“Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao…”

0
133

Mười hai con người lớn có, bé có trú trong căn nhà trọ chưa tới 15m2 nhường nhau từng chén cơm ngày dịch khiến ai nhìn cũng thấy xót xa.

Bữa cơm chan nước

Trong cơn mưa nặng hạt khi Sài Gòn siết mạnh giãn cách, chúng tôi đến khu nhà trọ nằm trong con hẻm 5C Hồ Học Lãm (phường 16, quận 8, TP.HCM). Thấy có khách, bà Võ Thị Nhàn (46 tuổi, quê Kiên Giang) ngại ngùng mời khách ngồi lên chiếc giường chỉ có vạc ván.

Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao… - Ảnh 1.

Căn nhà trọ ọp ẹp nằm ngay con đường quanh năm triều cường, nước đen sẵn sàng ập vào nhà mỗi đêm

“Hơn 4 tháng nay, tôi bị tai biến liệt nửa người chỉ nằm một chỗ. Từ trụ cột gia đình, giờ mọi chuyện ăn uống đều cậy nhờ các con. Nhà có bao nhiêu tiền để dành thang thuốc cho tôi; các con trước đều bán cá ở chợ tự phát gần phà Phú Định. Giờ chợ dẹp rồi, tất cả đều thất nghiệp. Dịch bệnh mấy nay dữ quá khiến cuộc sống càng thêm khó khăn” – bà Nhàn khó nhọc giãi bày.

Căn nhà trọ lụp sụp, vách ngăn là những tấm ván ép đã bạc thếch, ọp ẹp rộng chừng 15m2 là nơi ăn ở của hơn chục con người trong gia đình bà Nhàn. Ngoài chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện đi lại thì không còn món đồ nào quý giá.

“Các con lập gia đình nhưng cũng nghèo khó nên đều về đây sinh sống. Trong nhà còn có 5 đứa cháu. Do phòng chật chội quá nên tôi xin chủ nhà cho kê thêm chiếc giường ngoài hè, để phòng trọ cho các cháu ngủ, đỡ phần nào nắng mưa” – bà Nhàn nói.

Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao… - Ảnh 2.

Bà Nhàn (bìa trái) bị tai biến liệt người hơn 4 tháng nay. Từ người phụ nữ trụ cột, lo cho hơn chục con người trong gia đình, giờ bà Nhàn bất lực ngồi một chỗ, nhìn cả gia đình thất nghiệp, lo đói từng ngày…

Chúng tôi khá bất ngờ khi bà Nhàn đang ăn cơm chỉ với nước trắng. Bà nói, chan nước cho dễ nuốt. “Hôm nay còn cơm ăn là may rồi, chứ mai mốt không biết ra sao. Nói thiệt, từ đầu mùa dịch tới giờ, chúng tôi cũng được địa phương hỗ trợ 3 lần, có cho gạo, trứng nhưng nhà đông người quá, để dành món ngon cho các cháu, còn mình ăn sao cũng được” – người phụ nữ từng là trụ cột gia đình bộc bạch.

Không biết trụ được bao lâu

Chị Nguyễn Thị Thu Trúc (27 tuổi), con dâu bà Nhàn đang mang thai đứa con thứ 3 được gần 5 tháng. Hỏi chuyện khám thai, bồi dưỡng sức khỏe… Nhìn xuống chiếc bụng lùm lùm, chị nén tiếng thở dài: “Tiền ăn không có, em chẳng dám nghĩ đến chuyện khám thai. Mười mấy con người tằn tiện từng hột gạo, bữa sáng bữa trưa gom chung làm một, đỡ đồng nào hay đồng nấy. Có bữa cơm ăn no bụng là mừng lắm, còn chuyện bồi dưỡng thì… thôi vậy”.

Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao… - Ảnh 3.

