Tình yêu cổ tích của người đàn ông cao 90cm và vợ kém tuổi: Nên duyên nhờ nghề may nón

0
159

Câu chuyện vợ chồng anh Phong và chị Liên đã trở thành cảm hứng cho nhiều người khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn và tự tin mơ giấc mơ hạnh phúc.

Đồng cảnh khuyết tật bẩm sinh, họ đã tìm thấy nhau, cùng nhau vun đắp mái ấm gia đình. Đó là câu chuyện hệt như cổ tích của người đàn ông có vóc dáng đứa trẻ, anh Hoàng Văn Phong (SN 1965) và Chị Lê Thị Liên (SN 1970) ở thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Chuyện tình người may nón tí hon

Anh Hoàng Văn Phong là con thứ ba trong gia đình bốn anh em. Trong nhà ai cũng khỏe mạnh, riêng anh Phong đến tuổi trưởng thành chỉ cao 90cm. Sức khỏe yếu, việc đi lại và sinh hoạt của anh khó khăn hơn người bình thường rất nhiều.

Mặc dù rất cố gắng đến trường như bạn bè, song do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chỉ học hết tiểu học.

Phải duyên nên… nhào tới - Ảnh 1.

Anh Phong và chị Liên trước ngôi nhà khang trang họ đã cùng nhau gầy dựng

Nhưng cuộc đời chẳng lấy đi của ai tất cả, lớn lên, với đôi bàn tay khéo léo và sự cẩn thận, tỉ mỉ, anh Phong nổi tiếng khắp vùng bởi biệt tài làm nón lá. Những chiếc nón bền, đẹp với đường khâu mũi chỉ đều tăm tắp anh kỳ công làm ra khiến người dùng thích thú.

“Nón các mẹ, các bà đội trên đầu khi đi chợ, đi làm đồng; thậm chí nón của cô dâu về nhà chồng trong xã Kỳ Hoa, đều là sản phẩm tôi làm đấy“, anh Phong hào hứng chia sẻ.

Cũng nhờ tài may nón, anh đã gặp được người phụ nữ định mệnh của đời mình – chị Lê Thị Liên. Bị dị tật bẩm sinh ở chân, việc đi lại của chị cũng gặp không ít khó khăn.

26 năm về trước, duyên tiền định đến với hai người khi chị Liên nghe tiếng anh Phong làm nón đẹp và cất công đến tận nơi tìm mua.

Ngay từ lần gặp đầu, chị đã dành cho anh một tình cảm đặc biệt, từ cảm phục chị chuyển sang đồng cảm, chia sẻ. Sau năm tháng yêu thương và tìm hiểu nhau, vượt qua khó khăn, cấm cản từ gia đình, hai người đã chính thức về sống với nhau sau một đám cưới giản dị.

Nhắc đến chuyện tình yêu, chị Liên nhìn chồng cười bẽn lẽn: “Hồi đó là tôi nhào tới với anh ấy đấy chứ. Nhìn anh ấy thương lắm, lại hiền lành, sao không mến cho được”.

Anh Phong cũng rưng rưng nhắc lại: “Khoảng thời gian khó khăn nhất đó là sau khi cưới ba tháng. Bố tôi bị ung thư và qua đời, anh chị tôi sau khi lập gia đình đều làm ăn xa, mẹ thì đã có tuổi. Gia đình hai bên đều nghèo nên vợ chồng tôi phải bươn chải.

Vợ mò cua bắt ốc, trồng rau, ai thuê làm gì cũng cố gắng làm, còn tôi vẫn tiếp tục may nón, để đủ tiền lo bữa ăn hằng ngày và chăm mẹ. Bữa ăn đạm bạc cơm cà dưa muối nhưng có nhau nên ấm áp, hạnh phúc”.

Phải duyên nên… nhào tới - Ảnh 2.

Nhờ chăm chỉ lao động, vợ chồng anh Phong đã thoát nghèo

Quả ngọt

Điều kỳ diệu đã đến với vợ chồng anh Phong, chị Liên khi vào năm 1998, con gái đầu là Hoàng Bảo Ngọc chào đời. Bốn năm sau đó, anh chị lại có thêm thành viên mới, là cậu con trai Hoàng Xuân Diệu. Cả hai con đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn khiến cuộc sống của vợ chồng viên mãn dù khó khăn về kinh tế.

Về sau, mắt anh Phong kém dần nên không thể làm nón, chị Liên bận chăm con nhỏ và sức khỏe cũng yếu đi, không làm việc nặng nhọc được.

