Tâm sự của anh CSGT sau vụ ‘tuýt còi’ phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh

0
140

Hai người trẻ ở Long An lưu thông trên đường với lý do đưa mèo đi chữa bệnh đã bị lực lượng kiểm soát dịch Covid-19 chặn lại. Câu chuyện này trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng từ hôm qua đến nay.

Vụ cô gái đưa mèo đi chữa bệnh bị xử phạt thu hút sự quan tâm của dư luận hai ngày nay /// Chụp lại màn hình

Vụ cô gái đưa mèo đi chữa bệnh bị xử phạt thu hút sự quan tâm của dư luận hai ngày nay

CHỤP LẠI MÀN HÌNH

Người ‘tuýt còi’ yêu cầu hai người trẻ đưa mèo đi chữa bệnh dừng xe lại là thiếu tá Nguyễn Anh Đức, công tác tại Đội Cảnh sát giao thông của Công an TP.Tân An (Long An) đã có những chia sẻ cùng Báo Thanh Niên.

Tôi bị lăng mạ, gia đình tôi bị khủng bố tinh thần

Tôi muốn chia sẻ lại sự việc xảy ra vào ngày 13.7 khi ‘tuýt còi’ yêu cầu hai người trẻ đưa mèo đi chữa bệnh dừng xe với tư cách thật tâm và thật lòng. Quả thật từ chiều đến giờ (23 giờ 30 đêm 13.7 – PV) có nhiều người gọi điện chửi tôi, lăng mạ bằng tin nhắn, cuộc gọi, khủng bố tinh thần đến cả gia đình nhà tôi.

Tâm sự của anh CSGT sau vụ ‘tuýt còi’ phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh - ảnh 1

Thiếu tá Đức (bên trái) làm nhiệm vụ điều tiết giao thông hỗ trợ thí sinh đi thi tốt nghiệp THPT vừa qua

NVCC

Tôi vẫn cam tâm, vẫn chịu đựng và sẽ không bao giờ chặn bất kỳ số của ai. Tôi vẫn sẵn sàng đối diện với sự thật và đối diện với những gì khó khăn vất vả. Vì suy cho cùng, đối với tính mạng của mình, mình cũng cảm thấy không sợ nguy hiểm thì đối với sự phản ứng của người dân hay là phản ứng của cộng đồng mạng trong việc chửi bới, lăng mạ mình thì mình cũng chấp nhận được, chịu đựng được.

Đầu đuôi câu chuyện của sự việc vừa qua như thế nào thì tôi vẫn không bao giờ né tránh. Tôi vẫn sẵn sàng đối mặt những khó khăn, thử thách, thậm chí nguy hiểm ngoài đời thường này. Vì công việc của những người tuyến đầu hàng ngày phải đối diện trực tiếp với cái chết, với nguy hiểm cận kề. Nên trong sự việc này người ta có chửi mình, mình cũng vui lòng, vẫn vui vẻ. Còn sự việc đã xảy ra có đúng có sai như thế nào thì có cơ quan chức năng, cơ quan lãnh đạo của tôi, đồng thời cơ quan nhà nước phán xét.

Đừng vì một nhu cầu cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng

Sự việc cụ thể diễn ra vào sáng 13.7. Thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Công an thành phố về việc thực hiện Chỉ thị 16, trong đó có việc thực hiện giãn cách thì hôm nay tôi có tham gia phối hợp chốt làm công tác xử phạt những người đi ra đường không có lý do chính đáng. Thực ra mà nói thì theo Chỉ thị 16, lực lượng cũng làm rất là nghiêm. Và chốt tôi làm nhiệm vụ gồm có lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Công an phường và dân phòng. Trong đó tôi là lực lượng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm là khi thấy những đối tượng trong hình dáng có thể là đi chơi thì có trách nhiệm dừng phương tiện lại. Vì trong thời gian vừa qua trên địa bàn TP.Tân An, mặc dù đã những quy định thực hiện các lệnh giãn cách nhưng hàng đêm, hàng ngày như hiện nay có rất nhiều thanh thiếu niên điều khiển phương tiện đi chơi vòng vòng. Chính vì vậy mà chúng tôi ngoài việc thực hiện công tác phòng chống dịch thì hàng đêm vẫn đi làm công tác phòng chống đua xe rất vất vả, rất là nguy hiểm.