Đứa cháu nội 2 tuổi của bà Nhàn hớn hở khi được cho trái dừa, liền uống ngon lành

Chồng chị Trúc mấy tháng nay xin việc khắp nơi mà không ai nhận, số tiền dành dụm ngày càng vơi. “Chúng tôi cũng có gắng xin việc, ai thuê gì cũng nhận nhưng ngặt nỗi mùa này không ai thuê mướn gì. Cách đây mấy ngày, cả gia đình gom hết đồ đạc, dắt díu nhau về quê nhưng ra tới quốc lộ thì không được qua đành phải quay về” – chị Trúc cho biết.

Những người nhà bà Nhàn cho biết, về quê có khi còn có cọng rau, con cá mà ăn; còn ở lại giờ không biết lấy gì sinh sống. Việc làm không có, ăn bữa nay lo đói bữa mai; chưa kể còn đủ thứ tiền nhà trọ, tiền điện nước… Khoảng tiền thuê trọ gần 3 triệu đồng/tháng là gánh nặng của những con người khốn khó này.

Trước nhà, dòng nước cống đen ngòm, mỗi lần triều cường lên, nước tràn vào phòng trọ làm ướt hết đồ đạc. Những đêm dài, cả gia đình bà Nhàn thức trắng chờ triều cường rút đã thành chuyện quen thuộc. Còn bây giờ, những ngày đói nhiều hơn ngày no cũng đang dần hiện diện trong cuộc sống của người nghèo những ngày dịch.

Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao… - Ảnh 4.

Những con người khốn khó, thất nghiệp, bệnh tật “mắc kẹt” giữa Sài Gòn, và không biết những ngày tới sẽ lấy gì để ăn khi không có việc làm

Khi chúng tôi hỏi gia đình đã làm đơn để phường, xã hỗ trợ… Mọi người đều lắc đầu cho biết, đã từng làm đơn kêu cứu nhiều lần nhưng tới giờ vẫn chưa được hỗ trợ gì.

Trong cuộc trò chuyện, bà Nhàn khoe, đứa con trai của bà vừa được gọi đi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. “Mừng lắm, tui nghe nói được tiêm mũi này thì mai mốt dễ xin việc làm lại phải không cô? Chỉ cầu mong có việc làm, có cái ăn chứ ở không thế này thêm ngày nào là đói ngày đó” – bà Nhàn rớm nước mắt.Trong nhà, đứa cháu nội 2 tuổi của bà Nhàn hớn hở khi được một người dân cho trái dừa, cu cậu bưng uống ngon lành. Ánh mắt ngây thơ của trẻ con vẫn hồn nhiên, vô tư dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn; dịch bệnh đang bủa vây tứ bề…

Theo Tiền phong

Người phụ nữ trong bức ảnh khóc ngất vì chồng qua đời trên chiếc xe lăn: “Đôi khi cáu gắt đánh nhau vài cái, nhưng tôi với ổng thương nhau mà…”

Đã gắn bó bên nhau suốt 20 năm, dù có bao khó khăn vất vả nhưng vẫn vui vẻ, hạnh phúc, thế nhưng, sự ra đi đột ngột của người chồng khiến bà Lan suy sụp. Giờ đây chỉ còn lại một mình, mong muốn lớn nhất của bà Lan lúc này có lẽ là được đến chùa thắp cho ông Tài nén nhang tiễn biệt.

Hình ảnh xót xa về sự ra đi của người chồng khuyết tật và đoạn clip gây tranh cãi về người vợ trên MXH

Ngày 20/8, trên mạng xã hội, nhiều người rơi nước mắt khi nhìn những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc người phụ nữ ngồi khụy bên đường, suy sụp khi chứng kiến người chồng qua đời ngay trên chiếc xe lăn mà bà vẫn đẩy ông đi bán vé số hàng ngày.

Hình ảnh gây xúc động cho người xem (Ảnh: Zang Zang)

Những hình ảnh này được thành viên trong nhóm thiện nguyện “Mai táng 0 đồng Giang Kim Cúc” ghi nhận khi hỗ trợ mai táng cho ông Nguyễn Văn Tài (SN 1968).

