Thương bé trai gào khóc xin cứu bố nặng 28kg tai biến trong căn nhà sắp sập

0
148

Người đàn ông 48 tuổi chỉ nặng 28kg, mắc bệnh tim, tiểu đường ngất lịm trên giường được con trai phát hiện, hô hoán hàng xóm đến giúp đưa đi cấp cứu.

Mất điện, anh Hà quạt phe phẩy cho con trai Minh Nhật đang bị ốm sốt.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Hoàng Xuân Hà (48 tuổi, trú tại thôn 2, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) vào một chiều hè nắng nóng. Bị mất điện, anh vừa cầm quyển sách quạt phe phẩy vừa chạm tay vào trán con trai Hoàng Minh Nhật (học lớp 3) đang bị ốm và hỏi: “Con có mệt lắm không?”.

Minh Nhật thều thào: “Con mệt lắm!” rồi lại thiếp đi. Thể trạng vốn đã yếu do bị suy dinh dưỡng, cậu bé chỉ nặng gần 20kg càng yếu ớt, xanh xao trong trận ốm này. Anh Hà pha viên vitamin C sủi vào cốc nước rồi đưa cho con uống lấy sức.

Túi lớn, túi bé thuốc tây trong nhà anh Hà.

Trong nhà anh không có tài sản gì đáng giá, ngổn ngang những túi thuốc tây treo trên tường, để dưới bàn nước. Dáng đi xiêu vẹo, run lẩy bẩy, thở hắt ra mỗi khi nói chuyện, cơ thể anh Hà như suy kiệt do bạo bệnh hành hạ trong những năm qua.

Anh bị bệnh tiểu đường, tim mạch nhiều năm qua và mới về nhà được hơn 10 ngày sau đợt điều trị tai biến tại bệnh viện. Lần đó, anh đang nằm trên giường bất ngờ chân tay buông thõng, bất tỉnh nhân sự. Con trai Minh Nhật thấy thế liền chạy sang nhà hàng xóm kêu cứu. Dân làng đến đưa anh Hà đi cấp cứu kịp thời, may mắn bảo toàn được mạng sống.

Từ ngày bị tai biến, trí nhớ anh Hà giảm sút, bị nói ngọng, lắp bắp. Ông bố chỉ nặng 28kg, bệnh tật đầy người này là điểm tựa duy nhất của cậu con trai gầy còm. Trước đây, anh Hà làm thợ xây, dù sức khỏe yếu vẫn cố đi làm kiếm tiền nuôi con nhưng hơn một năm nay bệnh tình trở nặng, không thể đi làm được.

Bố con anh Hà chỉ biết dựa vào nhau rau cháo qua ngày, tương lai mờ mịt

Không có ruộng cấy, bố con anh Hà không có nguồn thu nhập nên cuộc sống bấp bênh, phải trông cậy vào sự đùm bọc của gia đình em trai và hàng xóm. Người cho gạo, rau xanh, thức ăn, người cho mắm, muối. Em trai anh Hà ở bên quê vợ, cuộc sống cũng khó khăn, thi thoảng cho anh ít tiền tiêu vặt khi về nhà.

Đợt anh Hà đi bệnh viện vừa qua, hàng xóm giúp anh chăm sóc bé Nhật và cả làng vận động quyên góp được hơn 20 triệu đồng để trả viện phí cho anh. “Nhìn gia cảnh nhà tôi chẳng ai cho vay tiền, mà tôi cũng không dám cất lời vay ai vì biết chẳng có khả năng trả nợ được. Nhờ có sự giúp đỡ của họ hàng, bà con trong làng mà bố con tôi mới gắng gượng được đến hôm nay”, anh Hà bộc bạch.

Anh Hà lấy áo lau nước mắt khi nghĩ về hoàn cảnh hẩm hiu của mình.

Cách đây nửa năm, vợ anh Hà đã bế theo con gái nhỏ về nhà ngoại ở Thanh Hóa. Chia sẻ nỗi nhớ vợ con và thương số phận gian truân, mắt anh Hà ầng ậc nước. “Nhiều lúc con trai bảo nhớ mẹ và em nhưng tôi lực bất tòng tâm vì không có đủ sức lực, tiền bạc để đi tìm vợ con về. Giờ tôi chỉ còn biết cố gắng để nuôi con khôn lớn”, anh Hà kéo áo lau nước mắt.