Tâm sự của anh CSGT sau vụ ‘tuýt còi’ phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh - ảnh 2

Không ai biết hai bạn này là ai, nếu như hai bạn không lên mạng tự nhận là mình và mèo có liên quan

Thế nên sáng 13.7, khi phát hiện hai em đó ôm con mèo đi đường thì tôi dừng phương tiện để cho tổ công tác kiểm tra vì đó là trách nhiệm của Cảnh sát giao thông. Tôi ra lệnh dừng phương tiện hai em đưa mèo đi chữa bệnh.

Từ lâu nay thì tôi cũng tích cực làm tốt trong công tác về tuyên truyền. Thực sự mà nói thì hiện tại tôi đang được viết bài gương người tốt việc tốt vì thời gian qua làm tốt công tác về tuyên truyền và tham gia tốt phòng chống dịch. Kể cả sử dụng Facebook, Zalo để làm công tác tuyên truyền phòng chống dịch.

Thì ngay lúc đó, trong tâm khảm của một người thực hiện làm nhiệm vụ tuyến đầu thì chỉ với một mục đích cao cả duy nhất là bằng mọi giá, bằng mọi hình thức, bằng mọi phương tiện làm sao để người dân và một số thanh thiếu niên phải biết được quy định của nhà nước, các khung hình phạt để răn đe, giúp mọi người thực hiện chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch. Không thể vì một lý do đơn giản, một nhu cầu đơn giản của cá nhân mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của trực tiếp người đó và cả cộng đồng. Và đừng vì một lý do đơn giản, nếu không cẩn thận thì có thể biến Việt Nam thành một nước Ấn Độ thứ hai. Nhất là trong thời điểm vừa qua, dịch bệnh tăng lên liên tục ở các địa phương. Trong đó những ca F0 lang thang ở ngoài rất nhiều. Thực tế thấy rằng hai bạn đó đưa mèo đi chữa bệnh như vậy là rất nguy hiểm.

Tôi có thể chết nhưng tôi muốn cộng đồng khỏe mạnh

Tôi từng nói chuyện với nhiều người đã từng chửi tôi, nhưng tôi vẫn không phản ứng gì hết. Tôi vẫn chúc người ta an lành bằng cái tâm huyết của người ở tuyến đầu. Tôi có thể chết trước các bạn, tôi có thể hy sinh, tôi có thể bị nhiễm trước các bạn vì chúng tôi là Cảnh sát giao thông hàng ngày trực đứng chốt phải tiếp xúc hoàn toàn với những người từ những địa phương đến. Và trong những người đó không biết chừng bị dịch bệnh. Thế nên trong thời gian vừa qua, kể từ có khi dịch đến nay, tôi thậm chí không dám về tới nhà luôn, sau hết ca trực là về cơ quan ngủ vì sợ lây cho người nhà. Tôi vẫn nói với mọi người là bản thân tôi có thể chết nhưng tôi muốn người nhà tôi không bị lây nhiễm và tôi muốn cộng đồng đều được khỏe mạnh.

