Nữ điều dưỡng tại TP.HCM: Không ăn uống, đi vệ sinh trong suốt hơn 7 tiếng trực, người ướt sũng, tay nhăn nheo vì nóng

0
160

Trên mặt trận chiến đấu với Covid-19, dù không có tiếng bom đạn nhưng đội ngũ y tế đã vô cùng vất vả để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

“Anh ở nhà giữ gìn sức khỏe, thay em chăm sóc hai con thật tốt. Em đi rồi sẽ sớm trở về. Hai con ở nhà ngoan, nghe lời bố và ông bà. Hết dịch mẹ sẽ về, gia đình ta sẽ đoàn tụ”.

Đây là những lời nhắn nhủ xúc động của nữ điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trước giờ đi vào “tâm dịch” TP HCM.

Sau những lời dặn dò vội vã, đoàn xe đưa chị Diễm cùng 78 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên lên đường nhận nhiệm vụ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, chị cùng các đồng nghiệp có chuyến công tác chỉ biết ngày đi mà chưa rõ ngày về…

Nhìn bóng vợ theo đoàn xe xa dần, anh Phạm Văn Cường, chồng chị Diễm, xúc động nói: “Tôi và hai con rất tự hào khi có người vợ, người mẹ là chiến sĩ áo trắng tình nguyện tham gia chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 lần này. Chỉ mong vợ luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng đội ngũ y, bác sĩ trong cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, sớm trở về đoàn tụ với gia đình”.

Tạm xa gia đình, giấu nỗi nhớ vào lòng, chị Diễm cùng các đồng nghiệp bắt đầu chuỗi ngày sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ chính là tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp.

Nữ điều dưỡng tại TP.HCM: Không ăn uống, đi vệ sinh trong suốt hơn 7 tiếng trực, người ướt sũng, tay nhăn nheo vì nóng - Ảnh 1.

Điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trước giờ đi vào “tâm dịch” TP HCM.

Trong những cuộc điện thoại gọi về vội vã, chị Diễm cho biết: Tại đây, chúng tôi làm việc theo ca. Theo đó, ca sáng làm 7 tiếng, từ 7h – 14h; ca chiều làm 8 tiếng, từ 14h đến 22h và ca đêm làm 9 tiếng, từ 22h đến 7h sáng ngày hôm sau, đảm bảo luôn có lực lượng y tế làm việc 24/24 giờ.

Chị Diễm tâm sự: “Trong suốt ca trực, chúng tôi không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh, áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, do Bệnh viện điều trị 100% bệnh nhân Covid-19 nên ngoài công việc chuyên môn, tôi và các đồng nghiệp cũng là người nhà duy nhất của bệnh nhân, cùng thay nhau chăm sóc, giúp đỡ họ ở “ngôi nhà đặc biệt” này.

Trong tuần đầu tiên, tôi được phân công làm việc ở tầng 5 với 84 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong điều kiện thời tiết nóng bức của mùa hè, lại mặc thêm bộ bảo hộ kín mít nên sau mỗi ca làm việc, tay ai cũng nhăn nheo hết cả, trên người không còn chỗ nào khô ráo, khuôn mặt hằn lên vết tì của khẩu trang, của mũ và toàn thân rã rời.

Thậm chí nhiều lúc khát quá nhìn thấy chai nước sát khuẩn chỉ muốn uống một hơi cho đã cơn khát. Những hôm ca đêm, mỗi khi quá mệt mỏi, chúng tôi tranh thủ chợp mắt. Lúc này ghế đá, lan can, sân nền sẽ là giường; bầu trời ngàn sao là tấm màn che.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng vì chính những người bệnh đang nằm bất động trên giường, vì những ngày tháng tới không còn Covid và vì những người thân đang đợi ở quê nhà, chúng tôi sẽ luôn cố gắng và cố gắng thật nhiều hơn nữa”.

Công việc mỗi ngày cứ thế trôi đi. Những cuộc Video call sau mỗi giờ tan ca là giây phút chị Diễm mong chờ nhất. Bao mệt nhọc, vất vả được xua tan, khoảng cách Bắc – Nam như ngắn lại để lời hứa “Hết dịch mẹ sẽ về” với hai con, với gia đình của chị Diễm sẽ không còn xa.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bệnh viện dã chiến: Bác sĩ nhận những cuộc điện thoại ‘xả giận’ lúc 3-4 giờ sáng

Được điều động về bệnh viện dã chiến, bác sĩ Lưu Hiếu Nghĩa phụ trách hơn 200 người. Anh còn là ‘hotline’ để bệnh nhân phàn nàn, khiếu nại và xả giận, thậm chí có những cuộc điện thoại vào lúc 3-4 giờ sáng.  

