Xuất hiện chủng virus siêu lây nhiễm, Bộ Y tế nâng cảnh báo chống dịch lên mức cao nhất

0
132

Đã có gần 20 tỉnh thành ghi nhận bệnh nhân COVID-19, xuất hiện chủng virus siêu lây nhiễm, nguy cơ dịch bệnh rất cao, Bộ Y tế thông báo nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao nhất tại cơ sở y tế.

Xuất hiện chủng virus siêu lây nhiễm, Bộ Y tế nâng cảnh báo chống dịch lên mức cao nhất - Ảnh 1.

Binh chủng hóa học phun khử khuẩn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nơi xuất phát chùm ca bệnh tại gần 20 tỉnh thành – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bộ Y tế vừa có công điện cho biết dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19.

Chủng virus ghi nhận lần này, theo kết quả giải trình tự gen mới nhất, là chủng Anh và chủng Ấn Độ, đều là chủng biến thể lây lan nhanh, theo Bộ Y tế là “siêu lây nhiễm”.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nâng mức cảnh báo dịch lên cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện.

Tại các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân dài ngày.

Tại phiên họp trực tuyến chiều nay 7-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá đợt dịch này phức tạp hơn các đợt trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng virus, tốc độ lây lan tăng cao hơn so với đợt trước.

“Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát sẽ khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa kiểm soát được” – ông Long nói.

Cho đến nay, có ít nhất 7 bệnh viện đã phải cách ly y tế do ghi nhận ca bệnh, nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện tuyến cuối cao hơn các cơ sở y tế địa phương.

Bộ Y tế đã có công điện khuyến cáo người bệnh hạn chế đến khám tại tuyến trung ương, chủ yếu nên khám và điều trị tại tuyến cơ sở. Trong điều kiện có ca bệnh khó, cơ sở y tế tuyến trên sẽ hỗ trợ thông qua hệ thống Telehealth (hỗ trợ khám, chữa bệnh, hội chẩn trực tuyến).

Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát các cơ sở y tế toàn quốc, chuẩn bị cho các tình huống số mắc COVID-19 tăng cao, số người nhập viện tăng cao…

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/xuat-hien-chung-virus-sieu-lay-nhiem-bo-y-te-nang-canh-bao-chong-dich-len-muc-cao-nhat-20210507183611294.htm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Mình cứ dửng dưng như là dịch ở đâu, không liên quan đến mình là không được”

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc xuất hiện các ổ dịch trong nước, đặc biệt là nhiều ổ dịch còn một số ca chưa xác định được nguồn lây nhiễm khiến tình hình dịch Covid-19 của đợt bùng phát thứ 4 phức tạp hơn trước.

Chiều 7/5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá về tình hình dịch Covid-19 trong đợt bùng phát thứ 4 có sự phức tạp hơn lần trước, đầu tiên là việc xuất hiện các ổ dịch trong nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đợt dịch này phức tạp hơn trước, trong cộng đồng đã có nguồn bệnh lây nhiễm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay có thể tính được một số ổ dịch tại Hà Nam, Yên Bái, Đà Nẵng (còn một số ca chưa rõ nguồn lây), ổ Hải Dương (1 ca chưa rõ nguồn gốc), các ổ dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới TW và Bệnh viện K.

Với việc xuất hiện các ổ dịch này, có nghĩa là trong cộng đồng đã có nguồn bệnh lây nhiễm. Để phòng chống dịch Covid-19, cần phải khởi động lại toàn bộ phản ứng nhanh ở các cấp theo tinh thần chung của Thủ tướng đã quán triệt, tỉnh nào chưa có dịch thì cần phải hết sức cảnh giác, tỉnh nào có dịch thì phải phòng dịch, không chủ quan, không hoảng loạn, có những quyết sách cần thiết. Cụ thể có 3 điểm lớn cần chú ý:

+ Phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

+ Bình tĩnh, cá nhân phải tuân thủ đeo khẩu trang.

+ 4 tại chỗ.

Về các điều này, theo Phó Thủ tướng, hiện nay vẫn còn một số địa phương làm chưa tốt.

Việc thứ 2 khiến đợt dịch thứ 4 phức tạp hơn chính là việc nhiều nơi quản lý người nhập cảnh không tốt, chúng ta đã đón gần 20.000 chuyên gia, lao động nước ngoài về cách ly. Tuy nhiên, nhiều khách sạn cách ly thực hiện không nghiêm, việc theo dõi y tế sau khi cách ly hầu như bỏ hết dẫn đến tình trạng trong thời gian cách ly y tế mà vẫn còn có người đi liên hoan, đi karaoke…, cách ly xong thì không có sự bàn giao giữa nơi cách ly và nơi tiếp quản người về cách ly, cần phải có sự bàn giao, kích hoạt lại tổ y tế này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đợt dịch này phức tạp hơn trước, trong cộng đồng đã có nguồn bệnh lây nhiễm - Ảnh 2.

PV báo đài tham dự cuộc họp trực tuyến tại TTBC TP.HCM

“Khi trở về từ khu cách ly thì phải có sự theo dõi, tránh sự bỏ sót, ai bỏ sót sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện vẫn còn 11 tỉnh chưa có máy xét nghiệm Covid-19, bao gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long. Có 3 tỉnh chưa có phòng xét nghiệm là: Tuyên Quang, Bến Tre, Lai Châu.

Việc chuẩn bị dự phòng cho số ca nhiễm ở cả nước lên đến 30.000 ca bệnh cũng được Phó Thủ tướng đề cập. “Muốn sống an toàn được thì phải trong cuộc sống bình thường mới, trước mắt là 5K, đề nghị tất cả các tỉnh phải xử phạt người không đeo khẩu trang. Mình cứ dửng dưng như là dịch ở đâu, không liên quan đến mình là không được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-minh-cu-dung-dung-nhu-la-dich-o-dau-khong-lien-quan-den-minh-la-khong-duoc-161210705150735088.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here