‘Cha đẻ’ ATM gạo cấp tốc lập ATM oxy, tiếp tế người bệnh nguy cấp trong đêm

0
114

22 giờ đêm 29.7, khi dự án còn chưa triển khai thì ATM bình oxy nhận được thông tin khẩn cầu của một bệnh nhân Covid-19 cần gấp. Còn lúng túng, nhưng không chần chừ, họ đã vận chuyển bình oxy đến người bệnh trong đêm.

Một người nhà của bệnh nhân Covid-19 được tiếp tế bình oxy trong đêm /// L.P

Một người nhà của bệnh nhân Covid-19 được tiếp tế bình oxy trong đêm

L.P

“Tôi cần bình oxy cho ba tôi thở. Làm ơn giúp với vì bình oxy ở nhà gần hết, ba tôi khó giữ được tính mạng khi không có bình oxy để cầm cự trong đêm nay”, một nam thanh niên ở quận 10 đăng thông tin cầu cứu trong đêm. Nhận được thông tin, hơn 22 giờ, nhóm của anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) người được biết đến là “cha đẻ” của ATM gạo trước đó đã liên lạc và tiếp tế cho trường hợp này, ngay cả khi cả nhóm chưa sẵn sàng triển khai dự án.

Mong người bệnh có đủ bình oxy lúc ngặt nghèo

“Mỗi bình oxy có thể cứu thêm được vài chục bệnh nhân khi bệnh viện quá tải, nhiều F0 ở nhà gặp khó khăn vì thiếu bình oxy. Tôi chỉ mong muốn hỗ trợ mọi người một tay trong đại dịch”, anh Hoàng Tuấn Anh nói. Đó là lý do anh triển khai ATM bình oxy cấp tốc trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở TP.HCM và nhu cầu sử dụng bình oxy cao hơn bao giờ hết.

Từ đầu tuần, anh đã bắt đầu lên kế hoạch kêu gọi, quyên góp để triển khai mô hình này và hiện vẫn đang quá trình kêu gọi mọi người cùng quyên góp bình để chuyển đổi công năng thành bình oxy y tế. “Nhưng tối qua, khi hay thông tin mình triển khai dự án này, nhiều F0 tại nhà đã liên lạc trong tình huống khẩn cấp. Mặc dù chưa chuẩn bị chương trình xong nên còn lúng túng và dự định tuần tới mới bắt đầu nhưng tụi mình vẫn quyết định tiếp tế bình oxy cho họ và quyết định triển khai luôn vì cấp thiết quá rồi”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Nói về dự án này, Tuấn Anh cho biết mỗi lần nạp oxy, các bệnh viện thường phải chi trả từ 300.000-500.000 đồng/bình. Trong khi nhu cầu bình oxy ở các bệnh viện rất lớn, nhiều nơi bị thiếu hụt hoặc thu nạp không kịp.

Thông thường các bệnh viện sẽ thu nạp oxy mỗi tuần một lần nên nhiều bình oxy đã hết sẽ phải nằm kho chờ, không tận dụng được hết công suất. Từ thực tế này, Tuấn Anh mong muốn hỗ trợ các bệnh viện đẩy nhanh tốc độ thu nạp oxy cho những bình trống đang nằm kho trong thời gian chờ nạp, nâng mức sử dụng tối đa số lượng bình oxy hiện có.

Bên cạnh đó, “cha đẻ” của ATM gạo kêu gọi mọi người quyên góp các bình hàn gió đá để vệ sinh rồi nạp oxy y tế tiếp tế cho bệnh viện, bệnh nhân mượn miễn phí. Cũng trong khuôn khổ dự án ATM bình oxy, Tuấn Anh kêu gọi mọi người tham gia làm tình nguyện viên để chuyên chở, vận chuyển bình đến các điểm có nhu cầu mượn.

Mỗi bình oxy, mỗi người dùng được 4-24 giờ liên tục, tuỳ dung tích. Anh cũng làm việc với đơn vị cung cấp oxy để có được giá tốt nhất, giúp “bình ổn” giá thu nạp oxy trong thời điểm này.