Cơ hội vượt khó đến với gia đình khi anh chị được Hợp tác xã thôn Hoa Văn cấp cho ba sào đất nông nghiệp. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng, anh chị mua hai con bò, mua giống rau quả như dưa hấu, táo, cải, cà rốt, su hào, sắn, khoai… về trồng, từng bước phát triển kinh tế.

Sau một vài mùa vụ đầu thất bại do thiếu kinh nghiệm, hai vợ chồng dần lấy lại được vốn liếng. Có những mùa mưa gió thuận hòa, thu nhập của họ lên đến trên 30 triệu đồng.

Đáp lại sự vất vả của cha mẹ, các con anh chị đều chăm ngoan học giỏi. Cô con gái đầu sau khi hết lớp 12 đã đi xuất khẩu lao động với ước mong kiếm tiền gửi về giúp bố mẹ. Cậu út Hoàng Xuân Diệu hiện học nghề ở thành phố Vinh (Nghệ An).

Sau gần mười năm cố gắng tích góp tiền, anh chị đã trả hết nợ ngân hàng và vừa hoàn thiện ngôi nhà khang trang.

Phải duyên nên… nhào tới - Ảnh 3.

“Không dám mong muốn điều gì cao sang, chỉ mong vợ chồng và hai con luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ, đủ ăn đủ mặc như hiện tại” anh Phong chia sẻ. Câu chuyện vợ chồng anh Phong và chị Liên đã trở thành cảm hứng cho nhiều người khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn và tự tin mơ giấc mơ hạnh phúc.

Theo Phunuonline

Cô gái Bến Tre và tình yêu với chàng trai nằm liệt giường: Chuẩn bị tinh thần ngày anh đi

Dù đã dành 4 năm cố gắng để chứng minh tình yêu của mình song chị Nguyễn Thủy Trúc (32 tuổi, quê Bến Tre) vẫn chưa nhận được cái gật đầu của cha mẹ.

Cô gái Bến Tre và tình yêu với chàng trai nằm liệt giường: Chuẩn bị tinh thần ngày anh đi - Ảnh 1.

Chị Trúc dành toàn thời gian để chăm sóc người yêu (Ảnh: NVCC)

Cảm nắng chàng trai bán hàng qua mạng

Cuối năm 2018, Trúc đang băn khoăn không biết mua phụ kiện điện thoại ở đâu thì thấy một địa chỉ ở Bình Định. Cô nhắn tin cho cửa hàng nhờ tư vấn. Thấy người bán nhiệt tình, chân thật lại dễ thương, Trúc cũng mở lòng trò chuyện.

Sau nhiều ngày nhắn tin, Trúc nảy sinh cảm tình với chàng trai ấy lúc nào không hay. Đến khi tình cảm ngày một lớn, Trúc muốn gọi điện xem mặt người ấy thì bất ngờ anh nói mình là người khuyết tật, chỉ nằm được trên giường.

“Lúc mới biết tôi cũng có chút bất ngờ nhưng sau khi nghe kể về câu chuyện cuộc đời anh, tôi càng thấy thương và khâm phục nghị lực của anh hơn”, Trúc nói.

Người đàn ông cô trao tình cảm là anh Nguyễn Chánh Tín (35 tuổi, quê Bình Định). Một lần tai nạn giao thông đã khiến anh phải đối mặt với tử thần, may mắn giữ được tính mạng nhưng phải nằm bất động trên giường.

Thay vì than thân trách phận, anh Tín trân trọng cơ hội sống và cố gắng kinh doanh online, bán hàng tạp hóa để kiếm tiền nuôi bản thân.

Cô gái Bến Tre và tình yêu với chàng trai nằm liệt giường: Chuẩn bị tinh thần ngày anh đi - Ảnh 2.

Nguyễn Chánh Tín dùng bàn tay tật nguyền viết cuốn tự truyện “Tôi chọn sống”

“Tôi thường lên mạng canh mua đồ giảm giá rồi bán lại với giá thị trường, bán mọi thứ có thể rồi hưởng tiền chênh lệch. Sau đó, tôi dùng vốn mở tiệm tạp hóa, nằm một chỗ cho khách tự chọn, tự trả tiền. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi gặp Trúc, người con gái mang đến cho tôi nhiều động lực và hy vọng”, Tín kể.

Khi biết Trúc có tình cảm với mình, anh Tín bỗng muốn chia tay vì không muốn cô phải khổ. Nhưng Trúc không đồng ý, nằng nặc đòi về Bình Định thăm anh.