Căn nhà xây hơn 30 năm vốn đã xập xệ, nay thiếu bàn tay người phụ nữ càng thêm tuềnh toàng, lạnh lẽo. Tường chằng chịt vết nứt, vôi vữa bong tróc, phải dựng chiếc gậy đỡ xà nhà tránh bị sập. Nền nhà mốc rêu xanh, chỗ lồi chỗ lõm tới mức bàn ghế, giường phải kê miếng gỗ cho bằng, rồi cửa sổ bằng gỗ mục nát phải buộc dây cố định.

Lớp ngói trên mái nhà lộn xộn, hễ mưa là dột. Hôm chúng tôi đến thăm bố con anh Hà, ngồi trong nhà thấy rõ ánh nắng xuyên vào qua khe hở trên mái ngói. Chỗ giường bố con anh nằm phải căng tấm bạt để vừa che nắng vừa tránh nước mưa dột vào.

Căn nhà cũ nát, chằng chịt vết nứt, phải dựng gậy đỡ xà đề phòng đổ sập bất cứ lúc nào.

Được biết, trước đây vợ chồng anh Hà mưu sinh ở miền Nam nhưng cuộc sống quá khó khăn nên khăn gói về quê làm ăn. Hiện hàng ngày anh phải tiêm 2 mũi insulin để điều trị bệnh tiểu đường, rồi uống đủ loại thuốc khác.

Ông Nguyễn Đình Oanh sống bên cạnh nhà anh Hà chia sẻ, thương hoàn cảnh của bố con anh nên hàng xóm cũng quan tâm, động viên tinh thần và giúp đỡ phần nào về vật chất để vơi bớt khó khăn.

“Bộ bàn ghế và hai cái giường cũng là do hàng xóm xây nhà mới không dùng đến nên mang cho anh ấy chứ trước đây hai bố con phải trải chiếu xuống đất nằm đấy. Người đã ốm đau, bệnh tật nhưng lại sống trong căn nhà ẩm thấp, xập xệ thì sức khỏe càng yếu ớt hơn. Chúng tôi vẫn cứ ao ước mãi giá mà nhận được sự chung tay của cộng đồng giúp bố con anh ấy có khoản tiền để sửa lại căn nhà cho ấm cúng, mưa không bị dột thì tốt quá”, ông Oanh giãi bày.

Nhà xây lâu đời nên mái ngói lộn xộn khiến nắng rọi, mưa dột.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Lan (Trưởng thôn 2, xã Kiến Quốc) cho biết, gia đình anh Hà thuộc hộ nghèo của thôn từ đầu năm nay, hiện chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng, được tặng thẻ BHYT để khám chữa bệnh và hỗ trợ ít tiền điện, miễn học phí cho con trai.

“Mấy tháng trước, cán bộ trên huyện xuống kiểm tra, rà soát hộ nghèo thấy sao nhà anh Hà này sinh năm 1974 đang tuổi lao động mà lại nằm trong diện hộ nghèo. Họ nghi ngờ nên đến tận nhà kiểm tra thì thấy bố con anh ấy hom hem, yếu ớt nên về làm thủ tục trợ cấp xã hội nhưng giờ vẫn chưa thấy được”, bà Lan kể.

Đợt anh Hà đi bệnh viện vừa qua, bà Lan cùng một số người dân kêu gọi mọi người ủng hộ tiền và lương thực để giúp anh chữa bệnh. Vào dịp Tết, nhà anh Hà cũng nhận được quan tâm, tặng quà và tiền mặt để ăn Tết. Hồi đầu năm, chính quyền địa phương có lập danh sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ nghèo muốn xây nhà nhưng anh Hà dù muốn cũng không dám đăng ký vì không biết lấy đâu ra khoản tiền còn thiếu để xây.

“Đợt này, chúng tôi cũng đang kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp giúp bố con anh Hà làm lại cái nhà vững chắc, mưa bão không sợ bị dột và đổ sập nữa. Tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm của bạn đọc báo Dân trí, giúp cho anh ấy có thêm điểm tựa để vững vàng hơn mà nuôi con khôn lớn”, bà Lan kêu gọi.

Thể trạng vốn đã yếu ớt, nhiều bệnh tật, bố con anh Hà phải sống trong căn nhà cũ nát, ẩm mốc càng làm cho sức khỏe kém hơn.

Nền nhà ẩm mốc, chỗ lồi chỗ lõm nên bộ bàn ghế phải kê miếng gỗ cho cân.

Nơi bố con anh Hà nằm phải căng tấm bạt để mưa không bị dột, nắng không rọi vào.

Theo dân trí

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here