Xe khách liên tỉnh đi và đến TP.HCM dự kiến hoạt động từ ngày mai 13/10

0
136

Việc thí điểm hoạt động xe khách bắt đầu từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10 với tần suất tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của từng đơn vị.

Ngày 12/10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố sớm thống nhất phối hợp để triển khai thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng ô tô đến và đi từ TP.HCM.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau khi đã rà soát đánh giá công tác chuẩn bị của các bến xe liên tỉnh và các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng thời gian bắt đầu triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải nên có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành sớm thống nhất.

Việc thí điểm hoạt động xe khách bắt đầu từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10 với tần suất tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của từng đơn vị theo lưu lượng đã được Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến thống nhất công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Xe khách liên tỉnh đi và đến TP.HCM dự kiến hoạt động từ ngày mai 13/10  - Ảnh 1.

Xe khách tại bến xe Miền Đông vào tháng 5/2021

Đối với hành khách đi từ TP.HCM: phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Đồng thời có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô. Tuân thủ 5K trong phòng chống dịch, không tham gia chuyến khi có các triệu chứng ho, sốt,…

Đối với hành khách đến TP.HCM: có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; tuân thủ 5K trong phòng chống dịch.

Đối với các nội dung khác như điều kiện hoạt động của bến xe, đơn vị vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe,… cần tuân thủ theo các quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT.

Theo Nhịp sống Việt

Tất cả quận, huyện ở TP.HCM đề nghị được công bố kiểm soát dịch

Theo đó, 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch theo Quyết định 3919 của Bộ Y tế.

Đánh giá 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP cho biết, có 5 mặt được:

1. Đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.

2. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống được hoạt động trở lại, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

3. Công tác an sinh tiếp tục triển khai đến người dân.

4. Công tác phòng, chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tốt. Cụ thể, nếu ngày 7/10 có 19/22 quận – huyện, TP. Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch thì đến hôm nay (11/10) có 21/22 quận – huyện, TP. Thủ Đức được đề nghị công bố được kiểm soát dịch theo Quyết định 3919 của Bộ Y tế.

5. Tình hình an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo.

Người dân TP.HCM ra đường đi làm sau khi nới lỏng giãn cách

Ngoài ra cũng có 3 hạn chế: vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm quy định về yêu cầu 5K, nhất là việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại chưa nhiều; tình hình đi lại của người dân TP.HCM đến các tỉnh thành vẫn còn khó khăn.

Theo đó, tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng TP qua việc tập trung tuyên truyền sâu rộng để người dân thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 18 của UBND TP; thích ứng, an toàn với cuộc sống ở trạng thái bình thường mới nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là vì F0 vẫn còn trong cộng đồng.

Đồng thời, cảnh giác hơn về vấn đề an ninh trật tự. Thông tin thêm về vấn đề này, theo ông Phạm Đức Hải, 10 ngày qua (1/10 – 10/10), trên địa bàn TP.HCM xảy ra 70 vụ phạm pháp hình sự, CATP đã khám phá 48 vụ và bắt 54 đối tượng; 46 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông làm chết 17 người, bị thương 20 người (nguyên nhân chạy không đúng tốc độ quy định); 11 vụ cháy làm chết 01 người, bị thương 04 người.

Theo Nhịp sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/tat-ca-quan-huyen-o-tphcm-de-nghi-duoc-cong-bo-kiem-soat-dich-220211110205717351.htm

Sau 15-10, nếu dịch ổn định, TP.HCM tính toán trở về ‘bình thường’, không còn ‘bình thường mới’

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết từ đây đến ngày 15-10, nếu tình hình dịch ổn định thì sẽ tính toán thêm, để không nói “bình thường mới” mà là “bình thường”.

Người dân đi lại trên đường phố TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã tham gia chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” để trả lời trực tiếp các thắc mắc của người dân về chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”, bắt đầu từ 20h ngày 8-10.

Ngay cả ngân sách thành phố cũng khó khăn

Bà Thắng cho hay 8 ngày qua, kể từ khi “mở cửa” trở lại, thành phố phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, sản xuất kinh doanh trở lại, song “không thể tiêu diệt ngay virus”, thậm chí sau này sẽ có nhiều biến chủng mới, do đó phải chấp nhận sống và làm việc với tình trạng có dịch trong thời gian nhất định mà không thể nói trước bao lâu. 