Những cái nhìn đầy lo lắng, ngờ vực

Trước sự quả quyết của cô, anh Tín phải gật đầu đồng ý. Lần đầu tiên về nhà anh, Trúc nhìn thấy chàng trai nằm bất động, cô không kìm được cảm xúc mà chạy vào giường nơi anh nằm, nắm lấy bàn tay run rẩy của anh và nở nụ cười tươi.

“Lúc đó thấy thương anh lắm. Nhìn anh gầy gò nhưng giọng nói lại thân thiện, ấm áp, cho mình cảm giác được an toàn. Gặp anh lần đầu mà như đã quen lâu lắm rồi, không có cảm giác xa lạ nào cả”, chị Trúc kể.

Nhớ lại lần đầu gặp Trúc, gương mặt anh Tín bất giác nở nụ cười hạnh phúc: “Sáng đó, tôi nhờ má ra đón Trúc tại bến xe. Khi Trúc bước vào nhà, tôi không thể quên được hình ảnh đó. Cô ấy còn đẹp hơn ở trong ảnh. Thấy tôi mặc đồ xộc xệch như vậy, Trúc cũng không một lời chê bai mà còn tới gần cầm tay, rồi phụ tôi lau mặt, thay áo. Dù còn lóng ngóng nhưng tôi cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm sau những động tác ấy”.

Cô gái Bến Tre và tình yêu với chàng trai nằm liệt giường: Chuẩn bị tinh thần ngày anh đi - Ảnh 3.

Trúc giúp người yêu tập vật lý trị liệu

Thấy cả hai đều vui vẻ nhưng mẹ anh lại không khỏi lo lắng, sợ con trai bị bỏ rơi rồi tuyệt vọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Không giấu nổi những lấn cấn trong lòng, mẹ anh Tín hỏi Trúc: “Con có yêu nó thật không? Con trai bác đến cử động tay còn khó khăn, đến trở mình cũng không làm được, người khác còn muốn tránh xa, tại sao con lại yêu nó?” Trúc cũng không biết phải trả lời thế nào, đành để má tự cảm nhận và dùng thời gian chứng minh.

Anh Tín lúc này cũng nhận được nhiều câu hỏi từ bạn bè, hàng xóm. Đa phần đều ngờ vực, cho rằng mối tình này sẽ không kéo dài được bao lâu hoặc không thể tin tưởng được. Những lời đó anh Tín thường bỏ ngoài tai và tin vào tình yêu của Trúc. Nhưng khi biết gia đình Trúc không đồng ý mối quan hệ này, anh cũng buồn và bất lực.

“Nếu biết con gái mình yêu một người tật nguyền, lại còn tật nguyền nặng như tôi thì bố mẹ nào cũng sẽ phản ứng như vậy. Nhưng tôi sẽ cố gắng dùng thực lực của mình để chứng minh cho bố mẹ Trúc thấy tôi có nhiều giá trị”, anh Tín tâm sự.

Một năm sau đó, chị Trúc dù bận công việc ở TP.HCM đến mấy cũng về thăm anh ít nhất 1 tháng/lần. Quãng đường gần 700km, hơn 30 tiếng rồi trên xe, chị cũng suy nghĩ nhiều về sự phản đối của gia đình và tình yêu dành cho anh. Nhưng có một điều chị có thể dễ dàng khẳng định là không bao giờ rời bỏ chàng trai này.

Bỏ việc để cùng nhau làm lại từ đầu

Thấy Trúc đi lại vất vả, hai người tính cách để được ở bên nhau, một là chị Trúc về quê của anh làm việc, hai là anh lên TP.HCM làm lại từ đầu. Sau nhiều ngày suy tính, tháng 7/2020, cô nhân viên văn phòng quyết định nghỉ việc, đón bạn trai lên thành phố, thay mẹ chăm sóc anh toàn thời gian. Nhưng khi đặt chân đến TP.HCM, cặp đôi không trực tiếp đến nhà trọ mà đến bệnh viện.

“Đến giờ có lẽ Trúc cũng chưa biết tại sao tôi quyết định vào bệnh viện. Thực sự là tôi muốn thử Trúc, xem cô ấy có chịu được cảnh chăm sóc tôi như vậy không. Nếu cô ấy thấy nản thì tôi sẽ để cô ấy đi rồi gọi mẹ lên đón về Bình Định, coi như là một chuyến đi dưỡng bệnh. Mặt khác, nếu cô ấy chịu được sự vất vả thì tôi cũng muốn cô ấy thích nghi và học cách chăm sóc bệnh nhân của y tá, bác sĩ, để sau không còn bỡ ngỡ”, anh Tín tâm sự.

Cô gái Bến Tre và tình yêu với chàng trai nằm liệt giường: Chuẩn bị tinh thần ngày anh đi - Ảnh 4.