‘Cha đẻ’ ATM gạo cấp tốc lập ATM oxy, tiếp tế người bệnh nguy cấp trong đêm  - ảnh 1

Nhận được thông tin có người cần bình oxy khẩn cấp trong đêm, ATM bình oxy đã tiếp tế cấp tốc

P.L

ATM bình oxy: tạm thời cho mượn, không tặng

“Trước mắt, chúng tôi sẽ cho lực lượng đến các bệnh viện lấy bình oxy trống về nạp oxy trong đêm và chuyển lên các bệnh viện vào buổi sáng. Số lượng bình vẫn chừng đó, nhưng có thể tăng năng suất sử dụng lên 4-5 lần qua việc tối ưu việc vận chuyển, thu nạp. Điều mà nhiều bệnh viện chưa thể làm được do tình trạng quá tải như hiện nay”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Còn với số bình nhận được từ mọi người, nhóm của Tuấn Anh sẽ thu nạp và cho những bệnh nhân F0 tại nhà mượn trong trường hợp cấp thiết, đồng thời đặt mua thêm hàng trăm bình oxy khác nhưng phải 2-3 tháng mới có. Anh mong muốn ATM bình oxy sẽ có được 1.000 bình trong thời gian tới, giúp hàng nghìn bệnh nhân ở TP.HCM có oxy để thở.

Nói về lý do chỉ “cho mượn” mà không tặng như những mặt hàng trước đây, cha đẻ của mô hình này cho biết đây là “mặt hàng” cấp thiết nhưng không phải để sử dụng lâu dài. Sau này khi TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu giảm thì nhóm của anh có thể chuyển sang cho tỉnh, thành khác mượn.

Anh cũng không lo dư thừa trong trường hợp sau này Việt Nam hết dịch bệnh hoàn toàn, vì loại bình này có thể chuyển công năng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàn, xì… sẽ có nhu cầu sử dụng.

Dù vậy, so với ATM gạo hay khẩu trang như trước đây thì anh Tuấn Anh cho biết việc triển khai ATM bình oxy gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là việc vận chuyển gặp nhiều vướng mắc do TP.HCM đang thực hện lệnh giãn cách xã hội. Đây cũng là sản phẩm đặc biệt nên anh phải cẩn trọng và tính toán nhiều hơn trong việc nên tận dụng và cho mượn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Mặt khác, việc triển khai ATM bình oxy cần rất nhiều kinh phí so với những sản phẩm trước đây vì chi phí thu mua và dung nạp rất cao, theo Tuấn Anh.

“Trước mắt ATM oxy sẽ lập 5 trạm đội bán tải phản ứng nhanh hỗ trợ toàn thành phố. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ vừa làm vừa điều chỉnh thêm cho phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế. Nhưng một mình tôi thì không làm được, hy vọng được sự chung tay của mọi người, để bất kỳ người bệnh nào khi cần cũng có bình oxy để thở”, cha đẻ mô hình ATM chia sẻ.

Theo Thanh niên

Chỉ còn 200.000 đồng mua đồ ăn không đủ, 2 chị em sv muốn về quê nhưng không được và hành động ấm lòng của CSGT

N. cho biết mình là sinh viên đang chờ xin việc làm, mùa dịch kéo dài mà hai chị em chỉ còn 200.000 đồng nên phải về quê chứ không thể ở lại TP được nữa.

Sáng 30-7, rất đông người dân trên địa bàn TP.HCM tiếp tục di chuyển đến các cửa ngõ phía đông TP để về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhưng đều phải quay đầu lại.

Hai chị em chỉ còn 200.000 đồng

Theo đó, lực lượng CSGT Đội tuần tra dẫn đoàn, Công an TP.HCM đã tuần tra xử lý nhiều trường hợp ra đường khi không thực sự cần thiết.

