TP.HCM: Ngành công đoàn TP.HCM ghi nhận 483 người lao động là F0

0
111

Tính từ ngày 18.6 đến 24.6, ngành công đoàn TP.HCM ghi nhận 483 trường hợp đoàn viên, công nhân, người lao động là F0.

Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân) đi cách ly tập trung /// ẢNH: KHÁNH TRẦN

Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân) đi cách ly tập trung. ẢNH: KHÁNH TRẦN

Ngày 25.6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho hay, tính từ ngày 18.6 đến 24.6, các cấp công đoàn TP.HCM đã báo cáo có 483 trường hợp là F0, 5.936 trường hợp F1, 10.995 F2 và 2.300 F3 là đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động (gọi tắt là người lao động).Như vậy, đến nay đã có gần 20.000 người lao động ở TP.HCM bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ngành công đoàn TP.HCM trong thời gian qua đã vận động doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc, người lao động ủng hộ hơn 6,3 tỉ đồng cho chương trình toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ ủng hộ mua vắc xin Covid-19.

LĐLĐ TP.HCM tiếp tục hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện các phương án chăm lo, hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hướng dẫn lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; duy trì và nắm thông tin liên tục đối với các trường hợp là người lao động là F0, F1, F2; phối hợp xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống phát sinh khẩn cấp vì dịch.

Đồng thời, các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, các cơ quan chức năng trong việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân.

Thời gian qua đã có cán bộ công đoàn cơ sở là F0, F1. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên trách công đoàn tham gia phòng chống dịch, trực tiếp hỗ trợ chăm lo cho người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị bị phong tỏa, cách ly với nhiều nguy cơ rủi ro. Đối tượng này được hưởng các chế độ được hỗ trợ theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Nay, LĐLĐ TP.HCM sẽ thực hiện hỗ trợ bổ sung. Cụ thể, đối tượng chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở là F0, F1; cán bộ chuyên trách được phân công tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, LĐLĐ TP.HCM được chi hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-nganh-cong-doan-tphcm-ghi-nhan-483-nguoi-lao-dong-la-f0-1404391.html

TP.HCM cần tính đến phương án ‘sống chung’ với dịch Covid-19

Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng, Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng đề xuất TP.HCM cần tính đến phương án ‘sống chung’ với dịch, ưu tiên bảo vệ các nhóm nguy cơ, có bệnh lý nền.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM /// ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCMẢNH: SỸ ĐÔNG

Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25.6, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đưa ra số liệu, số bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng đang thấp hơn giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Hiện 68% số ca bệnh không có triệu chứng, so với giai đoạn đầu phát hiện chuỗi Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng có 68% ca bệnh có triệu chứng, bây giờ thì đảo ngược lại. Trong đó, có 1,3% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng, phải cần hỗ trợ hô hấp (31 trường hợp, gồm 6 trường hợp chạy ECMO).

“Qua những con số trên, có thể nhận định khi phát hiện những ca chỉ điểm, truy vết ngược lại thì ra một chùm ca bệnh mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám thì sẽ bị bỏ qua và chúng ta chạy chậm hơn dịch bệnh là điều thấy rõ”, ông Nguyễn Trí Dũng nhận định.

TP.HCM cần tính đến phương án 'sống chung' với dịch Covid-19 - ảnh 1

TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng ưu tiên

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Giám đốc HCDC thông tin khi virus SARS-CoV-2 lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện 2 trạng thái. Trạng thái đầu tiên là độc lực gia tăng, trường hợp này ít hơn và xảy ra khi có biến chủng; và trạng thái thứ 2 là độc lực sẽ giảm. “Phải chăng, trạng thái này đang diễn ra ở TP.HCM, bởi có sự lây lan nhanh nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ”, ông Dũng phỏng đoán.

Hiện nay, TP.HCM vẫn đang khẩn trương điều tra, truy vết, dập dịch. Nhưng theo ông Dũng, TP.HCM cũng cần tính đến phương án ‘sống chung’ với lũ dịch bệnh, tức là “chỉ truy tìm những con rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước”.

Cụ thể, TP.HCM cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa; còn những đối tượng khác có thể coi là mắc cúm.

Ông Nguyễn Trí Dũng cho hay đây chỉ là giải pháp mà thành phố có thể tính tới trong giai đoạn tiếp theo, còn hiện tại phải tập trung truy vết, xử lý với tốc độ nhanh nhất.Trong báo cáo tại cuộc họp trước đó, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết tính đến 6 giờ ngày 25.6, có 2.549 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Đáng chú ý, từ 6 giờ ngày 24.6 đến 6 giờ ngày 25.6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Đây là số ca nhiễm kỷ lục mà TP.HCM ghi nhận chỉ trong vòng 24 giờ.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-can-tinh-den-phuong-an-song-chung-voi-dich-covid-19-1404303.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here