Thứ trưởng Bộ Y tế: “Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh”

0
125

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sáng 2/7 nhận định, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh khác.

Dịch tại TP.HCM còn phức tạp và khó lường

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 2/7, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc mới trong thời gian vừa qua liên tục nằm ở mức 3 con số, có những ngày ghi nhận trên 500 bệnh nhân. 

Ông Bỉnh nhận định, tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta (lần đầu ghi nhận tại Ấn Độ), đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh.

Từ các ca chỉ điểm, phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Rồi dịch xâm lấn vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với TP.HCM như Tiền Giang, Đồng Tháp…  Mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương.

Các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng tăng cao, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 2/7 (Ảnh: BYT)

Thứ trưởng cho biết, qua đánh giá và thảo luận với các điểm cầu quận huyện, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm còn nhiều vấn đề. Công tác truy vết trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi; Khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đối với việc triển khai test nhanh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế là khuyến cáo các địa phương test nhanh hợp lý để phát hiện các F0, khoanh vùng phong tỏa và các địa phương lân cận khu phong tỏa đó. 

“Thời gian qua, TP.HCM đã sử dụng 128.000 test nhanh trên tổng số 252.000. Bộ đề nghị thành phố tăng cường năng lực cũng như số lượng test nhanh cung cấp cho các quận huyện, đảm bảo công tác phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong công tác xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các quận huyện chủ động theo hướng giãn cách về thời gian, địa điểm, thực hiện nghiêm chỉ thị 10 của TP. Ông cũng đề xuất tất cả kết quả xét nghiệm phải được trả đúng giờ, đúng hẹn với người dân trong khu cách ly, phong toả. 

Bộ Y tế dự kiến sẽ phân bổ cho TP.HCM gần 1 triệu liều vaccine trong thời gian tới. Từ chiến dịch tiêm vaccine vừa rồi, TP.HCM nên rút ra những kinh nghiệm cần thiết nhằm xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thật chi tiết để khi có vaccine có thể thực hiện việc tiêm nhanh chóng, rộng rãi và thành công.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Bộ Y tế)

Những mũi nhọn trọng điểm trong phòng chống dịch tại TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng các địa phương của thành phố cần triển khai mạnh mẽ đợt cao điểm phòng chống dịch. Ông yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức chú trọng công tác tổ chức thực hiện ở từng khâu, từng bộ phận để tạo thành sức mạnh tổng thể trong công tác phòng chống dịch; 

Các hoạt động phòng, chống dịch cần căn cứ thực tiễn của địa phương, đồng thời theo đúng phương châm “5 tại chỗ”. Trong tình hình mới cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, thay đổi phương thức, cách thức chỉ đạo để phù hợp thực tiễn.

Đối với từng địa phương, cần phân nhóm nguy cơ (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ) đến từng phường, xã, khóm, các điểm nóng để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả giúp nhanh chóng kiểm soát, không chế tình hình dịch bệnh.

Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện triệt để việc giãn cách trong khâu lấy mẫu, luôn cảnh giác với nguy cơ có F0 xuất hiện, ngoài ra bố trí khung giờ lấy mẫu, địa điểm lấy mẫu phù hợp tránh tạo sự ùn ứ; 

Đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận để đảm bảo việc trả kết quả xét nghiệm được thực hiện nhanh chóng, chính xác, tránh tồn đọng; Các địa phương cần nhanh chóng triển khai test nhanh để đáp ứng, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh - Ảnh 3.

Một số đầu cầu quận huyện tham dự cuộc họp (Ảnh: Bộ Y tế)

Đối với công tác cách ly, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, các khu cách ly tập trung do Bộ tư lệnh TP.HCM phụ trách đã tiến hành rà soát và báo cáo đầy đủ, chi tiết về công tác đảm bảo tuân thủ các quy định, điều kiện cách ly tại các khu cách ly tập trung.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ thành lập các ban quản lý khu cách ly tập trung với sự tham gia của các lực lượng từ Bộ tư lệnh TP.HCM, Công an, Y tế, Tài nguyên môi trường, Thông tin truyền thông, An toàn thực phẩm cùng các lực lượng địa phương.

Với các khu cách ly do quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu không tổ chức cách ly tại trường học, đặc biệt là các trường tiểu học, các khu cách ly cần đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, được lắp đặt camera… theo đúng các quy định; 

Các địa phương xem xét việc chọn các nhà khách, khách sạn trên địa bàn, các khu nhà tái định cư… để tổ chức cách ly; đồng thời các quận, huyện cần nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly F1 tại nhà.

