Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM: H.Hóc Môn, Q.6, Q.5 có số người bị phạt tiền nhiều nhất

0
101

Theo ghi nhận của các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM: vi phạm nhiều nhất là ở: Q.6, Q.19 Q.12; phạt tiền nhiều tại H.Hóc Môn, Q.6, Q.5…

Người lưu thông qua một chốt kiểm soát dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) xuất trình giấy tờ cho lực lượng chức năng. ẢNH: TRẦN TIẾN

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10.7, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, ở cấp TP đã thiết lập 12 trạm chốt chặn kiểm soát dịch Covid-19, còn ở cấp quận, huyện tính đến nay đã thiết lập tổng số 266 các chốt nhằm kiểm soát việc đi lại của người dân theo Chỉ thị 16 bắt đầu được thực hiện từ 0 giờ ngày 9.7.

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin, về tình hình kiểm tra tại các chốt trên địa bàn TP.HCM, đến 12 giờ ngày 10.7, tại các chốt TP.Thủ Đức, quận, huyện đã thực hiện kiểm tra 51.890 lượt phương tiện lưu thông gồm: mô tô, ô tô, xe chở chuyên gia, bệnh nhân, công nhân, xe tải. 

Lực lượng ngành công an đã nhắc nhở 863 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16; đồng thời kiểm tra, lập biên bản 203 trường hợp về các hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu. Lực lượng công an đã trình cho UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 389 triệu đồng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho hay, các địa bàn có phương tiện lưu thông nhiều gồm: Q.Bình Thạnh, TP.Thủ Đức, Q.7; vi phạm nhiều nhất là ở: Q.6, Q.10 Q.12; phạt tiền nhiều tại H.Hóc Môn, Q.6, Q.5…

“Về tình hình an ninh trật tự, chúng tôi ghi nhận các vụ phạm pháp hình sự, vi phạm khác đã giảm. Các vụ vi phạm chỉ bằng 1/3 so với ngày bình thường. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: trộm cắp tài sản, cướp giật…”, thượng tá Hà cho hay.  

PC08 lưu ý tài xế qua chốt kiểm soát phải có giấy xét nghiệm âm tính

Tại buổi họp báo, trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cũng thông tin về tình hình các phương tiện lưu thông qua 12 chốt kiểm soát dịch Covid-19 cấp TP. Theo đó, ghi nhận tình hình xe tải hoạt động rất nhiều do không bị ảnh hưởng theo Chỉ thị 16. 

Đa số các lái xe chấp hành nghiêm các quy định để được lưu thông. Lực lượng chức năng đã quyết định xử lý nghiêm các trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, trong đó buộc 782 xe quay đầu lại, không cho lưu thông qua chốt. 

Trung tá Nguyễn Văn Bình lưu ý, người lưu thông qua các chốt cần phải chấp hành nghiêm các quy định y tế, phải có giấy xét nghiệm âm tính, phải khai báo y tế điện tử khi ra khỏi nhà hoặc khi đi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19, mang theo các giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện; giấy tờ xác nhận công tác cán bộ, công nhân – viên chức; tuân thủ nguyên tắc 5K…

22 quận, huyện, TP.Thủ Đức xử phạt 841 triệu đồng

Việc xử phạt các lỗi vi phạm theo Chỉ thị 16 sẽ được thực hiện theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Đối với lỗi vi phạm ra đường trong trường hợp không cần thiết, áp dụng mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng; Lỗi giao tiếp trong phạm vi dưới 2 m, áp dụng mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng; Lỗi tụ tập từ 3 người trở lên, áp dụng mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân, 20-40 triệu đồng đối với tổ chức; Không đeo hoặc quên đeo khẩu trang nơi công cộng, áp dụng mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Sở TT-TT cũng cho hay, trong 2 ngày qua, UBND của 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức đã thực hiện xử phạt các trường hợp vi phạm như: ra khỏi nhà không có lý do cần thiết, tiếp tục mở kinh doanh các mặt hàng đã tạm dừng; tập trung đông người nơi công cộng với tổng số tiền 841 triệu đồng. 

