Kẹt lại Hà Nội, lao động nghèo nấu mì tôm chan cơm sống qua mùa dịch

0
150

15 lao động xa quê “mắc kẹt” trong căn nhà 30m2 ở Hà Nội giữa đại dịch, cuộc sống mất việc, không có thu nhập, họ phải nấu mì tôm làm canh chan cơm để sống qua ngày.

Cuộc sống ở quê khó khăn, trông cậy vào mấy sào ruộng không đủ ăn khiến những lao động nghèo phải đi làm ăn xa, theo cách nói của họ là đi làm kinh tế, để có thêm tiền gửi về quê cho gia đình. Nay dịch bệnh bùng phát, gánh nặng kinh tế lại càng đè nặng lên đôi vai những người lao động tự do xa quê.

Bữa cơm chỉ có cá khô, canh mì tôm

Trong căn nhà thuê lụp xụp rộng khoảng 30m2 ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), 15 lao động tự do kẹt tại Hà Nội đang chống chọi từng ngày với khó khăn về tài chính, nguồn thức ăn, dịch bệnh.

Cả đội anh Thạc (xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ra Hà Nội được hơn 20 ngày, mới vào công trình được 5 ngày, làm 4 ngày thì có chỉ thị giãn cách nên nghỉ làm từ đó đến nay.

Anh Thạc điện thoại cho chủ thầu xây dựng hỏi về việc hỗ trợ người lao động khi dịch bệnh, nhưng theo quy định nếu làm lâu thì họ hỗ trợ 20-25 nghìn tiền ăn mỗi ngày, còn những lao động mới phải chấp nhận nếu không được hỗ trợ.

Mọi người ở đây đều làm thời vụ, công việc tự do nên đến công trường làm thuê thì chủ thầu bảo gì làm đó, đa số được phân công việc trát vôi vữa. Một người làm chủ sẽ đứng ra nhận công việc rồi làm được bao nhiêu chia đều.

Nhóm lao động tự do của anh Thạc đang mòn mỏi từng ngày chờ được đi làm trở lại.

“Trong 20 ngày giãn cách vừa rồi, nhà ai còn tiền thì gửi ra, ở đây mọi người cùng ăn rồi hết dịch đi làm có tiền thì gửi lại. Tiền nhà, tiền điện sinh hoạt cũng góp vào chi trả. Hiện tại, chúng tôi không đi làm được, cũng không còn tiền nên hầu hết phải nhờ gia đình gửi từ quê ra đây”, anh Thạc chia sẻ.

Đợt giãn cách này cả nhóm được UBND phường phát phiếu cách 4 ngày đi chợ 1 lần. Vì không có tủ lạnh nên chị Lý chỉ mua cá khô, lạc để dành cho những ngày sau không đi chợ.

Ngày đầu đi chợ, chị mua được ít rau, cá tươi về ăn. Giá cả tăng cao, thịt tăng 30-40 nghìn đồng/kg, rau tăng gấp 2-3 so với ngày thường. Đợt này không đi làm được nên tiền mua thức ăn cũng hạn chế.

Trong đội ai cũng cạn kiệt tiền nên chỉ có thể mua đồ khô về ăn. Bữa cơm của họ hầu như chỉ là cá khô, dùng mỳ tôm nấu lẫn chút rau làm canh ăn tạm.

Căn nhà thuê ở được dựng bằng tôn xung quanh. Không gian nhà chật hẹp vỏn vẹn 30m2 cho 15 người sinh sống. Giường được làm bằng mấy tấm phản rồi trải chiếu lên để ngủ. Ở đây, ngoài nỗi lo từng bữa ăn để sống qua mùa dịch thì căn nhà nóng bức, ngột ngạt cũng khiến cả đội chật vật từng ngày.

“Tôi và những người dân lao động tự do ở đây đa số gửi con nhỏ cho ông bà ở quê chăm sóc để đi làm kiếm tiền gửi về quê. Sắp vào năm học mới mà vẫn chưa có tiền mua sách vở cho cháu”, chị Lý buồn bã tâm sự.