Lực lượng CSGT cũng dừng xe, xử lý trường hợp người dân ra đường để về quê tránh dịch. Nhiều trường hợp người dân được yêu cầu phải quay đầu xe trở lại, tránh xảy ra tụ tập tại chốt kiểm soát ở các cửa ngõ.

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được - ảnh 1
Người dân ra đường về quê được CSGT xử lý, nhắc nhở không rời TP. Ảnh: TS

Trong lúc đang làm nhiệm vụ tại đường Phạm Văn Đồng, CSGT đã dừng xe của N. chở theo chị gái đang điều khiển xe máy theo hướng từ TP đi tỉnh Đồng Nai.

“Chỉ thị 12 của TP quy định chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, đồng thời TP cũng không cho đi phương tiện cá nhân để về quê. Các em muốn về quê phải liên hệ chính quyền địa phương tại nơi cư ngụ để liên hệ, thu xếp chuyến xe đưa các em về” – CSGT nhẹ nhàng giải thích cho hai chị em.

N. cho biết mình là sinh viên vừa ra trường và đang chờ xin việc làm thì TP bùng phát dịch bệnh. Người chị của N. cũng là sinh viên năm 4, hiện hai chị em đang nhà trọ tại phường Hiệp Bình Chánh.

Khi được hỏi lý do vì sao nhất quyết đòi tìm cách về quê cho bằng được dù đã được giải thích, N. cho biết: “Em còn 200.000 đồng, mua đồ ăn không đủ, giờ thì hết sạch thức ăn rồi” – N. nói trong nước mắt.

N. sau đó vừa khóc vừa lật bóp chỉ cho CSGT nhìn còn đúng 200.000 đồng rồi nói: “Làm sao mà sống tiếp được đây anh”.

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được - ảnh 2
CSGT đưa cho hai chị em N. 500.000 đồng và nhắc nhở hai chị em không rời TP. Ảnh: TS

Theo N., để chuẩn bị về quê Quảng Ngãi, hai chị em đã vay mượn được 800.000 đồng để test nhanh COVID-19. Hành trang về quê của hai chị em là một chiếc xe máy, hai túi đựng quần áo và một túi đựng ít đồ ăn để đi đường.

CSGT không xử phạt hai chị em N. lỗi ra đường không cần thiết. Đồng thời, CSGT lấy 500.000 đồng gửi hai chị em.

“Không phải không muốn cho các em về nhưng TP đang dịch bệnh nên phải chịu thôi. Các em cầm tiền sống tạm đi, anh lấy số điện thoại có gì anh sẽ hỗ trợ thêm” – vị CSGT nói.

Bất ngờ với hành động của CSGT, N. và chị gái cảm ơn trong nước mắt rồi quay trở lại phòng trọ.

Hàng trăm mong muốn về quê

Cũng từ sáng sớm 30-7, rất đông người dân khi lưu thông đến các chốt kiểm soát ở các cửa ngõ phía đông TP.HCM buộc phải quay đầu xe trở lại do người dân tự ý đi phương tiện cá nhân về quê.

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được - ảnh 3
Người dân nán lại tại gầm cầu vượt ngã Linh Xuân khi được lực lượng chức năng yêu cầu không rời TP. Ảnh: TS

Theo ghi nhận, khi bị dừng xe hầu hết lực lượng chức năng đều giải thích: “Người dân không được tự ý về quê, phải liên hệ chính quyền địa phương ở quê để được tổ chức đón và thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm tránh lây lan dịch bệnh”.

Chị NTH, quê Quảng Ngãi cho biết ở TP.HCM mùa này không có việc làm, ở trọ ra mùa đồ ăn cũng khó khăn bởi các chốt kiểm soát. Đặc biệt, chị H. rất sợ nguy cơ nhiễm bệnh nên quyết định đi xe máy về quê.

“Em về quê rồi tự cách ly thôi, ở quê ít ra cũng có thực phẩm ăn uống dễ dàng hơn” – chị H. nói thêm.

