Chàng trai tự chữa khỏi Covid-19 sau 10 ngày cách ly tại nhà

0
226

Chiều qua 30.7, nhận thông tin âm tính sau hơn 10 ngày cách ly và tự chữa trị tại nhà, L.V. T. A mới dám gọi điện thông báo cho ba mẹ biết là mình “mắc Covid-19 nhưng đã chữa khỏi”.

L.V.T. A, chàng trai kiên cường chiến thắng Covid-19 tại nhà /// HOÀNG NGUYÊN VŨ

L.V.T. A, chàng trai kiên cường chiến thắng Covid-19 tại nhà

HOÀNG NGUYÊN VŨ

“Cả hẻm âm tính, một mình mình… dính”

L.V.T.A (28 tuổi, ngụ hẻm 82 đường Lý Chính Thắng, P.Võ Thị Sáu, Q.3), vui mừng cho biết mình vừa tự chữa khỏi Covid-19 khi chiều qua 30.7, y tế phường thông báo anh đã có kết quả xét nghiệm âm tính sau những ngày chiến đấu với virus SARS-CoV-2.

T.A kể: “Cách đây mấy tuần, hẻm mình bị giăng dây vì có ca nhiễm là hàng xóm cách nhà mình 2 căn, sau đó lây cho cả nhà họ 5 người. Vài ngày sau, một người nữa kế bên cạnh nhà mình cũng F0. Suốt thời gian sau đó, nhà mình đóng cửa im lìm, khi nào thiếu đồ ăn lắm mới nhờ người thân hay bạn bè ship vào. Mỗi lần lấy đồ ăn ở chốt, mình bịt kín mít, đeo khẩu trang dày, mặt nạ chống bắn, đội nón, đeo găng tay, xịt khử khuẩn rất kĩ. Khi vào nhà còn xịt từ trên xuống dưới và đặc biệt hơn 2 tuần nay, mình chỉ ở nhà. 3 ngày sau, hẻm mình được test lại, mình âm tính. Sau đó 7 ngày hẻm mình được test lại, vẫn âm tính. Đến lần cuối cùng là sau 14 ngày, cả hẻm mình được test lại lần cuối, nếu ổn hết sẽ tháo dây giăng ra, và lần này là test nhanh 15 phút có kết quả. Và thật không ngờ là tất cả hẻm đều âm tính, chỉ mỗi mình mình bị dương tính”.

Sau đó, kết quả xét nghiệm PCR ngày 19.7 khẳng định T.A chính thức dương tính với Covid-19. Một cán bộ bên phường hướng dẫn T.A tạm cách ly ở nhà, sinh hoạt bình thường, ở yên trong phòng riêng của mình, và đừng quá lo lắng. “Anh hẹn 5 ngày sau sẽ có nhân viên y tế quay lại xét nghiệm lần nữa. Vậy là cả hẻm mình được tháo dây giăng, chỉ còn một sợi dây giăng trước cửa nhà mình. Phường lập một chốt nhỏ có mấy anh dân phòng, công an ngồi canh ngày lẫn đêm. Mấy bữa giờ mưa gió, thật vất vả cho họ…”, T.A chia sẻ.

Làm sao để chàng trai này chiến thắng Covid-19?

Mới đầu, khi nghe tin bị nhiễm, T.A cũng hơi lo, nhưng không bất ngờ vì trước đó vài ngày cậu bị hắt xì hơi liên tục, sốt nhẹ, ngủ thì bị mỏi cơ, ăn cũng không cảm thấy ngon miệng. T.A quyết định không thông báo cho ba mẹ dù ba mẹ chỉ ở cách đó 2 km, vì sợ cả nhà lo lắng, chỉ báo cho anh chị ruột và một người em trong công ty và yêu cầu “giữ bí mật, khi nào khỏi thì mới nói”.

Chàng trai tự chữa khỏi Covid-19 sau 10 ngày cách ly tại nhà - ảnh 1

Ly chanh sả mật ong T.A uống mỗi ngày

NVCC

Rất bình tĩnh, T.A gọi cho một người bạn ở HCDC và một người anh là bác sĩ hỏi cần phải làm gì, rồi ghi lại vào giấy để làm theo. T.A cho biết: “Điều đầu tiên, người mắc Covid-19 không được lo lắng hay sợ hãi, cứ sinh hoạt hết sức bình thường, ăn uống bình thường. Mỗi ngày nên tắm 2 lần, súc miệng nước muối loãng 2 lần, khè mũi bằng nước biển sâu Xisat ngoài hiệu thuốc hoặc nước muối sinh 2 lần. Về thuốc, mỗi ngày mình uống một viên Paracetamol 500mg và Efferalgan 500 mg sáng và chiều. Về ăn, mình ăn nhiều thịt cá, rau xanh. Hôm nào chán ăn miệng không có vị giác, thì dù không muốn cũng phải cố gắng, ăn gì cũng được, miễn phải ăn, đừng bỏ một bữa nào trong ngày”.