Đối với vấn đề thu dung điều trị cho bệnh nhân Covid-19, hiện TP.HCM đã chuẩn bị phương án 10.000 giường và sẽ có kế hoạch mở rộng quy mô để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.

Trong sáng 2/7, TP.HCM cũng đã tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch từ 12 đơn vị cá nhân, tổ chức với tổng trị giá ước tính lên đến 250 tỷ đồng.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn:https://doanhnghieptiepthi.vn/thu-truong-bo-y-te-dich-benh-tai-tphcm-con-rat-phuc-tap-kho-luong-so-ca-mac-tang-nhanh-161210207163724384.htm

Đồng Tháp phát hiện 10 ca nghi mắc Covid-19 là khách hàng đến giao dịch ngân hàng

Trong số các ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa được ghi nhận tại Đồng Tháp, có 10 trường hợp là khách hàng đến giao dịch tại phòng giao dịch ngân hàng Agribank Châu Thành.

Ngày 2/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết địa phương vừa ghi nhận 15 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tính từ 24/6 đến sáng 2/7, toàn tỉnh ghi nhận 92 ca mắc, nghi mắc. 

Theo đó, 10 ca nghi mắc là khách hàng đến giao dịch tại phòng giao dịch Ngân hàng Agribank Châu Thành. 3 ca ở TP. Hồng Ngự (2 trường hợp đang cách ly tập trung có kết quả dương tính, mẫu xét nghiệm sau 14 ngày). 2 trường hợp ở TP. Sa Đéc có liên quan đến chuỗi lây nhiễm Bệnh viện đa khoa Sa Đéc.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến quá phức tạp, tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP.Sa Đéc. 

Đồng Tháp phát hiện 10 ca nghi mắc Covid-19 là khách hàng đến giao dịch ngân hàng - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Cấm tụ tập nơi công cộng quá 3 người trở lên tại thành phố này. Hiện toàn tỉnh có các chùm ca bệnh COVID-19, gồm: Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò), Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp và Xí nghiệp May 6 (TP. Sa Đéc). 

Trong đó các ổ dịch tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc và Xí nghiệp May 6 nơi có 1.200 công nhân làm việc, diễn biến dịch rất phức tạp.

Tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành phong tỏa Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp và tạm dừng hoạt động Xí nghiệp May 6. Tính từ 27/4 đến nay, Đồng Tháp ghi nhận 42 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố.

Nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 chưa được Bộ Y tế công bố nên vẫn xem là ca nghi nhiễm. 

Chiều 1/7, Sở Y tế tiếp nhận đoàn công tác tình nguyện gồm 84 người từ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp đến hỗ trợ TP. Sa Đéc và huyện Châu Thành để truy vết các trường hợp có tiếp xúc với ca dương tính.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn:https://doanhnghieptiepthi.vn/dong-thap-phat-hien-10-ca-nghi-mac-covid-19-la-khach-hang-den-giao-dich-ngan-hang-161210207115720498.htm

TP.HCM: Một số người bệnh COVID-19 diễn biến xấu rất nhanh

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết một số người bệnh COVID-19 diễn biến rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong, đặc biệt trong quá trình chuyển tuyến cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân.

TP.HCM: Một số người bệnh COVID-19 diễn biến xấu rất nhanh - Ảnh 1.

Các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ, chạy thận cho bệnh nhân trong khu cách ly – Ảnh: THU HIẾN

Sở Y tế vừa có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị điều trị cho bệnh nhân COVID-19 về việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Theo Sở Y tế, thực tế đã có trường hợp bệnh nhân COVID-19 diễn biến rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong, do đó khi chuyển tuyến cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của người bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng để kịp thời sơ cứu trên đường chuyển.

Sở yêu cầu các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 (trực thuộc sở) chủ động liên hệ chuyên gia hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để hội chẩn ca mắc COVID-19 diễn tiến nặng.

Trường hợp có bệnh lý nền kèm theo hoặc cần can thiệp chuyên khoa, các đơn vị liên hệ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố, chủ động tham gia và trình bệnh án với nhóm chuyên gia điều trị COVID-19 các trường hợp diễn biến nặng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được giao nhiệm vụ kết nối các bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị COVID-19 tham gia vào nhóm chuyên gia điều trị của thành phố, nhằm trao đổi chuyên môn và thống nhất hướng xử trí đối với các trường hợp nặng.

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện đặc biệt chú ý thực hiện nghiêm hướng dẫn về điều trị và dự phòng rối loạn đông máu; cần tiến hành xét nghiệm D-Dimer, Fibrinogen… và dựa vào lâm sàng để phân tầng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và điều trị theo hướng dẫn.