“Hai cô chú sống lang thang trên nhiều con đường ở Sài Gòn đông đúc, chật hẹp này. Bữa no, bữa đói nhưng họ vẫn có nhau, đồng hành cùng nhau cả cuộc đời. Chú mất, trên tay vẫn cầm bịch đồ ăn mà Mạnh thường quân tặng. Với sức khỏe già yếu và nhiều ngày liền ăn uống không đảm bảo, chú đã an nghỉ mãi mãi, thương tiếc cho một đời người khó khăn. Vĩnh biệt chú!”, Nhóm mai táng chia sẻ trên FB.

Theo tìm hiểu được biết, người vợ lam lũ trong bức ảnh là bà Nguyễn Thị Thu Lan. Thường ngày, hai vợ chồng ông Tài – bà Lan vẫn cùng nhau đi bán vé số mưu sinh qua ngày. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, do dịch bệnh Covid-19, không còn được bán vé số từ đó cuộc sống hai vợ chồng khó khăn hơn.

Rất nhiều bình luận bày tỏ niềm xót thương cho nỗi đau của bà Lan và sự ra đi của ông Tài.

Đến sáng ngày 21/8, tài khoản T.B đăng tải một đoạn clip ghi lại từ camera an ninh nhà mình. Đoạn clip không có âm thanh tuy nhiên xem qua hình ảnh có thể thấy đó là ông Tài và bà Lan. Trong clip, ông Tài bị ngã khỏi xe lăn, bà Lan thì có những tác động chân, tay vào người ông, khiến người xem dấy lên nghi vấn về việc bà bạo hành chồng khuyết tật.

Đoạn clip gây tranh cãi trên MXH

Bên dưới bài chia sẻ, nhiều bình luận mong muốn được hiểu rõ câu chuyện thực hư đằng sau, cũng có người cho rằng không thể từ một đoạn clip mà đánh giá bản chất một con người khi chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ.

Cùng ngày, chúng tôi đã có dịp gặp lại bà Lan và lắng nghe những chia sẻ của bà.

“Nếu không thương thì tôi không ở với ổng tới giờ đâu”

Theo bà Lan, ông Tài có 3 anh em, quê ở Nha Trang nhưng đã bỏ xứ đi từ khi còn nhỏ nên hiện giờ ông không hề có giấy tờ tuỳ thân. Cách đây 20 năm, hai vợ chồng gặp nhau khi ông đang làm lượm ve chai, còn bà Lan thì phụ bán hủ tiếu. Hai người gặp nhau, cảm thấy hợp nên cứ thế mà gắn bó đến tận bây giờ, không một tờ giấy đăng ký kết hôn hay một đám cưới. Cứ thế họ bảo bọc, nương tựa nhau.

“Nhiều khi ông nói tội lắm, ‘Tôi chỉ có mình bà chứ không có ai nữa’, nghe mà đứt ruột”, bà Lan buồn bã nói.

Bà Lan nức nở khi kể về người chồng gắn bó suốt 20 năm vừa qua đời

Suốt những ngày tháng chồng bị tai biến phải ngồi xe lăn, một tay bà Lan phải chăm sóc lo lắng việc tắm rửa, ăn uống rồi đẩy ông đi bán vé số mưu sinh. Dù vất vả mệt mỏi nhưng bà Lan chưa bao giờ coi chồng là gánh nặng.

“Cách đây vài năm khi chưa bị tai biến, ông rất thương tôi. Từ khi tai biến thì đầu óc căng thẳng, thay đổi hay cáu gắt, nhưng tôi vẫn cố gắng chiều theo ý ông nên hai vợ chồng lúc nào cũng có nhau, vui vẻ.