Không dám kể khó khăn với gia đình

Một nhóm công nhân khác ở gần đó là Anh Lê Văn Minh và vợ quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Vì phải kiếm tiền nuôi gia đình, con cái ăn học nên vợ chồng anh để hai đứa nhỏ ở nhà cho ông bà nội trông nom, chăm sóc.

Làm việc ở ngoài này đã lâu nhưng vợ chồng anh vẫn làm ruộng ở quê. Lúc nông nhàn, họ tranh thủ ra ngoài Hà Nội làm thuê, đến vụ mùa thì vợ chồng lại về quê lo việc đồng áng.

Đợt này anh Minh mới ra đi làm được vài hôm thì có dịch, vợ anh ra sau đi làm được nửa ngày thì có chỉ thị giãn cách xã hội. Từ đó đến nay, hai vợ chồng anh chỉ quanh quẩn trong khu trọ này.

Trên tấm phản cũ, bữa ăn của gia đình anh Minh chỉ vỏn vẹn nồi canh rau muống, ít thịt và bát nước mắm. Đây là bữa ăn ngon nhất của họ trong những ngày qua.

Bữa ăn trưa đạm bạc của nhóm lao động tự do đang thuê trọ.

Bình thường hai vợ chồng anh làm việc chăm chỉ đến hết tháng thì lĩnh khoản lương khoảng 10 triệu đồng. Từ hôm ra Hà Nội đến nay, cả hai không đi làm được, không có lương nên  chưa gửi được về cho ông bà đồng nào để nuôi cháu.

Anh Lê Đăng Linh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh là công nhân lao động tự do, công việc chủ yếu là xây và trát công trình. Anh theo công việc này đã lâu nhưng chỉ là công việc thời vụ, không có hợp đồng cho nên khi nào có việc thì đi làm.

Khi có lệnh giãn cách xã hội, công trình phải dừng thi công nên mọi người đều phải nghỉ việc từ hôm đó đến giờ.

Nhu yếu phẩm hàng ngày đều tăng giá nhưng vì không phải lao động nên mọi người ăn uống, sinh hoạt cũng giản dị hơn ngày thường. May mắn hơn các nhóm công nhân khác, việc ăn uống của nhóm anh Linh được chủ thầu chu cấp nên cũng không phải lo lắng. Trong thời gian này, chủ thầu vẫn quan tâm đến đời sống sinh hoạt của mọi người nhưng cũng không thể đảm bảo được như trước đây.

“Nhiều người cũng rất muốn về quê nhưng vì tình hình dịch bệnh nên phải cố gắng bám trụ lại. Nếu Hà Nội hết giãn cách thì họ còn có thể đi làm lại được, nhưng về quê lại phải cách ly 21 ngày nên bằng mọi giá phải cố gắng ở lại Hà Nội. Ở quê mọi người vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhưng cũng không dám kể chuyện khó khăn, vất vả để mọi người khỏi lo”, anh Linh tâm sự.

Nếu công việc thuận buồm xuôi gió, anh Linh sẽ tiết kiệm được vài triệu gửi về cho ông bà lo cho cháu. Lương cứng nếu được bao ăn ở là khoảng 250 nghìn đồng/ngày nhưng bây giờ dịch bệnh nên không có lương. Nhiều người ở đây đã gần như cạn kiệt về kinh tế.

Không có lương, đồng nghĩa với việc những người lao động này không có tiền gửi về quê nhà.

Biết được hoàn cảnh của đội anh Linh, nhiều mạnh thường quân đã qua hỗ trợ nhưng anh Linh chỉ xin được nhận những nhu yếu phẩm hàng ngày, còn tiền mặt thì nhờ mọi người gửi giúp đến những nơi khó khăn hơn.

Hơn nửa tháng qua, khi chính quyền Hà Nội siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch COVID-19, những người như anh Linh hay anh Thạc đều không ai dám ra đường sợ bị xử phạt. Họ chỉ loanh quanh khu phòng trọ, trông chờ hết giãn cách, hết dịch để được đi làm.