Trong yếu tố cấp bách, tôi muốn bằng mọi phương tiện, bằng mọi cách để càng nhiều người biết càng tốt. Khi thấy hai bạn đó ôm mèo đi ngoài đường thì tôi ra hiệu lệnh đừng phương tiện lại, và trong khi tổ làm việc thì việc sử dụng hình ảnh hai bạn đó đã đeo khẩu trang bịt kín và tôi cũng không thông tin về danh tính, địa chỉ… của hai bạn, nên việc quay hình và đăng cấp thiết lúc đó cũng chỉ dừng lại ở mục đích phục vụ cho công tác tuyên truyền về chuyên môn mà thôi. Vì tôi là cán bộ tuyên truyền của Đội CSGT, bấy lâu nay tuyên truyền tại tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… trên địa bàn toàn thành phố. Nên tôi biết cách để xử lý tình huống để không vi phạm đến quyền riêng tư, vì thế không thể nói là tôi xúc phạm đến danh tính người bị quay đăng. Nếu như sau khi sự việc xảy ra, hai bạn đó không tự đăng lên mạng và tự nhận mình là người và mèo có liên quan, thì cộng đồng mạng cũng không biết hai bạn là ai.

Đó là chưa nói đến việc hai bạn này vi phạm Luật Giao thông, khi kiểm tra không có một loại giấy tờ nào (giấy đăng ký mô tô, xe máy; giấy phép lái xe…).

Tôi chỉ xét về hành vi vi phạm của hai bạn đó ra đường như thế là đã sai. Thực ra tôi cũng không hề biết hai bạn đó là ai. Và mục đích duy nhất của tôi như thế. Còn về chuyện đúng chuyện sai thì để cho cơ quan chức năng phán xét. Còn cộng đồng mạng chửi thì tôi vẫn cam tâm, lắng nghe cả những lời cả góp ý, cả chỉ trích. Tôi vẫn mong mọi người được bình an. Tôi cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cơ quan, lãnh đạo, nhân dân nếu những gì tôi làm là sai.

Sau khi dịch hết, tôi sẵn sàng tặng bạn đó một con mèo

Thiếu tá Đức cũng chia sẻ: “Có những ý kiến cho rằng ‘do tôi làm chết con mèo’. Tôi cũng thắc mắc là vì sao tôi lại làm chết con mèo?. Còn nếu như mà các bạn đó nghĩ rằng con mèo đó quý giá, và tính mạng của con mèo cao bằng cao tương đương với tính mạng con người thì điều đó cần phải xem xét lại. Dù tôi là một người không ăn thịt chó, thịt mèo, thịt trâu… tôi cũng không thích mèo, nhưng sau khi dịch bệnh thì tôi sẽ sẵn sàng gặp lại bạn đó và tặng bạn đó một con mèo”. 

Tôi cũng nghĩ là trong bối cảnh mà tỉnh Long An, TP.Tân An các cơ sở y tế đều quá tải, thậm chí không nhận những trường hợp bệnh bình thường, chỉ nhận những trường hợp cấp cứu. Mà có những trường hợp cấp cứu phải đi tới đi lui rất nhiều lần, đến rất nhiều bệnh viện mới được nhận cấp cứu. Thế nên việc đưa mèo đi chữa bệnh như thế thì không nên. 

Theo Thanh niên

Vụ xử phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh: Dịch vụ thú y có phải là thiết yếu?

Hai người trẻ ở Long An bị lực lượng kiểm soát dịch Covid-19 chặn lại. Dù trình bày lý do đưa mèo đi chữa bệnh nhưng vẫn bị xử phạt vì ra đường không có lý do chính đáng.

Hai người trẻ ở tỉnh Long An bị yêu cầu dừng lại vì vi phạm Chỉ thị 16 khi định đưa mèo đi khám chữa bệnh /// Chụp lại màn hình

Hai người trẻ ở tỉnh Long An bị yêu cầu dừng lại vì vi phạm Chỉ thị 16 khi định đưa mèo đi khám chữa bệnh. Ảnh: CHỤP LẠI MÀN HÌNH

Cụ thể, cô gái tên Diễm My ôm mèo và nài nỉ xin bỏ qua để được đưa mèo đi chữa bệnh vì ‘gấp lắm rồi’. Người bạn trai đi cùng cũng mong mỏi tương tự. Tuy nhiên mong mỏi ấy không thành. Cả hai được yêu cầu phải làm việc với lực lượng chức năng.