Ngoài ra, mỗi ngày chàng trai này bắt buộc mình uống một ly chanh sả mật ong rừng vào buổi sáng, bữa xế chiều một ly sữa hạt, tối một ly cam quế mật ong rừng và 2,5 lít nước/ngày. “Tất cả mình uống theo kiểu nhâm nhi yêu đời, chứ không uống một hơi cho hết luôn. Từ hôm biết tin bị nhiễm, ngày nào mình cũng tự xông hơi ở nhà trong lều xông bằng cam, chanh, xả, quế, vỏ cam, bưởi. Ai không có lều thì đun nồi nước nóng rồi trùm chăn kín vào là xông được. Mình còn tập thể dục liên tục, sáng hít đất 20 cái, gập bụng 20 cái, chiều hít đất 10-20 cái, tối hít đất 10-20 cái. Những ngày mình khó thở, có thể giảm xuống và tập các bài tập nhẹ cho đổ mồ hôi”, T.A chia sẻ cách làm cho cơ thể tăng sức đề kháng.

Chàng trai tự chữa khỏi Covid-19 sau 10 ngày cách ly tại nhà - ảnh 2

Chiếc lều xông hơi của T.A

NVCC

Theo T.A, sức khoẻ tinh thần cũng quan trọng không kém. Để tâm hồn luôn thoải mái, thư giãn quên đi việc mình đang bị nhiễm Covid-19, chàng trai này tập đàn, vẽ tranh, nghe nhạc nhiều và cả… hát cũng nhiều hơn. T.A cho rằng ca hát giúp mình cảm giác cổ họng có đau hay không, và cảm nhận phổi và lồng ngực mình ổn hay không. “Quan trọng hơn là ca hát sẽ giúp cho tinh thần vui vẻ lạc quan. Dĩ nhiên có những ngày triệu chứng nặng, mình bị hắt xì, ho và tức ngực, khó thở liên tục. Mình dừng hoạt động, ra rót ly nước rồi ngồi yên nghe nhạc, đọc tin tức, tập thở chầm chậm lại. Cảm giác này rất đáng sợ và khó chịu, nhưng rất cần sự bình tĩnh để vượt qua. Mình thấy có người khó thở là sợ hãi và khóc, điều đó càng làm cho mình khó thở hơn”, T.A nhận định.

Có nhiều khi buổi tối T.A thấy khó thở tức ngực nhiều nên đã uống một viên Efferalgan rồi nhắm mắt lại. Hôm nào tình trạng nặng nhất thì phải đến 2 giờ sáng T.A mới ngủ được.

Hiện tại sức khỏe đã trở lại bình thường như chưa từng mắc Covid-19, vì suốt thời gian bệnh, chàng trai này đã luôn bình tĩnh, lạc quan, yêu đời và làm đúng theo hướng dẫn dành cho người mắc Covid-19. Được biết, T.A tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng và ngay từ năm 3, anh đã khởi nghiệp, mở công ty riêng chuyên về thiết kế, sản xuất các sản phẩm về Phật giáo.

Sau hơn 10 ngày tự chữa khỏi Covid-19, T.A nhắn nhủ: “Mình mong mọi người nếu không may bị nhiễm virus này thì hãy bình tĩnh, tự tin, không hoảng sợ. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường, chỉ là mình chú ý thêm việc ăn, uống, tập thể dục và sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn. Và nhớ là giữ tinh thần phải thoải mái, cười nhiều, làm những gì mình thích để có thêm năng lượng tích cực”.

Theo Thanh niên

Biến thể nCoV phổ biến ở Việt Nam đang càn quét châu Á

Chủng Delta đang gây nên những mối lo ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam trong khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin còn thấp.

Từ ngày 27/4 tới nay, Việt Nam đã có hơn 15.000 ca Covid-19 trong nước, gấp 10 lần số ca bệnh suốt 1 năm trước đó. Riêng số ca bệnh trong 2 tháng qua ở TP.HCM là hơn 5.000 ca.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân khiến dịch tại thành phố lần này lây nhanh, lâu kết thúc là biến chủng Delta.

“Nếu biến chủng cũ có thể lây cho 2-4 người, biến chủng Alpha có thể lây đến 7 người thì Delta có thể lây nhiễm nhiều hơn Alpha từ 40-60%”, ông Bỉnh nhận định.

Nhiều nước châu Á cũng gặp khó khăn tương tự Việt Nam do sự bùng phát của biến thể Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa chủng virus nCoV này vào danh sách biến thể đáng lo ngại do khả năng lây lan và kháng lại vắc xin ở một mức độ nhất định.