Trả lời VTC News, ông Trần Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh từ Báo điện tử VTC News, tôi đã cùng các cán bộ ở phường xuống trực tiếp phòng trọ nơi có 15 người lao động đang sinh sống. Sau khi rà soát và khai báo tạm trú, những người lao động này đã được xét nghiệm dịch tễ để tránh việc có thể lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Chiều cùng ngày, UBND phường Tây Mỗ đã phát lương thực, thực phẩm đến từng cá nhân của đội công nhân này”.

Theo VTC News

Nguồn: https://vtc.vn/ket-lai-ha-noi-lao-dong-ngheo-nau-mi-tom-chan-com-song-qua-mua-dich-ar630062.html

Thêm 46 ca dương tính với SARS-CoV-2, Phú Yên siết chặt phòng chống dịch

Từ 17h chiều 30/6 đến 8h sáng 1/7, tỉnh Phú Yên tiếp tục ghi nhận thêm 46 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, thành phố Tuy Hòa 41 trường hợp, huyện Sơn Hòa 1 trường hợp, thị xã Đông Hòa 3 trường hợp, huyện Tuy An 1 trường hợp. Như vậy tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 150 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Thêm 46 ca dương tính với SARS-CoV-2, Phú Yên siết chặt phòng chống dịch - Ảnh 1.

Đáng chú ý, trong số 46 ca dương tính mới vừa được phát hiện, có một số trường hợp liên quan đến “ổ dịch” tại chợ Màng Màng, xã Bình Kiến, Thành phố Tuy Hòa.

Sở Y tế tỉnh Phú Yên cũng vừa phát đi thông báo tìm người có mặt ở 9 địa điểm tại thành phố Tuy Hòa, 2 địa điểm tại huyện Sơn Hòa có nguy cơ lây nhiễm liên hệ ngay với Trạm y tế nơi cư trú hoặc đường dây nóng Sở Y tế Phú Yên để được hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh và thành phố tập trung khoanh vùng ổ dịch Bình Kiến và các điểm phát sinh đến ổ dịch Bình Kiến. Lữ đoàn 682 đã khử khuẩn toàn bộ địa bàn xã Bình Kiến, khử khuẩn toàn bộ các tuyến đường nội thành của thành phố./.

Theo VOV

Nguồn:https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/them-46-ca-duong-tinh-voi-sars-cov-2-phu-yen-siet-chat-phong-chong-dich-870374.vov

55 bệnh viện ở TP.HCM đã có trường hợp F0 đến khám bệnh

Do tính chất lây lan rất nhanh của chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát này, hiện 55/130 bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có trường hợp F0 đến khám bệnh, chữa bệnh.

Tính từ ngày 18/5, ngày mà bệnh viện Vinmec Central Park phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đã có 459 trường hợp Covid-19 được phát hiện từ nhiều bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố.

Việc tổ chức khai báo y tế, sàng lọc các trường hợp chỉ điểm tại các bệnh viện mang ý nghĩa rất lớn trong công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bệnh viện đang gặp không ít khó khăn trước tính chất lây lan rất nhanh do chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2. Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện phải siết chặt hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.

Hiện nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 4.000 trường hợp và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

55 bệnh viện ở TP.HCM đã có trường hợp F0 đến khám bệnh - Ảnh 1.

Bệnh viện quận Tân Phú bị phong toả vào trước đó vì Covid-19

Do tính chất lây lan rất nhanh của chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát này, hiện đã có 55/130 bệnh viện trên địa bàn thành phố có trường hợp F0 đến khám bệnh, chữa bệnh, trong số đó, đa số được bệnh viện phát hiện chủ động nhưng cũng đã có một số bệnh viện phát hiện bị động dẫn đến sự lây lan mầm bệnh trong bệnh viện.