bác sĩ Lưu Hiếu Nghĩa hiện đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: NVCC

Một bác sĩ phụ trách hàng trăm bệnh nhân

Cứ sáng sớm, sau khi mặc bộ đồ bảo hộ bác sĩ Lưu Hiếu Nghĩa (32 tuổi, công tác tại Bệnh viện Y dược TP.HCM) lại vội vã đi bộ hơn 300m đường đất từ khu lưu trú sang 2 toà nhà của khu bệnh nhân F0. Đoạn đường không dài, nhưng là đường đất sỏi, lại phải mặc đồ bảo hộ nên khá vướng víu.

Đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh lý nền như: cao huyết áp, tiểu đường, béo phì… thì phải theo dõi sát sao hơn.“210 bệnh nhân được chia ở 40 phòng, thuộc hai toà nhà khác nhau nên cứ sáng sớm mình phải đi vòng một lượt, xem như tập thể dục”, bác sĩ Nghĩa bắt đầu câu chuyện của mình.

22 giờ ngày 10.7, bác sĩ Lưu Hiếu Nghĩa nhận được thông tin điều động sang công tác tại Bệnh viện dã chiến 4 (huyện Bình Chánh). Sáng hôm sau, 7 giờ  anh tạm biệt vợ và hai con nhỏ, xách ba lô đi. Anh cũng không có nhiều thời gian để nói chuyện với gia đình hay chuẩn bị gì cho bản thân, thời gian gấp gáp, nam bác sĩ trẻ chỉ kịp chuẩn bị cho mình vài bộ đồ và một số vật dụng cần thiết.

“Những ngày đầu mình đi, vợ ngày nào cũng khóc, giờ đỡ rồi. Hai bé nhỏ nhà mình đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi nên vợ ở nhà chăm hai đứa sẽ rất vất vả, khó khăn. Nhưng biết sao được, tình hình dịch bây giờ rất cần lực lượng y tế, mình là người làm trong ngành, nếu không đi thì ai đi”, anh Nghĩa nói.

Vừa là bác sĩ, vừa là “thợ đụng”

Nhóm của anh có hai bác sĩ và 3 điều dưỡng. Vì dã chiến, hầu hết các bệnh viện đều thiếu thốn nhân lực nên là bác sĩ anh kiêm luôn cả nhiệm vụ khiêng người bệnh, tải thuốc, tải oxy…

Bệnh viện dã chiến 4 được chuyển đổi từ những toà nhà tái định cư cũ. “Khi chúng tôi đến nơi, bệnh viện chưa có bất kỳ vật dụng gì, trong khi mình đi cũng vội vàng nên chỉ kịp mang vài bộ quần áo. Ngày đầu thậm chí không có mùng mền, chỗ ăn chỗ ngủ hay những vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho việc tắm, giặt…”, bác sĩ  Nghĩa chia sẻ.

“Ngày xưa chiến sĩ tải đạn bảo vệ Tổ quốc/ Ngày nay bác sĩ tải oxy chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Lưu Hiếu Nghĩa viết. Nhân lực ít, anh vừa làm vai trò của một bác sĩ vừa làm nhiều việc không tên khác trong khu bệnh viện dã chiến. Ảnh: NVCC

Mục đích ban đầu của bệnh viện là tiếp nhận những bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng trong quá trình theo dõi, không ít người chuyển nặng, phải chuyển lên tuyến trên. Những ngày đầu tiếp nhận công việc ở đây, bác sĩ Nghĩa cho biết gặp không ít khó khăn và tình huống bi hài. Một số gia đình, nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng có thể dựa trên tình trạng của mỗi người nên được đưa đi nhiều bệnh viện khác nhau. Bị chia cắt, nhiều người phát cáu vì lo lắng cho người thân; có người cáu vì thất lạc đồ đạc, người thì không chịu hợp tác…

Dù bệnh viện có 2 số hotline (đường dây nóng), một số y tế để bệnh nhân liên lạc trong trường hợp khẩn cấp và số còn lại cho những nhu cầu sinh hoạt khác. Nhưng vì hotline y tế đường truyền ổn hơn nên những ngày đầu, bác sĩ  Nghĩa luôn trong tình trạng “cháy máy”.

“Mình là bác sĩ mà mấy ngày đầu cứ ngỡ là nhân viên trực tổng đài và kiêm đủ thứ việc. Có những lúc dùng đến hai chiếc điện thoại để xạc pin luân phiên nhưng vẫn không kịp trả lời hết thắc mắc của mọi người.

