Tối 2-10, bà con miền Tây đi xe máy nối đuôi nhau từ Bình Dương qua TP.HCM để về quê

0
139

 Mặc dù có lời kêu gọi ở lại của lãnh đạo tỉnh nhưng với mong muốn trở về nhà sau thời gian dài giãn cách, chiều tối 2-10, rất đông bà con miền Tây lũ lượt đi xe máy từ Bình Dương qua TP.HCM để về quê.

Tới 20h tối 2-10, liên tục có hàng ngàn người dân đi xe máy nối đuôi nhau trên các tuyến đường của Bình Dương đổ ra quốc lộ 13 hướng về phía TP.HCM.

Hầu hết họ là người lao động có quê ở các tỉnh miền Tây muốn trở về nhà sau đại dịch COVID-19.

Có thời điểm, dòng người đông tới mức ùn ứ một đoạn quốc lộ 13, gần “vòng xoay bệnh viện 512 giường”, thuộc phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một.

Nối giữa Bình Dương và TP.HCM có hai ngả: một ngả cầu Phú Cường (nối thành phố Thủ Dầu Một và huyện Củ Chi), một ngả cầu Vĩnh Bình (nối thành phố Thuận An và thành phố Thủ Đức). Tuy nhiên, cửa ngõ cầu Phú Cường đã bị chặn lại bởi hàng chục cảnh sát cơ động, người đi xe máy về quê được yêu cầu đi theo lộ trình quốc lộ 13 để về cửa ngõ cầu Vĩnh Bình.

Tới 21h tối 2-10, số lượng xe máy đi về quê trên quốc lộ 13 hướng từ Bình Dương về TP.HCM rất đông – Ảnh: BÁ SƠN

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào tối cùng ngày, các chốt chặn trên quốc lộ 13 tại Bình Dương không dừng người đi xe máy nữa, mà để họ di chuyển và sẽ được kiểm tra tại chốt kiểm soát Bình Dương – TP.HCM.

Tại ngã tư Địa Chất (giao giữa quốc lộ 13 và đường Lê Hồng Phong), nếu như đêm 1-10 và sáng 2-10 có hàng trăm người đi xe máy bị chặn lại thì tối 2-10, lực lượng tại chốt tuy vẫn túc trực nhưng không chặn người đi xe máy.

Theo quan sát, xe máy của bà con miền Tây hầu hết đi thành đoàn, chở theo cả các em nhỏ và nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, là “hành trang” trở lại quê hương sau những ngày khó khăn vì dịch bệnh.

Khoảng 21h tối 2-10, hàng ngàn người dân từ các nơi ở Bình Dương chạy xe máy chở con cái, người thân, đồ đạc lỉnh khỉnh vượt qua chốt cầu Vĩnh Bình trên quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức để tiếp tục lộ trình di chuyển về quê các tỉnh miền Tây.

Các chiến sĩ công an trực chốt cầu Vĩnh Bình cho biết vừa nhận được chỉ đạo của cấp trên không kiểm tra mà tạo điều kiện để người dân qua chốt dễ dàng, thuận lợi về quê.

Tuy nhiên, vừa “thả cửa” khoảng 10 phút thì lực lượng chức năng tại chốt cầu Vĩnh Bình lại nhận được chỉ đạo ngăn dòng người đang nối đuôi nhau về quê các tỉnh miền Tây để kiểm tra giấy test COVID-19, chứng nhận tiêm chủng mới cho qua chốt. Chỉ mới dừng 5 phút, tại chốt bắt đầu dồn ứ.

Hàng chục cảnh sát cơ động túc trực tại ngã tư đường Huỳnh Văn Cù – Cách Mạng Tháng Tám (hướng ra cầu Phú Cường), yêu cầu người đi xe máy quay lại quốc lộ 13 – Ảnh: BÁ SƠN

Có những khi trời mưa nhẹ nhưng vẫn không ngăn được dòng người về quê – Ảnh: B.SƠN

Tại một số chốt kiểm soát trên quốc lộ 13 tại Bình Dương trước đó không cho người đi xe máy về quê, thì tới tối 2-10 đã cho bà con lưu thông – Ảnh: BÁ SƠN

Người dân đi theo đoàn qua chốt cầu Vĩnh Bình, theo lộ trình vào quốc lộ 1 để về các tỉnh miền Tây – Ảnh: MINH HÒA

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/toi-2-10-ba-con-mien-tay-di-xe-may-noi-duoi-nhau-tu-binh-duong-ve-tp-hcm-20211002203132649.htm

Chính thức: TP.HCM cho phép người dân 4 tỉnh lân cận đi xe cá nhân qua lại làm việc

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn, áp dụng từ ngày 4/10.

Văn bản này được UBND TP.HCM gửi UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh.

Đối với vận chuyển bằng ô tô giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại.

Công nhân, chuyên gia khi di chuyển phải đáp ứng điều kiện là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm).

Đồng thời có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.

Về phương thức nhận diện quản lý phương tiện, các đơn vị (có trụ sở ở TP.HCM) xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Ban Quản lý khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện) đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT TP.HCM để cấp giấy (văn bản, giấy nhận diện theo mẫu Phụ lục đính kèm) tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh.

Đối với các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh, xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia và đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT các tỉnh để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh.

NÓNG: TP.HCM cho phép người dân 4 tỉnh lân cận đi xe cá nhân qua lại làm việc  - Ảnh 1.

TP.HCM chính thức cho phép người dân 4 tỉnh lân cận đi xe máy qua lại làm việc

Về tiêu chí an toàn trong hoạt động vận tải, người phục vụ, người điều khiển phương tiện là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 1 mũi được 14 ngày sau tiêm. Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, có dung dịch rửa tay sát khuẩn cho hành khách, dung dịch khử khuẩn cho phương tiện và thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải.

Trên phương tiện có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn người lao động, hành khách và người dân chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID19 theo quy định.

Về mức độ thông thoáng của phương tiện, mở cửa toàn bộ, không sử dụng máy lạnh hoặc đóng kín cửa, sử dụng máy lạnh từ 26 độ C trở lên.

Mật độ người tập trung trên phương tiện vận tải (bao gồm nhân viên phục vụ và người điều khiển phương tiện), vận chuyển không quá 50% sức chứa của phương tiện. Vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến.

Đối với trường hợp sử dụng xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy), là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 1 mũi được 14 ngày sau tiêm hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.

Về phương thức nhận diện, kiểm soát, người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR thì xuất trình một trong các giấy tờ như là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ít nhất 1 mũi vaccine được 14 ngày sau tiêm khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Theo Nhịp sống Việt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here