Hậu quả là đã có những bệnh viện phải phong toả (BV quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, BV Bệnh Nhiệt Đới) và mới đây là trường hợp của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Đối với BV Phạm Ngọc Thạch, một thân nhân ở quận Bình Tân, TP.HCM (quận có nguy cơ lây nhiễm rất cao hiện nay) là người nuôi bệnh của một bệnh nhân đang điều trị tại khoa B4 (khoa lao kháng thuốc) được phát hiện mắc Covid-19 và đã lây lan sang 24 người khác là thân nhân và bệnh nhân của khoa B3 và B4 ở cùng một khối nhà. 

Hiện bệnh viện phải tạm phong toả khu vực điều trị nội trú bệnh lao để rà soát lại toàn bộ các khoa, phòng khác (tất cả cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1). 

Đối với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, qua tầm soát xét nghiệm đã phát hiện 10 trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên, người lao động tại bệnh viện (nhân viên bảo vệ, phòng tài chánh kế toán), hiện bệnh viện đã tạm phong toả toàn bộ bệnh viện để rà soát, kiểm tra xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên bệnh viện.

Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện tiếp tục triển khai các giải pháp theo tiêu chí bệnh viện an toàn của Bộ Y tế, các hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế đã ban hành, đồng thời phải siết chặt hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện. Cụ thể như sau:

1) Đối với khu vực khám bệnh ngoại trú: tiếp tục thực hiện nghiêm sàng lọc qua khai báo y tế và đo thân nhiệt; nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống lây nhiễm, trong giai đoạn cao điểm hiện nay các bệnh viện nên tăng cường sử dụng khẩu trang N95 cho nhân viên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tiếp tục củng cố cơ sở hạ tầng cho bộ phận khai báo y tế và khám sàng lọc theo hướng tách rời khỏi khối nhà hiện hữu của khoa Khám bệnh.

2) Đối với khoa Cấp cứu: tiếp tục thực hiện nghiêm buồng cấp cứu sàng lọc, theo đó tất cả bệnh nhân khi đến cấp cứu tại bệnh viện đều phải qua buồng cấp cứu sàng lọc, làm xét nghiệm PCR tầm soát trước khi chuyển lên các khoa nội trú (bố trí các buồng cách ly tạm chờ kết quả PCR trước khi chuyển vào các khoa nội trú).

3) Thực hiện xét nghiệm tầm soát đối với tất cả trường hợp có chỉ định nhập viện, nếu có thực hiện test nhanh vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR, trong thời gian chờ kết quả PCR phải bố trí người bệnh trong buồng cách ly tạm.

4) Đối với người nhà nuôi bệnh, phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi tham gia chăm sóc người bệnh, không dựa vào kết quả test nhanh (-).

5) Trường hợp người bệnh (+) cần can thiệp chuyên khoa: nếu không cấp cứu liên hệ chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương được phân công chuyên tiếp nhận các trường hợp (+) có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; nếu tình trạng cấp cứu cần phải can thiệp ngay, phải sẵn sàng khu cách ly có phòng mổ hoặc phòng sanh, phòng hồi sức sau mổ, hậu sản,… và hội chẩn bệnh viện tuyến trên trước can thiệp.

6) Thực hiện xét nghiệm định kỳ hàng tuần và đột xuất cho nhân viên (trước và sau khi tham gia các đội tiêm vắc xin và lấy mẫu xét nghiệm).

7) Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện tiếp tục đầu tư nguồn lực để triển khai xét nghiệm RT-PCR.

Theo doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/55-benh-vien-o-tphcm-da-co-truong-hop-f0-den-kham-benh-161213006231515565.htm

KHẨN: Lấy 600.000 mẫu xét nghiệm COVID-19 trên toàn Thủ Đức, 460.000 mẫu toàn Bình Thạnh

UBND TP Thủ Đức vừa có thông báo khẩn về việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 diện rộng trên địa bàn thành phố với số lượng 600.000 mẫu trong ngày 1-7.

KHẨN: Lấy 600.000 mẫu xét nghiệm COVID-19 trên toàn Thủ Đức, 460.000 mẫu toàn Bình Thạnh - Ảnh 1.

