Bộ GTVT đề xuất người đã tiêm vắc xin được đi lại ‘bình thường mới’

0
120

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong bối cảnh các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ GTVT đề xuất khôi phục lại hoạt động vận tải khách trên cả 5 lĩnh vực tại các địa phương “bình thường mới”. NGỌC THẮNG

Theo Bộ GTVT, kế hoạch đi lại trong bối cảnh “bình thường mới” được thực hiện với cả 5 lĩnh vực.Trong đó, vận tải đường bộ đảm bảo kết nối hoạt động vận tải hành khách đường bộ giữa các địa phương, phục vụ kết nối liên thông giữa các sân bay, nhà ga, bến tàu, bến xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Vận tải đường thuỷ, hàng hải duy trì hoạt động đi lại tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và kết nối đi lại với đảo, huyện đảo.

Vận tải hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế trong điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đường sắt khôi phục các chuyến tàu, đặc biệt chặng tuyến đường dài.

Các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ không tổ chức hoạt động vận tải hành khách. Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị 16.

Các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế tỷ lệ phần trăm phương tiện kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải.

Các địa phương bình thường mới tổ chức vận tải hành khách hoạt động bình thường, chọn 1 trong 2 phương án.

Phương án 1: hành khách khi đi trên phương tiện vận tải hành khách (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19) phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Phương án 2: hành khách khi đi trên phương tiện vận tải (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19) phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”. Đồng thời, đáp ứng một trong các tiêu chí: tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối trên 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc đã mắc và khỏi bệnh Covid-19; có chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 (PCR hoặc test nhanh) trong 72 giờ.

Vận tải đường bộ: giám sát chặt bằng camera hành trình, lái xe, nhân viên phục vụ chỉ dừng đỗ dọc đường đúng địa điểm, đồng thời phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã mắc, khỏi bệnh Covid-19. Với người chưa tiêm hoặc đã tiêm 1 mũi, phải có xét nghiệm âm tính trong 3 ngày.

Tần suất khai thác với xe buýt, taxi, xe hợp đồng, du lịch do Sở GTVT địa phương tham mưu, không quá 50% số người cho đến khi thực hiện bình thường mới. Với vận tải khách theo tuyến cố định, theo mức độ hành khách từ 40% – 60% – 80% – hoạt động bình thường.

Vận tải hàng không: tổ bay và nhân viên hàng không được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin trên 14 ngày, có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Tần suất khai thác theo tỷ lệ so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021 và có giãn cách ghế trên máy bay lần lượt tăng từ 50% – 70% – 70% (không giãn cách ghế) – khai thác bình thường.Vận tải đường thuỷ, đường sắt và hàng hải, Bộ GTVT cũng đề xuất hoạt động trên cơ sở tương tự.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bo-gtvt-de-xuat-nguoi-da-tiem-vac-xin-duoc-di-lai-binh-thuong-moi-1453447.html

TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp

TP.HCM sau ngày 30.9 có nới lỏng giãn cách hay tiếp tục Chỉ thị 16 thì mỗi người dân cũng nên tự ý thức 5K, vì mình và mọi người. Nhịp sống bình thường mới càng có ý nghĩa khi an toàn được đặt lên hàng đầu.

Đường Hà Nội đông nghẹt người đêm trung thu khiến nhiều người lo lắng /// Ảnh Giang Ngọc

Đường Hà Nội đông nghẹt người đêm trung thu khiến nhiều người lo lắng

ẢNH GIANG NGỌC

Những hình ảnh người dân Hà Nội đổ ra đường kẹt cứng trong đêm trung thu 21.9, khi nơi này vừa có thông báo nới lỏng giãn cách khiến cho nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cảm thấy lo lắng. Được đi ra đường sau nhiều ngày trong nhà là ước mơ của nhiều người. Nhưng, những hình ảnh đó cho thấy mọi người không thực hiện 5K . “Tôi mong TP.HCM sau ngày 30.9, dù có nới lỏng giãn cách, mọi người đừng vội chen chân ra đường”, Nguyễn Văn Thanh Tuấn, 18 tuổi, chia sẻ.

Đừng vội chen chân ra đường!

Tuấn là sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, trong đội tình nguyện viên hỗ trợ F0 của phường Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM. Anh vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh các địa phương và cảm thấy lo lắng nếu ngay sau khi nới lỏng giãn cách, người dân đã chen chân ra đường. “Chỉ cần trong đám đông có một F0 thôi, hệ quả sẽ như thế nào”, anh nói.