Bên cạnh 12 chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các khu vực cửa ngõ, các quận, huyện, TP.Thủ Đức cũng lập các chốt kiểm soát việc đi lại theo Chỉ thị 16 của người dân bên trong TP cấp quận, huyện. Theo đó, tại các chốt kiểm soát, người dân lưu thông qua sẽ được yêu cầu dừng lại, xuất trình một số giấy tờ như: giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận đang làm việc tại cơ quan và trình bày lý do chính đáng để ra ngoài. Trường hợp không có lý do chính đáng sẽ buộc quay đầu xe hoặc bị lập biên bản xử lý.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/chot-kiem-soat-dich-covid-19-tai-tphcm-hhoc-mon-q6-q5-co-so-nguoi-bi-phat-tien-nhieu-nhat-1412370.html

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại ‘giấy thông hành’ trình bày lý do ra đường

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai vẫn có nhiều chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường để kiểm tra người dân ra đường không lý do. Trong buổi sáng đứng chốt, công an, CSGT đã được xem đủ loại ‘giấy thông hành’, nghe lý do ra đường.

Chốt kiểm soát trên đường Quang Trung (gần cầu Chợ Cầu) /// Ảnh: Độc Lập

Chốt kiểm soát trên đường Quang Trung (gần cầu Chợ Cầu)

ẢNH: ĐỘC LẬP

Sáng 10.7 bắt đầu ngày thứ hai TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Theo ghi nhận, từ 6 – 7 giờ, một số tuyến vốn hằng ngày đông đúc, di chuyển khó khăn như: Đinh Bộ Lĩnh, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ,… thì sáng nay vắng vẻ hơn. Trên đường có sự xuất hiện của nhiều lực lượng chức năng đứng chốt kiểm tra người dân ra đường không lý do. 

Từ 7 giờ 10 phút trở đi, xe cộ đông đúc hơn, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát cũng bắt đầu vất vả làm việc. Tại chốt Vòng xoay Dân Chủ của Công an Q.3, một rào chắn được dựng ra một phần đường Cách Mạng Tháng Tám, người dân muốn đi qua chốt này phải trình bày lý do, xuất trình các giấy tờ liên quan. 

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 1

Người dân chờ được qua chốt kiểm soát

ẢNH: ĐỘC LẬP

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 2

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xác nhận đi lại

ẢNH: ĐỘC LẬP

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 3

Nhiều người không có bản giấy, trình giấy xác nhận qua hình ảnh điện thoại cũng được công an linh động giải quyết

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở: “Ai có giấy lấy sẵn giấy ra bà con ơi”, “Đứng giãn cách ra mọi người ơi”,… Theo quan sát của PV, nhiều người dân đã chuẩn bị sẵn các giấy xác nhận đi lại của công ty để xin qua chốt. Một cán bộ trực chốt kiểm soát trên đường hôm qua và nay nhận xét: “Đủ loại giấy hết, một số người không làm trong lĩnh vực thiết yếu cũng được công ty cấp giấy mang ra trình. Do đó, khi kiểm tra giấy này, chúng tôi phải xem rõ đó là công ty nào, chuyên lĩnh vực gì thì mới giải quyết”.

Bà X. (40 tuổi, ngụ Q.11) chạy xe máy đến chốt nhưng không trình được giấy tờ gì, công an yêu cầu bà quay đầu xe trở lại để phòng dịch cho chính mình và mọi người. Bà X. phân vân một hồi: “Tôi làm giữ trẻ cho gia đình ở Q.1, công việc này do một công ty giúp việc giới thiệu. Giờ tìm đâu ra giấy như người đi làm công ty, mà nghỉ họ mướn người khác thì sao”.

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 4

Thậm chí, giấy xác nhận bản viết tay cũng được giải quyết

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Công an giải thích: “TP.HCM đã yêu cầu tạm ngưng giữ trẻ lâu rồi, chị báo lại với gia đình người ta đi. Giờ Chỉ thị 16 cách ly gia đình với gia đình mà chị đi vậy không an toàn cho chính chị nữa”.

Bà X. lên xe ngồi trầm ngâm một hồi, thở dài: “Công việc vừa ổn định được 2 tháng, giờ xin việc khó lắm. Nhưng vô rồi không ra được thì sao đây. Thôi để tôi quay về, gọi nói cho họ hiểu”.

