trẻ quen nhau khi cùng đi chống dịch.

Hiếu nói ở đội, cô là tình nguyện viên đầu tiên được “phát” người yêu là quân nhân.

Hiếu và K. trở thành một đôi khi cùng tham gia hỗ trợ chống dịch ở Đồng Nai.

Yêu nhau sau 2 tuần gặp gỡ

Giữa tháng 7, Hiếu được phân công hỗ trợ điểm tiêm vaccine, nơi cô lần đầu gặp K. Ấn tượng của nữ tình nguyện viên về chàng bộ đội không tốt vì cậu bạn tỏ ra khá nghiêm khắc, không hòa đồng, ít nói.

Ngày làm việc đầu tiên, đôi trẻ nhiều lần bắt gặp ánh mắt của nhau. Hôm sau, họ vẫn cùng hỗ trợ tại điểm này. K. xin Zalo của Hiếu và làm quen.

“Bạn ấy nói lần đầu gặp đã thấy mình dễ thương và nhỏ nhắn nhưng ngại không dám bắt chuyện. Sau 2 tuần nói chuyện về công việc, tụi mình thấy có sự tương đồng nên chính thức tìm hiểu và kết đôi”, cô gái nhớ lại.

Dù nghĩ mọi chuyện có chút vội vàng, Hiếu xúc động khi bạn trai nói: “Anh sắp về trường rồi. Anh muốn trước khi đi sẽ không bỏ lỡ cơ hội nào để nói thích em”.

Trước đó, đôi trẻ xảy ra hiểu nhầm, K. nhân cơ hội giải thích và bày tỏ tình cảm với Hiếu. Đáp lại, nữ tình nguyện viên cũng nói mến chàng quân nhân.

“Bây giờ, tụi mình không còn làm chung nữa nhưng liên lạc với nhau hàng ngày. Tuy ít thời gian dành cho nhau, bạn ấy cũng sắp vào năm học mới, tụi mình vẫn thông cảm và động viên lẫn nhau. Từ ngày thích bạn, mình yêu luôn cả màu áo xanh đó”, Hiếu nói.

Phút giải lao của đôi bạn trẻ khi đi chống dịch.

Mong dịch sớm qua

Quen nhau vào khoảng thời gian đặc biệt, Hiếu thừa nhận đôi khi cô không tránh khỏi cảm giác tủi thân, chạnh lòng vì nhớ nhưng không thể gặp, buồn cũng không thể tâm sự với bạn trai.

Tuy vậy, Hiếu cho rằng điều đó tạo động lực cho mình trở thành cô gái mạnh mẽ, biết cách tự vượt qua nỗi buồn.

“Mình nghĩ yêu xa đã khó, quen bộ đội thì còn gấp nhiều lần hơn. Thế nhưng, mình chấp nhận ở bên bạn ấy vì cảm giác đằng sau màu áo màu xanh đó là cả bầu trời lãng mạn. Có lẽ vì tính chất công việc khiến bạn trở nên cứng rắn hơn. Mình cảm thấy may mắn khi có người yêu là quân nhân – một chàng trai bên ngoài mạnh mẽ bên trong ấm áp”, cô nói.

Hiếu hỗ trợ tại điểm tiêm vaccine Covid-19.

Khi biết chuyện tình của Hiếu và K., bạn bè của 2 người đều ủng hộ.

“Anh chị trong đoàn nói là để ý thấy bạn ấy luôn dùng ánh mắt trìu mến để nhìn mình. Các anh bộ đội cùng đơn vị của bạn cũng dặn mình yên tâm sẽ ‘trông chừng’ giúp khi về trường, rồi trước mình thì cả năm nay chưa thấy bạn thích ai”, Hiếu vui vẻ kể.

Hiếu và K. hẹn khi hết dịch sẽ chở nhau đi ăn món ngon mỗi chiều thứ 6. Chàng quân nhân gốc Hà Nội cũng hứa có dịp sẽ dẫn bạn gái ra thủ đô đi tham quan và chụp ảnh.

“Mình hy vọng sớm được cùng bạn trai thực hiện nhiều dự định của hai đứa. Mình rất vui vì tham gia chống dịch mà một công đôi việc, đi một về 2. Các bạn tình nguyện viên hãy yên tâm vì tình yêu sẽ tới bất cứ khi nào. Mong sao tất cả cùng chung tay vượt qua đại dịch này”, Hiếu nhắn nhủ.

Theo Zing News

Nguồn: https://zingnews.vn/nu-tinh-nguyen-vien-va-anh-quan-nhan-thanh-doi-khi-cung-di-chong-dich-post1257167.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here