Nhưng ông cũng làm biếng lắm, bị tai biến nhưng không chịu tập (vận động, vật lý trị liệu – PV), không la không được mà la hoài cũng thấy tội”.

Khi hỏi về những hình ảnh trong đoạn clip và chuyện 2 vợ chồng có xích mích với nhau suốt nhiều năm sống chung hay không, bà Lan thật thà kể: “Nhiều khi đi bán về mệt, ông còn đi ngoài ra quần luôn nên tôi cũng hơi quạo, hơi gây với ông một chút thôi. Nhưng chỉ la rồi thôi. Có la như vậy cũng chỉ là để ông cố gắng. Chứ tôi không ghét bỏ đánh ổng chi hết”.

Rồi bà kể luôn chuyện 2 vợ chồng lúc cáu gắt cũng “quýnh” nhau: “Cái cây ông dùng để chống ấy, có bữa tôi cầm tôi hù ông vậy thôi. Rồi ông cũng cầm cây ông ‘quýnh’ lại tôi. Những lúc tôi tức tôi cũng đánh lại 1 cái 2 cái, nhưng không phải bỏ ghét gì. Thực sự nếu không thương ổng thì tôi không ở với ổng tới giờ đâu. Nghĩ mình thương, mình ráng lo cho ông, dù có cực chút nhưng vui, có người thủ thỉ. Tôi với ổng thương nhau mà…”

Mong hết dịch để lên chùa thăm người chồng quá cố

Khi nhắc đến sự ra đi của người chồng đã bên nhau mưu sinh suốt nhiều năm, bà Lan không nén được nước mắt, bật khóc nức nở.

Theo lời kể của bà Lan để có thêm tiền trang trải cuộc sống, trước kia hai vợ chồng cùng nhau đi bán vé số. Tuy nhiên, do bị tai biến khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên ông Tài phải ngồi xe lăn, và nhờ thêm sự giúp đỡ của vợ. “Từ lúc bị tai biến ông yếu. Mới sáng qua vẫn còn, giờ ông bỏ tôi đi… Hai vợ chồng già không có con cái gì hết”.

Thương chồng, bà Lan hay dành dụm tiền mua quần áo mới cho chồng. Những chiếc áo bà mới mua, ông chưa mặc lần nào

Bà Lan cho biết, trước đó hai vợ chồng đi bán vé số thuê nhà trọ để ở tuy nhiên sau những ngày dịch bệnh không còn đủ chi phí sinh hoạt nên hai vợ chồng đành lang thang. Chia sẻ về tình hình sức khoẻ của mình, bà Hai tâm sự, “Tôi bị bệnh tim, cũng yếu nhưng ráng đẩy ông đi bán rồi lo cho ông ăn uống, tìm chỗ nghỉ ngơi… Ráng lo cho ông mà ông bỏ tôi đi”.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Sài Gòn, hai vợ chồng bà đã trả nhà trọ, với dự tính khi nào hết dịch sẽ tìm một chỗ khác để thuê. “Trả nhà trọ rồi nên mỗi trưa đi bán vé số về thì tấp vô ngã 3 cho ông ấy ăn uống, ngả lưng chút rồi chiều lại đẩy đi bán tiếp. Lúc công viên còn mở cửa là bán đến khoảng 6h rồi về nghỉ ngơi, ăn uống. Cái gì tôi cũng nghĩ cho ông ấy chứ không nghĩ cho bản thân mình. Có hai vợ chồng lay lắt qua ngày cũng đỡ dù có ông cũng hơi cực thiệt nhưng cũng vui. Giờ coi như hết rồi…”.

Cuộc sống của hai vợ chồng ông Tài – bà Lan vốn đã khốn khó nay càng thêm phần vất vả. Theo bà Lan, trong lúc khó khăn cũng may mắn có người thương cho mượn vốn liếng, giúp đỡ 5-10 ngàn để có thêm chút tiền mua thuốc men, lo ăn uống.

