Thứ trưởng Bộ Y tế: “Tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang sẽ còn diễn biến phức tạp, xuất hiện các ca mắc mới”

0
143

Trong buổi làm việc tại Bắc Giang ngày 19/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh triển khai đồng bộ, khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình dịch bệnh Covid-19.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 2454/QĐ-BYT ngày 18/5/2021 về thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.

Bộ phận thường trực đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổng chỉ huy, cùng sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý môi trường y tế; Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và một số đơn vị liên quan.

Tại buổi họp, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương báo cáo để đẩy nhanh công suất xét nghiệm, ngay trong ngày 18/5, Bộ phận thường trực đã phối hợp với địa phương để thành lập nhóm bộ phận quản lý và báo cáo số liệu xét nghiệm, đảm bảo việc đẩy nhanh tối đa xét nghiệm, thực hiện mã hóa và trả kết quả nhanh, chính xác.

Về công tác điều trị, ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa cho biết, 50 giường hồi sức tích cực (ICU) đang được lắp đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Đồng thời dự đoán trong thời gian tới sẽ còn có thêm các ca mắc mới, do vậy cần tăng cường thiết lập cơ sở y tế điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Bộ phận thường trực đề xuất lấy một khối nhà mới vừa xây dựng xong của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang làm bệnh viện dã chiến.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang sẽ còn diễn biến phức tạp, xuất hiện các ca mắc mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Bộ Y tế)

Về công tác cách ly tại khu công nghiệp, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết hiện nay, tỉnh có 13 khu cách ly và đã phân công 13 trưởng nhóm để trực tiếp liên hệ với Ban chỉ huy quân sự tỉnh, thành lập 35 đoàn đánh giá việc thực hiện chống dịch của các doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thành xây dựng 10 danh mục tài liệu hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý môi trường, quy trình xử lý vệ sinh khử khuẩn môi trường khi có ca F0.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang trong những ngày tới sẽ còn diễn biến phức tạp, các ca mắc mới còn xuất hiện sau thời gian ủ bệnh. Để tăng cường công tác điều trị, huy động sự tham gia của Bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị tại địa phương khẩn trương triển khai cơ sở Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang để thu dung, tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mắc Covid-19.

Về việc xét nghiệm cho công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và người có nguy cơ trong cộng đồng, Thứ trưởng nhận định mấu chốt ở đây là triển khai các giải pháp đồng thời để đẩy nhanh công tác xét nghiệm trên địa bàn. Cần thiết lập ngay kế hoạch điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho các trường hợp F1.

Đi kiểm tra, thị sát cơ sở vật chất tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng chỉ đạo, Bộ phận thường trực Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ Bệnh viện xây dựng kế hoạch tiếp đón, phân luồng, phân loại bệnh nhân. Bên cạnh đó, đơn vị cần đẩy mạnh việc vệ sinh khử khuẩn tại cơ sở, đặc biệt, yêu cầu tất cả buồng theo dõi và điều trị bệnh nhân phải có camera.

Thứ trưởng Nguyễn Trưởng Sơn cho rằng cần trang bị ngay máy X-quang di động và các máy móc cần thiết cho bệnh viện này để đáp ứng kịp thời việc điều trị. Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu thiếu oxy cần phải chuyển ngay sang bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân nặng.

Đến trưa 19/5, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất cho tòa nhà 5 tầng với quy mô 200 giường nhằm tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, tại CDC Bắc Giang ngày 19/5, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo đơn vị này cần áp dụng công nghệ thông tin trong việc nhập liệu, mã hoá nhằm đẩy mạnh số lượng xét nghiệm và đặc biệt phải trả kết quả sau 24 giờ. Ngoài ra, cần lên ngay kế hoạch và triển khai lấy mẫu lại cho F1 tại các khu cách ly, khu công nghiệp với phương pháp lấy mẫu đến đâu thì tổng hợp số liệu đến đó.

Hiện Bộ Y tế đã điều 50.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm Realtime RT-PCR cho Bắc Giang và hôm nay, Bộ sẽ tiếp tục điều thêm 5.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm giao cho Học viện Quân y thực hiện.

Theo doanh nghiệp & tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/thu-truong-bo-y-te-tinh-hinh-dich-benh-o-bac-giang-se-con-dien-bien-phuc-tap-xuat-hien-cac-ca-mac-moi-1612119051820533.htm

Bệnh nhân COVID-19 ở Thủ Đức có biến chủng Ấn Độ đang gây dịch tại phía Bắc

Biến chủng Ấn Độ này hiện đang được coi là biến chủng lây lan bệnh COVID-19 nhanh nhất. Tại Việt Nam có nhiều biến chủng COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19 ở Thủ Đức có biến chủng Ấn Độ đang gây dịch tại phía Bắc - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại một chung cư ở Thủ Đức – Ảnh: THU HIẾN

Kết quả giải trình tự gene cho thấy bệnh nhân 4514 nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng Ấn Độ B.1.617.2., Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa cho biết.

Theo thông tin báo cáo, nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, từ mẫu bệnh phẩm ngày 18-5 của bệnh nhân 4514 đã thu nhận được 1 bộ gene SARS-CoV-2 từ 1 mẫu RNA đưa vào phân tích. 

Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy bộ gene thu được thuộc biến chủng B.1.617.2. 

Kết quả xác định đột biến bằng COV-GLUE cũng cho thấy bộ gene mang 6 đột biến thay đổi aminoacid tiêu biểu và một đột biến đứt đoạn trên vùng protein gai của biến chủng B.1.617.2.

Qua đó, kết luận bệnh nhân 4514 nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng Ấn Độ B.1.617.2, cùng chủng đang lưu hành hiện nay tại các tỉnh phía Bắc.

Liên quan đến bệnh nhân 4514 còn có trường hợp nhiễm đã được xác định (đang đợi Bộ Y tế công bố) cư ngụ tại quận 7. 

Hai người cùng làm việc chung trong một đội 8 người tại một phòng làm việc trong Công ty Grove, đường Pasteur, ở quận 3.

Bệnh nhân cư ngụ tại quận 7, theo lời khai, đã rời khỏi TP.HCM từ ngày 24-4 đi Hải Phòng và trở về TP.HCM ngày 5-5, trên chuyến bay VN1179. 

Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, tự mua thuốc uống vào ngày 8-5. 

Căn cứ kết quả dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ và xét nghiệm thì có nhiều chứng cứ cho thấy bệnh nhân 4514 bị lây từ bệnh nhân cư ngụ tại quận 7.

Tuy nhiên, đối với trường hợp bệnh nhân ở quận 7, do tình trạng bệnh đang trong quá trình hồi phục nên rất khó để thực hiện giải trình tự gene. 

Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ cố gắng hết sức để có thể giải trình tự bộ gene của SARS-CoV-2 trên bệnh nhân này.

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam đang có nhiều loại biến chủng của COVID-19, trong đó biến chủng Ấn Độ, biến chủng Anh, biến chủng Nam Phi được quan tâm nhiều. Trong 3 loại biến chủng này, biến chủng Ấn Độ được coi là biến chủng lây lan nhanh nhất.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/benh-nhan-covid-19-o-thu-duc-co-bien-chung-an-do-dang-gay-dich-tai-phia-bac-20210519162237958.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here