Vận động người dân TP.HCM tắt đèn và thắp nến tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19

0
154

Vào thời khắc 19 giờ 30 phút ngày 19.11, người dân TP.HCM được vận động tắt đèn và thắp nến để tưởng niệm những người đã mất trong dịch Covid-19, đèn hoa đăng được thả trên 2 dòng kênh: Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tàu Hũ – Bến Nghé.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, dự kiến tổ chức vào tối 19.11.

Lễ tưởng niệm nhằm thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự sẻ chia trước những mất mát, đau thương của hàng vạn gia đình đã mất đi người thân, đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, tại Hội trường Thống Nhất (Q.1, TP.HCM), khoảng 1.000 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành vùng trọng điểm phía nam và đại diện thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 dự lễ tưởng niệm cấp thành phố. Ở cấp quận, huyện có khoảng 100 đại biểu cùng dự.

Thả hoa đăng trên sông Sài Gòn dịp lễ Vu lan năm 2016. ĐỘC LẬP

Các đại biểu cùng xem lại một số hình ảnh, phóng sự về thành phố qua “Cuộc chiến sinh tử”, sau đó thực hiện nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch, chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp.

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình chọn địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm để thực hiện thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào lúc 19 giờ 30 ngày 19.11. Còn các quận: 4, 5 và 8 thì thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Tàu Hủ – Bến Nghé.

TP.HCM vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn tùy theo tình hình thực tế tổ chức hình thức tưởng niệm phù hợp; cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 19 giờ 30, ngày 19.11. Cũng vào thời gian trên, các tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu tại các cụm cảng sẽ kéo còi tưởng niệm.

UBND TP.HCM cũng giao các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến để tưởng niệm vào lúc 19 giờ 30 ngày 19.11.

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM kể từ ngày 18.5, tính đến ngày 10.11, hơn 17.000 người ở thành phố đã mất do Covid-19. TP.HCM là địa phương chịu mất mát nhiều nhất cả nước về người cùng nhiều tổn thất về kinh tế, xã hội.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/van-dong-nguoi-dan-tp-hcm-tat-den-va-thap-nen-tuong-niem-dong-bao-mat-vi-covid-19-post1400560.html

Chủ tịch Phan Văn Mãi: ‘Nếu dịch Covid-19 chuyển màu cam, TP.HCM sẽ siết chặt hoạt động’

“Nếu dịch Covid-19 giảm xuống, màu xanh mở rộng hơn thì hoạt động được mở nhiều hơn, còn nếu vàng lên, hoặc chuyển thành màu cam, màu đỏ thì hoạt động phải giảm đi”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Sáng 12.11, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trao đổi với báo chí về việc số ca nhiễm Covid-19 những ngày gần đây gia tăng.

Ông Mãi cho biết việc F0 gia tăng nằm trong dự kiến của thành phố vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn. TP.HCM và các quận, huyện, phường, xã luôn theo dõi sát, thấy chỗ nào bất thường thì có phương án xử lý. Như những ngày gần đây, H.Hóc Môn và H.Nhà Bè có ca nhiễm gia tăng thì thành phố tập trung đánh giá, phân tích và có các biện pháp truy vết nhanh, bao vây, xử lý kịp thời.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: 'Nếu dịch Covid-19 chuyển màu cam, TP.HCM sẽ siết chặt hoạt động' - ảnh 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Trước băn khoăn của doanh nghiệp liệu rằng thành phố có siết chặt khi dịch bệnh gia tăng, ông Mãi cho biết tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định rất rõ là phải thực hiện thích ứng an toàn. Do vậy, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh. “Nếu dịch giảm xuống, màu xanh mở rộng hơn thì hoạt động được mở nhiều hơn, còn nếu vàng lên, hoặc chuyển thành màu cam, màu đỏ thì hoạt động phải giảm đi”, ông Mãi nói.

Hiện nhiều địa bàn có nguy cơ dịch bệnh ở cấp độ 3 – nguy cơ cao, có nơi ở cấp độ 2 – nguy cơ trung bình, có nơi ở cấp độ 1 – nguy cơ thấp, còn chung toàn thành phố đang ở cấp độ 2. “Số ca nhiễm hằng ngày đang tăng, nếu tới mức phải siết lại thì thành phố sẽ siết chặt”, ông Mãi thông tin, đồng thời cho biết việc đánh giá cấp độ dịch được thực hiện hằng tuần.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận diễn biến dịch tại thành phố và các địa phương vẫn diễn biến phức tạp nên cần phải cẩn trọng, chủ động phòng dịch, không được lơ là. TP.HCM đã có kế hoạch củng cố hệ thống y tế nói chung gồm y tế cộng đồng, y tế điều trị, y tế phục hồi, trong đó trạm y tế củng cố về cán bộ lãnh đạo (trưởng trạm, phó trạm), bổ sung cán bộ y tế, cơ chế chính sách cho hoạt động của trạm y tế.

Vừa qua Sở Y tế có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động ở các phường, trong đó cán bộ y tế của các bệnh viện cấp thành phố làm nòng cốt xuống hỗ trợ, cán bộ cơ sở cùng tham gia để giải quyết vấn đề trước mắt. Sau nay, thành phố xây dựng cơ chế đưa các bạn sinh viên ngành y tốt nghiệp về làm việc tại trạm y tế một khoảng thời gian nhất định để bổ sung nguồn lực.

Theo Thanh niên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here