Theo bà Thắng, trong điều kiện bình thường mới này, tất cả các chủ thể trong xã hội đều phải thích nghi linh hoạt cuộc sống, phát triển kinh tế hợp lý với tình hình dịch bệnh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng

Theo bà Thắng, thành phố đã có những bước chuẩn bị, như tập trung vắc xin cho các khu công nghiệp để hoạt động sau ngày 1-10 với tỉ lệ tiêm 2 mũi với tỉ lệ cao và các chuỗi cung ứng cũng đa số tiêm đầy đủ mũi 2. Đến nay, đã gần 70% người dân trên 18 tuổi ở thành phố đã tiêm mũi 2, cơ bản đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Bà Thắng cho hay 3 tháng qua không chỉ người dân, doanh nghiệp, mà cả chính quyền thành phố cũng khó khăn. 

“Toàn bộ những dự toán kinh phí phòng chống dịch bệnh, dù đầu năm có tính toán nhưng không ai tiên lượng dịch bệnh phức tạp, xảy ra đến như thế này. Ngay cả ngân sách của thành phố cũng khó khăn” – bà Thắng nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Trước thắc mắc về kế hoạch hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho hay các doanh nghiệp phản ánh tại Ngân hàng Nhà nước để tìm hiểu các chính sách hỗ trợ, giảm, giãn nợ, khoanh nợ, không cho nhảy nhóm nợ…

Người dân đi siêu thị – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo bà Thắng, thành phố đã làm việc với hệ thống các ngân hàng để ban hành các thông tư 01, 03 và 14 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tập trung vào các hạng mục chính là giãn, giảm, khoanh nợ và không cho nhảy nhóm nợ đối với các doanh nghiệp đang vay vốn. 

Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân có nhu cầu tiếp cận vốn cần liên hệ với các ngân hàng chính sách, các tổ chức hội đoàn ngay trên địa bàn đăng ký nhu cầu. 

Theo kế hoạch của thành phố, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ được cho vay không quá 2 tỉ đồng, cá nhân không quá 100 triệu đồng. Còn các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… cũng sẽ được vay nhiều lần, nhưng tổng số lần vay không quá 100 triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng.

Tiền doanh nghiệp phòng chống dịch sẽ được “hạch toán vào chi phí”?

Trước băn khoăn chi phí xét nghiệm quá cao, doanh nghiệp đang kiệt quệ không đủ kinh phí, “liệu thành phố có hiểu và có giải pháp gì cho doanh nghiệp bớt chi phí xét nghiệm hay không?”, bà Thắng thừa nhận nỗi khổ này của doanh nghiệp là ‘có thật và hoàn toàn chia sẻ”, đặc biệt trong hoàn cảnh nhiều doanh nghiệp đã không còn đủ tiềm lực tài chính để tự bảo vệ cho người lao động, môi trường làm việc an toàn.

“Chi phí một doanh nghiệp bỏ ra trong thời gian tổ chức 3 tại chỗ không dưới 5 triệu đồng/công nhân. Thành phố vô cùng chia sẻ và cảm ơn những doanh nghiệp đã rất kiên cường vượt qua khó khăn trong thời gian qua”, bà Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện nay của thành phố, bà Thắng cho rằng “thành phố không thể bao cấp cho doanh nghiệp được nữa”, nên doanh nghiệp phải tự chủ động, sắp xếp theo tình hình thực tế. 

Thời gian tới, rất có khả năng những chi phí phòng chống dịch mà doanh nghiệp bỏ ra “sẽ được hạch toán vào chi phí”, bà Thắng thông tin.

Đường 3 Tháng 2 nhộn nhịp xe cộ đi lại sau khi thành phố mở cửa – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sẽ không phạt xe chưa kịp đăng kiểm trong tháng 10

Trước thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh khi nào mới được hoạt động trở lại sau một thời gian kéo dài, hiện gặp rất nhiều khó khăn, bà Thắng cho hay điều này tùy thuộc vào sự phối hợp với các tỉnh.

“Thành phố đang làm việc tích cực với nhiều tỉnh thành, địa phương và kỳ vọng ngày 1-11 tới đây sẽ được chạy liên tỉnh trở lại. Tất nhiên, việc hoạt động sẽ trên tinh thần thăm dò, giám sát và linh hoạt mở rộng địa bàn khi điều kiện thuận lợi”, bà Thắng nói.

Nói về tình trạng đăng kiểm quá tải, bà Thắng cho biết Sở Giao thông vận tải thành phố đã có văn bản, thống nhất tạm thời không phạt xe chưa kịp đăng kiểm đến ngày 30-10. 