Với các trường hợp bệnh viện không có khả năng làm xét nghiệm về đông máu, nếu người bệnh COVID-19 có tổn thương phổi (trên X-quang) cần được chỉ định Enoxaparin liều dự phòng: Lovenox 40mg/0,4ml, một ống tiêm dưới da mỗi 24 giờ.

Đối với người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi), bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều còn 3/4 ống (30mg) mỗi ngày. Trường hợp người bệnh thừa cân (trên 60kg) có thể cân nhắc tăng liều đến 1,5 ống (60mg) mỗi ngày.

Nhân viên y tế lưu ý các chống chỉ định của thuốc theo hướng dẫn sử dụng. Bệnh nhân cần được theo dõi số lượng tiểu cầu sau 2-3 ngày dùng thuốc và sau đó ít nhất một lần/tuần.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn:https://tuoitre.vn/tp-hcm-mot-so-nguoi-benh-covid-19-dien-bien-xau-rat-nhanh-20210702075332326.htm

Sáng 2/7 thêm 147 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM nhiều nhất với 118 ca

Theo bản tin 6h sáng 2/7 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 147 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (118), Phú Yên (10), Đồng Nai (5), An Giang (4), Long An (3), Nghệ An (2), Đồng Tháp (2), Hà Tĩnh (1), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1).

Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Tính từ 18h ngày 01/7 đến 6h ngày 02/7 có 151 ca mắc mới (BN17577-17727):

+ 04 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hoà.

+ 147 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (118), Phú Yên (10), Đồng Nai (5), An Giang (4), Long An (3), Nghệ An (2), Đồng Tháp (2), Hà Tĩnh (1), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1); trong đó 122 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính đến 6h ngày 02/7:

– Việt Nam có tổng cộng 15.905 ca ghi nhận trong nước và 1.822 ca nhập cảnh.

– Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 14.335 ca, trong đó có 4.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

– Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.

– Có 08 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk.

– Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.202.266 xét nghiệm cho 7.437.135 lượt người.

Tình hình điều trị:

– Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

+ Lần 1: 260

+ Lần 2: 138

+ Lần 3: 89

– Số ca tử vong: 81 ca.

– Số ca điều trị khỏi: 7.247 ca.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:

147 ca ghi nhận trong nước

– 2 CA BỆNH (BN17577-BN17578) ghi nhận tại tỉnh Nghệ An: là F1 của BN14118, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 01/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

– 3 CA BỆNH (BN17579-BN17581) ghi nhận tại tỉnh Long An là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trung tâm Y tế Tân Trụ, tỉnh Long An.

– 5 CA BỆNH (BN17582-BN17586) ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai là các trường hợp F1 liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn – TP. Hồ Chí Minh, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

– 10 CA BỆNH (BN17587-BN17591, BN17593-BN17594, BN17725-BN17727) ghi nhận tại tỉnh Phú Yên là các trường hợp F1 trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

– 1 CA BỆNH (BN17592) ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh: nam, 7 tuổi, địa chỉ tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; là F1 của BN17085, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 01/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

– 1 CA BỆNH (BN17599) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: nam, 6 tuổi, địa chỉ tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; là F1 của BN13960, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 01/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

– 4 CA BỆNH (BN17600-BN17603) ghi nhận tại tỉnh An Giang là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 01/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện An Phú, tỉnh An Giang.

– 2 CA BỆNH (BN17604-BN17605) ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp là các trường hợp F1, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 29/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp.

– 118 CA BỆNH (BN17606-BN17723) ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 94 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 24 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

– 1 CA BỆNH (BN17724) ghi nhận tại tỉnh Bình Phước: nam, 31 tuổi, địa chỉ tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; là F1 của BN17087. Kết quả xét nghiệm ngày 01/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh

– 4 CA BỆNH (BN17595-BN17598) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Ngày 21/6/2021, từ Nga nhập cảnh Việt Nam tại Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN62 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 01/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Theo doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/sang-2-7-them-147-ca-mac-covid-19-rieng-tphcm-nhieu-nhat-voi-118-ca-161210207060711905.htm

Hộ gia đình ở 3 xã và thị trấn Hóc Môn không được tiếp xúc nhau, dừng bán vé số từ 0h ngày 2/7

Các hộ gia đình không giao lưu tiếp xúc với nhau, người giãn cách với người. Bên cạnh đó còn tạm dừng chợ truyền thống và bán vé số, hàng rong để phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 1/7, UBND huyện Hóc Môn vừa ra văn bản KHẨN về việc siết chặt biện pháp trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn 3 xã và thị trấn Hóc Môn.