Hoàn cảnh khó khăn lại không có nơi để về nên mỗi tối hai vợ chồng bà Lan đều chỉ biết nương nhờ dưới mái hiên nhà dân. “Dịch bệnh nên thuê nhà trọ khó khăn, cũng bảo ông ấy ráng chịu rồi hết dịch sẽ mướn phòng ở chứ không chỗ nào người ta cho mướn hết. Giờ không có ông ấy, tôi cũng không biết phải đi đâu”.

Hình ảnh chiếc xe lăn của ông Tài vẫn được để ở góc tường khiến người đi đường không khỏi xót xa

Kể về những ngày tháng cuối trước khi ông Tài qua đời, người phụ nữ nghẹn ngào, Mấy đêm trước ông cứ ngồi nhìn tôi hoài, ông không chịu ngủ. Tôi mới nói là ‘sao không ngủ đi’, chứ không có nghĩ gì… Hôm qua ổng còn chọc tôi, mà giờ ổng bỏ ổng đi rồi”.

Sáng nay bà đi bộ quanh các con đường để tìm xe ôm với mong muốn đi “thăm chồng” vì nghe người ta nói thi thể chồng được mang về một ngôi chùa ở Bình Chánh. Nhưng dịch bệnh người ta không nhận chở nên bà đành ngậm ngùi quay về. Mỗi lần nhắc đến chồng, bà Lan lại nghẹn ngào, khóc nấc lên, “Sáng giờ tôi đi vòng vòng nhưng tôi chẳng biết phải đi đâu… Tôi buồn lắm, chiếc xe lăn còn mà chẳng thấy ông đâu”.

Những tấm ảnh chồng mình khi còn trẻ được bà Lan mang ra xem như cách để vơi đi nỗi nhớ

Chỉ còn lại một mình, bà Lan cũng chưa biết thời gian sắp tới sẽ phải sống ra sao. Mong muốn lớn nhất của bà Lan lúc này có lẽ là được đến chùa thắp cho người chồng keo sơn suốt mấy mươi năm nén nhang tiễn biệt. “Ông đi thật rồi. Hôm qua người ta đưa ông ấy đi, tôi không thể đi theo. Tôi giờ chỉ biết ráng cố gắng, chờ khi hết dịch để đến chùa thăm ổng. Chứ giờ muốn đi cũng đi không được…”.

“Hai vợ chồng tội lắm, nắng mưa gì cũng thấy dìu nhau đi…”

Ngồi nép mình trong góc, bà Lan vừa nghẹn ngào nhớ người chồng quá cố với hy vọng ngày Sài Gòn hết dịch sẽ được lên chùa “thăm chồng”

Một người dân sinh sống gần khu vực vợ chồng bà Lan thường hay bán vé số chia sẻ

Hình ảnh chiếc xe lăn của ông Tài vẫn được để ở góc tường khiến người đi đường không khỏi xót xa. Được biết đây là chiếc xe lăn mà một dân thấy hoàn cảnh khó khăn của hai vợ chồng đã mua tặng cách đây vài tháng. “Hai vợ chồng tội lắm, nắng mưa gì cũng thấy dìu nhau đi, ai quanh đây cũng thương lắm”, một người dân chia sẻ.

Thời điểm hiện tại, bà Lan đã được nhóm thiện nguyện mai táng 0 đồng hỗ trợ hoàn tất thủ tục mai táng cho người chồng đã qua đời. Đồng thời, đội thiện nguyện cũng đưa bà Lan đi làm xét nghiệm Covid-19 và sắp xếp nơi ăn chốn ở ổn định cho bà trong thời gian sắp tới.

Theo Nhịp sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/nguoi-phu-nu-trong-buc-anh-khoc-ngat-vi-chong-qua-doi-tren-chiec-xe-lan-o-sai-gon-doi-khi-cau-gat-danh-nhau-vai-cai-nhung-toi-voi-ong-thuong-nhau-ma-2202121821398551.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here