Sẽ không để việc đóng cửa “tái diễn’

Về chuỗi cung ứng, bà Thắng cho biết “bình thường nhu cầu của người dân thích ăn cá hồi, đồ ăn sang hơn”, nhưng trong thời gian qua thành phố chỉ “đảm bảo đồ thiết yếu nhất”, vì các tỉnh có dịch bệnh, nông dân không thu hoạch, chợ tại thành phố bị dừng nên đứt gãy. 

Hiện nay thành phố dần dần khôi phục, tập trung tính toán, kết nối sở công thương các tỉnh với nhau, để tổ chức hội chợ, kết nối chuỗi cung ứng. 

Trong khi đó, các tiểu thương kinh doanh chợ đầu mối bán vẫn chưa thoát khỏi tâm lý lo lắng “thành phố có đóng cửa trở lại hay không” sau một thời gian được hoạt động trở lại, bà Thắng thừa nhận “thành phố kỳ vọng việc tổ chức sản xuất, mở cửa lưu thông hàng hóa sẽ được giữ nguyên “chứ không phải hôm nay mở ngày mai đóng, khiến doanh nghiệp không thể ứng phó được”

Muốn vậy, theo bà Thắng, thì người dân phải “tuyệt đối nâng cao ý thức phòng chống dịch”. Song song đó, thành phố tiếp tục ưu tiên tiêm vắc xin và phủ rộng mũi tiêm cho các người lao động tại các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa nhằm không để việc “đóng cửa” tái diễn.

Theo bà Thắng, Chính phủ đang xây dựng nghị định theo hướng giúp cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Cụ thể, nghị định sẽ thực hiện giảm thuế TNDN 30% cho các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỉ đồng, giảm 30% thuế GTGT từ ngày 1-10 đến 31-12-2021 ở một số lĩnh vực, miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020-2021 cho doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020. 

Riêng các hộ cá nhân kinh doanh cũng được miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý 3 và 4-2021 cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

TP.HCM đã thí điểm các tuyến du lịch tại Cần Giờ, Củ Chi. Trong ảnh: các lực lượng tuyến đầu du lịch tại Cần Giờ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Thắng nhìn nhận trong thời gian vừa qua, chỉ có cơ sở lưu trú như khách sạn mới được sử dụng để cách ly F0, vì thế, trong tháng 10 này thành phố tính toán, làm việc với các tỉnh về chuyện mở cửa du lịch. 

Hiện tại, thành phố chỉ mở cửa du lịch với Cần Giờ và Củ Chi. Từ tháng 11 trở đi, thành phố định hướng sẽ cho người dân đi du lịch các tỉnh khác. 

Chẳng hạn, vừa qua thành phố đã trao đổi qua điện thoại với chủ tịch Hà Giang và thống nhất những khách ở thành phố đã tiêm 2 mũi có thể tới Hà Giang du lịch mà không cần cách ly. Từ đây đến cuối năm, thành phố cũng tính toán đưa khách đi các tỉnh khác, từng bước. 

Tuy nhiên, khách du lịch đến thành phố thì vẫn còn e ngại. Để hoạt động du lịch được hồi phục, thành phố cũng đề xuất nhận các chuyến bay hồi hương.

Về nhu cầu lao động, bà Thắng cho biết nhiều doanh nghiệp và hiệp hội đã tập hợp danh sách những người ở các tỉnh có nhu cầu trở lại thành phố làm việc. Người muốn tìm việc làm, có trung tâm giải quyết việc làm, Đoàn thanh niên để hỗ trợ tìm việc miễn phí, đồng thời thành phố sẽ tạo điều kiện, dành vắc xin để tiêm cho công nhân ở các tỉnh muốn trở lại làm việc.

“Qua 8 ngày hoạt động vừa qua, lãnh đạo thành phố mong muốn bà con cô bác, doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng thành phố khôi phục, nhanh chóng tiệm cận vị trí trước đây. Từ đây đến ngày 15-10, nếu tình hình dịch ổn định thì sẽ tính toán thêm, để không nói “bình thường mới” mà là bình thường”, bà Thắng nói khi kết buổi tường thuật trực tuyến “Dân hỏi? Thành phố trả lời”.

Theo tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/sau-15-10-neu-dich-on-dinh-tp-hcm-tinh-toan-tro-ve-binh-thuong-khong-con-binh-thuong-moi-20211008175319069.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here