Theo UBND huyện Hóc Môn, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại huyện Hóc Môn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 30/6, số ca nhiễm là 31, số ca nghi nhiễm là 164.

Trong đó địa bàn xã Bà Điểm có 79 ca nhiễm, 26 ca nghi nhiễm, thị trấn Hóc Môn có 30 ca nhiễm, 32 ca nghi nhiễm; Tân Xuân có 47 ca nhiễm, 09 ca nghi nhiễm; Xuân Thới Đông có 29 ca nhiễm, 34 ca nghi nhiễm.

Hầu hết các ca dương tính được phát hiện từ các khu phong tỏa sau khi có ca liên quan F0 các chuỗi lây nhiễm như từ Nhóm truyền giáo Phục Hưng, chuỗi lây nhiễm từ Công ty Minh Thông (xã Tân Xuân), chuỗi Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn,…

Ngoài ra, với kết quả tầm soát xét nghiệm diện rộng đối với các trường hợp có nguy cơ cao đã phát hiện một số ca nhiễm trong cộng đồng.

Hộ gia đình ở 3 xã và thị trấn Hóc Môn không được tiếp xúc nhau, dừng bán vé số từ 0h ngày 2/7 - Ảnh 1.

Phong toả một khu vực xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn

Nhằm góp phần nhanh chóng kiểm soát khoanh vùng, dập dịch với đối với địa bàn, UBND huyện Hóc Môn có ý kiến chỉ đạo như sau:

Kể từ 00 giờ 00 ngày 2/7 đến 10 giờ 00 ngày 15/7 đối với địa bàn xã Tân Xuân, xã Bà Điểm, xã Xuân Thới Đông, thị trấn Hóc Môn triển khai siết chặt các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, các hộ gia đình chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không giao lưu tiếp xúc với nhau, người giãn cách với người.

Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết khi mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; thiên tai, hỏa hoạn; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao.

Hộ gia đình ở 3 xã và thị trấn Hóc Môn không được tiếp xúc nhau, dừng bán vé số từ 0h ngày 2/7 - Ảnh 2.

Một khu vực ở huyện Hóc Môn bị phong toả

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi tuyển sinh lớp 10, trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 03 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét và phải tiến hành khai báo y tế điện tử,

Các loại hình được phép hoạt động gồm:

Các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…).

Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm… ), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch theo quy định.

Hộ gia đình ở 3 xã và thị trấn Hóc Môn không được tiếp xúc nhau, dừng bán vé số từ 0h ngày 2/7 - Ảnh 3.

Dựng lều dã chiến tại chốt phong toả ở huyện Hóc Môn

Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động. Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động.

Các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, dịch vụ giải trí, công trình phải tạm dừng hoạt động.

Phòng khám thẩm mỹ và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa cũng phải tạm dừng hoạt động.

Tạm dừng các chợ truyền thống, chợ tự phát, người buôn bán hàng rong, bán vé số, các loại hình dịch vụ ăn uống tại chỗ và bán mang về.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát rộng, trong đó ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm bằng hình thức test nhanh đối với các diện nguy cơ (buôn bán, công nhân trong các phòng trọ, tiểu thương chợ đầu mối, chợ truyền thống, bán vé số,…) và tầm soát mẫu gộp đối với các hộ gia đình trong khu vực, trước ngày 3/7.

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế huyện rà soát, nắm chắc các khó khăn của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ, các trường hợp bị ảnh hưởng việc làm của người lao động trên địa bàn xã Tân Xuân, xã Bà Điểm, xã Xuân Thới Đông, thị trấn Hóc Môn; tham mưu UBND huyện để có các giải pháp kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân tại các địa bàn nêu trên.

Phòng Kinh tế huyện kiểm tra phối hợp các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện tăng cường thực hiện việc cung cấp đầy đủ hàng hóa, đảm bảo theo Chương trình Bình ổn giá để phục vụ Nhân dân trên địa bàn các xã-thị trấn, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; khuyến khích mua hàng trực tuyến.

Thực hiện giãn cách tại các hệ thống siêu thị theo hướng chia từng đợt, mỗi đợt không quá 20 người; thực hiện các thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt cho toàn bộ người ra vào.

Theo Doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/ho-gia-dinh-o-3-xa-va-thi-tran-hoc-mon-khong-duoc-tiep-xuc-nhau-dung-ban-ve-so-tu-0h-ngay-2-7-16121010720550503.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here