Clip ghi lại sự việc được đăng tải trên TikTok, sau đó lan truyền, ‘phủ sóng’ trên mạng xã hội. Để rồi từ đây, nhiều người trẻ ở khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là những thành viên của cộng đồng nuôi chó mèo thắc mắc lẫn nhau: dịch vụ thú y có phải là dịch vụ thiết yếu khi đang áp dụng Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch Covid-19?

Trả lời vụ xử phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh, ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Long An cho biết: “Có nghe rồi, nhưng chưa có xem”. Theo ông Luân: “Định nghĩa dịch vụ thiết yếu là không có liệt kê ra tất cả. Chỉ liệt kê ra một số như: lương thực, thực phẩm, thuốc men, cơ sở sản xuất… Trong đó không có ghi thú y trong đó. Trong văn bản Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ cũng như của tỉnh Long An không có ghi cái dịch vụ chăm sóc thú vật. Thế nên có thể hiểu là dịch vụ này không thể hoạt động”.

Chia sẻ thêm, ông Luân nói: “Hai người trẻ ấy trình bày là đưa mèo đi chữa bệnh đến cơ sở thú y để khám chữa bệnh. Nhưng vấn đề là họ đi trên đường như vậy thôi chứ địa điểm mà họ định tới có khi không mở cửa. Mà thật sự ở Long An cũng không có mấy điểm dịch vụ thú y chăm sóc chó mèo. Tôi thấy đóng cửa hết”.

Trong khi đó, ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An cho biết: “Dịch vụ thú y là bình thường chứ đâu phải thiết yếu. Dịch vụ này không nằm trong danh mục thiết yếu”.Cũng theo ông Phí: “Trong lúc ‘dầu sôi lửa bỏng’ mà đưa mèo đi chữa bệnh như thế là không cần thiết. Dịch vụ thú y cũng bị cấm đi theo Chỉ thị 16. Phòng mạch đăng ký thú y cũng ngừng hoạt động”.

Vụ xử phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh: Dịch vụ thú y có phải là thiết yếu? - ảnh 2

Hiện tại, sự việc hai người trẻ ở Long An được cho là đưa mèo đi chữa bệnh nhưng đã bị chặn lại vì vi phạm giãn cách xã hội thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự thương cảm với chú mèo, thì vẫn có những quan điểm cho rằng khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì việc chống dịch là quan trọng nhất. Đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Long An đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch, áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nhiều địa phương, thì hành động của hai bạn trẻ là không nên.

“Bản thân mình cũng rất yêu động vật nên thấy xót xa trước câu chuyện đưa mèo đi chữa bệnh. Thế nhưng thời điểm này, việc chống dịch đáng lưu tâm hơn. Không thể vì bất kỳ lý do không chính đáng, không thuộc dịch vụ thiết yếu để ra đường vì có khả năng làm lây lan dịch bệnh”, T.V.A.T. (HS một trường THPT ở Q.Tân Bình, TP.HCM), nói.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/vu-xu-phat-co-gai-dua-meo-di-chua-benh-dich-vu-thu-y-co-phai-la-thiet-yeu-1413836.html

Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai?

Chỉ thị 16 tại TP.HCM yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết như: mua lương thực, thuốc men, cấp cứu… Vậy người dân có được đi ra cây ATM rút tiền mua đồ ăn?

Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai? - Ảnh 1.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường 7, quận Phú Nhuận tại chốt giao lộ đường Phan Xích Long – Hoa Sứ – Ảnh: MINH HÒA

Anh Vũ Minh Nhật (22 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) phản ánh lúc 15h ngày 10-7, anh đi từ nhà (địa chỉ số 7M đường số 14, phường 3, quận Bình Thạnh) đến trụ ATM của Sacombank trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) để rút tiền đi mua thực phẩm.

