Bắt giam 2 nhân viên y tế ‘rút ruột’ thuốc điều trị Covid-19

0
168

Nhận biết nhiều người dân có nhu cầu mua thuốc điều trị Covid-19, qua mối quan hệ cá nhân, Thảo móc nối với Thừa để mua bán thuốc kháng vi rút Molnupiravir 400 mg (gói C), trục lợi bất chính.

Ngày 2.10, Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thừa (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn), Huỳnh Phương Thảo (36 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Theo đó, thuốc kháng vi rút được Sở Y tế TP.HCM cấp cho trung tâm y tế quận để cấp phát miễn phí cho người dân đang điều trị Covid-19 tại nhà, nhưng bị nhân viên y tế “rút ruột”, đem bán trục lợi.

Trước đó ngày 24.9, Báo Thanh Niên đăng bài Thâm nhập đường dây bán thuốc điều trị Covid-19 cấm lưu hành, phản ánh tình trạng rao bán thuốc điều trị Covid-19 thông qua mạng xã hội Zalo. Người bán còn tự xưng là “dược sĩ”, quảng cáo bán mỗi hộp thuốc Molnupiravir kháng vi rút Covid-19 giá 6,8 triệu đồng.

Nguyễn Văn Thừa và Huỳnh Phương Thảo. CÔNG AN Q.BÌNH TÂN CUNG CẤP

PV Thanh Niên đã cung cấp thông tin về đường dây bán thuốc điều trị Covid-19 cho Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xác minh làm rõ. Ngay sau đó, Sở Y tế TP cho biết đã có công văn nhắc nhở các đơn vị quản lý, cấp phát gói thuốc C – thuốc Molnupiravir kháng vi rút cho F0 cách ly tại nhà. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP.HCM điều tra, xử lý đối với nhóm đối tượng mua bán thuốc mà báo cung cấp.

Mở rộng vụ án đối với các “chân rết”

Theo cơ quan điều tra, Thừa là nhân viên quản lý kho dược của Trung tâm y tế Q.Bình Tân, được phân công nhiệm vụ lấy thuốc điều trị Covid-19 từ Sở Y tế TP.HCM, đem về bảo quản tại kho dược của trung tâm. Còn Thảo là nhân viên của Trung tâm y tế Q.Tân Phú. Nhận biết nhiều người dân có nhu cầu mua thuốc điều trị Covid-19, qua mối quan hệ cá nhân, Thảo móc nối với Thừa để mua bán thuốc kháng vi rút Molnupiravir 400 mg (gói C), trục lợi bất chính.

Thuốc Molnupiravir 400 mg được rao bán trên mạng. DUY TÍNH

Cũng theo cơ quan điều tra, Thừa đã 2 lần nhận thuốc điều trị Covid-19 từ Sở Y tế TP.HCM (vào các ngày 26.8 và 13.9), với số lượng là 1.079 hộp thuốc Molnupiravir 400 mg. Đáng chú ý, khi nhận thuốc từ Sở Y tế ngày 13.9, thì ngay hôm sau (14.9), Thừa đã lấy 50 hộp thuốc Molnupiravir 400 mg bán cho Thảo, với giá 2 triệu đồng/hộp. Đây là số thuốc Trung tâm y tế Q.Bình Tân dự kiến sẽ cấp phát miễn phí cho người dân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà trên địa bàn quận này.

Những ngày sau, với danh xưng là “dược sĩ”, Thảo lên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook tìm những người có nhu cầu mua, rồi bán lại số thuốc trên với giá từ 2,5 – 4 triệu đồng/hộp. Những đối tượng mua thuốc của Thảo tiếp tục phân phối đến người dân có nhu cầu với giá từ 5 – 6,5 triệu đồng/hộp. Đường dây này hoạt động khoảng 15 ngày thì bị công an triệt phá.

Công an Q.Bình Tân đang phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án đối với các “chân rết” còn lại trong đường dây mua bán thuốc điều trị Covid-19.

Lãnh đạo trung tâm y tế, phường, xã liên đới gì ?

Liên quan việc cấp phát thuốc điều trị Covid-19 cho người dân, cuối tháng 8.2021, Bộ Y tế thí điểm phát thuốc Molnupiravir kháng vi rút Covid-19 cho F0 cách ly tại nhà có triệu chứng nhẹ. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết loại thuốc Molnupiravir chưa có trên thị trường nên cần phải kiểm soát đặc biệt. Thuốc phải đến tận tay F0 có triệu chứng nhẹ để uống, không dùng cho F0 không có triệu chứng. Không để thuốc tuồn ra thị trường buôn bán bất hợp pháp.

“Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế lưu động phải quản lý chặt chẽ, cho người nhà ký cam kết trước khi sử dụng, trong đó là cam kết tuân thủ đúng theo hướng dẫn và không sử dụng vì mục đích khác. Ngoài ra, sau khi phát thuốc phải ghi nhận tác dụng (kể cả tác dụng phụ)”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Theo quy trình, Sở Y tế cấp thuốc xuống cho các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức và các nơi này cấp cho trạm y tế lưu động, để cấp phát cho F0 cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thuốc lại lọt ra thị trường và được rao bán trên mạng.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thuốc được rao bán giá có khi lên đến 6,8 triệu đồng/hộp uống 5 ngày. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết thêm, theo quy trình cấp thuốc, các trung tâm y tế báo cáo số lượng F0 và sẽ được cấp thuốc theo số lượng, sau đó phải báo cáo lại cho Sở về việc sử dụng thuốc theo danh sách. Việc để nhân viên y tế lấy thuốc cấp cho F0 đi bán, thì lãnh đạo trung tâm y tế, phường, xã phải chịu trách nhiệm. Quan điểm của Sở Y tế nếu sai phạm là phải xử lý nghiêm. Trong vụ việc này, từ đầu Thanh tra Sở Y tế cũng đã phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/bat-giam-2-nhan-vien-y-te-rut-ruot-thuoc-dieu-tri-covid-19-post1386269.html

Nam thanh niên từ Bình Dương về Bà Rịa-Vũng Tàu mắc COVID-19 khiến gần 1.000 người cách ly

Lực lượng chức năng xác định, có hơn 260 trường hợp F1 và khoảng 700 trường hợp F2 chủ yếu là công nhân đang làm tại dự án Tropicana, liên quan đến nam thanh niên từ Bình Dương về Bà Rịa-Vũng Tàu mắc COVID-19.

Ngày 2/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, huyện này phát hiện chùm ca 10 người nhiễm COVID-19. Bước đầu, nghi ngờ do nam thanh niên theo xe tải từ Bình Dương đến làm lây lan dịch bệnh. Qua truy vết, huyện Xuyên Mộc đưa hơn 260 trường hợp đi cách ly y tế tập trung và khoảng 700 người cách ly tại chỗ.

Theo đó, anh L.V.T. (30 tuổi, ngụ Gia Lai) có nhóm bạn cùng quê đang làm công nhân tại dự án Tropicana (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc). Khoảng 8h30 ngày 26/9, anh T. từ Bình Dương đi theo xe tải chở hàng cơ khí, do tài xế Dương Thoại Minh (31 tuổi) cùng phụ xe Lê Bảo Hùng (36 tuổi) điều khiển đi theo quốc lộ 51 qua đường Xuân Sơn-Đá Bạc, huyện Châu Đức để đến giao hàng tại dự án Tropicana.

Khi đến đầu hẻm tại đường ven biển khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, T. xuống xe đi bộ vào phòng trọ của ông Lê Khắc Hải và ở cùng nhóm bạn của mình để chờ ngày đi xin việc. Vào khoảng 13 giờ ngày 26/9, T. từ phòng trọ đi bộ ra quán tạp hóa mua mì tôm, sau đó thì đi cắt tóc. Những ngày sau đó T. chỉ ở trong phòng trọ.

Đến 8 giờ ngày 1/10, anh T. chạy xe gắn máy lên Trạm y tế xã Bình Châu để test nhanh COVID-19, cho kết quả dương tính. Qua truy vết xác định, có 9 người liên quan đến anh T. và nhóm bạn cùng phòng có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Sau đó, lực lượng chức năng xác định có hơn 260 trường hợp F1 liên quan đến 10 F0 và khoảng 700 trường hợp F2 chủ yếu là công nhân đang làm tại dự án Tropicana.

Lãnh đạo Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh còn rất cao; nhất là qua các tài xế, phụ xe chở hàng. Do đó, lãnh đạo Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị các sở, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh; tập trung thực hiện tốt công tác kiểm soát người ra vào địa bàn tại các chốt kiểm dịch, không để xảy ra trường hợp người ra vào địa phương mà không được kiểm soát dịch.

Doanh nghiệp phải tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nơi làm việc, sản xuất; bảo đảm dịch bệnh phải được kiểm soát ngay từ ngoài cổng vào nơi làm việc, sản xuất; tổ chức xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho nhân viên, người lao động. Người dân phải đề cao cảnh giác trước dịch bệnh; tham gia tích cực công tác phòng chống dịch được chính quyền địa phương triển khai; tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc và không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết.

Theo Tiền phong

Nguồn: https://tienphong.vn/nam-thanh-nien-tu-binh-duong-ve-ba-ria-vung-tau-mac-covid-19-khien-gan-1-000-nguoi-cach-ly-post1381541.tpo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here