Bởi vậy, một số quốc gia phải áp dụng các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt và những nước khác đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Biến thể nCoV phổ biến ở Việt Nam đang càn quét châu Á

Người dân đi tập thể thao ở Seoul (Hàn Quốc)

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, đã lây lan sang khoảng 100 quốc gia. Gần đây, WHO cảnh báo chủng Delta có thể sớm trở thành dòng virus SARS-CoV-2 thống trị.

Chủng virus trên cũng góp phần làm gia tăng số ca bệnh ở Nhật Bản, nguy cơ ảnh hưởng tới Olympic Games sẽ diễn ra vào tháng 7.

Hiện tại, gần 1/3 số ca Covid-19 ở miền đông Nhật Bản (bao gồm cả Thủ đô Tokyo) nhiễm biến thể Delta. Con số trên có thể lên tới 50% vào giữa tháng 7.

Tokyo và ba vùng lân cận nằm trong số các khu vực được đặt trong tình trạng khẩn cấp khiến các quan chức nghiêng về phương án giữ nguyên một số hạn chế.

Thống đốc Tokyo, Yuriko Koike, cho hay, áp dụng lệnh không mở cửa cho khán giả đến xem Thế vận hội là một lựa chọn nếu tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp. Hiện tại, khoảng 20% dân số Nhật đã tiêm ít nhất một liều vắc xin. 

Tại Hàn Quốc, các quan chức cho biết số ca nhiễm mới mỗi ngày đã lên đến 800 người, cao nhất trong gần 6 tháng. Nhà chức trách ở Seoul đã trì hoãn các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Khoảng 20 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho người dân xứ Hàn. 

Chun Eun-mi, chuyên gia về bệnh hô hấp tại Trung tâm Y tế Đại học Ewha, cho biết: “Biến thể Delta là một chủng được tối ưu hóa để lây truyền trên diện rộng”.

“Tình hình ở Indonesia, Ấn Độ và Anh cho thấy không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia khác cần phải suy nghĩ lại về chiến lược vắc xin và kế hoạch mở cửa”.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp cho đến ngày 20/7 để ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca Covid-19.

Tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng kể từ khi đạt mức đỉnh điểm 400.000 ca/ngày vào tháng 5 sau khi Chính phủ tập trung vào việc tiêm chủng hàng loạt.

Ở châu Á, phần lớn các tuyến du lịch quốc tế bị đình trệ. Trường hợp ngoại lệ là đảo du lịch Phuket của Thái Lan, vừa mở cửa cho du khách đã tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, ngày 2/7, Thái Lan ghi nhận ngày thứ ba liên tiếp có số ca tử vong vì Covid-19 kỷ lục. Biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh, vẫn là biến thể thống trị ở đây. Dù vậy, các nhà chức trách cho biết, họ nhận định biến thể Delta sẽ chiếm ưu thế trong vài tháng tới.

“Ở Bangkok, trong tháng này hoặc tháng tới, 40% ca bệnh sẽ mang biến  thể Delta”, Kumnuan Ungchusak, cố vấn của Bộ Y tế, cho biết.

An Yên (Theo Reuters)

Theo Vietnamnet

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bien-the-ncov-pho-bien-o-viet-nam-dang-can-quet-chau-a-752544.html

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ

Tại TP.HCM, 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin. Các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ.

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng túc trực tại chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), nơi đang bị phong tỏa vì có liên quan đến ca dương tính với COVID-19 – Ảnh: NHẬT THỊNH

Tối 3-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố đã có những thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm nhằm nhanh chóng dập dịch COVID-19.

Chiến lược này được triển khai trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Trong những ngày qua, số ca mắc mới liên tục nằm ở mức 3 con số.

Theo đó, về việc khoanh vùng, thành phố sẽ xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu.

Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc…

Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.

TP.HCM đổi chiến lược chống dịch, 100% ca F0 phải điều tra trong 1 giờ - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân sống ở khu vực có nhiều ca nhiễm tại quận Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: XUÂN MAI

Về việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng.

Đối với tất cả trường hợp F1 sau khi được lập danh sách sẽ chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận huyện để điều tra dịch tễ. F1 sẽ được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT-PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của HCDC và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.

Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 – 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT-PCR. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.

HCDC cho biết thêm trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 lần này, thành phố sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng.

Theo đó, Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

Việc phân công lực lượng này nhằm đảm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 5.435 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, đứng thứ 2 trong tổng số 51 tỉnh thành trên cả nước có ghi nhận ca mắc COVID-19 (sau Bắc Giang).

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-doi-chien-luoc-chong-dich-100-ca-f0-phai-dieu-tra-trong-1-gio-20210703214851661.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here