Khi còn cách ATM khoảng 10m thì anh bị cán bộ chốt kiểm dịch COVID-19 tại giao lộ Phan Xích Long – Hoa Sứ yêu cầu dừng xe. Anh đã giải thích mình đi rút tiền mua thực phẩm nhưng vẫn bị lập biên bản phạt 1 triệu đồng lỗi ra đường không có lý do chính đáng.

“Tôi có giải thích là tôi hết tiền và nhà hết đồ ăn, tôi cũng đang thất nghiệp, tôi chỉ đi rút tiền để mua thực phẩm…” – anh Nhật nói. Anh cũng cho biết sau khi bị lập biên bản, anh đi bộ tới ATM rút 2 triệu (trong thẻ chỉ còn hơn 2 triệu) đóng phạt tại chốt rồi đi về mà không nhận được biên lai phạt.

Phạt người ra ngoài đường trong trường hợp này đúng hay sai? 

Bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng – chủ tịch UBND phường 7 (quận Phú Nhuận) – cho rằng lúc anh Nhật làm việc với tổ công tác thì không nêu được lý do ra đường, vì vậy phường phạt 1 triệu đồng.

Sau khi đóng phạt, anh đi về rồi quay lại cùng vài người nhà, yêu cầu tổ công tác giải đáp thắc mắc về lỗi của Nhật. Lúc đó người nhà anh Nhật có quay clip lại rồi đăng lên mạng. Thông qua clip, phường biết được anh Nhật đi rút tiền để qua siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu mua thức ăn.

Theo bà Hải Đăng, hiện nay các siêu thị đều cho phép thanh toán qua thẻ ngân hàng không cần phải đi rút tiền mặt. Trong khi ngay sau lưng chỗ ở của anh Nhật cũng có cửa hàng Bách Hóa Xanh, cho phép thanh toán qua thẻ.

Bà Hải Đăng cho rằng anh Nhật hoàn toàn có thể mua lương thực, thực phẩm tại địa bàn phường 3, Bình Thạnh. Còn chốt anh Nhật gặp là chốt ngăn với phường 7, quận Phú Nhuận và phường 3, quận Bình Thạnh.

“Căn cứ công văn 2279 của UBND TP thì lý do người này đưa ra là từ phường 3, quận Bình Thạnh đi rút tiền và mua thực phẩm ở phường 7, quận Phú Nhuận là không chính đáng, không thực tế, thiết yếu…” – bà Hải Đăng nói.

Nhận định về trường hợp này, luật sư Nguyễn Huy Việt cho rằng phường 7 phạt anh Nhật là không đúng, có sự ngộ nhận về tinh thần chỉ đạo của công văn 2279. Theo quy định nội dung công văn vẫn cho phép người dân ra đường mua lương thực, cấp cứu… Nội dung công văn không có giới hạn địa giới hành chính mà người dân có thể di chuyển

“Nhu cầu rút tiền mặt để mua lương thực của anh Nhật là hoàn toàn chính đáng. Người dân cần tiền mặt để thanh toán cho rất nhiều nhu cầu khác như đổ xăng, mua thuốc men…” – luật sư Huy Việt phân tích.

Không đưa biên lai đóng tiền phạt là sai

Giải thích thêm việc chưa đưa biên lai phạt, bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng cho biết có hẹn anh Nhật ra phường lấy nhưng anh Nhật chưa lấy và phường vẫn còn giữ.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Huy Việt, việc tổ công tác không xuất biên lai đóng tiền phạt cho người vi phạm là sai. Theo quy định thì cơ quan chức năng phải mang theo biên lai để xử phạt nóng, trực tiếp người vi phạm.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/di-ra-atm-rut-tien-mua-do-an-bi-phat-1-trieu-dung-hay-sai-20210713161510737.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here