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 5

Người dân ra đường những ngày này đa phần đều chuẩn bị sẵn giấy xác nhận đi lại

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trường hợp khác, ông K. (45 tuổi) làm việc tại văn phòng đại diện của một công ty may mặc ở TP.HCM có trụ sở chính ở Đồng Nai. Ông K. chỉ đưa được bằng lái xe và xin công an giải quyết để ông được văn phòng nhận giấy có đóng dấu đỏ làm “giấy thông hành”. Tuy nhiên, không chứng minh được công việc và lý do cần thiết phải ra đường, ông K. không được công an giải quyết. 

Một hồi sau, ông K. phải nhờ người đã đến văn phòng chụp ảnh giấy xác nhận gửi qua Zalo. Ông trình hình ảnh cho công an xem và được đồng ý để tiếp tục lưu thông. “Giờ chốt khắp nơi, không có giấy này thì khỏi đi làm”, ông K. nói.

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 6

Theo Chỉ thị 16, người dân TP.HCM được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp có việc cần thiết

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Cũng trong sáng 10.7, bà L. (63 tuổi) được một người phụ nữ chở đến xin qua chốt vì không có giấy tờ gì trong người. Bà L. nói có cha già ở Q.1 nên phải đi qua Q.3 để vào Q.1. Theo lời bà L., ông cụ già không thể tự nấu ăn, bà cùng người thân mang đồ ăn đến nấu cơm cho ông cụ rồi về. Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, địa chỉ, công an cho bà L. cùng người thân vào địa phận Q.3.

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 7

Trong sáng 10.7, một vài trường hợp phải quay đầu khi đến chốt Vòng xoay Dân Chủ

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Người dân quét mã QR khai báo y tế tại chốt cầu Chợ Cầu

Ảnh: Độc Lập

Trường hợp khác, chị M.T cũng không có giấy tờ gì để chứng minh ra ngoài có lý do cần thiết. Chị chỉ vào chiếc laptop ở trong giỏ nói: “Em làm việc ở nhà nhưng laptop bị hư, nay em mang lên công ty nhờ anh IT sửa giúp”. Lý do này không được công an chấp nhận vì cho rằng không phải công việc thiết yếu. Công an yêu cầu chị T. quay về nhà, đặt shipper giao hàng đảm bảo để bản thân hạn chế di chuyển theo Chỉ thị 16. 

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 9

Các giấy tờ được người dân chuẩn bị sẵn để tiện trình bày với công an tại chốt

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

TP.HCM ngày giãn cách thứ hai: Đủ loại 'giấy thông hành' trình bày lý do ra đường - ảnh 10

Một số ít trường hợp dù xuất trình giấy nhưng không phải trong lĩnh vực thiết yếu không được công an giải quyết

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

QUẢNG CÁO

Tuy nhiên, một vài trường hợp khác, khi không được công an đồng ý cho lưu thông vào Q.3 theo hướng Cách Mạng Tháng Tám đã đi vào đường Nguyễn Thượng Hiền để sang Điện Biên Phủ, sau đó vào Cách Mạng Tháng Tám.

Đến 8 giờ 30 phút, chốt kiểm soát tại Vòng xoay Dân Chủ vẫn có khá đông xe chờ kiểm tra để qua chốt. Nhiều trường hợp không có giấy xác nhận đi lại nhưng mặc đồng phục công trình hoặc mang lỉnh kỉnh đồ đạc hay chở hàng hóa được công an giải quyết linh động để lưu thông nhanh, tránh tập trung người cùng một thời điểm. 

Theo Chỉ thị 16, người dân TP.HCM được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động. Các trường hợp ra ngoài không có lý do thiết yếu sẽ bị xử phạt theo Nghị định 117.

Người dân ra đường trong trường hợp nào thì được coi là cần thiết và chính đáng? Và cần mang theo giấy tờ gì?

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết người dân chỉ được ra đường để giải quyết các nhu cầu thiết yếu; nếu không lý giải được mục đích của việc di chuyển thì không được phép. Còn trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT TP.HCM, lực lượng công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sẽ kiểm tra, xử phạt các trường hợp ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/tphcm-ngay-gian-cach-thu-hai-du-loai-giay-thong-hanh-trinh-bay-ly-do-ra-duong-1412045.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here