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được - ảnh 4
Sáng 30-7, rất đông người dân buộc phải quay lại cho biết họ thật sự mong muốn về quê. Ảnh: TS

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được - ảnh 5
Người dân tập trung dọc các tuyến đường để tìm cách rời TP về quê. Ảnh: TS

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được - ảnh 6
Từng nhóm người dân đã nán lại tại các gầm cầu vượt, dọc tuyến đường để bàn bạc, tìm cách rời TP. Ảnh: TS

Quan sát cho thấy, khi được CSGT yêu cầu không rời TP, từng tốp người dân đã nán lại tại các gầm cầu vượt, dọc tuyến đường để bàn bạc nhau tiếp tục tìm cách rời TP.

Đa phần họ đều cho biết thật sự muốn về quê, ở TP.HCM thất nghiệp quá lâu và không đủ điều kiện để tiếp tục ở lại. Khi được hỏi nếu tự ý về quê thì nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho quê hương rất cao thì họ trả lời: “Về quê sẽ tự cách ly, tự test nhanh COVID-19 để theo dõi”.

Các tỉnh có kế hoạch đón người dân về quê

Tại Đắk Lắk: Số lượng người dân từ Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM về tự do trong những ngày qua đã lên đến khoảng 20.000 người. Một số người thiếu ý thức đã tạo nên các ổ dịch.

Hiện Đắk Lắk đã có kế hoạch lập tổ công tác đặc biệt vào TP.HCM để liên hệ trực tiếp và phối hợp lên danh sách, hỗ trợ người dân về quê. Đối tượng ưu tiên được đưa về là: Người già, trẻ em; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Tại Phú Yên: Đã có 344 người dân được chính quyền đưa về quê nhà hôm 27-7. Hiện đang có gần 6.000 người đã đăng ký với Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM muốn được đưa về quê.

Tỉnh đã làm việc với hãng xe Phương Trang để đưa người Phú Yên về lại quê nhà, hai ngày một đợt, mỗi đợt 20 xe với 400 người.

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được - ảnh 7
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (phải) đến thăm hỏi, chỉ đạo công tác tiếp nhận, lấy mẫu xét nghiệm người dân được đưa về từ TP.HCM. Ảnh: MÃ PHONG 

Tại Tây Ninh: UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban liên lạc Hội đồng hương Tây Ninh tại TP.HCM làm đầu mối, phối hợp với tỉnh thông tin rộng rãi kế hoạch đến người dân đang tạm trú tại TP.HCM.

Đối tượng là người dân Tây Ninh hiện đang công tác, học tập, tạm trú tại TP.HCM, có nhà hoặc người thân có hộ khẩu thường trú tại Tây Ninh.

Tại Lâm Đồng: UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện, TP tuyệt đối không tiếp nhận đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác.

Theo đó, đối với trường hợp có nguyện vọng trở về địa phương phải thuộc nhóm ưu tiên là người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tất cả phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Tại Quảng Ngãi: Ngày 29-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc tạm dừng tiếp nhận người dân trở về từ các tỉnh, TP đang có dịch COVID-19 bởi quá tải trong cách ly.

Cụ thể trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch và tổ chức đón 400 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê miễn phí. Đồng thời sắp xếp tiếp nhận khoảng 1.500 – 1.800 người có nguyện vọng về quê để tổ chức cách ly tại các khách sạn có trả phí dịch vụ.

Tuy nhiên, đã có trên 5.000 người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam tự phát trở về quê, trong đó có nhiều trường hợp dương tính với COVID-19, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất cao. Trong khi đó, năng lực cách ly y tế của tỉnh đã quá tải.

Tại Giai Lai: Từ ngày 16-7, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương trong tỉnh lập danh sách người dân đang làm việc, học tập tại TP.HCM và Bình Dương. Trong đó, lập danh sách công dân có nguyện vọng đăng ký về tỉnh Gia Lai (số lao động, con em học tập có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ…)

Theo Pháp luật TPHCM

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/chi-con-200000-dong-2-chi-em-sinh-vien-muon-ve-que-nhung-khong-duoc-1004725.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here