Tuấn cho rằng TP.HCM nên tiếp tục giãn cách thêm khoảng 2 tuần nữa sau ngày 30.9 để tình hình dịch bệnh ổn định thêm vì hiện tại số lượng các ca F0 mới trong cộng đồng chưa giảm. “Tuy nhiên, nếu thành phố có quyết định sau 30.9 sẽ được nới lỏng giãn cách, thì tôi cũng mong người dân nên tuyệt đối tuân thủ 5K. Chỉ ra ngoài khi đi làm, giải quyết công việc thật sự cần thiết, còn lại thì nên ở trong nhà, đừng tập trung đông người. Tôi cũng cho rằng thời gian sau ngày 30.9, các hàng quán ăn uống, cà phê của thành phố chưa phục vụ tại chỗ ngay mà vẫn nên tiếp tục duy trì hình thức bán mang về cho các shipper để an toàn hơn”, Tuấn chia sẻ.

TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp - ảnh 1

Nhiều người mong nhịp sống bình thường mới trở lại, nhưng người dân cũng nên tuân thủ 5K

ẢNH MINH HỌA BẢO VY

Cùng quan điểm này, Trần Mai Trọng, 23 tuổi, trú P.10, Q.3, TP.HCM, F0 đã khỏi bệnh và từng hỗ trợ chăm sóc F0 tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 2, cho biết thành phố chưa nên vội vàng đồng loạt mở cửa sau ngày 30.9 mà nên siết chặt hơn nữa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. “Tôi mong muốn thành phố trở lại trạng thái bình thường mới nhưng phải an toàn”, Trọng cho hay. Chàng trai từng trải qua những ngày là bệnh nhân phải điều trị ở bệnh viện dã chiến thu dung cho rằng, người dân đừng chủ quan, nóng vội với Covid-19.

Anh Nguyễn Hoàng Đại, 31 tuổi, Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự P.2, Q.8, TP.HCM, cũng mong người dân sau ngày 30.9 vẫn tuân thủ nguyên tắc 5K về phòng chống dịch bệnh, luôn nâng cao tinh thần phòng chống dịch, để thành phố nhanh chóng trở lại bình thường.

Diệu Linh, 9X, tình nguyện viên chống dịch ở Thành đoàn TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho hay, cô mong sau ngày 30.9, thành phố sẽ nới lỏng giãn cách ra hơn một chút bởi sau nhiều tháng ở trong nhà, chưa ra đường làm việc được, người dân cũng đã rất khó khăn nên cần được đi làm để có thu nhập. “Song, dù nới lỏng, người dân cũng vẫn phải thực hiện đúng 5K, tuân thủ khoảng cách, khẩu trang, sát khuẩn… nhất là ở nơi công cộng và nơi làm việc”, cô chia sẻ.

TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp - ảnh 2

5K, khi quay về nhịp sống bình thường mới để an toàn cho mình và cộng đồng

ẢNH MINH HỌA BẢO VY

Bác sĩ khuyên gì?

Bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, TP.Thủ Đức, TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho các F0, cho hay trong thời gian qua, các bạn trẻ cả nước cũng như người dân TP.HCM trải qua thời gian giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt nhất của chính phủ, ai ở đâu ở yên đó. Sau ngày 30.9, thành phố có thể nới nới lỏng giãn cách, thực hiện chiến lược sống chung với dịch, mọi hoạt động giao thương hàng hóa, các nhà máy, xí nghiệp nên được hoạt động trở lại. Song, theo bác sĩ Đạt, dù như thế nào, mỗi người dân, mỗi bạn trẻ cần tiếp tục tuân thủ các quy định phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

“Nên đảm bảo cho bản thân đủ hai mũi vắc xin đúng thời gian quy định để đạt nồng độ kháng thể tốt nhất chống lại vi rút. Luôn tuân thủ 5K ở mọi lúc mọi nơi. Không tập trung đông người. Tránh ở những nơi có không gian kín. Khẩu trang đảm bảo chất lượng (ví dụ N95) là một mắt xích quan trọng để ngăn ngừa vi rút xâm nhập vào cơ thể. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang nhưng không đảm bảo chất lượng, không có khả năng phòng chống dịch”, bác sĩ Đạt nhấn mạnh.

TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp - ảnh 3

Nhiều lao động gặp khó khăn sau thời gian giãn cách dài, nhưng vẫn luôn tuân thủ 5K kể cả khi trở về nhịp sống bình thường mới

ẢNH MINH HỌA BẢO VY

Theo bác sĩ Đạt, TP.HCM sau ngày 30.9, người dân cũng đừng quên các thói quen rất quan trọng trong phòng chống dịch bệnh như: sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên khử khuẩn các vật thể, bề mặt tiếp xúc. Không khạc, nhổ, vứt rác khẩu trang bừa bãi. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác.

“Sau ngày 30.9, mỗi người dân TP.HCM đừng quên việc chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng đối với bạn bè, người thân đến lưu trú. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ y tế trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh việc tiêm vắc xin + tuân thủ 5K thì ý thức mỗi người dân trong phòng chống dịch góp phần rất quan trọng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới”, bác sĩ Đạt khuyên.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/tphcm-sau-ngay-309-dung-nong-voi-chen-chan-ngoai-duong-keo-hoi-khong-kip-1453230.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here