Trúc dành trọn tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc cho anh Tín, dù gia đình không đồng ý

Quả thật, sự khác biệt giữa cuộc sống độc thân và khi nghỉ việc chăm sóc bạn trai khiến chị Trúc không khỏi bứt rứt. Ngày ngày ở trong bệnh viện, lo từng miếng ăn giấc ngủ và vệ sinh cá nhân cho anh khiến cô cảm thấy bí bách, đôi lúc phải nổi cáu.

“Lần cãi nhau lớn nhất, tôi bực dọc rồi bỏ ra ngoài. Nhưng có đi cũng không yên tâm vì không có ai lo cho anh. Tôi sợ anh đói, sợ đủ thứ rồi lại quay về với anh. Nhìn anh nằm trên giường bệnh, tôi lại càng thương anh hơn. Từ đó trở đi, tôi thấy cuộc sống chăm sóc anh cũng nhẹ nhàng hơn nhiều”.

Sau 3 tháng ở bệnh viện, chị Trúc đã quen với việc chăm sóc người bệnh và được anh Tín cấp “bằng tốt nghiệp”. Anh chị sau đó dọn về sống chung trong một căn hộ chung cư cho thuê. Anh tập trung vào việc kinh doanh online, làm đại lý phân phối các mặt hàng rồi viết sách truyền cảm hứng sống cho mọi người. Chị Trúc ngoài chăm sóc anh như một người mẹ thì phụ anh việc bán hàng.

“Trúc là trụ cột tinh thần để tôi dùng khối óc làm kinh tế. Kể từ khi yêu Trúc, tôi luôn lo sợ cô ấy phải chịu thiệt thòi nên phải cố gắng gấp 2, gấp 3 để bù đắp về mặt tình cảm lẫn kinh tế. May mắn, việc kinh doanh thuận lợi và đem lại cho chúng tôi nguồn thu nhập ổn định để chi trả tiền thuê nhà, tiền ăn uống thuốc thang và gửi về quê cho ba mẹ. Ngoài ra, thu nhập thụ động từ các nguồn khác cũng là khoản để chúng tôi thực hiện các dự tính sau này”, bạn trai chị Trúc nói.

Cô gái Bến Tre và tình yêu với chàng trai nằm liệt giường: Chuẩn bị tinh thần ngày anh đi - Ảnh 5.

Anh Tín cũng hết mực yêu thương người phụ nữ sẵn sàng từ bỏ tất cả để ở bên anh

Mơ về đám cưới và một đứa trẻ trước khi anh Tín đi xa

Dù hiện tại anh Tín hoàn toàn minh mẫn nhưng toàn thân ngày càng suy kiệt. “Nó vẫn luôn đau nhức, đến nỗi thần kinh đã chấp nhận được mọi cơn đau. Hôm nay tôi có thể nói chuyện bình thường nhưng ngày mai thì chưa chắc. Trúc cũng biết điều này và đã chuẩn bị tinh thần cho ngày tôi ra đi”, anh Tín trùng mắt và ước sẽ thực hiện được một số điều cho người yêu.

“Tôi mong nhận được cái gật đầu của ba mẹ Trúc để tổ chức một đám cưới, cho cô ấy được tự hào và hạnh phúc. Chúng tôi lên kế hoạch sinh em bé, để có ‘Tín thứ hai’ ở bên Trúc khi tôi đi xa, cho cô ấy đỡ tủi thân và có chỗ dựa về tinh thần”, anh chia sẻ.

Cô gái Bến Tre và tình yêu với chàng trai nằm liệt giường: Chuẩn bị tinh thần ngày anh đi - Ảnh 6.

Trúc mong muốn được mặc váy cô dâu, cùng anh Tín kết hôn

Về phía Trúc, đám cưới là mong ước của cô từ lâu nhưng chưa được sự đồng ý của cha mẹ nên cô cũng chưa dám tổ chức. Điều cô mong muốn lúc này là anh Tín được khỏe mạnh.

“Trường hợp xấu nhất, tôi sẽ vào chùa hoặc nơi thanh tịnh tương tự. Nếu có con, tôi sẽ yêu thương và chăm sóc bé như cách tôi dành tình yêu cho anh. Dù ngày mai có ra sao thì tôi cũng sẽ ở bên anh, không thể xa rời vì ở anh, tôi cảm nhận được mọi thứ: tình yêu, sự ấm áp và chở che”, cô nói.

Theo Trí thức trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/co-gai-ben-tre-va-tinh-yeu-voi-chang-trai-nam-liet-giuong-chuan-bi-tinh-than-ngay-anh-di-820222256584857.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here