Ngành y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân trên địa bàn TP Thủ Đức – Ảnh: THU HIẾN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ông Hoàng Tùng – chủ tịch UBND TP Thủ Đức – cho biết ngày 1-7 UBND TP Thủ Đức sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát COVID-19 diện rộng trên địa toàn địa bàn TP Thủ Đức. Theo đó số lượng mẫu sẽ lấy trong ngày 1-7 là 600.000 mẫu. Thủ Đức có dân số trên 1 triệu người.

“Để đảm bảo khoảng cách trong quá trình lấy mẫu, UBND TP Thủ Đức đã hướng dẫn các phường tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để phân bố người dân cho phù hợp. Người dân được thông báo theo từng tổ, khu phố, phường để có khung giờ phù hợp tránh tình trạng tụ tập đông lấy mẫu.

Người dân từng địa bàn dân cư, liên hệ với chính quyền địa phương để biết được khu phố của mình sẽ được lấy vào thời điểm cụ thể nào, nhằm đảm bảo giãn cách”, ông Tùng nói.

TP Thủ Đức sẽ lấy mẫu người dân đủ 18 tuổi trở lên từ 10h đến 22h, không lấy mẫu người già yếu, bệnh tật và trẻ em. Nguyên tắc lấy mẫu là lấy mẫu gộp 10.

UBND TP Thủ Đức giao chủ tịch các phường phải chịu trách nhiệm tổng chỉ huy công tác lấy mẫu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng dân cư. Các phường sử dụng lại các khu vực bỏ phiếu bầu cử quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu HĐND để làm điểm lấy mẫu.

Các phường huy động lực lượng điều phối vị trí, sắp xếp linh động và phân chia thời gian cụ thể theo từng tổ dân phố để đảm bảo khoảng cách trong quá trình lấy mẫu, tránh việc lây nhiễm chéo, yêu cầu người dân thực hiện đúng nguyên tắc 5K trong quá trình chờ lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, các phường còn phải đảm bảo được công tác hậu cần, chuẩn bị dự phòng khẩu trang, nước khử khuẩn, nước uống cho lực lượng lấy mẫu…

Đối với các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên, trên cơ sở số đội được giao, phường có trách nhiệm hướng dẫn và cử 1 cán bộ cùng Công an thành phố và Quân sự thành phố hỗ trợ công tác lấy mẫu tại các doanh nghiệp.

460.000 mẫu toàn Bình Thạnh

Ngày 30-6, UBND quận Bình Thạnh triển khai kế hoạch xét nghiệm tầm soát cho người dân, người lao động tại khu dân cư trên địa bàn quận Bình Thạnh

Theo đó, quận sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người dân trên toàn địa bàn trong 2 ngày, 1 và 2-7. Dự kiến sẽ lấy 460.000 mẫu bằng phương pháp lấy mẫu gộp 10 hoặc 15. Được biết, quận Bình Thạnh được xếp vào nhóm địa phương có nguy cơ cao của dịch COVID-19. 

150.000 mẫu ở quận 3 

Ngoài ra, UBND quận 3 cũng sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người dân, người lao động trên địa bàn từ ngày 1-7 đến ngày 5-7. Dự kiến sẽ lấy 150.000 mẫu xét nghiệm tại 12 phường. Quận 3 thuộc nhóm địa phương có nguy cơ theo phân loại của UBND TP.HCM.

Trước đó, TP.HCM đẩy nhanh tốc độ và số lượng xét nghiệm giám sát ở cộng đồng trong 5 ngày. Tất cả 5 quận huyện có nhiều ca nhiễm COVID-19 (Tân Phú, Hóc Môn, Quận 8, Bình Tân, Bình Chánh) thực hiện lấy mẫu với chỉ tiêu 500.000 mẫu/ngày, bắt đầu từ 26-6 và kết thúc vào ngày 30-6.

Các quận huyện còn lại phân bổ theo nguy cơ và cũng lấy mẫu giám sát cộng đồng từ ngày 1-7 với số lượng 500.000 mẫu/ngày.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/khan-lay-600-000-mau-xet-nghiem-covid-19-tren-toan-thu-duc-460-000-mau-toan-binh-thanh-20210630214159806.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here