Nhiều khi phòng nào có vấn đề về điện, nước cũng gọi vào số điện thoại của bác sĩ. Do vậy mình kiêm luôn thợ sửa điện nước. Có người bức xúc nhiều vấn đề cũng cần tìm người xả, mình cũng ráng nghe cho hết, rồi phải lựa lời để tư vấn, gíup mọi người bình tĩnh hơn”, nam bác sĩ trẻ kể lại.

Đặc biệt là những cuộc gọi vào lúc 3-4 giờ sáng, vì lúc này nhiệt độ bên ngoài hạ xuống, trời lạnh thì những triệu chứng của bệnh về hô hấp sẽ xuất hiện nhiều hơn như ho, sốt, lạnh… nên cũng vào những khung giờ này thường những cuộc gọi đến số hotline sẽ nhiều hơn. Do vậy, có khi 3-4 giờ sáng, bác sĩ  Nghĩa đã phải lọ mọ dậy mặc đồ bảo hộ, đi bộ từ nơi lưu trú lên khu bệnh viện để thăm khám.

Và niềm vui lớn nhất của mỗi bác sĩ ở đây chính là ký giấy, làm thủ tục xuất viện cho người bệnh. “Chứng kiến giấy phút họ được về với gia đình mình cũng vui lắm, cứ mỗi người được ra viện mình lại ghi thêm tên một người vào danh sách số ca được chữa khỏi. Hy vọng được về nhà của các bác sĩ cũng vì thế gần hơn”, anh nói và cho biết hiện bệnh viện dã chiến số 4 có 10 toà nhà với khoảng hơn 4.000 bệnh nhân F0 đang điều trị.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/benh-vien-da-chien-bac-si-nhan-nhung-cuoc-dien-thoai-xa-gian-luc-3-4-gio-sang-1420133.html

Khởi tố vụ án hình sự con làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho mẹ

Nguyễn Ngọc Sơn và Phương cùng nhau đến Bệnh viện Vĩnh Long test nhanh COVID-19 để đi mua cá, Phương bị giữ lại vì dương tính COVID-19. Tuy nhiên, Sơn vẫn tiếp tục đi TP.HCM rồi về TP Long Xuyên khai gian dối, lây lan dịch bệnh cho mẹ.

Các ngành chức năng TP Long Xuyên đã căng dây ngăn chặn không cho người ra vào khu vực nhà của Nguyễn Ngọc Sơn – Ảnh: TIẾN VŨ

Ngày 23-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Long Xuyên, An Giang đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” phát hiện ngày 22-7, tại Bệnh viện Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt An Giang, liên quan đến nghi phạm Nguyễn Ngọc Sơn (38 tuổi, ngụ phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên).

Trước đó, khoảng 7h ngày 5-7, Sơn điều khiển xe tải đi cùng Phương (phụ xế) từ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, đến huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nhận cá. Đến khoảng 13h cùng ngày, Sơn và Phương đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Vĩnh Long, test nhanh COVID-19 để được qua trạm kiểm soát dịch. 

Tại bệnh viện, Phương bị giữ lại, còn Sơn có kết quả âm tính nên tiếp tục chạy xe đến huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nhận cá và chạy xe về chợ Bình Điền, quận 8, TP.HCM để giao cá.

Trên đường đi, Sơn được nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long điện thoại cho biết Phương có khả năng dương tính với COVID-19 và yêu cầu Sơn đến cơ sở y tế gần nhà khai báo y tế.

Sau khi giao cá tại chợ Bình Điền, khoảng 9h ngày 6-7, Sơn điều khiển xe đến khu vực ngã ba Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), rồi điện cho chủ xe biết nơi đậu xe để đến lấy xe. Sau đó, Sơn đón xe ôm đến trạm kiểm soát dịch COVID-19 Vàm Cống, Sơn khai báo y tế không trung thực để được qua trạm và đến Trung tâm y tế phường Mỹ Thới khai báo y tế từ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An về.

Đến khoảng 17h cùng ngày, Sơn nhận được quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Mỹ Thới, thời gian cách ly tại nhà từ ngày 6-7 đến hết ngày 19-7.

Khoảng 8h ngày 22-7, Sơn đến Bệnh viện Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt tỉnh An Giang khám răng. Qua test nhanh Sơn có kết quả dương tính COVID-19. Sau đó, Sơn được đưa đi test RT-PCR cũng cho kết quả dương tính với COVID-19.

Hiện nay, mẹ ruột của Sơn (sống chung nhà) cũng có kết quả dương tính COVID-19.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/khoi-to-vu-an-hinh-su-con-lam-lay-lan-dich-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-cho-me-20210723190632121.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here